Đó là ngày 6 tháng 1 năm 1979, ngày mở màn chiến dịch phản kích và tiến công giải phóng Căm Phu chia. Vào lúc 4 giờ sáng, tôi nhận lệnh từ Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Nghĩa làm nhiệm vụ cường kích. Máy bay của tôi và anh Nguyễn Văn Trọng tháo tên lửa, mỗi máy bay đeo hai quả bom nặng 250 kg. Hơn 5 giờ sáng, tôi nhận lệnh xuất kích, tôi hỏi anh Nghĩa, địa điểm, anh Nghĩa nói cứ lên trời sẽ biết. Sau khi đã chiếm được độ cao, anh Nghĩa lệnh biên đội bay theo hướng 285 độ. Vì tôi đã nhiều lần công kích các khu vực ở hướng này nên nhận biết là mình đang bay về hướng Svayrieng. Bay một lúc anh Nghĩa hỏi đã thấy mục tiêu chưa, tôi nghiêng cánh nhìn xuống dưới thấy một căn cứ rất lớn của Khơ me đỏ có rất nhiều loại vũ khí, trang thiết bị, ô tô để chúng sử dụng tấn công Việt Nam.
Khi phát hiện ra máy bay của chúng tôi, các trận địa phòng không của quân Khơ me đỏ bắn lên rất rát, gồm đủ các loại vũ khí từ pháo cao xạ phòng không, súng trung liên 12 ly 7 đến tiểu liên, súng trường, đạn bắn chiu chíu thành những vệt sáng.
Tôi hạ lệnh số 2 bám theo tôi chuẩn bị công kích. Tôi lật máy bay bằng động tác dứt khoát, lao xuống đến độ cao tối ưu, tôi cắt bom, bom rơi vào đúng giữa căn cứ, từng cột khói đen bay lên cùng những ánh chớp lửa lóe sáng. Tôi lại tiếp tục chỉ huy số hai lao xuống cắt bom, sau đó cả hai lấy độ cao để tránh hỏa lực lực của địch, bảo toàn lực lượng. Trận đánh của chúng tôi chỉ diễn ra trong mấy phút đồng hồ. Sau này, theo tin tức từ mặt trận gửi về, trận đánh của chúng tôi đã tiêu diệt một khối lượng rất lớn khí tài, thiết bị và nhiều sinh lực của địch.
Trận đánh này đã gây cho địch thiệt hại nặng nề và vào đúng vào ngày ta phản kích và tiến công trên toàn bộ lãnh thổ Căm phu chia.
TẬN ĐÁNH CĂN CỨ TÀ KEO
Theo hiệp đồng với mặt trận chúng tôi được lệnh đánh vào căn cứ Tà Keo để phá hủy kho hậu cần này.
- Không quân chuẩn bị 2 chiếc máy bay F 5E làm nhiệm vụ cưỡng kích. Thời gian xuất kích chờ mặt trận báo về.
Sáng 12/3/1979 vào lúc 6 h, cac phi công và đội ngũ kỹ thuật máy bay phải triển khai xong theo kế hoạch: Mỗi máy bay treo 2 quả bom loại 250 kg đặt ngòi nổ xuyên – phá.
-Nhiên liệu nạp đầy
-Nạp 200 viên đạn 20 ly
-Biên đội gốm các phi công: Nguyễn Thanh Xuân (số 1); Nguyễn Văn Nuôi (số2)
Đội ngũ Kỹ thuật máy bay đã chuẩn bị máy bay xong. Biên đội ra tiếp thu máy bay. Khi đến gần 2 quả bom tôi dừng lại đứng nhìn trong giây lát và vỗ nhẹ vào 2 trái bom và nhủ thầm rằng” cố gắng rơi ra và rơi trúng mục tiêu nhé”. Biên đội chúng tôi tranh thủ thời gian trao đổi hiệp đồng chiến đấu. Chúng tôi được Sở chỉ huy (SCH) thông báo sẽ đánh vào mục tiêu TÀ KEO - nơi có căn cứ hậu cần rất lớn của quân Pôn pốt, nó nằm sát mép rừng (trinh sát mặt trận báo về).
Tôi và phi công Nuôi lấy bản đồ ra nghiên cứu vị trí mục tiêu, hướng công kích và hướng thoát ly (chủ yếu hướng thoát ly bao giờ cũng hướng về đất mẹ).
7h30 lệnh từ SCH truyền xuống biên đội XUÂN -NUÔI xuất kích. Sau khi cất cánh, SCH cho biên đội lấy độ cao 4000m, hướng 310 độ. Biên đội bay được hơn 4 phút thì SCH thông báo mục tiêu bên trái 30 độ khoảng cách 25km. Tôi đã phát hiện ra. Nhưng để cho chắc ăn SCH thông báo tiếp lần thứ 2 mục tiêu bên trái 35 độ khoảng cách 20 km. Tôi xác định chắc chắn mục tiêu và bay thêm một chút nữa. Tôi nhìn thấy một khu kho hậu cần rất lớn. Các dãy nhà kho liền kề nhau sát mép rừng (rừng ở đây bạt ngàn xanh biếc một mầu). Tôi ra lệnh cho số 2 bật công tắc quân giới (công tắc bom), số 2 trả lời “nghe rõ”. Tôi lập tức điều khiển máy bay bổ nhào với động tác nhanh nhất. Lúc này tôi nghe số 2 nói “nó bắn lên nhiều lắm”. Nhưng tôi chẳng để ý, chỉ tập trung ngắm mục tiêu để cắt bom. Tôi nói và động viên số 2 “kệ mẹ nó cứ chơi đi”. Tôi hô số 2 “cắt bom” và tôi thoát ly, đồng thời nhìn xuống phía dưới thấy một cột khói lửa bốc lên cao, coi sướng mắt, lửa cháy lan một khu vực rộng lớn. Đến lúc này tôi mới nhận biết lưới lửa phòng không của Polpot bắn vào đội hình của chúng tôi là có thật. Tôi nghĩ trong đầu “ông đã chiến với chúng mày xong rồi. Bây giờ chúng mày có bắn cũng chỉ bắn vuốt đuôi thôi.
Chỉ sau ít phút thoát ly, biên đội tập hợp đội hình trở về căn cứ và hạ cánh an toàn.
Lúc về đơn vị, tôi và Nuôi ngồi nói chuyện với nhau Nuôi nói “bọn Polpot bắn lên dữ quá anh Hai à, nghe anh Hai lệnh tôi chú ý ngắm mục tiêu và cắt bom xong thoát ly luôn, chỉ thấy cột khói nữa bốc lên cao sau cột khói mà anh Hai cắt bom trúng đích. Anh em cười vui ha hả.
Tôi nói vui với Nuôi, anh em mình cao số lắm, còn sống dài dài để nhìn mặt vợ con, lúc ấy chú chỉ chần chừ một giây thôi là chúng ngắm đúng mục tiêu, chú ăn đòn đấy, tớ nghĩ chúng bắn thì chúng bắn, có thể trúng, mà trúng thì chưa chắc đã chết nên cứ lao thẳng xuống cắt bom thôi.
Ngày hôm sau, từ mặt trận báo về không quân đánh trúng mục tiêu căn cứ hậu cần của Polpot, căn cứ ở TÀ KEO bị xoá sổ hoàn toàn. Biên đội tôi rất vui mừng, được ghi thêm 1 chiến công nữa cho Trung đoàn.
Tôi đã đánh 36 Trận ở chiến trường CPC trận nào cũng bị lực lượng phòng không Polpot bủa vây riết rồi cũng quen.
Sau khi tham gia chiến dịch Căm Phu Chia, sau này phi công Nuôi chuyển sang lái máy bay dân dụng ATR 72 của Pháp.
TRẬN ĐÁNH VÀO TẬN SÀO HUYỆT, TIÊU DIỆT TÁM TẦU QUÂN SỰ VÀ MỘT TẦU HÀNG CỦA KHƠ ME ĐỎ
Trước trận đánh này, Hai Xuân kể lại với tôi, nhìn vợ chửa vượt mặt mà thấy thương vợ vô cùng, vì tình hình chiến sự ở Căm Phu chia rất căng thẳng, quân Khơ me đỏ liên tục bắn phá các làng mạc vùng biên giới, giết hại dân ta, nên ngày nào anh cũng ở trạng thái sẵn sàng trực ban chiến đấu. Lúc này Polpot đang lùa sáu sư đoàn tấn công 6 tỉnh biên giới Tây Nam Bộ. Chúng ta (Việt Nam) đang chuẩn bị đánh lớn, phản kích tiêu địch đến tận sào huyệt.
Tối qua vợ anh nói với anh: “có lẽ em sắp sinh hạ rồi, anh cười, vẫn chất Nam bộ, có gì nhờ người báo anh sẽ về ngay đưa em đi”.
Tờ mờ sáng, anh đã dậy. Nhìn vợ ngủ anh cứ để yên, vì tối hôm qua vợ anh trằn trọc không ngủ được. Mặc đồ bay, sách mũ bay, anh phóng chiếc xe Honda 50 cũ rích đến đơn vị.
Vừa vào sở chỉ huy, Trung đoàn trưởng ra lệnh ngắn gọn:
- Cậu cùng Mai Văn Sách, cậu Biên đội trưởng, Sách số 2 hôm nay đánh một trận cho ra trò nghe không. Cậu cùng Sách chuẩn bị kỹ hiệp đồng cho trận này, đánh cho bọn Polpot cần phải biết lễ độ đối với những người đã hết lòng ủng hộ chúng trong cuộc chiến đấu giành độc lập của đất nước chúng.
Mình cười ha hả, Thủ trưởng cứ yên tâm tin tưởng ở Hai Xuân này. Mình và Sách ra tiếp nhận máy bay.
Đến nơi, đã thấy anh em kỹ thuật lắp trên hai chiếc F5 E, mỗi máy bay 2 quả bom loại 250 kg. Sau khi tổ kỹ thuật chuẩn bị máy bay xong, họ bàn giao máy bay cho phi công tiếp thu. Vừa tiếp thu máy bay xong, mình (Hai Xuân) nhận lệnh từ SCH (sở chỉ huy) e 935:
- Mục tiêu của biên đội hôm nay là đánh đoạn sông Mê Kông chảy qua thành phố Nông Pênh, cụ thề: tầu chạy ra thì đánh (tầu địch), tầu chạy vào không đánh (quân ta). Tôi cũng chưa mường tượng được tầu địch và tầu ta có gì khác nhau, SCH nói cứ lên rồi sẽ biết. Nghe SCH nói chung chung quá, đi đánh giặc cứ như đi dạo phố. Biên đội chúng tôi tranh thủ thời gian hiệp đồng chiến đấu, đây là khâu chuẩn bị hết sức quan trọng nó chiếm 50 phần trăm thắng lợi. Hiệp đồng càng tỉ mỉ thì khi gặp bất trắc sẽ bình tĩnh xử lý linh hoạt, đạt hiểu quả cao hơn
Hiệp đồng chiến đấu gồm:
Nhận lệnh từ SCH,
-Mở máy thứ tự lăn ra,
-Xếp đội hình trên đường băng theo hướng gió,
-Xử lý các tình huống bất trắc khi chạy đà,
-Xác định rõ vị trí mục tiêu và hướng công kích,
-Xử lý máy bay bị hỏng hóc trên không,
- Khi ném bom, bom không ra phải xử lý như thế nào v...v...
Đúng 8 giờ tôi nhận lệnh từ SCH biên đội xuất kích.
Chúng tôi Xuân -Sách xuất kích. Biên đội lấy độ cao 4000m, hướng 320 độ. SCH thông báo mục tiêu phía trước 25 km. Tôi trả lời đã thấy mục tiêu.
Nhánh sông Mê Kông chảy qua thành phố Nông phênh rộng lớn và chảy dài trước mắt tôi. Tôi ngỡ ngàng vì tầu, thuyền ra vào tấp nập như đi trẩy hội.
Không thể phân biệt đâu là tầu của quân ta và đâu là tầu của địch. Thú thật lúc bấy giờ tôi rất căng thẳng. Phải chọn mục tiêu nhanh và chính xác, đánh nhầm là không được. Chẳng lẽ mình bó tay? Không đánh được, phải mang bom về, xử lý còn phức tạp hơn nhiều (như trường hợp của phi công Nguyễn Văn Nuôi thả bom, nhưng bom không rời máy bay, phải mang bom thả chế độ không nổ ở khu vực được quy định. Nhưng bom vẫn không rời ra. Cuối cùng đành mang bom về và hạ cánh. Nếu kỹ thuật hạ cánh không tốt, tiếp đất theo kiểu rơi tự do, do chấn động mạnh, có thể bom sẽ rơi và không biết chuyện gì sẽ xảy ra - rất nguy hiểm). Lúc này trong đầu mình lóe lên một quyết định, mình cho rằng ý tưởng này là đúng. Biên đội mình sẽ không công kích mục tiêu di động, mà sẽ công kích mục tiêu cố định. Đồng thời lúc này mình phát hiện 2 mục tiêu cố định:
- có 8 tầu quân sự đậu sát nhau
- một tầu hàng lớn đậu gần bờ
Tám tầu này mình nghĩ không phải tầu của quân ta vì quân ta đang đà chiến thắng tiến thẳng về giải phóng thành phố Nông pênh, vậy chắc chắn là tầu địch rồi. Lập tức mình hô số 2 (Sách) chuẩn bị bật công tắc quân giới (công tắc thả bom). Công tắc này chỉ bật khi đã xác định được mục tiêu. Mình không nghe thấy số 2 trả lời. Mình gọi số 2 một lần nữa, số 2 nghe rõ trả lời? số 2 vẫn im lặng. Lúc này mình biết chắc vô tuyến liên lạc của số 2 hỏng. Theo hiệp đồng trước lúc cất cánh, số 2 vẫn bám theo số 1 nhưng không được phép ném bom cùng số 1 trong trường hợp vô tuyến liên lạc bị hỏng. Sau khi đã quyết định được mục tiêu, mình vòng máy bay với bán kính mở rộng so với mục tiêu và lập tức điều khiển máy bay bổ nhào vào hướng 8 tầu và ném 2 quả bom cùng một lúc. Lúc này hỏa lực phòng không của Khơ me đỏ bắn lên xối xả.
Đến độ cao an toàn, mình điều khiển máy bay thoát ly và nghiêng cánh nhìn xuống phía dưới thấy một cột nước trắng xoá bốc lên cao, 8 tầu của Khơ me đỏ tan tành. Tôi đã tiễn biệt chúng về chầu diêm vương. Quan sát thấy số 2 vẫn bám theo mình và bay gần bên mình với cự ly và giãn cách đủ để nhìn rõ mặt nhau. Mình chỉ tay và ra hiệu cho số 2 đánh tầu hàng gần bờ. Số 2 gật đầu và hiểu ý mình. Rồi mình bay theo số 2 để yểm trợ lấy độ cao 5000m, còn số 2 công kích ở độ cao 4000m. Số 2 vào công kích lần thứ nhất bom nổ dưới nước cách xa tầu hàng. Số 2 vòng lại công kích lẩn thứ 2, quả bom nổ trên bờ cách xa tầu hàng khoảng trên dưới 100 mét. Đúng lúc này mình phát hiện có một số cụm khói đen nổ phía trên. Mình đoán chắc ở độ cao này chỉ có pháo phòng không 100 ly của tàn quân Pôn pốt bắn lên. Sau đó mình chủ động tập hợp đội hình thoát ly tránh hỏa lực của địch. Khi đội hình ổn định, mình nghiêng cánh bên trái 2 lần, số 2 hiểu và chuyển về bên trái mình. Khi tiếp cận sân bay chuẩn bị vào hạ cánh, mình thông báo cho đài chỉ huy cất hạ cánh: “số 2 hỏng vô tuyến liên lạc các anh tăng cường quan sát sát số 2”
Đài chỉ huy cất hạ cánh k 5 và đài chỉ huy bổ trợ hạ cánh k 4 cũng đều có phương án xử lý tình huống này rất chuyên nghiệp. Biên đội thông qua đường băng độ cao 500m. Tôi báo đài chỉ huy: Biên đội giải tán và tôi lắc cánh 2 lần bằng động tác này có nghĩa là biên đội giải tán và vào vòng kín hạ cánh. Cả biên đội hạ cánh an toàn và lăn vào sân đậu. Số 2 áo quần ướt đẫm mồ hôi vì căng thẳng và đây cũng lần đầu xuất kích chiến đấu của phi công Sách. Phi công và kỹ thuật máy bay sum vẩy bên nhau kể chuyện chiến đấu cho nhau nghe rất vui và thú vị bên đồng đội.
Khi về tới Sở chỉ huy, mình không nghe được tin gì về vợ mình, chắc là vợ tôi chưa sinh, tôi mừng thầm. Nhớ lại lần xuất kích trước đây, khi về đến SCH, các anh nói vợ cậu hạ sinh rồi, nhanh mà đến thăm vợ đi. Đến nơi, nhìn thấy vợ tôi mặt xanh rớt do mất máu khi chuyển dạ và cô công chúa nhỏ xinh đẹp, khuôn mặt đỏ hỏn áp bên vợ tôi. Mình ngồi sụp xuống, vợ đưa tay nắm lấy tay mình thì thào “anh về được là tốt lắm rồi, công chúa nhỏ còn nhìn được mặt cha nó”. Lúc ấy không hiểu sao nước mắt mình cứ chẩy ra không thể kìm được. Hai Xuân nói với tôi với giọng xúc động khi đã ở tuổi gần gần 80 “Thế đấy Lâm à, cả trường hợp thứ 2 khi vợ đẻ, mình đều không có mặt, do lỗi say mê đánh giặc. Mình thật có lỗi với vợ con Lâm à.”
(Câu chuyện bên lề, có một đồng đội cùng Đoàn học viên bay 358 với tôi (Trần Sơn Lâm) và anh Hai Xuân là Đại tá, phi công tiêm kích đánh đêm đã từng xuất kích đánh B 52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 nói với tôi: “Ông Hai Xuân này liều lắm, ông ấy chiến đấu vô cùng dũng cảm. Chỉ huy quân sự rất thích và yêu mến ông ấy vì đức tính thẳng thắn, khảng khái, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc bất cứ nhiệm vụ được giao. Ông ấy đã được đề xuất phong danh hiệu anh hùng, nhưng vốn tính thẳng thắn, khảng khái nói năng ào ào nên không lọt vào mắt các chỉ huy chính trị nên không đậu.”
(Còn nữa)
N.T.X.
Trái tim người lính
Tác giả: Trung tá phi công Nguyễn Thanh Xuân/ Biên tập: Trần Sơn Lâm
Link nội dung: //revcat.net/nhung-ky-uc-khong-the-quen-va-nhung-tran-danh-ky-8-a20639.html