Sau hiệp định Paris 1973, binh trạm 13 chúng tôi từ Cánh đồng Chum, từ Bản Ban… theo đường 7 về nước, đóng quân ở Tương Dương, huyện miền núi Nghệ An. Lính tráng được về phép, thao thức suốt đêm, chờ gà gáy là khóac ba lô ra xe binh trạm về ga Si…
Tôi về Hà nội được gặp mẹ vui lắm. Một chiều ở nhà còn được gặp cả nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ - người mà tôi vẫn gọi là chú thân thiết từ tuổi ấu thơ. Chú cũng mới đi học ở Triều Tiên về, tới thăm mẹ tôi. Cũng đã 15 năm… Thấy tôi vốn là một thằng bé còm nhom, nghịch ngợm mà nay đã là một người lính, nhiều năm kinh qua chiến trường, chú mừng lắm. Rồi chú kể tôi nghe những ngày qua chú học ở Triều Tiên thế nào, về nước ước muốn đóng góp ra sao. Chú tâm sự có thể tới đây sẽ về Đoàn ca nhạc dân tộc TW và đoàn đang muốn chú sáng tác một nhạc kịch làm tiết mục cho đoàn. Hiện chú đang rất cần và đang đi tìm một kịch bản văn học để viết…
Những tâm sự của chú làm tôi bỗng thao thức. Khi chú đang cần, đang tìm, tại sao mình lại không cố gắng viết một kịch bản cho chú được nhỉ? Chú là người nhạc sỹ mà mẹ hết sức quý mến, người nhạc sỹ đã giúp mẹ rất nhiều vinh quang vì bài hát Xa khơi. Và bao nhiêu người hằng nâng đỡ, che chở cho chính mình trên những chặng đường đời, và ngay cả ở những nơi bom đạn, chẳng phải vì mình là con trai người ca sỹ hát bài Xa khơi của chú hay sao?
...Và thế là đêm ấy tôi đã thức trọn để viết – mà không thể nào khác, vì hôm sau tôi đã phải trở về đơn vị. Cứ thấy văng vẳng bên tai bài hát Lời ca gửi noọng năm xưa chú gửi về từ một triền núi cao Hà giang: “Xuân về đời tươi thắm noọng ơi ”. Hãy bắt đầu từ đây, một buổi sáng mùa xuân tươi đẹp, có một chàng trai Mèo là Tráng A Lừ được giấy gọi lên đường nhập ngũ đi bảo vệ Tổ quốc. Với một niềm xúc động chứa chan, chàng qua nương qua rẫy, vượt núi vượt đèo đi tìm cô gái chàng yêu Thào Thị Mỵ “Ta đi tìm một nàng mắt như chim chớ chúa/ Chim chớ chúa mắt sáng như chim nhạn/ Ta đi tim một nàng mắt như chim chớ chỉ/ Chim chớ chỉ bay lượn giữa tầng không”. Tôi đặt tên cho kịch bản là Mùa xuân tìm gặp người yêu…
...Cho đến rạng sáng thì kịch bản hòan thành. Tôi chạy vội đến nhà chú Nguyễn Tài Tuệ. Thấy mới sáng tinh mơ đã có người đến gõ cửa, chú cũng có chút ngỡ ngàng. Tôi nói với chú: Đây là một kịch bản cháu mới viết xong đêm qua. Cháu gửi chú nhé. Dùng hay không dùng cũng không sao chú ạ. Cháu viết chỉ để tặng chú, cháu viết chỉ vì tình cảm với chú mà thôi. Còn bây giờ cháu phải ra ga, cháu phải trở về đơn vị gấp để lại vào miền Nam chiến đấu…
Hơn nửa năm sau, tôi lại có đợt ra Hà Nội công tác. Khi kết thúc, tôi đưa thằng Chính, thằng Lập ra ga Hàng cỏ để tiễn chúng nó về đơn vị trước. Vì tàu muộn đến 11 giờ đêm mới có, uống nước trà mãi cũng xót ruột, tôi rủ ra Nhà hát nhân dân gần đấy xem biểu diễn. May sao đêm ấy sáng đèn, có Đoàn ca múa nhạc dân tộc Trung ương biểu diễn, liền vét túi mua ngay ba vé vào xem. Khi cánh màn nhung mở ra, ánh sáng lung linh, tiếng đàn tiếng sáo réo rắt, những nghệ sỹ tên tuổi như Kiều Hưng, Thu Hiền, Mạnh Hà, Bích Liên, Đinh Thìn, Xuân Hoạch… tưởng chỉ được gặp trong mơ bỗng đứng ngay trước mặt, thằng Chính thằng Lập hoa cả mắt, sung sướng miên man... Bất ngờ hơn là ở khúc giữa, sau màn giải lao, cô MC bước ra trân trọng giới thiệu phần hai chương trình là nhạc cảnh Mùa xuân lên nương mùa xuân lên đường, sáng tác âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ; kịch bản của Lê Khánh Hoài và Nguyễn tài Tuệ, với các diễn viên (hồi đó nghệ sỹ chỉ khiêm tốn gọi là diễn viên) Mạnh Hà trong vai Tráng A Lừ, Thu Hiền trong vai Thào Thị Mỵ, cùng toàn thể diển viên của đoàn biểu diễn… Tôi như lặng đi. Có nghe nhầm, nói nhầm không đây? Thằng Chính và thằng Lập cứng cả người, bàng hoàng nhìn tôi… Chúng nó không thể tin nổi. Chúng nó cũng nghi ngờ hay ai đó trùng tên, chứ làm sao một thắng lính ở một binh trạm xa xôi như tôi lại có tác phẩm được TW biểu diễn thế này, lại do toàn những nghệ sỹ lừng danh biểu diễn thế này... Thằng Chính thì trừng trừng nhìn tôi như thằng bị ngộ, còn thằng Lập thì đầy nghi ngờ: - Này, hỏi thật nhé, có phải đúng là của mày thật không? - Của tao chứ còn của ai nữa. Tôi quả quyết với chúng nó, vì chính những câu hát này, chính câu chuyện đang diễn ra trên sận khấu kia mình đã viết trong một đêm trước ngày ra trận “Ta đi tìm một nàng đẹp như chim chớ chúa/ Chim chớ chúa mắt sáng như chim nhạn/ Ta đi tim một nàng mắt như chim chớ chỉ/ Chim chớ chỉ bay lượn giữa tầng không…”. - Thế nhưng sao mày không ký là Châu La Việt mà lại ký là Lê Khánh Hoài? - Ừ, tao chỉ định viết để tặng chú Nguyễn Tài Tuệ mà thôi, nên cũng chẳng ký tên làm gì. Viết xong tao chạy đến nhà trao vội cho chú rồi ra ga về ngay đơn vị. Chắc khi dàn dựng, chú ký tên tao là Lê Khánh Hoài vì chú chỉ biết mỗi tên ấy mẹ tao thường gọi từ hồi nhỏ mà thôi…
Thằng Lập càng xem càng sướng, nó nói như reo lên: - Bây giờ tao chỉ muốn thét to lên cho cả binh trạm nghe thấy, là Binh trạm mình có thằng Hoài có nhạc kịch diễn ngay giữa thủ đô đây này…
Sáng hôm sau, tôi khoác ba lô về chào mẹ tôi để lại vào mặt trận. Mẹ bỗng đưa tôi một chiếc phong bì: - Tuần trước chú Tài Tuệ có đến nhờ gửi cho con đây. Tôi ngạc nhiên hỏi: - Cái gì thế hả mẹ? Mẹ bảo: - Chú Tuệ nói đây là tiền nhuận bút của Đoàn ca múa nhạc dân tộc gủi cho con, là tác giả kịch bản Nhạc cảnh Mùa xuân lên nương. Tôi xúc động: - Đêm qua con cũng vừa đi xem mẹ ạ. Con có mời mấy đồng đội của con đi xem, chúng nó thích lắm và chẳng đứa nào tin là kịch bản của con viết cả! Mẹ cho con gửi lời cám ơn chú Tuệ mẹ nhé. Thật sự kịch bản này con viết chỉ vì lòng biết ơn chú đã có một Xa khơi cho mẹ hát mà thôi…
Mở phong bì ra, thấy có đến 50 đồng tiền thù lao. Ngày ấy số tiền này là rất lớn, nhất là đối với một người lính như tôi, phụ cấp chỉ 5 đồng một tháng. Tôi lấy ra một đồng rồi đưa lại tất cả cho mẹ: - Mẹ ơi, con chỉ xin lại 1 đồng để mua vé tàu về đơn vị thôi, đêm qua con mua vé cho chúng nó xem biểu diễn hết cả tiền rồi. Còn số tiền còn lại này con biếu mẹ để mẹ may một chiếc áo dài mới mặc biểu diễn mẹ nhé. Nếu chưa hết, mẹ mua hai chiếc áo ấm cho em Châu và Như, nói anh Hoài gửi tặng. Mùa đông cũng sắp đến rồi mẹ ạ…
Mẹ chưa kịp nói gì, tôi đã vội đẩy cửa ra đi, dù thật lòng là tôi cũng có thể ngồi thêm với mẹ chút nữa. Nhưng tôi sợ mẹ sẽ đổi ý, không chịu nhận món quà nhỏ của mình...
Xuống cầu thang, ra tới mãi ngoài sân khu tập thể Nam Đồng, ngước nhìn lên vẫn thấy mẹ tôi đứng bên cửa sổ, thẫn thờ nhìn theo…
Rất nhiều năm tháng sau, vì tôi ở TPHCM và ít có dịp ra Hà nội, nên gần đây tôi mới được gặp lại chú Nguyễn Tài Tuệ trong một Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu. Chú nhìn tôi vẫn rất ấm áp như xưa: "Hoài bây giờ khác quá". Tôi xúc động nói với chú: "Thưa chú, dù vậy nhưng có một điều không bao giờ đổi khác trong cháu, là tình yêu và lòng biết ơn mãi mãi với chú, với bài hát Xa khơi bất hủ ...."
Triệu Phong
Link nội dung: //revcat.net/nhac-sy-viet-bai-hat-xa-khoi-bat-hu-a22263.html