Sách dày 468 trang khổ 16x24, in 3000 bản, được phát hành trên cả nước từ tháng 11/2023.
Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ: “Tôi mong rằng mỗi người làm báo chúng ta đều đọc PHÓNG VIÊN CHIẾN TRƯỜNG của nhà báo kỳ cựu Trần Mai Hưởng ít nhất một lần. Và tôi cũng mong rằng cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng để bạn bè năm châu hiểu hơn về con người và Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Là một nhà báo nghỉ hưu đã 20 năm, nhưng tôi cũng muốn đọc ít nhất một lần quyển sách mới này của người đồng nghiệp tài năng và nhiệt huyết từng quen thân trong mấy chục năm qua. Và tôi đã đọc liền trong ba ngày hết 468 trang sách để có trải nghiệm về sự hấp dẫn, sức cuốn hút của tác phẩm.
Tròn 16 tuổi, Trần Mai Hưởng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ 10 năm, anh vào học lớp phóng viên Khóa 8 của VNTTX. 19 tuổi, đúng ra vẫn đang là phóng viên tập sự ở Phân xã Hà Tây, anh được điều thẳng vào tuyến lửa Quảng Bình-Vĩnh linh -Quảng Trị và ở đó anh đã trải qua những năm tháng cực kỳ cam go, gian khổ, ác liệt. Ngoài 20 tuổi anh trở thành phóng viên chiến trường từng trải, có ý chí và quyết tầm theo nghề, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, được lãnh đạo tin tưởng bố trí trong tổ mũi nhọn đi theo các đoàn quân tiến vào giải phóng Huế, Đà Nẵng và lần lượt các tỉnh nam Trung bộ. Cơ duyên đó đưa đến việc anh có mặt tại Sài gòn đúng lúc và chớp thời cơ chụp được bức ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử, sau đó anh có nhiều bài viết kịp thời, thông tin nhanh nhạy, có sức lan tỏa, được đánh giá cao.
26-27 tuổi Trần Mai Hưởng được huy động đi làm nhiệm vụ ở chiến trường Campuchia, tiếp đó anh có mặt ở các điểm nóng trên tuyến biên giới phía bắc trong cuộc chiến đấu chống quânTrung Quốc xâm lược.
Anh đã viết về những trải nghiệm chiến trường nhiều khi cận kề cái chết trên cơ sở của một trí nhớ tuyệt vời, có sự hỗ trợ đắc lực của những tư liệu ghi chép đầy đủ, chi tiết đến từng tên người, tên núi, tên sông, đường làng, ngõ xóm. Văn hồi ký, kể chuyện của tác giả không hề khô khan, công thức, rập khuôn, trái lại luôn uyển chuyển, mượt mà, giàu cảm xúc, dễ lay động lòng người.
Trần Mai Hưởng là một trong không nhiều nhà báo có làm thơ, ấy là nói theo cách khiêm tốn mà anh tự nhận, nên sau mỗi trường đoạn hồi tưởng, mô tả các sự kiện theo diễn biến thời gian, anh đều đúc kết bằng một áng thơ để chuyển tải cảm xúc, suy tư, liên tưởng của mình.
Có lẽ đó là nét độc đáo, riêng có trong “Hồi ký Phóng viên chiến trường”.
Nhưng đấy mới là một nửa cuốn sách: Phần còn lại là trên những nẻo đường hòa bình. Hòa bình, tác giả có điều kiện cùng một số bạn bè đi dọc bờ Đông nước Mỹ, từ New York xuống Florida, ra tận đảo cực nam Key West và khi quay về ngược lên đến thành phố Boston của bang Massachusetts, nơi có Đại học Harvard lừng danh và khách sạn Omni Parker House nổi tiếng mà Bác Hồ từng làm việc hồi đầu thế kỷ 20. Anh còn một mình đi xuyên từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, theo một chuyến hành trình bằng xe buýt giá bình dân từ New York đến Los Angeles để có thể trực tiếp chứng kiến và cảm nhận về cuộc sống của cư dân Little Sài Gòn, nơi được coi là thủ phủ của người Việt ở bắc Mỹ. Anh cũng có dịp đi nhiều nơi khác từ châu Âu sang Nam Mỹ, qua Cuba, Venezuela đến thăm vùng sông Băng xứ sở Tango, viết “Lưu bút ở nam Cực” (tên một bài thơ của TMH) và đến tận mũi Hảo vọng ở châu Phi…v..v…
Ở trong nước, anh đi hầu khắp dải đất hình chữ S, từ Bắc xuông Nam, từ Đông sang Tây, từ Lũng Cú xuống Năm Căn, từ“Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước ", Từ Tây Nguyên đến các hải đảo… tìm lại những dấu xưa, người cũ, nói chuyện với em bé H’Mông ở Sapa, thăm hỏi cụ già ở U minh thượng, uống rượu ở nơi một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe…Anh đi không chỉ để vui chơi mà là để quan sát, tìm hiểu, suy ngẫm và chiêm nghiệm…
Trần Mai Hưởng là một nhà báo năng động, nhạy bén, đi nhiều, viết khỏe, viết nhanh và chụp ảnh tốt. Anh đi lên từ vị trí của một phóng viên bình thường như tất cả mọi người khác, tự học ngoại ngữ, kiên trì trau dồi kiến thức, không ngừng cập nhật, nâng cao trình độ qua các trường lớp ở trong nước và ở nước ngoài; làm phó rồi làm trưởng một đơn vị trong cơ quan cho đến khi trở thành Tổng Giám đốc TTXVN, anh luôn hết mình vì công việc, khiêm tốn, giản dị, hòa đồng. Kết thúc tập hồi ký, Trần Mai Hưởng chốt lại bằng những lời tâm sự: “Tôi đã nhận được nhiều may mắn và ơn nghĩa từ cuộc sống này. Những gì tôi làm được rất khiêm tốn và không khỏi có những nuối tiếc khi nhìn lại những năm tháng đã qua…Nhưng đời người chỉ sống có một lần. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã sống một cuộc sống như vậy và nếu như có thể lựa chọn lại, tôi vẫn xin làm một người làm báo để ca ngợi những điều tốt đẹp của con người và cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình”.
Phạm Đình Lợi
Link nội dung: //revcat.net/nha-bao-tran-mai-huong-tren-nhung-neo-duong-chien-tranh-va-hoa-binh-a22044.html