Trước cái lạnh của mùa đông đang đến gần, tôi tìm chốn ngủ đông trong kí ức xa xôi. Kí ức của một thời đầy sóng gió và bão tố nơi Trường Sa lộng gió giữa Thái Bình Dương - giọt máu thiêng của đất Việt dưới ngầu ngầu bọt sóng. Tôi nhớ Trường Sa yêu dấu với bao tên đảo thân thương: Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Nam Yết, Thuyền Chài, Đá Lớn, Sinh Tồn, Song Tử,... có biết bao đồng đội thân yêu đã từng cùng tôi nếm trải những gian khổ hiểm nguy. Họ đã mất hay còn, giờ này họ đang ở đâu, đang làm gì? Tôi cồn cào trong nỗi nhớ dập dềnh cùng sóng nước...
Hai mươi năm trước, cũng vào mùa này, biển đang động dữ dội bởi ảnh hưởng của mùa gió chướng; tôi nhận lệnh ra tăng cường cho Trường Sa thân yêu... Những con sóng bạc đầu cấp 7 cấp 8 vượt qua cả mạn con tàu LST mang số hiệu HQ 505. Cánh chúng tôi từ chỉ huy đến chiến sĩ đều mật xanh mật vàng vì say sóng. Cái say cứ âm ỉ, khiến người lảo đảo; đi trên tàu mà cứ như đang nhảy điệu nhạc tangô!... Trải qua 3 đêm dài vật lộn cùng sóng biển Đông, tàu chao trên sóng như đưa võng, chúng tôi mới dừng lại ở một bãi đá san hô, có tên là Đá Lớn. Đảo chìm sâu dưới mực nước biển chừng 2m. Khi thuỷ triều rút đảo mới lộ ra. Cả tháng nước rút khoảng 4 ngày, chia làm 2 lần, đầu tháng và giữa tháng.
Cơn say sóng chỉ qua đi khi chúng tôi tới đảo Đá Lớn được gần nửa tháng. Chờ đám công binh E 83 dựng xong căn nhà chòi, chúng tôi dọn lên ở đó. Mất 20 ngày thu dọn, sửa sang, làm quen với môi trường mới; gặp ngày nước rút chúng tôi bắt đầu đổ bộ xuống đảo để khám phá bí mật của san hô cành, san hô trúc.
Tôi còn nhớ như in những chiều đi chém cá khi nước bắt đầu rút theo quy luật thuỷ triều. Áng chừng khi nước rút xuống ngang lưng là anh em chúng tôi xỏ giày, rót dầu vào đầy thùng cỡ 20 lít; chuẩn bị đuốc. Khoảng 6, 7 người lên đường đi chém cá, số còn lại ở nhà trực chiến. Người xách thùng dầu thì mang theo sợi dây cước 10 li (cước to bằng đũa xe đạp mini) để xâu cá chém được. Người cầm đuốc được trang bị thêm con dao phay đã mài sắc. Nước rút, cá bơi nháo nhào từng đàn ra biển. Chúng tôi cứ nhằm con nào to là phập, phập. Lưng cá bị xẻ một rãnh, chúng oằn mình giãy giụa, người được giao cầm cá nhanh chóng chộp lấy luồn sợi cước qua mang lên miệng nó xâu vào. Cá cứ nhao ra biển, người chạy đuổi theo. Người và cá cùng đua nước rút. Chạy trên đảo làm cho san hô cành, san hô trúc gãy vụn, sắc nhọn, cứa vào giày. Thứ giày cao su bộ đội khi đó rất kém chất lượng. Chỉ sau khoảng vài tiếng quần đảo với cá, phần đế cao su đã mòn vẹt tới gót. Phần vải cũng rách bươm. Đến lúc đó mới cảm nhận đựơc san hô sắc nhọn như thế nào. Nhất là khi thụt chân xuống chỗ san hô cành còn non, thì ôi thôi; hai ống chân đến tứa máu. Mặc kệ, chúng tôi vẫn chạy theo ánh đuốc. Cá cứ loang loáng dưới nước ngay trước mặt. Người chém cứ chém, người nhặt và xâu cá cũng mệt bở hơi tai, tay mỏi nhừ. Chạy, chém, xâu cá đến nỗi quên cả thời gian, không gian. Bắt đầu đi từ 17 giờ; vậy mà đến khi màn đêm buông xuống lúc nào cũng chẳng rõ. Đi mãi xuống tận cùng chân sóng của đảo mới chợt nhớ đã đi quá xa. Màn đêm đen kịt, cũng là lúc thùng dầu sắp cạn. Chúng tôi bắt đầu quay trở lại. Khi đi, tràn trề sức lực; khi trở về chân tay rã rời, không muốn bước. Xâu cá chém được dài khoảng 5 - 6 m, được kéo lê theo người sao mà nặng thế! Khoảng 50 - 60 kg chứ ít ỏi gì. Mỗi lần mắc vào cụm san hô, phải dừng lại gỡ ra, có lúc bị vây cá nhọn, cứng và sắc chọc vào tay đau điếng. Đuốc tắt, giày rách hết, người xác xơ vì mệt, anh em chúng tôi cứ nhằm hướng Bắc của đảo mà lê bước. Màn đêm đen kịt, thỉnh thoảng ai đó xuýt xoa vì dẫm phải cành san hô sắc nhọn, thậm chí đạp lên con nhím biển là bị gai nó đâm vào đau nhói... Mãi mới thấy ánh đèn le lói ở phía trước. Nhà mình đấy! Chúng tôi, không ai bảo ai đều thở phào: Sắp hết cực nhọc rồi! Nhưng, nhìn thấy ánh đèn mà đi mãi vẫn chưa tới nhà. Cậu Hải, người Nghệ An lủng bủng: “Chẳng biết còn đi mất mấy con dao quăng nữa đây”! Mệt nhoài mà anh em vẫn cứ ôm bụng mà cười sằng sặc. Không phải cười vì câu chữ, mà vì cái giọng lụng bụng, phụng phịu như làm nũng mẹ của cậu ta...
Rồi cũng về tới nhà. Quăng xâu cá xuống chân chòi cho anh em, chúng tôi vội vã kiếm những vũng nước còn lại trên đảo để rửa ráy qua loa rồi lăn ra sàn đánh một giấc. Đã hơn 12 giờ đêm còn gì! Vừa chợp mắt một chút đã nghe tiếng gọi: Dậy ăn cháo cá đi thôi! Mệt tơi bời, nhưng món cháo cá thơm phức, điếc cả mũi làm sao từ chối được. Món cháo cá, thực ra là cá nhiều hơn cháo vừa ngậy vừa bùi, nấu với gạo nửa nếp nửa tẻ nên dẻo quánh lại được rắc thêm chút hành, tiêu, ớt bột. Ăn nóng, vừa húp, vừa thổi, vừa hít hà: Ngo... ong..!
Chao ơi, nhớ quá! Tôi nhớ những ngày biển động, nước thuỷ triều không rút, cá thì hết, câu chẳng được. Đành dùng thịt hộp do nhà máy Hạ Long cung cấp, mở ra chỉ thấy mỡ và da lợn, cái thứ da gì mà lây dây, dài đến cả vài chục xăngtimet; chỉ nhìn thôi đã nghĩ ra đủ thứ chuyện rồi, nói chi đến ăn! Một đêm, tới ca gác từ 1giờ đến 3 giờ sáng, chúng tôi bừng tỉnh vì tiếng gọi của anh em. Chiến sĩ gác nhìn thấy vật gì sáng lấp lánh đang tiến về phía nhà chòi, bèn gọi mười mấy anh em trở dậy. Lấy ống nhòm ra xem, không thể phân biệt được đó là xuồng đổ bộ, hay là người nhái xâm nhập đảo! Giữa đêm tối đen, ánh lân tinh cứ mờ ảo. Chẳng biết làm gì khác, nhưng khổ thay, cái vật kì quái ấy cứ nhấp nhô trên sóng và tiến gần hơn đến nhà của chúng tôi. Lúc này đang có vấn đề tranh chấp chủ quyền trên các đảo với một số nước trong khu vực, nên chúng tôi phải hết sức cảnh giác và giữ vững chủ quyền quốc gia bằng bất cứ giá nào. Trong chiến dịch CQ 88 ngày 14/3 tại cụm đảo Gạc Ma, Cô lin, Len đao đã có 64 đồng đội của chúng tôi ngã xuống trước họng súng của bọn Trung Quốc mà không một tấc sắt trong tay; nhưng vẫn hiên ngang ôm chặt cờ Tổ Quốc để giữ vững chủ quyền, tôi cũng từng đến tham gia và vừa mới trở lại đảo; chả lẽ chúng tôi không bằng họ hay sao? Anh em chúng tôi, nhất loạt vào vị trí chiến đấu. Đạn AK đã lên nòng, súng cao xạ 12,7 ly cũng hướng về phía mục tiêu sẵn sàng nhả đạn...
Mục tiêu cứ lớn dần, ánh lân tinh phát ra rất rõ nhưng vẫn không thể nhận ra đó là gì! Chúng tôi nhả đạn, khi nó tới đúng tầm bắn của AK. Đạn cứ viu víu, chiu chíu bay tới mục tiêu. Bắn 3 loạt = 6 viên mỗi người, tôi nhắc anh em dừng lại nghe ngóng, nhưng nó lại cứ lừng lững tiến vào... Lại bắn. Lúc này, đạn găm vào nó đã nghe rõ hơn. Cứ coong coong, rồi chút chút. Lạ thật, cái quái gì thế! Lính đảo bắn thì cừ khôi lắm – cứ cắp AK ngang hông nhằm vào mục tiêu, bắn là trúng! Vậy mà nó cứ tiến được mới lạ! Đến lúc này, chúng tôi không bắn nữa; 5 người nai nịt gọn gàng, AK báng gấp cắp nách, đầu đội mũ sắt; nhảy xuống nước. Vừa nhảy, vừa chạy, vừa bơi trên đảo. Đến gần, hoá ra nó là thùng dầu phụ trên máy bay của Hải quân Mỹ rơi xuống, hà đã bám vào nên phát ra ánh lân tinh! Một phen cười vỡ bụng vì sự nhầm lẫn. Nhưng tôi vẫn nhắc anh em, không vì thế mà lơ là. Có lần chiến sĩ phát hiện một chiếc thuyền lạ đến neo ngay bờ đảo. Lấy xuồng, chèo ra kiểm tra thấy toàn ngư dân Philippin vào neo cạnh đảo để mò ốc xà cừ mà thôi; nhưng vì sự an toàn, chúng tôi vẫn điện vào bờ xin chỉ thị của cấp trên. Hai ngày sau, chúng tôi mới cho thuyền của họ được tự do. Khi nhổ neo họ còn cố mời chào anh em chúng tôi đi cùng, nhưng chẳng ai có ý muốn phản bội Tổ quốc cả!
Gió chướng nổi, biển ngày nào cũng động. Xung quanh bãi đá san hô sóng vỗ trắng xoá, tung bọt mịt mù. Nếu biển lặng nhìn cũng chẳng rõ đâu là bến bờ quê hương. Tất cả chỉ là chân trời xanh vời vợi, dưới là một màu nước xanh đen. Biển động, nhìn về phía đất liền, chỉ thấy bốn bề tối sẫm; nước biển thì đen kịt, hơi nước bốc lên mù mịt trùng khơi. Buồn đến nao lòng...
Chúng tôi chỉ ngóng trông ngày tàu ra, nhận được lá thư nhà. Nhưng thời ấy, Hải quân ta có ít tàu, các Quốc gia trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền trên các vùng san hô mới được phát hiện, nên phải mấy tháng mới có tàu ra. Tuy nhiên đâu phải ai cũng nhận được thư? Có khi cả 15 anh em chụm đầu đọc chung lá thư từ Đất Mẹ. Nước ngọt thì thiếu triền miên, chỉ dành cho ăn uống. Tắm giặt đã có nước biển! Nhưng tắm nước biển, khi nằm xuống sàn gỗ thấy nóng rát cả lưng, người cứ nhớp nháp khó chịu. Anh em, chẳng ai dám để tóc dài, vì không có nước ngọt gội đầu sẽ sinh chấy rận, không có thì tóc cũng cứng quèo, hung hung như râu ngô đến mùa thu hoạch. Thế là tất cả đều được thành sư cụ mà không khoác áo cà sa! Quần áo giặt bằng nước biển cứng như mo nang, nên chẳng ai dám mặc quân phục mà chỉ quần đùi áo lót. Rau xanh không có, trông người rất béo nhưng ấn vào chỗ nào cũng thấy lõm bởi bị phù, luôn phải có sự trợ giúp của thuốc B1. Tất cả chúng tôi đều ngóng trông ngày trở về với đất liền yêu dấu...
Rồi chúng tôi cũng được lệnh rời đảo năm 1989 khi có người thay thế. Hè ấy, nắng như đổ lửa. Biển như tấm gương phẳng khổng lồ, lặng lẽ tiễn chúng tôi! Nhìn lại căn nhà chòi chúng tôi đã gắn bó gần 2 năm thấy thân thương quá đỗi. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra tình cảm mà mình dành cho đảo lớn đến mức nào. Có con sóng nào cứ dập dềnh dâng trong mắt tôi.
Giờ đây đến mùa biển động, tôi lại khắc khoải nhớ Trường Sa, nhớ Đá Lớn nơi tôi đã gửi một phần đời ở đó. Chập chờn trong tôi những câu thơ mà người Cha kính yêu của tôi đã viết tặng tất cả các con, khi chúng tôi được trở lại Cam Ranh:
“Đảo nhỏ giờ đây chắc nhớ con
Chòi canh sừng sững bóng ai tròn
Nhìn về Tổ Quốc, đâu bờ bến
Chỉ thấy mình con dạ sắt son”
Bây giờ, chắc biển lại động rồi. Ngồi nơi Đất Mẹ bình yên, tôi vẫn nhớ đến cháy lòng! Tôi nhớ lắm Trường Sa ơi!
Cuối thu 2007
Vĩnh Nguyên Nguyễn
Link nội dung: //revcat.net/nho-lam-truong-sa-oi-a21342.html