Hả, ông bà nói gì – Không chấp nhận sao? Nhờ đâu có nhà cao cửa rộng, con trai ăn trắng mặc trơn, một bước lên ông, cháu ông bà thoát được cửa tử mà vỗ tuột công lao con này á, chúng mày đâu - đi thuê cho tao cái máy ủi, tao san phẳng cái nhà này thử xem chấp nhận hay không chấp nhận.
Giữa trưa hè vắng vẻ, bà con chòm xóm còn đang ngái ngủ bỗng có tiếng gào thét ầm ĩ bên nhà bà Tuyến, họ rầm rập kéo tới xem thì thấy từ miệng một ả gái tuổi ngoài 60 mặt trét bự son phấn, cặp mắt xếch ngược đang lồng lộn thốt ra những từ thô tục đe doạ. Còn cậu Tuyên con trai ông bà Tuyến thản nhiên đứng nhìn bố mẹ mặt tái mét, run rẩy vì sợ hãi van vỉ ả kia:
- Thôi chị bớt giận tha cho chúng tôi, chị cứ giữ danh phận làm chị nuôi nó rồi làm người thân nhà chúng tôi cũng được chứ sao, con trai tôi đã có vợ con rồi, tuổi chị cũng hơn nó nhiều quá làm vợ nó sao đặng, bắt nó bỏ vợ, chúng tôi đuổi con dâu đi chẳng là thất đức lắm sao, chị ơi… Chị thương chúng tôi..
- Thương các người, vậy ai thương tôi. Chấp nhận tôi làm dâu con thì tôi mới có danh phận, mới cho con trai ông bà một cuộc sống sung sướng, ông bà và các cháu cũng được hưởng lây, vậy bảo nhau lựa chọn đi không tuần sau tôi sẽ cho người về dỡ nhà, đào móng nhà các người lên rồi kéo chùm ra đê mà ở.
Nói xong ả quay quả leo lên xe, cậu cả Tuyên cun cút chạy theo rồ ga phóng đi.
À – Vậy là ả này về đòi làm con dâu nhà ông bà Tuyến, làm vợ thằng cả Tuyên đây – Tưởng chuyện gì … Làng xóm xôn xao bàn tán.
Chuyện là, một ngày cậu cả Tuyên làm phu hồ trên thành phố dắt theo một người phụ nữ luống tuổi ăn vận lố lăng kệch cỡm như gái xuân thì về giới thiệu đó là chị nuôi, chị ý là chủ công trình nơi Tuyên đang làm thuê, nghe nói chị tốt lắm, cho Tuyên vay tiền chữa bệnh cho con, đưa Tuyên từ anh phụ vữa lên làm thư ký cho chị, quần áo bảnh choẹ, đầu đội mũ phớt, miệng ngậm xì gà lái xe riêng cho bà chủ đi đây đó giám sát công trình, …gớm chửa – anh con trai ông bà vốn gầy guộc, nhếch nhác thoáng qua tay bà chủ mấy bữa mà giờ thay hình đổi dạng thành ông chủ nhanh phết.
Hơn thế nữa là nhà ông bà Tuyến cũng thoáng chốc như thay áo mới, đầu tiên là cái ti vi mới toanh cóng, sau đó là bộ bàn ghế gỗ Đồng kỵ nghe đâu tốn cả trăm triệu bạc nằm chềnh ềnh giữa nhà mái ngói tường gạch bong tróc loang lổ, chả tương xứng gì sất … Thôi đập nốt cái nhà này đi, thay bằng nhà mái bằng ba gian hai thụt, một thò, nền gạch men sang bóng cũng là công lao chị gái nuôi này cả, gớm người dưng gì mà tốt thế không biết, quà bánh liên miên, bao đãi cuối tuần ăn uống rôm rả, rồi mẹ mẹ con con ngọt ngào… khiến ông bà Tuyến cứ như gặp một giấc mơ lên tiên.
Rồi cái ngày chị ta về nhà ăn sau bữa cơm trưa rôm rả cũng là ngày đòi danh phận dâu con trong nhà, bắt Tuyên phải ly hôn với vợ lấy chị ta - Ông bà Tuyến bàng hoàng nhận ra bộ mặt thật và nói không chấp nhận thì xảy ra cơ sự ở trên. Nuốt nỗi xẩu hổ bẽ bàng, bà van vỉ nói với Dung – Vợ Tuyên:
- Con ơi, xin con ký đơn ly hôn với thằng Tuyên giúp u, kiếp này u con ta duyên ngắn nên cơ sự mới thế này, cho thầy u được xin lỗi con, giá như.. Giá như cứ để cái nhà cũ chúng ta vẫn sống tốt chứ giờ nó về nó phá mát rồi, thầy u già rồi làm lại nhà sao được nữa.
Sau sự việc ầm ĩ xóm làng chẳng bao lâu, người làng thấy Dung tay nải cắp nón ra cái chòi đầu làng mà mấy đứa cháu nhà chồng cũ dựng tạm cho ở. Thương con dâu bà Tuyến chạy theo cầm mấy cái xoong nồi bát điã nước mắt lưng tròng không dám ngửng mặt nhìn bà con chòm xóm, Ả kia tên gọi là Hoà cũng về làm cơm, tổ chức cưới cheo rầm rĩ nhưng khách đến chỉ là một đám người nhà gái, đàn ông mặt mũi bặm trợn, đàn bà son phấn loè loẹt, ăn nói cong cớn thô thiển đến dự nói cười rổn rảng như bắt được của, đàng trai có mỗi ông trưởng họ do ông bà Tuyến van vỉ mới đến, ông cũng mặc áo dài khăn xếp nhưng lúng búng nói vài câu rồi chuồn thẳng, bỏ lại những mâm cỗ ngút đồ ăn cho đám ruồi nhặng tha hồ hưởng thụ.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, hàng ngày Dung ngồi đầu làng thu mua ve chai sắt vụn tần ngần nhìn cái xe ô tô sang trọng bóng nhoáng chở anh chồng trổ mã cùng ả vợ già nua chạy qua lòng như xát muối, ba đứa con Dung cũng đã lên thành phố ở với bố và dì, đứa con gái ả cho đi học làm đầu, thằng con trai cho làm bốc xếp chợ Long Biên, riêng đứa út ốm yếu cho đi học nghề, bố chúng chỉ ngồi nhà ngậm sâm cho khoẻ và đều tất phải phục vụ ả cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, “Chả trách người thì béo tốt thật đấy nhưng da xanh bủng và đầu hói trơ còn vài cọng tóc, chắc nó vắt kiệt sức thằng bé” – Đó là bà Tuyến thở dài, xót xa nói về con trai bà với con dâu cũ.
Chuyện gì rồi cũng có nguồn cơn của nó, ấy là ngày định mệnh cậu tới xin ứng trước lương gửi về chữa bệnh cho thằng con út thì gặp đúng bà chủ, ông chủ công trình mới mất được vài tháng nên mọi việc bà chủ tiếp quản, liếc nhìn khuôn mặt thật thà ngây ngô của ông bố trẻ ba con, đầu mụ đã có bài toán chớp nhoáng sau khi hỏi kỹ về gia cảnh, không những ứng trước lương mụ còn đưa thêm 20 triệu bảo cứ mang về lo cho con, sau đó cho Tuyên tiền đi học lái xe rồi về làm thư ký cho mụ, tiếp nữa là chị nuôi- em nuôi rồi đến con nuôi bà Tuyến là lúc hai người đã ăn ở với nhau mà Tuyên đã tự nguyện làm chim cảnh trong nhà mụ, câu chuyện tiếp theo thì mọi người đã biết, đúng là chị gái già kia đã “ bắt được chồng “.
Từ ngày lấy được vợ giàu, Tuyên như khác hẳn, giọng nói có gang có thép mỗi khi về nhà, làng quê của Tuyên rất giàu bởi có nghề truyền thống, từ ngày kinh tế mở cửa, sản phẩm của làng đi khắp thế giới, bạn bè thời “ Sửu nhi “ của Tuyên người làm ông chủ, người thành danh hiển vinh bây giờ cũng nhìn Tuyên một con mắt khác mặc dù trong lòng họ chả đánh giá Tuyên cao là mấy, nhưng thi thoảng có vợ chồng nó tới chơi cho toàn rượu tây với vài cây thuốc ba số 555 làm quà mà chẳng cần nhờ vả gì thì cũng thích chớ sao, nghe nói vợ nó bây giờ đủ vốn rồi, không nhận công trình để làm nữa mà đi buôn đồ cổ, một vốn bốn lời, nhàn tênh …Ôi số thằng ấy đến là may !Ấy là hội bạn to nhỏ với nhau như vậy.
Từ ngày thuyết phục được 3 đứa con lên ở với cùng mình, cuộc sống đầy đủ khiến Tuyên nể phục lắm khi nghe vợ mới nói là sẽ cố gắng làm ăn, mua lấy cái biệt thự rộng rãi hơn để đón bố mẹ chồng lên phụng dưỡng cho khỏi phải nghe mấy lời dị nghị của bọn ghen ăn ghét ở trong làng, mấy đứa con Tuyên thấy cũng bùi ngùi thay cho mẹ nhưng dì ở đây cũng tốt, ngày dì ngủ, tối dì đi suốt đêm do đi săn lùng đồ cổ chẳng thể công khai ban ngày như các mặt hàng khác nên chúng cũng thương mẹ kế, đứa gái lớn rảnh lúc nào là đấm lưng bóp chân cho dì, đứa trai đi làm kiếm được đồng nào lo cơm nước chợ búa rồi đóng tiền học cho em chứ dì bận tối mắt mũi, vốn liếng dì phải để làm ăn chứ đâu tiêu pha bừa bãi được, Tuyên cũng góp phần vào việc kêu gọi vốn của tụi bạn cho vợ, sau vài chuyến xuất bán trót lọt đám bạn nhà giàu của Tuyên được chia lời khá cao khiến cho ai ai lấy đều hỉ hả.
Rồi một ngày Tuyên lái xe hớt hải đến báo tụi bạn xưa nay vẫn góp vốn với vợ chồng hắn, nói rằng vợ hắn đang ngồi giữ một mối hàng tại một bản người Tày gần biên giới, người mua đang ngồi ở Hà Nội cọc chục ngàn đô chờ vợ Tuyên đưa hàng về mà bọn dân tộc không chịu giao do giá trị lô hàng lớn quá, “ Quả này lãi lớn đây “ cả bọn bảo nhau và hùn tiền đi theo Tuyên lên biên giới.
- Hàng cấm, không thể đi đông thế này được- em để nhà em ngồi đây với các anh, một anh vào với em để giúp giao tiền cho an toàn.
Vậy là cả bọn ngồi rung đùi khui rượu tây, thuốc ba số ra xài chờ đợi trong niềm hân hoan sung sướng.
Đêm biên giới sương lạnh giăng giăng mờ khắp núi rừng, đâu đây thi thoảng tiếng cú đêm kêu não nề làm cả bọn sốt ruột khi chờ từ chạng vạng tối đên giờ có mỗi việc giao đủ tiền lấy hàng mà chưa xong bèn giục Tuyên vào xem thế nào, Tuyên ú ớ phân trần:
- Mình đã đến đó bao giờ đâu mà biết, chỉ ngồi đây chờ vợ ra thôi.
Có chuyện rồi, cả bọn bảo nhau để xe ô tô lại đi tìm, tới gần sáng gặp được người dân bản đi chợ sớm mách rằng gặp một ông người Kinh say quá nằm ngủ ngay con dốc đầu bản, cả bọn tá hoả tới nơi lay gọi mãi mới tỉnh, họ hì hục đập phá thùng hàng bên cạnh mở ra thấy toàn đồ gốm sứ Bát tràng đã sứt mẻ,.
- Sao lại thế này? Cả bọn lao vào truy vấn người say kia thì được trả lời.
- Tao biết đâu được, có một người mặc quần áo dân tộc cổ đeo vòng bạc đến giao hàng và lấy tiền, tao định mở ra kiểm tra cho chắc thì mụ ấy ngăn lại nói hàng đã đóng gói, chèn kỹ rồi, về Hà Nội mở ra có đứa này đi kèm để đảm bảo tin tưởng, xong nó rút trong bụng ra chai rượu nói uống tí cho ấm bụng, mụ Hoàn nhấp một ngụm rồi đưa tao uống tiếp, xong rồi..tao chẳng biết gì nữa …
Bị lừa rồi – Phải vào bản gặp chính quyền hỏi mới được.
- À, người này chứ gì, chuyên vào bản đánh bạc bắt chồng này ngồi chờ lớ.… Chiều nay thấy dẫn người mới đi với A Lềnh, nó nghiện hút nhưng ở mãi bên kia biên giới không tìm được đâu. Họ trả lời khi Tuyên chìa ảnh vợ ra hỏi.
Mất tiền, mất niềm tin vì quả lừa quá ngoạn mục, nhóm làm ăn trở về bắt Tuyên đứng ra chịu trách nhiệm, họ định tịch thu cái ô tô sang chảnh thì Tuyên chìa ra hợp đồng thuê xe, họ kéo về nhà nơi ba bố con Tuyên đang sống tịch thu tất cả những gì có được nhưng đến khi đập khoá két sắt ra thì ôi thôi – Trong đó chỉ có hợp đồng thuê nhà dài hạn mà mụ vợ khư khư giữ khoá.
Mới có mấy ngày mà Tuyên rộc người đi trông thấy, vẻ bảnh choẹ đâu còn khi bị nhóm bạn dẫn đi khắp nơi cùng ngõ hẻm tìm vợ, những chỗ xưa kia hay mụ vợ hay lui tới giới thiệu là bạn chỉ là đám quen biết qua cờ bạc, đám lập hội giúp nhau lọc lừa chia phần, có người tử tế hơn mới nói thật rằng ; Vợ già Tuyên xưa là gái nhảy trên nhà máy giấy Bãi Bằng đã hết thời khi nhóm chuyên gia nước ngoài hồi hương, mụ về đứng đường ở gốc cây đa nhà Bò mỗi tối chạng vạng kiếm ăn rồi hên thế nào gặp ông chủ thầu xây dựng già nua goá vợ, lấy mụ đâu được hơn năm thì ổng chết do tuổi đã cao mà vẫn được mụ chăm sóc kỹ càng như Tuyên, dù thừa hưởng đống gia tài kếch xù và công ty đang làm ăn phát đạt nhưng không biết làm, lại cờ bạc đĩ thoã nên chả mấy mà hết, lúc gặp Tuyên là mụ đã có ván cờ mới để chơi bù.
Buồn tủi hơn là ba bố con phải dọn ra khỏi ngôi nhà tiện nghi đang thuê vì đồ đạc chẳng còn gì, chủ nhà đến thúc nợ cũ cả năm chưa trả để đến nỗi đứa con gái phải viết giấy nợ mới được ra đi an toàn.
Đắng cay, nhục nhã ê chề nhất là ở quê nhà, Ông bà Tuyến già nua phải sang ở nhờ chái nhà thờ họ khi dòng họ động lòng trắc ẩn, thi thoảng đứa con dâu cũ bê sang bát canh chút thức ăn gọi là thương cảm, Tuyên không dám về quê vì cay cú vác dao đi lang thang điên loạn tìm vợ già đòi chém, thằng nhỏ ốm yếu khi xưa phải bỏ học trông nom bố cho anh chị chúng còn đi làm trang trải cuộc sống nơi đô thành và họ cũng chẳng bao giờ dám về quê hương vì còn trốn tránh đám bạn đầu tư làm ăn cũ.
Danh dự mất – ngôi nhà đẹp đẽ cũng mất. Cả gia đình nhà Tuyên ước gì được trở lại cái máng lợn sứt khi xưa nhưng chuyện đó chỉ là huyền thoại, chỉ có Dung - vợ cũ Tuyên băn khoăn chẳng biết sống thế nào cho phải đạo dù rằng hoàn cảnh hiện tại cô ấy làm ăn rất ổn.
Lời kết: Đây không phải là chuyện của làng Vũ Đại đâu ạ, nó có thật xảy ra ở làng..X… huyện …Y… tỉnh Hà Tây cũ, đâu đó thấp thoáng sau luỹ tre làng những người nông dân nhẹ dạ cả tin, họ chỉ biết đến tiền mà không tìm hiểu nguồn gốc từ đâu đến cho nên mới quằn quại đau đớn khi mất hết những gì gom góp từ cuộc sống bươn chải vất vả, vào tay những kẻ vô lương tri. Đến bao giờ họ hiểu được “Miếng Pho mát ngon lành được miễn phí chỉ có ở trong bẫy chuột“ thì mới hết bị lừa.
Chuyện Làng Quê
Hằng Nguyễn
Link nội dung: //revcat.net/cau-chuyen-phiem-bat-chong-a21490.html