Tôi bắt đầu “Đi tìm bình yên” cùng Phan Cẩm Nhung qua bài thơ “Đi tìm bình yên”
ĐI TÌM BÌNH YÊN
Em tìm về với bình yên
Giữa mùa hạ nồng nàn sắc nắng
Từng cánh sen non nõn trắng
Có làm dịu mối tương tư?
Em biết những điều mới chỉ dường như
Thường làm con tim bối rối
Lắng cùng sen trải lòng sám hối
Nhẹ nhàng tĩnh lặng hư không.
Về Phước Thiện lòng còn bão giông
Mỗi tiếng chuông mỗi dài nhung nhớ
Cánh đồng sen bạt ngàn vẫn nở
Ngời ngời bông trắng lá xanh
Bình yên nào
từ phía không anh.
Trong sự bình yên rất đời ấy, dẫu còn băn khoăn, trăn trở “bình yên nào từ phía không anh”, Cẩm Nhung mượn tiếng chuông ngân của ngôi chùa Phước Thiện ở Tân Hồng quê mình để diễn tả mong ước bình yên. Và tôi để ý thấy cả 3 khổ thơ, Nhung đều nhắc đến “sen”: Từng cánh sen nõn trắng; Lắng cùng sen trải lòng sám hối; Cánh đồng sen bạt ngàn vẫn nở - đó là một chủ ý rất đặc biệt của Nhung khi mượn sen để viết về sự bình yên!
Trên con đường “Đi tìm bình yên”, tôi luôn thấy Cẩm Nhung dành những tình cảm yêu thương cho quê hương, cho gia đình, cho mẹ, cho mái trường và đồng nghiệp và đặc biệt là có rất nhiều bài thơ, Nhung nhắc đến nhân vật “anh”.
Viết về tình yêu quê hương, bên cạnh thể thơ Tự do, thể 5 chữ, thể thơ lục bát được Nhung sử dụng khá nhiều, rất ngọt ngào, sâu lắng:
“Áo dài là áo dài ơi
Thướt tha sắc áo rạng ngời quê hương”
(Áo dài)
“Nam Hương sinh thái vùng biên
Lắng mưa lọc nắng thiên nhiên trong lành
Về đây một sớm mai xanh
Vị quê thanh mát ngọt lành tim xa”
(Một sớm Nam Hương)
“Cách ly rồi lại cách ly
Chiến thắng dịch khế biên thùy ngọt hơn”
(Thương)
Bình yên trong thơ Nhung là khi ta đọc những câu thơ viết về mẹ, mẹ như hoa sen hồn hậu bao dung, mẹ như cánh cò chẳng quản gió mưa, lặn lội nuôi các con khôn lớn, chính vì vậy mà tác giả đã viết:
“Mẹ mãi là nguồn cội
Cho con tình yêu thương
Cho con niềm tin cuộc sống
Trái tim con nguyện là đóa hồng
Tháng Mười tặng Mẹ
Mẹ ơi!”
(Đóa hồng tháng Mười)
Bình yên trong thơ Nhung là khi ta đọc những dòng thơ về nghề giáo, về mái trường yêu dấu, về những đồng nghiệp của Nhung:
“Có bàn tay nào ấm áp
Dìu em qua mỗi chặng đường
Biển đời mênh mông bão táp
An lành neo bến yêu thương
…
Những đóa sen đời thầm lặng
Đức trong trí sáng ngời ngời
Thầy cô tình sâu nghĩa nặng
Ai quên ai nhớ trong đời”
(Những đóa sen đời)
Càng đọc, càng thấy được những trân trọng, mến yêu của Cẩm Nhung dành cho đồng nghiệp của mình. Những bàn tay ấm áp, nâng niu, dìu dắt các em thơ được Nhung ví như “những đóa sen đời” tỏa hương thầm lặng giữa nhân gian.
Sẽ thật thiếu xót nếu không nhắc đến nhân vật “anh” trong thơ Cẩm Nhung, có lẽ “anh” là người mang đến cho Nhung nhiều cảm xúc nhất bởi lẽ, 23 trong tổng số 40 bài thơ có nhắc đến “anh”. Cả 4 thể thơ: Lục bát, tự do, 5 chữ, 7 chữ, Nhung đều sử dụng để viết về “anh”. Đó là anh – người chồng yêu vợ, thương con trong “Câu chuyện đổi xe” hay “Mình thương thương vậy hoài nghe anh”; đó là anh – chiếc đèn lớn để em khoe với mọi người trong “Chiếc đèn hình nhân”; đó là anh – như phép nhiệm màu để em dẫu có “cuối chiều phôi pha” bỗng “nở đóa tình kiêu sa” khi anh về bất chợt trong “Đóa tình kiêu sa”; và “anh” còn xuất hiện trong rất nhiều bài thơ khác.
Luôn yêu “anh” và được sống trong tình thương yêu vô bờ của “anh”, nên thơ Cẩm Nhung lúc nào cũng ngọt ngào, lãng mạn và bình yên đến lạ kỳ!
“Tháng Tám lại về em biết kiêu sa
Áo vàng hoa khoe sắc
Và Thu về chừng như rất thật
Bởi em là cô gái mùa Thu”
(Cô gái mùa Thu)
Hay đây nữa:
“Em ngoan như trái cấm
Hồn nhiên giữa địa đàng
Ai biểu anh say hoang
Nguyện trầm luân bể khổ”
(Thính)
Và tôi cũng rất thích, rất yêu những câu thơ ngọt ngào trong bài “Cho em vừa đủ”:
“Cho em vừa đủ dịu dàng
Mái nhà vừa đủ rộn ràng trẻ thơ
Cho em vừa đủ mộng mơ
Trái tim vừa đủ dại khờ vì ai”
Vâng, tác giả của chúng ta chỉ xin “Vừa đủ thôi” – một ước mơ thật là thắm thiết, thật là chân thành. Cái gì cũng chỉ “vừa đủ” nhưng mà yêu thương “đứng ngồi nhớ nhau”, thủy chung “trọn câu đá vàng”. Và tác giả kết thúc bài thơ bằng hai câu vô cùng “chất”:
“Cho em vừa đủ người ơi
An yên vừa đủ một đời vậy nghe”
***
Gấp tập thơ lại, tôi vẫn cứ bồi hồi nhớ lại những câu, những chữ, những vần mà Cẩm Nhung đã gieo vào lòng người đọc. Nói mãi, nói nữa, thì tôi vẫn muốn nói lại: Thơ Cẩm Nhung rất dịu dàng, sâu lắng, ngọt ngào. Và nếu bạn đang muốn đi tìm bình yên thì hãy đến với tập thơ “Đi tìm bình yên” để cho lòng được dịu ngọt sau những ngày hối hả với cơm áo gạo tiền hay những ngày lòng bất chợt dông bão!
Hà Nội, tháng 9/2023 – PTDT
Phạm Thị Diệu Thu
Link nội dung: //revcat.net/binh-yen-trong-tho-phan-cam-nhung-a20744.html