Đổi mới nội dung hoạt động
Phát biểu tại phiên làm việc thứ nhất, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn so với dự báo.
Tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, trong đó có việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn. Trong bối cảnh đó, với quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần năng động, sáng tạo, vì đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Trong những ngày này, hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước đang hướng về Đại hội, gửi trọn niềm tin và đặt kỳ vọng vào những quyết định sáng suốt của Đại hội. Chủ tịch Tổng liên đoàn đề nghị mỗi đại biểu tập trung trí tuệ với tất cả tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất nội dung, chương trình, quy chế Đại hội, góp phần vào thành công của Đại hội.
Chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động
Thay mặt Đoàn chủ tịch, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đọc báo cáo đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua, công đoàn các cấp cũng đã tổ chức thành công Đại hội Công đoàn. Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ XII cho thấy nhiệm kỳ qua, tổ chức Công đoàn đã đạt được những thành tựu nổi bật là thành tích trong thương lượng về tiền lương. 5 năm qua, công đoàn đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở; có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.
Hoạt động tư vấn pháp luật được đẩy mạnh với hơn 330.000 vụ tư vấn cho hơn 1,1 triệu lượt đoàn viên, người lao động; tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho 12.369 người...
Bên cạnh đó, công đoàn cũng có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Có thể kể đến như chăm lo lao động dịch COVID-19; chăm lo cho hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp "Tết Sum vầy" với trên 28 nghìn tỷ đồng; tổ chức hỗ trợ "Mái ấm Công đoàn" hỗ trợ hơn 14 nghìn người lao động xây dựng, sửa chữa với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng cùng hàng vạn ngôi "nhà tình nghĩa", "nhà đại đoàn kết".
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Phiên trọng thể diễn ra vào ngày mai (2/12). Tại phiên trọng thể, Đại hội sẽ mời các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu chỉ đạo Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Xuân Cường
Link nội dung: //revcat.net/dai-hoi-xiii-cong-doan-viet-nam-ky-vong-mang-lai-loi-ich-thiet-thuc-cho-nguoi-lao-dong-a22015.html