Chùa Vô Vi cách trung tâm thủ đô khoảng chừng hai mươi lăm cây số theo đường chim bay, nếu đi theo đại lộ Thăng Long đến đoạn đê tả Đáy ở Song Phương - An Thượng (Hoài Đức) thì rẽ trái đi về phía tỉnh lộ 72 qua Vân Côn (Hoài Đức) rồi qua sông đến địa phận huyện Quốc Oai, tiếp tục xuôi theo đê hữu Đáy để sang huyện Chương Mỹ, đi qua đình So, chùa Trăm Gian đến thôn Long Châu thuộc xã Phụng Châu là đến cụm di tích núi Trầm, nơi có chùa Vô Vi rêu phong, bình yên, lặng lẽ gác mình trên đỉnh núi.
Người ta kể rằng, ngôi chùa Vô Vi có từ thế kỷ thứ X, năm 968. Khi ấy đất nước vừa trải qua hai mươi tư năm nội chiến huynh đệ tương tàn và được kết thúc bằng sự kiện Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn và lập ra nhà Đinh. Sau sự kiện đó có một thủ lĩnh thuộc mười hai sứ quân đã tìm về Long Châu mai danh ẩn tích, dựng chùa bên núi và đêm ngày chuyên tâm học phật. Kể từ khi đó cho đến ngày nay, bên cạnh “tứ đại danh thắng của xứ Đoài” (chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trầm), Long Châu có thêm Vô Vi tự, một ngôi chùa khá độc đáo nằm trên núi Vô Vi, trong lòng “cao nguyên đá” Hà Nội - quần thể núi đá vôi Tử Trầm được ví là “cao nguyên đá” thu nhỏ, một nơi dã ngoại cuối tuần của người dân Thủ đô. Và, không phải chỉ có bây giờ vùng non xanh nước biếc Long Châu mới nổi tiếng mà ngay từ thời vua Lê, chúa Trịnh vùng “cao nguyên đá” thu nhỏ ấy cũng từng là một hành cung rất được vua yêu chúa mến.
Núi Vô Vi nằm trong quần thể núi Tử Trầm. Núi Tử Trầm không lớn lắm nhưng địa hình rất đẹp, có nhiều hang và những hình đá sống động, dài khoảng một cây số gồm năm ngọn núi nhỏ, cao khoảng hơn bốn trăm mét. Truyền thuyết kể rằng từ thời thượng cổ có một ngôi sao sáng nhất trên thiên đình tên là Tử Vi Tinh rơi xuống dải đất ven sông Đáy ở Long Châu thì hóa thành năm con chim phượng hoàng nhô đầu lên trời xanh rồi biến thành năm ngọn núi. Đó chính là năm đỉnh thạch sơn: Vô Vi, Bút, Trầm, Trạo, Bụt. Bởi thế quần thể núi Trầm còn có tên gọi khác là Ngũ Nhạc Sơn. Núi Ngũ Nhạc tức núi Tử Trầm sừng sững, quấn quýt với nhau giữa những xóm làng san sát, bên những đồng lúa, bãi bờ mênh mông xanh biếc và lại được dòng sông Đáy mềm mại như một dải lụa uốn lượn bên mình để tạo nên một cảnh quan vô cùng đắc địa, linh thiêng và cũng rất mực trữ tình với nước biếc non xanh mộng mơ quyến rũ, mê hoặc lòng người. Chẳng thế mà đương thời vua Lê Chiêu Tông từng cho dựng một hành cung ở Long Châu và cho người đào sông, khai suối, làm hồ quanh chân núi Tử Trầm để dong thuyền du ngoạn mỗi khi nhàn rỗi. Không những được vua Lê yêu mến, chúa Trịnh Sâm sau này cũng từng nói với mọi người rằng: “Ta thích chỗ này, núi không cao mà đẹp. Nước không sâu mà trong”. Và cái dấu ấn một thủa từng làm nơi ăn chơi của các đời vua Lê chúa Trịnh ở vùng núi Tử Trầm còn được Phạm Đình Hổ ghi lại trong tác phẩm “Vũ trung tùy bút” như sau: “Thịnh Vương thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các li cung trên Hồ Tây, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy”. Thế đấy, núi Tử Trầm quả là vang lừng danh tiếng.
Trăm năm dâu bể, chùa Trầm của tiền nhân đã nát, phải phục dựng lại; cung Lê xưa cũng đã phôi pha, bại hoại chỉ còn Vô Vi u tịch với non xanh và ngày càng trở thành ngôi già lam cổ tự nhuốm màu theo năm tháng, chênh vênh giữa đất trời mênh mang tĩnh mịch tựa như hư không, thoảng vương hương đại mà dẫn dụ những bước chân ưa tiêu dao lạc thú tìm về. Tương truyền thời Tiền Lê chùa còn nằm dưới chân núi có tên gọi là Phúc Trù đến thời Trần chùa được rời lên lưng núi mang tên Trai Tinh. Rồi đến năm Hồng Thuận (1514) thời Hậu Lê chùa lại được đưa lên đỉnh núi gọi lại bằng tên cũ là Vô Vi và an yên chốn ấy cho đến bây giờ.
Muốn lên chùa Vô Vi vãn cảnh chúng ta phải bước qua cổng chùa nằm dưới chân núi, ngay sát bên cung đường uốn lượn dẫn lối vào chùa Trầm, chùa Hang. Chiếc cổng cũ kỹ nhuộm màu thời gian; giản dị, nhỏ bé tương xứng với trái núi và ngôi chùa, cùng đứng song hành với bức tường xây bằng đá cũng đã rêu phong. Phía trên vòm cổng, bên ngoài có đắp nổi ba chữ tên chùa “Vô Vi Tự”. Bước qua cổng chùa cổ kính nép mình dưới chân núi có một con đường nhỏ với những bậc thang được kê bằng đá bắt mạch vữa cũng đã nhuốm màu sương gió để dẫn lên nhà tổ, chùa Vô Vi, lầu nghênh phong và mái đá treo chuông. Từ cổng chùa đi qua khoảng hơn hai chục bậc đá là đến nhà tổ. Nhà tổ cũng bé nhỏ đơn sơ. Đi tiếp qua nhà tổ sẽ lên chùa Vô Vi. Con đường dẫn lên chùa cũng làm bằng các bậc đá, xếp gập ghềnh và không thẳng lối, khá quanh co, càng lên cao càng đường càng hẹp và càng dốc với khoảng hơn một trăm bậc. Dọc hai bên đường lên chùa Vô Vi bốn mùa xanh rợp bóng cây cổ thụ xen lẫn những cây đại có tuổi đời dễ cũng vài trăm tuổi. Những cổ thụ xòe tán, thả những bộ rễ vừa buông rủ rậm rạm vừa bám sâu vào trong từng kẽ đá khiến cho khung cảnh thêm nhuốm màu cổ tích lung linh.
Vãng cảnh chùa Vô Vi ta sẽ nhận thấy đây là ngôi chùa rất đặc biệt. Sự đặc biệt ấy không phải chỉ là cái thế nằm chênh vênh trên vách núi mà ở cái quy mô và số lượng tượng phật của chùa không hoành tráng hay với lối kiến trúc không thường thấy theo truyền thống của chùa Việt. Chùa chỉ khiêm tốn với một gian duy nhất rộng chừng mười mét vuông lợp ngói mũi hài trên những cây cột bằng đá đỡ các vì kèo, hàng xà bằng gỗ rất đơn giản. Trong chùa chỉ có vài pho tượng gồm ban Tam bảo, tượng phật, tượng thánh và hai vị hộ pháp. Những pho tượng bình dị, nhỏ bé, không phô trương và cũng phai màu thời gian. Bên hông chùa, phía tay phải có một lối nhỏ với vài bậc thang đá đi lên phía đỉnh núi là lầu nghênh phong (đón gió). Lầu nghênh phong hình vuông bốn mái, trên cũng lợp ngói mũi hài, dưới có khá nhiều cột đá đỡ các vì kèo và xà gỗ; lầu không có tường, bốn bề thông thoáng cho gió tự do ra vào. Có lẽ đây vừa là nơi ngồi hóng mát vừa là nơi thiền định của các cao tăng. Điểm đặc biệt trên nóc mái của lầu nghênh phong có gắn bát quái với hình tượng âm dương Lạc Việt. Hình âm dương Lạc Việt - chỉ một chi tiết nhỏ này thôi chúng ta cũng có thể nhận ra tư duy và ý thức gowin99 dân tộc của chủ nhân ngôi chùa thời xưa. Đồng thời nó cũng cho thấy sự giao thoa của Nho – Phật – Lão ở nơi cửa thiền Vô Vi. Rồi từ lầu nghênh phong, ta leo tiếp khoảng chục bậc đá là lên đến đỉnh núi có một vòm đá chìa ra che đủ một quả chuông nhỏ treo ở phía bên dưới. Quả chuông nhỏ này được đúc vào năm 1814 là một cổ vật còn lưu giữ được của chùa. Và trên vách núi bên chùa hiện vẫn còn bài thơ “Trùng phỏng Vô Vi tự” (Thăm lại chùa Vô Vi) của Trần Văn Tăng, một vị tướng gác kiếm xuất gia và cũng là người khởi xướng làm chùa Vô Vi trên núi, được chạm khắc để lưu gửi vào trong đá. Nguyên văn bài thơ như sau: “Sơn động chi bằng Vô Vi tự/ Thùy kỳ tạo chi, thiền sư đạo sĩ/ Bên này Thiên Trúc, nọ Bồng Lai/ Đem cảnh thanh u đặt giữa trời/ Trang điểm đã nhờ ơn đạo sĩ/ Độ trì còn đội Đức Như Lai/ Mượn nền đá phẳng đề dăm vận/ Sẵn quả chuông kêu đấm mấy hồi/ Cảnh vi mến người, người lại lại/ Đã vô vi khéo cũng lôi thôi”.
Ngồi trên bậc đá nơi gác chuông hay hóng mát trong lầu nghênh phong ta sẽ được tận hưởng một bầu không khí vô cùng trong lành và thoáng đãng cùng những làn gió tươi mát của đất trời dâng hiến. Trong buổi chiều thu, nhìn ra bốn phương ta sẽ thấy phong cảnh làng quê thật yên bình với những cánh cò chao liệng trên những ao, đầm hay cánh đồng xanh biếc. Phóng tầm nhìn ra xa ta sẽ thấy sông Đáy hiền hòa uốn khúc theo những bãi bờ phì nhiêu biêng biếc bắp lay. Nhưng có lẽ thích thú nhất vẫn là được tận hưởng cái cảm giác tĩnh lặng của tạo vật khi đăng sơn trong thoang thoảng hương trầm và thánh thót tiếng chim chuyền cành trên những tán đại xanh cành đang rung rinh trong làn gió thoảng như thể dẫn đường đưa lối người chơi vào một không gian tĩnh mịch của bóng chiều tà dương mờ mờ hư ảo, như thể nửa có nửa không làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thư thái. Bao nhiêu mệt mỏi, ưu phiền của bụi đời hẳn sẽ không còn vương bận. Bỗng chốc những mệt mỏi đều tan biến cùng hư không. Cái cảm giác ấy hẳn chỉ đến một lần nhưng khiến ta sẽ còn nhớ mãi. Và cũng chính cái cảm giác ấy lại làm ta nhớ đến hai câu thơ của Bác Hồ được người ứng khẩu hồi đầu xuân Đinh Hợi (1947) khi người về đây cùng Đài Tiếng Nói Việt Nam trước khi rút lên chiến khu Việt Bắc: “Cao sơn hữu ý thiên niên bút/ Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm”. Dịch nghĩa: “Núi cao có ý như cây bút ngàn năm/ Nước chảy không nghe tiếng nhưng lại là cây đàn muôn thuở”. Hai câu thơ không chỉ thể hiện được cái tiên phong đạo cốt, ung dung tự tại của Bác mà còn cho thấy cái vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của danh thắng Vô Vi san. Tiên cảnh như thế sao có thể cấm người ta không được mến mộ, yêu thích được!
Từ đỉnh núi Vô Vi thong dong tản bước xuống chân núi trong ánh hoàng hôn, bất chợt ta nghe trong hơi thu từng hồi chuông ngân vang với những thanh âm trầm bổng, du dương nhẹ nhàng lan tỏa vào thinh không tựa như vòng sóng loang trên mặt nước khiến tâm hồn không khỏi có cái cảm giấc bâng khuâng, xao xuyến. Tiếng chuông chùa ngân vọng trong buổi chiều hôm như thể giục giã cánh chim bay gấp gấp tìm về nơi tổ ấm nhưng cũng như thể khuyên nhủ, nhắc bảo mọi người hãy gác lại những ưu phiên để không phải ngẫm nghĩ cho vơi nhẹ cõi lòng mà tắm gội cho thân tâm trong sạch. Những tiếng chuông đều đặn, chậm dãi, nhỏ dần nhưng kéo dài tưởng như không dứt vọng về từ vách núi và thấm sâu vào cõi lòng khiến người nghe không khỏi thức dậy trong lòng cái vô ngã mà buông bỏ những tham, ái, hận thù … Phải chăng cái âm hưởng vang vọng của tiếng chuông ngân và không gian tịch mịch huyền ảo của ngọn núi mà người ta liên tưởng tới “vô vi” để gọi tên chùa? Cứ thế, hoàng hôn buông xuống nhẹ nhàng trong chiều thu huyền ảo, trong trạng thái “vô vi” của lòng người nên dù chẳng phải là Hương Sơn nhưng tự dưng trong ta lại thấy vẳng lên những câu thơ với tiếng chày kình vọng về của Chu Mạnh Trinh: “Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái/ Lững lờ Khe Yến, cá nghe kinh. Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng” (Hương Sơn phong cảnh ca). Tiếng chuông chiều nơi tiên cảnh như vậy nên bảo sao hồn người chẳng nhẹ nhàng, thanh thoát đến diệu kỳ.
Hơn một ngàn năm đã đi qua, từng là chứng nhân lịch sử của kinh thành Thanh Long với biết bao cơn binh biến, ngôi chùa Vô Vi hẳn đã có không ít lần đổi thay nhưng dường như cái cốt cách, tinh thần tĩnh lặng, giản dị, khiêm nhường, dịu dàng, nhỏ nhẹ, lánh trần thì vẫn giữ được nguyên vẹn như thủa ban sơ. Có lẽ cái cốt cách, tinh thần ấy như thể vẫn còn phảng phất phong vị của tiền nhân khi đưa chùa lên núi và quyết tâm gác kiếm, từ bỏ mọi danh lợi của trần gian để tìm về bên núi gõ mõ, tụng kinh, theo phật mà tìm đến lạc thú cùng mây trời non nước. Phong cảnh núi non, chùa chiền Vô Vi là vậy. Ta hãy đến đó, dù chỉ một lần, để thả hồn vào mây trời và tận hưởng lạc thú tiêu dao.
________________________________________
*Trung tâm GDNN-GDTX Hoài Đức
Phan Anh*
Link nội dung: //revcat.net/mot-thoang-chua-vo-vi-a21946.html