Thâm trầm và lặng lẽ, Lưu Hồng Vân miệt mài với những con chữ đượm tình, sau một Rượu xưa đầy khắc khoải; Tập tàng vời vợi nhớ thương thì lại đến một Ngõ gió hoang hoải những chiêm nghiệm về tình yêu và cuộc đời.
Ngõ gió đã tạo được những nét riêng nhất định cả về nội dung lẫn hình thức biểu hiện. Đây là bước chuyển rất đáng được ghi nhận của một người làm thơ cần mẫn, hăng say như Lưu Hồng Vân.
119 bài thơ trong Ngõ gió, Lưu Hồng Vân đã thể hiện được thi pháp riêng của cái tôi tự biểu hiện, tự soi tỏ; để từ đó nhìn ra - nghiệm suy mọi thứ đang hiện hữu quanh mình, ở thời đại mình đang sống với sự đồng hiện và đan cài giữa hiện tại - khứ - tương lai.
Dòng người trôi cuồn cuộn/ Muốn thành danh phải dơ hơn một tý/ Người khóc thuê/ Người lệch chuẩn/ Trên đường về cổ vũ hào hoa// Đường lối nhân sinh có lẽ rất xa hoa/ Mắt em cong mi dài lóng lánh/ Trước ly rượu nâu anh cười sang chảnh/ Trong lòng buồn hoang hoác thâm sâu... (Hoang mang).
Thơ Lưu Hồng Vân là thơ của cảm xúc rất đỗi chân thành, từng câu chữ cứ hiển hiện một cách tự nhiên qua lăng kính của một người luôn nhìn cuộc sống một cách trầm tĩnh và đa chiều. Có lẽ chính những chiêm nghiệm cuộc đời của một con người từng đi qua hết mọi cung bậc cảm xúc, yêu thương rồi xa cách để tĩnh lặng, tự chất vấn chính mình. Mơ hồ những vết chân chim/ Bảng bay son phấn đi tìm phấn son/ Đường nhân gian đã quá mòn/ Đá phơi sương gió có còn biết đau (Đá đau).
Thâm trầm là thế, song cũng có lúc người thơ vẫn không khỏi thảng thốt trước những dự cảm riêng mình về thời gian, về những ký ức sống động của tuổi trẻ: Em vừa cắt tỉa lời ru/ Xa xưa bím tóc còn chưa gọi thề/ Ta vừa đứt đoạn đam mê/ Tóc xanh đã ngả bên lề trắng phau (Tóc xanh); hay Đường heo hút gió phong tình/ Họa mi khắc họa trắng tinh chớm mùa/ Dã quỳ vàng dã khúc cua/ Em trong leo lẻo tiếng xưa còn thề/ Ta bong tróc với đam mê/ Vàng son hắt hủi bước về lạnh sâu (Đường cuối thu); Nắng cứ gắt, mưa cứ rơi/ Tình si trói buộc khắp nơi một mình/ Trái ngọt nhiều trái ngọt xinh/ Hoa chưa nở đã thấy mình tàn phai/ Dòng trôi heo hút đường dài/ Thời gian rất ngắn cũng thoai thoải buồn (Si).
Với tâm hồn đa mang, đa cảm của người thi sĩ thì dù một biến chuyển nhỏ của tự nhiên hay lòng người cũng khiến Lưu Hồng Vân không khỏi suy tư: “Thu vàng hạ đỏ xuân xanh/ Dụi ngang mày xám cho thành mùa đông/ Người hay nói có thành không/ Xoa tay hoang vắng vẫn trông miệng cười/ Dung dăng bỏ chín thành mười/ Mắc mang duyên phận ngoài tươi trong tàn (Thu tàn). Cũng có lúc khi nhìn thấu được những nhiễu nhương, bất trắc và cả sự hoang mang dâng lên từng câu chữ: Kẻ loạn ngôn thành kẻ tinh hoa/ Nói mãi/ Hát mãi/ Câu hát sau không như câu hát trước/ Bấy nhiêu năm/ Nói xong/ Rồi chẳng biết đã nói gì/ Bị vặt lông/ Bị hiến tế/ Bầy cừu vẫn im lặng/ Đi… (Bầy cừu); Ngọn gió hôm nay rực rỡ đèn mầu/ Ôi thứ đèn ăn son ăn phấn/ Như con thú bắt ánh sáng giữa rừng sâu/ Hay như thiêu thân lao vào để chết/ Ngày hôm nay người ta quên hết/ Muốn đi nhanh hơn phải biết xếp hàng/ …Chưa kịp buồn đã thấy hoang mang (Hoang mang).
Là người con đất Bắc nên những kỷ niệm ấu thơ, những vụng dại buổi đầu lẫn những chông chênh, hẫng hụt với đời đều gắn liền với vùng đất ấy. Bởi vậy nên rất dễ bắt gặp những câu thơ với thanh âm và hình ảnh mang đậm dấu ấn thâm trầm, nét đặc trưng xứ sở: “Em có về Nghĩa Lộ không em...”/ Ruộng bậc thang đang mùa lúa chín/ Suối vắt trong mây trời bịn rịn/ Đá ngâm mình chiêm nghiệm những phù sa// Nắng đồi chè loang loáng trôi qua/ Vết trăng tròn lấp sau áo trắng/ Gốc chè mốc hoang chiều thầm lặng/ Bỗng rạng ngời tím ngắt hoa sim (Về Nghĩa Lộ). Hay Tư Đình nắng xuống Lâm Du/ Làm sao nhạt bớt mùa thu đang tàn (Bờ vai); Sáng đầu đông trong veo Tây Yên Tử/ Thiếu nữ người Dao khua chổi quét lá thông/ Người phiêu lưu bắc lên bao bậc đá/ Đá đã mòn trơ sao em vẫn nói không// Ở phía trên An Kỳ Sinh bất tử/ Người dựng tượng hơn hai trăm tấn/ Trên đỉnh non thiêng chùa xây mới/ Sắc nét bên ngoài nhạt bên trong (Yên Tử).
Tình yêu trong thơ Lưu Hồng Vân rất khó nắm bắt, tựa như một hồ sâu hun hút, mặt nước tịnh yên nhưng dưới thẳm sâu sóng gợn khôn cùng. Đó là tình yêu của người đàn ông thật sự trưởng thành và mang những vết đau không phai dấu. Bởi vậy nên người đàn ông ấy lặng lẽ cất niềm thương vào đáy mắt, cất nỗi buồn vào tận đáy tim và giữ sự trầm tĩnh đến vô cùng để đi qua năm tháng. Thôi đừng trích dẫn ngày mưa/ Hàng cây giơ ngón như vừa tắt thu/ Sắc thanh thanh sắc phiêu du/ Đồng vong trống trải xóm tu chật rồi/ Thôi đừng trích dẫn xa xôi/ Tóc xanh bướm trắng đã vừa vội bay/ Nhân gian canh bạc tất tay/ Ái nhân chai sạn mỗi ngày một xa (Thôi đừng); Gió mùa cắt đứt cơn mê/ Yêu thương roi quất nhớ về sẹo non// Tự thiêu ngày tháng mất còn/ Tìm đâu giày đỏ chân son mà tìm// Ta về gói ghém lặng im/ Nhớ thương buộc lại cánh chim lạc mùa (Gió mùa).
Cũng bởi vì thế mà xuyên suốt tập thơ là nỗi niềm hoang hoải, là một tình yêu không thể nắm bắt, dẫu không bi lụy nhưng cũng chưa bao giờ trọn vẹn. Mưa nhà ai đổ mãi trăm nơi/ Ngọn vu quy tìm nơi gõ cửa/ Cánh gập rồi gió còn lạc lối/ Mịt mùng đêm gieo giắc hôm trưa/ Ta tìm nhau đến vô hạn định/ Chút tình yêu biết mấy cho vừa (Hạn định). Để rồi nơi “ngõ gió”: Người theo ngõ Thông Phong về với gió/ Để trên trời ríu rít những dây/ Mỏi cánh chim tìm hoài không có/ Ngày cuối năm mưa bụi cứ bay// Ta lang thang trên ngày gian khó/ Biết tìm ai trong đám đông người/ Đành đậu neo niềm tin ảo cũ/ Nhấp tâm tình trong cốc chè tươi// Ngõ một mình qua tuổi năm mươi/ Ngày tháng rộng nay càng hạn hẹp/ Gió đi qua hun hút biết cười (Ngõ gió).
Với Ngõ gió, có lúc Lưu Hồng Vân như đang độc thoại với chính mình. Sấp ngửa đời người với bao nhiêu được mất, với bao nhiêu chiêm nghiệm về thế thái nhân tình, những điều đã và đang xảy ra đầy nhức nhối.
Buồn quá đất ơi/ Thầy địa lý sợ rằng đất biết nói/ Người với người sợ đất biết chia/ Ngày hôm qua, ngày hôm kia/ Đất trào máu// Đất có trước/ Người sinh ra sau/ Người bạc trước đất bạc sau// Đất và người không cho riêng ai hết/ Đất biết đau/ Người ta nói “trái đất ba phần tư nước mắt/ Là biển sâu/ Hay do đất khóc... (Đất).
Trên đường đời tấp nập với bao nhiêu điều tốt - xấu; bình yên - bất trắc... xảy ra; để rồi Lưu Hồng Vân nhận ra rằng: Ông trời gieo những sinh linh/ Vòng quay thì ngắn sợi tình thì dai/ Nhân sinh hít một hơi dài/ Cùng nhau ngụp lặng đến phai bạc đầu… (Gieo). Dẫu ở góc nhìn nào, với cung bậc cảm xúc nào thì Lưu Hồng Vân cũng chạm vào tận cùng những trở trăn nhân thế. Ngai ngái chiều nắng vàng tịnh độ/ Chuông từ tâm thăm thẳm rất sâu/ Lời yêu đương mặc nhiên bến đỗ/ Sương khói đem đi thả giữa cầu/ Dòng sông nào bồi đắp đã lâu/ Ngày tháng năm hồn nhiên rơi vãi/ Giữa đục trong phù sa mê mải/ Đãi cát tìm ta lại thấy mắt nhau (Mắt nhau). Và với Ngõ gió, khi đọc đến trang cuối cùng, gấp sách lại rồi mà lòng vẫn hoang hoải gió và thăm thẳm những nỗi niềm trắc ẩn!
Nguyễn Văn Hoà
Link nội dung: //revcat.net/tham-tham-noi-niem-trong-ngo-gio-cua-luu-hong-van-a20708.html