Và bên nào cũng có cái lý của mình. Biết sai thì sửa và người làm phim đã sửa. Nhưng cũng có người nói phục trang cho các nhân vật mặc áo kiểu tàu (xá xẩu) là không phù hợp.
Tôi thì không rành chuyện làm phim nhưng cũng biết đại khái là làm thành một bộ phim, nhất là phim cổ trang dã sử hay gì đi nữa, thì phải có: Biên kịch, Đạo diễn, phó đạo diễn, thư ký trường quay, tổ phục trang, âm nhạc, hậu kỳ các thứ... Mà nghe đâu bộ phím đã chuẩn bị 5 năm rồi mới bấm máy thì dính những hạt sạn như vậy. khó mà biện minh cho người ta tin.
Thôi thì "chiện" đó là "chiện" của người ta, chuyện của người lớn, nếu mình không thích thì không quan tâm tới là xong... Bây giờ tôi xin kể cho các bạn nghe chuyện cái áo có cái nút thắt kiểu Ba tàu mà người ta hay gọi là "xá xẩu".
Ba tôi (Ba Chệt) từ tỉnh Phúc Kiến TQ qua Việt Nam từ năm 1938, ba ghé chợ Cái vồn (Nay là Thị xã Bình Minh) được mời vô làm Tài Phú cho một tiệm nước, ở đó hàng tuần có xổ số đề (đề 40) và hàng ngày có sòng bài và tài xỉu (như một Casino thu nhỏ). Sau đó Hội Hoa kiều làm mai mẹ tôi cho Ba, và một năm sau mẹ sinh ra anh Hai, rồi đến năm 1945 thì mẹ tôi đã có ba người con trai. Rồi ba Chệt và mẹ chia tay nhau vì Ba và Bà Ngoại bất hòa, ba bỏ lên Sài Gòn lập nghiệp. Đến năm 1957 ba mẹ tái hợp và một năm sau sinh ra tôi. Tôi trở thành con cưng của Ba, khi lên Sài Gòn đi đâu ba cũng dẫn tôi theo, khi đi thăm bà con thân thuộc của Ba từ bên TQ, khi thì đi thăm những bạn bè của Ba trong giới giang hồ thời Bình xuyên ở khu chợ Cầu muối.
(Ba Chệt tôi thuộc dạng văn võ song toàn nên mới gầy dựng được sự nghiệp ở chợ Cầu muối thời đó).
Từ khi biết Ba và tới khi Ba mất tôi chưa thấy Ba tôi mặc áo Chệt lần nào (gọi là đồ xá xẩu) mà hình như ông cũng không có bộ đồ nào như vậy? Ở nhà Ba mặc áo sơ mi tay ngắn, quần tây ống rộng (chắc là dân võ nghệ nên mặc vậy dễ đánh đấm?) Ra đường thì ba mặc sơ mi tay dài và khoát thêm chiếc áo vest. Khi Ba dẫn tôi đến nhà các người bạn TQ của Ba cũng không thấy ai mặc đồ xá xẩu?
Năm 1971 Bộ phim quyền cước võ thuật Đường sơn đại huynh ra đời, phim quay tại Thái Lan vai Trịnh triều An do diễn viên Lý Tiểu Long đóng và lúc đó bộ đồ xá xẩu màu xanh của anh Lý mới được đám thanh niên chú ý tới. Mãi tới năm 1982 diễn viên Cai văn Mỹ đóng vai tên gián điệp Lý Kai trong phim Ván bài lật ngửa cũng xuất hiện trong các tập phim với một bộ đồ "xá xẩu" như vậy.
Bộ đồ Xá xẩu là một loại trang phục truyền thống của người Trung Quốc, thường được mặc trong các dịp lễ hội hoặc biểu diễn nghệ thuật. Bộ đồ này gồm một chiếc áo dài có cổ tròn, tay áo rộng và có nhiều hoa văn thêu trên nền vải. Chiếc quần dài có màu sắc phối hợp với áo, thường là màu đỏ, vàng hoặc xanh. . |
Sau 30/4/1975 anh Tư tôi mua được xấp vải màu nâu, anh qua nhà dì Tư Cưng ( nhà Dì Tư cách dì Út tôi 3 căn nhà, nay là đường Bạch Đằng) nhờ dì may cho bộ đồ "xá xẩu" bởi vì ở khu chợ nhà may thì nhiều lắm nhưng may đồ có nút thắt kiểu như mấy ông Chệt thì chỉ mình dì Tư làm được bộ nút thắt đẹp. Cái khó của bộ đồ "xá xẩu" là người thợ may không may bằng máy mà may bằng tay (gọi là luông) từng đường kim mũi chỉ đều đặn thẳng tắp không thua gì may máy. Một bộ đồ dì Tư nhận khoảng 2 tuần mới xong (buổi sáng dì tư còn phải bán gạo). Khi tôi xin được sắp vải lót bàn bi da màu xanh nhạt của anh Hai khi anh bán bàn bida, tôi nhờ dì Tư may giùm tôi bộ đồ như đồ của anh Tư. Dì Tư nhận lời may và ngày nào tôi cũng qua xem dì may và đúng là dì Tư là một thợ may tay rất giỏi. Đôi tay của dì nhẹ nhàng luông từ mũi chỉ, dì cho biết ở khu chợ này mấy ông Ba Tàu hay tìm đến nhờ dì may đồ. Mà dì Tư còn nhận thắt nút cho những bộ Sườn xám, nhận thắt nút cho các nhà may trong khu chợ.
Tôi hỏi dì:
- Người ta mướn dì làm như vậy mà con đâu thấy ai mặc đâu dì?
Dì cười cười trả lời:
- Bộ đồ đó là bộ đồ truyền thống của người Hoa, họ chỉ mặc vào những ngày lễ tết, giống như cái áo dài khăn đóng của người Việt vậy. Nhưng chỉ mặc trong nhà thôi ít ai mặc ra khỏi nhà.
Tôi hỏi dì:
- Sao vậy dì?
Dì Tư trả lời:
- Người Hoa không muốn có sự khác biệt với người Việt trong cách ăn mặc để hai bên dễ gần gũi hơn nên dễ giao tiếp trong việc mua bán. Khi gia đình có đám tiệc họ mới lấy ra mặc.
Nghe dì nói như vậy bộ đồ "xá xẩu" màu xanh dì may tôi cũng chỉ mặc dám trong nhà thôi vì lúc này tôi mới biết Ba Chệt chỉ là Cha dượng... Một lần lên Sài Gòn thấy tôi mặc đồ "xá xẩu" ra đường anh Bé con trai dì Năm khuyên:
- Em mặc bộ đồ này ra đường coi chừng tụi du côn nó kiếm chuyện lu bu lắm.
Nghe anh nói vậy tôi đem cất luôn bộ đồ.
Còn anh Tư khi dọn về quê vợ ở thị trấn Mỹ luông khoảng năm 1981 anh mặc bộ đồ "xá xẩu" màu nâu lên huyện Chợ mới, đang đi ngoài đường thì bị Công an rượt theo mời về cho uống nước trà và bắt anh phải diễn giải lý do nào anh mặc bộ đồ này ra đường? Cũng may đứa em vợ anh là cán bộ ở huyện hay tin nên mới lãnh anh ra và anh phải cam kết không được mặc bộ đồ này ra đường?
Đó là thời buổi cận đại mà còn khó như vậy nếu trở lại thời xưa cách một thế kỷ trước thì ở trong rừng hoang vắng như rừng U Minh thì đồ "xá xẩu" ở đâu ra mà mặc chứ?
Còn chuyện về Thiên địa hội của Trần Cận Nam thời vua Khang Hy ở bên Tàu tụi tôi đã biết từ khi xem truyện Lộc Đỉnh Ký của tiên sinh Kim Dung viết truyện về đứa nhỏ lém lỉnh thất học, lớn lên từ một kỹ viện ở Dương Châu tên là Vi Tiểu Bảo được đăng lên nhật trình từ năm 1969. Còn chuyện mấy ông Sơn đông mãi võ thời xưa cũng từ TQ chạy qua Việt Nam lánh nạn khi họ đa số là người tỉnh Sơn Đông và họ sống dưới ghe đi mãi võ để bán thuốc dạo và họ mặc bộ đồ "xá xẩu" như một nét truyền thống riêng của mình vậy.
Nhưng nhắc cho các bạn xem cho vui thôi chứ tôi không có ý gì đâu nhé? Thiệt đó...
Bùi Trung
Link nội dung: //revcat.net/bo-do-xa-xau-va-phim-dat-rung-phuong-nam-a21305.html