Kỳ 68
Quân Trần Cảo vẫn hoạt động mạnh, đánh phá vùng Kinh Bắc, Hải Dương. Vua Lê Chiêu Tông treo giải thưởng, thưởng lớn cho ai bắt được Trần Cảo và con là Trần Cung. Tháng 8 năm 1516, quân Lê bắt được tướng của Trần Cảo là Phan Ất ở An Bang. Phan Ất bị đóng vào cũi, giải về kinh và bị xử lăng trì. Nhân đà thắng lợi. Quân Triều đình Do Trịnh Duy Sản chỉ huy tấn công hành dinh của quân Trần Cảo ở Chí Linh.
Lê Chiêu Tông trao cho Trịnh Duy Sản quyền tiết chế thủy bộ, cai quản vùng đất Hải Dương. Cùng lúc đó sai tướng Trịnh Tuy mang một đạo quân lấy lại vùng Kinh Bắc khỏi sự chiếm đóng của quân Trần Cảo.
Tháng 11 năm 1516, Trịnh Duy Sản dẫn các tướng Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân đem ba vạn quân tiến đánh Trần Cảo ở Chí Linh. Nhưng Quân Lê thất bại, Trịnh Duy Sản bị bắt và bị giết. Trần Cảo đem quân uy hiếp tấn công Đông Kinh lần hai.
Lại nói ở kinh thành, Vua Lê Chiêu Tông nghe nói Trịnh Duy Sản bại trận đã bị giặc bắt và giết liền nói:
-Trịnh Duy Sản là trụ cột của quân đội và triều đình, nay chết rồi ta biết dựa vào ai đây. Quân phiến loạn đã đến Bồ Đề, mai sẽ tấn công kinh thành, biết làm sao đây?
Lê Nghĩa đề cử Trần Chân, nghĩa tử của Trịnh Duy Sản.
Lê Chiêu Tông gọi Trần Chân và cho làm Tiết chế cầm quân Đánh giặc. Trần Chân thắng lợi, giết quân Tam Đóa 3 vạn ở Bồ Đề. Trần Cảo chạy lên Lạng Giang.
Loạn Trần Cảo chưa dẹp xong thì các quyền thần trong triều đình lại lại xung đột nhau tranh quyền đoạt lợi. Đó là các thế lực của An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ, Vinh Hưng Bá Trịnh Tuy, Thiết Sơn Bá Trần Chân. Cuối cùng Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy đem quân về Thanh Hóa. Chỉ còn mỗi Trần Chân ở lại Triều đình. Thế lực của Trần Chân ngày một lớn. Vua Lê Chiêu Tông phong Trần Chân làm phụ chính. Thế lực của Trần Chân lớn đến mức một thế lực quân phiệt lớn nhất Hải Dương là Mạc Đăng Dung đang có âm mưu vào triều đình, liền kết thông gia với Trần Chân để gây dựng thế lực sau này. Mạc Đăng Dung hỏi con gái của Chân cho con trai của mình là Mạc Đăng Doanh. Trong tình hình mâu thuẫn giữa các đại thần gay gắt và xung đột nhau, vua Lê Chiêu Tông lại không sáng suốt và đa nghi, bị chúng lợi dụng, mượn bàn tay của nhà vua giết những kẻ thù của họ và chính nhà vua lại giết những trung thần tay chân của mình. Trong đó nổi bật mâu thuẫn giữa dòng họ Nguyễn và dòng họ Trịnh mà cụ thể là giữa Nguyễn Hoằng Dụ với Trịnh Tuy, con của Trịnh Duy Sản. Một hôm vua Lê Chiêu Tông thiết triều, chú của Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lự bước ra tâu vu cáo cho Trịnh Duy Đại làm phản. Lê Chiêu Tông không xét hỏi, sai lôi Trịnh Duy Đại và các tướng ra chém.
Cùng lúc đó Nguyễn Hoằng Dụ đem quân kịch chiến với Trịnh Tuy. Trịnh Tuy thua chạy về Thanh Hóa. Trần Chân là con nuôi của Trịnh Duy Sản, là anh nuôi của Trịnh Tuy liền đem quân đánh Nguyễn Hoằng Dụ. Nguyễn Hoằng Dụ thua cũng tháo chạy về Thanh Hóa. Kinh sư khi đó đầy máu và xác chết. Hàng ngày mặt trời bỗng nhiên vàng và tối, điềm báo rất xấu cho vận nước và triều đại nhà Lê. Trần Chân là trung thần trụ cột nhưng năm 1518, Lê Chiêu Tông lại nghe bọn gian thần giết Trần Chân, tự chặt tay chân mình.
Mất trung thần, nhà Lê ngày càng suy yếu tạo điều kiện cho bọn gian thần tác oai tác quái. Bọn này đã nắm chắc được yếu điểm của Lê Chiêu Tông là còn trẻ người non dạ, hay nghe lời dèm pha, đa nghi, không biết ai là gian thần, càng không biết ai là trung thần. Trong cục diện hiện nay, giết Trần Chân, Lê Chiêu Tông đã trúng độc kế của bọn gian thần, đã tự chặt chân chặt tay của mình và tự hại mình.
Quan Phụ chính Trần Chân đã có công lao phò Lê Chiêu Tông. Trần Cảo đã nhiêu lần tiếm ngôi xưng đế tại Đông Kinh. Một mình Trần chân đã đánh bại Cảo, giữ lại ngôi báu cho Lê Chiêu Tông. Rồi khi quân triều đình rời Đông Kinh đi đánh Trần Cảo ở Chí Linh, Đa Sĩ đã nổi loạn cướp bóc kinh thành, Trần Chân lại từ Chí Linh quay về dẹp loạn, đem lại sự yên ổn cho Lê Chiêu Tông và cho kinh thành. Trần Chân là một trung thần lại có tài thao lược. Cho nên giết Trần Chân là Lê Chiêu Tông tự chặt chân tay mình, trúng vào kế của một quyền thần nào đó còn nằm trong bóng tối. Sự diệt vong của Lê Chiêu Tông là không thể tránh khỏi.
Trước đó Hoàng thượng cũng đã nghe lời vu cáo của bọn gian thần, đã giết Trịnh Duy Đại và các tùy tướng ngay trong điện Càn Nguyên.
Các thuộc tướng của Trần Chân đã tấn công trả thù.
Chiều hôm đó, 3 vạn quân của các tướng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Kính tiến đánh kinh thành. Lê Chiêu Tông chạy trốn về Gia Lâm. Quân Sơn Tây của Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Hiếu, Cao Xuân Thì thả sức cướp phá kinh thành. Kinh đô sạch không, dân tình náo loạn.
Tại hành doanh Bồ Đề, vua Lê Chiêu Tông họp cùng các đại thần bàn cách đối phó với bọn Nguyễn Kính. Lê Chiêu Tông đã cho sứ giả triệu hồi Nguyễn Hoằng Dụ ở Thanh Hóa ra cứu giá. Sứ giả về báo: -Dạ, bẩm Hoàng thượng, An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ từ chối không đem quân ra Đông Kinh cứu Hoàng thượng.
Cung Khiêm Hầu Hà Văn Chính tiến cử Mạc Đăng Dung một người có thể đẩy lui được bọn Nguyễn Kính, còn có thể dẹp yên được giặc Trần Cảo đang hoành hành ở Kinh Bắc.
Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão 1483, cuối thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức. Quê quán Mạc Đăng Dung ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dung, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, là con cháu 7 đời của lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đời Trần Anh Tông. Mạc Đĩnh Chi giữ chức Nhập nội hành khiển, Thượng thư môn hạ, Tả bộc xạ kiêm trung thư lệnh, Tri quân dân trọng sự. Mặc Đĩnh Chi làm quan thanh liêm, tiếng tăm lừng lẫy một thời. Nhưng đến đời cha của Mạc Đăng Dung là Mạc Hịch thì nghèo nàn, sống nơi thôn dã. Mạc Đăng Dung thời trai trẻ làm nghề đánh cá nhưng có võ nghệ và sức khỏe. Thời Lê Uy Mục, Dung dự thi môn đấu vật, trúng đô lực sĩ xuất thân trong kỳ thi tuyển võ sĩ, được tuyển vào đội túc vệ theo xe che ô cho nhà vua. Năm 1508, Mạc Đăng Dung được phong làm Đô chỉ huy sứ vệ thần vũ, năm 1511 được phong tước Vũ Xuyên Bá, năm 1518 được phong Vũ Xuyên Hầu. Quá trình làm quan Mạc Đăng Dung tỏ ra là người trung thành, vì lợi ích của triều đình, ví như trước đó có Trần Khắc Chương dùng đạo thiền Vũ Thiên Bồng mê hoặc bách tính, Dung dâng sớ tâu lên vua xin trị tội. Vua nghe theo đã diệt trừ Trần Khắc Chương, tín đồ và những quan lại đi theo. Năm 1517, Thiệu Quốc công thái sư Lê Quảng Độ đầu hàng Trần Cảo khi bị Cảo bắt, Dung dâng sớ xin trị tội Độ tội bất trung. Lê Chiêu Tông sai hai khanh Hà Văn Chính và Lê Đại Đỗ về Hải Dương mời Mạc Đăng Dung về triều cứu giá.
Lê Chiêu Tông khi gặp mới nhìn rõ Mạc Đăng Dung, quả nhiên xứng đáng là một đô lực sĩ, trạng nguyên võ, oai phong lực lưỡng, mặt to tai lớn. Nhìn Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Tông bỗng nhiên cảm thấy hoảng sợ, lo lắng. Mạc Đăng Dung cũng nhìn kỹ vua Lê Chiêu Tông. Đó là vị vua còn quá trẻ, nếu vua sinh năm 1506 thì năm nay mới 14 tuổi. Vua trẻ lại bất tài, đa nghi, các đại thần tài giỏi như Trần Chân và một số người khác bị vua nghe lời dèm pha của bọn gian thần mà giết hết. Nhìn tình cảnh triều đình đầy quan viên nhưng trống rỗng, nhân tài vắng bóng, Mạc Đăng Dung vui mừng trong bụng vì âm mưu bước lên ngai vàng của Dung càng dễ dàng thực hiện, không bị ai cản bước mà khâu đầu tiên là phải diệt trừ hết những vây cánh trung thành với Lê Chiêu Tông còn lại, đưa và bổ nhiệm tay chân vây cánh của Mạc Đăng Dung lấp kín triều đình, khi đó bước tới và ngồi vào ngai vàng dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-68-a21160.html