Bao nhiêu năm rồi, có lẽ mọi người và chính tôi cũng chẳng nhớ khi các thương lái quèn của chúng ta bị ách tắc hàng ở cửa khẩu biên giới phía Bắc của người hàng xóm: “núi liền núi sông liền sông”. Cứ mỗi khi nông sản đến mùa thu hoạch, thương lái Việt ở miền Trung Trung bộ và miền Nam lại oằn mình bởi hàng mấy nghìn chuyến xe container nằm la liệt ở cửa khẩu biên giới phía Bắc với hàng mấy trăm nghìn tấn hàng hoá và hoa quả các loại. Lý do tạm dừng nhập khẩu qua biên giới hầu như năm nào cũng diễn ra, khiến cho các loại sản phẩm của bà con nông dân các tỉnh phía Nam trở thành rác thải vùng biên ải. Năm nào bà con cũng phải rơi lệ khi nhìn hàng mấy trăm nghìn tấn hoa quả được coi là đặc sản: sầu riêng, thanh long, dưa hấu, dứa… đang dần thối rữa mà không thể làm gì. Những chiến dịch giải cứu các loại hàng hoá này đã thành thông lệ; nhưng sức mua của dân ta cũng chỉ có hạn. Nhiều nơi nông dân phải cho trâu bò xơi những quả dưa hấu căng mọng thay cho cỏ, bởi có đóng hàng đi, thì vừa tốn tiền vận chuyển, lại tốn tiền cho việc tiêu huỷ khi khách hàng phía bên kia biên giới không chịu nhập về.
Năm nay (2021), hàng mấy nghìn chuyến xe container nông sản đang ùn tắc khắp mọi cửa khẩu của các tình biên giới phía Bắc. Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma tính đến sáng ngày 27/12 là 3.992 xe. Tổng lượng xe tồn tại thành phố Móng Cái tính đến sáng 25/12 là 1.555 xe. Hiện nay, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tạm ngừng hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa. Theo ước tính, mỗi xe container này chở hàng có giá trị tầm 500 triệu, thì con số thiệt hại của bà con tiểu thương và nông dân các tỉnh phía Nam lớn đến chừng nào? Trong tình hình dịch bệnh bùng phát liên miên, đời sống của người dân càng thêm điêu đứng vì sự thắt chặt nhập khẩu từ phía Trung Quốc; nói gì đến phát triển kinh tế?
Điệp khúc kiểm soát chặt chẽ biên giới liên tục diễn ra, kéo dài bao năm nay; cần các Bộ, ngành chủ quản phối kết hợp chặt chẽ với nông dân các tỉnh phía Nam trong việc xây dựng kế hoạch gieo trồng và xuất khẩu ra nước ngoài. Chúng ta cần đa dạng hoá thị trường tiêu thụ, chứ không thể cứ tìm mỗi anh khách hàng xóm; để mỗi khi thị trường bên kia biên giới dừng nhập khẩu là ùn tắc hàng hoá khiến cho người dân mất trắng. Cũng không thể cứ để mặc nông dân vay vốn ngân hàng tự gieo trồng, rồi lại tự tìm thị trường tiêu thụ, các tiểu thương tự phát liên kết với nhau gom và đóng hàng đưa đi tiêu thụ. Các Bộ chủ quản mang trách nhiệm nên vào cuộc rốt ráo với nông dân, chứ không phải cứ thống kê tính đếm để báo cáo số liệu, thành tích. Khi không thể tiêu thụ thì đổ lỗi kiểu như phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Công thương mới đây: “Nông sản Việt Nam phần lớn xuất khẩu theo tiểu ngạch, không theo quy hoạch, không đạt tiêu chí, tiêu chuẩn để xuất chính ngạch”. Ông Bộ trưởng còn “đề nghị các địa phương cần coi việc tiêu thụ nông sản không phải là "giải cứu" mà là trách nhiệm của mình. Đề nghị các địa phương hiệp hội, doanh nghiệp khẩn trương chuyển đổi phương thức sản xuất theo quy hoạch, phải có kế hoạch. Đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn truy xuất hàng hóa tránh ngẫu hứng”. Thiết nghĩ, các Bộ ngành có liên quan cần có trách nhiệm xử lý tốt vấn đề đầu vào – đầu ra cho nông nghiệp chứ không phải đùn đẩy, né tránh; rồi còn yêu cầu dân phải có trách nhiệm mua hàng kiểu thời bao cấp. Thậm chí khi ách tắc trên biên giới thì phải để Bộ trưởng Ngoại giao hay Phó Thủ tướng, thậm chí Thủ tướng vào cuộc như hiện nay.
Nhìn hơn 5000 xe container kẹt cứng trên vùng biên ải mà thấy xót xa cho cảnh ngộ nông dân xứ Việt! Của ăn chẳng có, vậy mà đem lên biên giới để rồi đổ bỏ và khóc thầm khi rơi vào cảnh nợ nần!
30/12/2021 - NHN
______________________
*Hội VHNT Trường Sơn
Nguyễn Hoàng Nguyên*
Link nội dung: //revcat.net/diep-khuc-tac-hang-bien-gioi-noi-kho-cua-tu-thuong-quen-dat-viet-a21660.html