Khi Trung Đoàn Không quân tiêm kích E 927 được thành lập, tôi và 6 đồng đội ở Đoàn 358 được biên chế về Đại Đội 3 của E 927: Nguyễn Hùng Thông, Nguyễn Thế Đức, Nguyễn Thanh Xuân, Lê Văn Kiền, Lê Văn Lập và Dương Bá Kháng.
Do không quân Mỹ không còn coi thường không quân ta như thuở ban đầu gây chiến tranh phá hoại, họ đã từng bước chuyển sang coi các phi công của ta là những đối thủ đáng gờm. Họ thường xuyên rút kinh nghiệm từ từng trận đánh, từ việc đi từng tốp đông hàng chục máy bay, đến việc chia nhỏ thành từng tốp 4 máy bay một, bay dãn cách nhau từ 5 đến 10 km để yểm trợ nhau, đề phòng phi công ta tập kích. Từ chỗ bay đường thẳng họ chuyển sang đường bay lắt léo hơn. Điều lợi hại nhất của họ là có máy bay trinh sát điện tử, bay ở vùng biển Đông ngoài vùng lưới lửa phòng không của ta, để dẫn đường và phát hiện máy bay MiG của ta rồi để thông báo cho các phi công của họ.
Ngày 12 tháng 9 tại sân bay Nội Bài, Biên đội tôi được trung đoàn bố trí trực: anh Nguyễn Tiến Sâm biên đội trướng số 1, máy bay MIG-21 PFM số 5017. Số 2: Nguyễn Văn Toàn, máy bay MIG-21 PFM số 5049. Như thường lệ, sáng 4 giờ 30, chúng tôi được báo thức dậy. Sau khi chuẩn bị xong, hai chúng tôi lên xe ô tô ra sân bay cùng đội ngũ các anh em kỹ thuật và bộ phận hậu cần nuôi quân. Tiếp thu máy bay xong, tôi và anh Sâm vào nhà trực chiến, căn nhà cấp 4 ở đầu Tây sân bay Nội Bài. Căn nhà trực chiến được trang bị rất đơn sơ, 2-3 cái quạt tai voi, giường cá nhân và khu vực để bộ phận nuôi quân chuẩn bị đồ ăn.
Anh Sâm lúc này đã dầy dạn kinh nghiệm trận mạc, từng bắn rơi máy bay Mỹ. Trước mỗi lần xuất kích, hai anh em chúng tôi trao đổi rất cặn kẽ mọi tình huống có thể xẩy ra trong lúc cơ động chiến đấu và cách xử trí theo nguyên tắc chủ động, linh hoạt, với mục tiêu vừa yểm trợ vừa kiên quyết tiêu diệt máy bay Mỹ, phá tan đội hình và bảo vệ các mục tiêu trên mặt đất, theo nhiệm vụ được giao.
Đến 5h 20, chúng tôi nhận lệnh ngắn gọn từ sở chỉ huy: Biên đội Sâm Toàn vào cấp 1. Theo đúng trình tự của một ngày trực ban chiến đấu thì: Sau khi tiếp thu máy bay xong, biên đội tiến hành ăn sáng, khám sức khỏe, hiệp đồng với dẫn đường sở chỉ huym, nhắc lại phương án tác chiến và hiệp đồng với nhau về các động tác trong chiến đấu. Nhưng hôm nay chúng tôi chưa kịp tiến hành các việc đó, biên đội đã có lệnh vào cấp I.
Được đi trực chiến, được xuất kích, gặp địch, là khao khát của các phi công tiêm kích. Do vậy có lệnh là chúng tôi ngồi ngay vào buồng lái, chốt khóa dù an toàn và bật ra-đi-ô để chờ nghe lệnh của sở chỉ huy.
Năm phút sau khi nhận lệnh trực ban chiến đấu, đúng 5 giờ 25, tiếp tục nhận lệnh: biên đội Sâm – Toàn “ấp bắc – cờ Hồng” (tức là mở máy – cất cánh), chúng tôi mở máy, lăn lên đường băng và cất cánh.
Sau khi máy bay rời đất, tôi mới nhìn thấy quầng lửa đỏ của mặt trời mọc hiện lên đường chân trời trước mặt. Sở chỉ huy cho khẩu lệnh: “hướng bay 245 độ, độ cao 1500m”. Tới 5 giờ 30, thì được lệnh: “hướng bay 250 độ”, “5 giờ 32 hướng bay 270 độ, bật tăng lực, lấy độ cao 6000m”. Trên độ cao 6000m, biên đội được lệnh vòng tròn tại chỗ. Vòng chưa được một vòng 360 độ thì sở chỉ huy cho lệnh biên đội hạ xuống độ cao 3000m và về sân bay hạ cánh. 5 giờ 55 phút, biên đội hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. (Do trong chiến đấu mọi khẩu lệnh rất ngắn gọn nên khi nói hướng 360 tức là hiểu 360 độ, độ cao 6000 là 6000m.
Sau khi biên đội hạ cánh, anh Nguyễn Hồng Nhị -Trung đoàn trưởng – trực chỉ huy qua điện thoại thông báo với biên đội: ý định của sở chỉ huy là cho biên đội lên đánh tốp máy bay Mỹ vào trinh sát thời tiết. Khi chúng tôi tiếp cận và lấy độ cao lên 6000m, thì phía Mỹ phát hiện có MIG, chúng quay ra. Do vậy, sở chỉ huy thấy ta không thể tiếp cận, lệnh cho chúng tôi quay về sân bay hạ cánh.
Sau khi hạ cánh, biên đội tiến hành các công việc diễn ra thường kì như các ngày trực ban chiến đấu khác. Anh em chúng tôi đang ăn phụ buổi sáng thì chuông điện thoại lại vang lên. Nhưng lần này sỹ quan tác chiến không thấy hô gì mà nhẹ nhàng nói: mời anh Sâm gặp trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị giao nhiệm vụ cho biên đội. Chúng tôi nhận lệnh chuyển lên sân bay Kép với phương châm nhanh gọn – bí mật. Nhận nhiệm vụ xong, anh Sâm gọi tôi lại, mở bản đồ ra, biên đội tính toán lại đường bay và hiệp đồng các bước, các tín hiệu trong quá trình bay từ Nội Bài lên Kép. Để đảm bảo bí mật, biên đội không sử dụng đối không, độ cao chuyến bay không quá 200m.
Đến 8 giờ 55 sáng, biên đội chúng tôi Sâm – Toàn lại tiếp tục mở máy lăn ra, lên đường băng cất cánh. Ở độ cao 100 – 150m, sau khi thu càng, cánh tà, biên đội thả giảm tốc và bay ở chế độ tăng lực nhỏ phần. Bay ở độ cao thấp với tốc độ 1000 – 1100 km/h và động cơ làm việc ở chế độ tăng lực, tôi phải dồn hết sức lực, căng mắt ra để quan sát, giữ cho máy bay bay ổn định trong đội hình của biên đội. Anh Sâm là phi công lớp trước, có số giờ bay trên MIG-21 nhiều hơn tôi, nên động tác bay thường chuẩn mực, chính xác, mạnh mẽ.
Địa hình từ Nội Bài lên Kép tương đối bằng phẳng, không có núi cao. Do vậy, có lúc anh Sâm bay ở độ cao 10m – 50m. Bay ở độ cao cực thấp, phi công căng thẳng về thần kinh, nhưng lại là lúc nhìn được rõ nhất những gì đã và đang diễn ra ở dưới đất. Bay qua các thôn, làng, thị trấn, thị xã bị không quân Mỹ đánh phá, thấy rõ sự tiêu điều, đổ nát nhà cửa, trường học, bệnh viện… San sát trên mặt đất là những hố bom đánh phá của không quân Mỹ. Lòng căm thù, tức giận giặc Mỹ trào lên mãnh liệt. Mỗi lần xuất kích là mong nhìn thấy chúng nó, rồi lao thẳng vào đội hình tấn công, tiêu diệt, băm vằm chúng nó ra từng mảnh như cha ông chúng ta đã từng làm với bọn quân cướp nước. Bay đến sân bay Kép, biên đội tiếp tục tăng lực toàn phần – vòng một vòng và giãn cách vào hạ cánh lúc 9 giờ 20. Biên đội đưa máy bay vào vị trí tại đầu đông sân bay Kép. Đã là trung tuần tháng 9, thời tiết đã giữa mùa thu, nhưng nhiệt độ ngoài trời vẫn cao trên 30 độ, do bay ở độ cao cực thấp, lại làm việc căng thẳng, do vậy hạ cánh xong, ra khỏi máy bay, tôi và anh Sâm mồ hôi nhễ nhại, ướt hết cả quần áo. Vào nhà trực chiến, may quá trong nhà có chiếc quạt trần. Chúng tôi bật quạt, cởi quần kháng áp ra cho đỡ nóng và chờ trong thời gian thợ máy kiểm tra – nạp dầu cho máy bay. Sân bay Kép là sân bay được xây dựng từ những năm 1962 – 1963, là căn cứ của trung đoàn không quân 923 trang bị máy bay MIG-17. Tôi đã nhiều lần cất hạ cánh, xuất kích tại sân bay này với anh Nguyễn Văn Nghĩa. Do vậy hôm nay cùng anh Sâm chuyển máy bay lên đấy, đối với tôi không có gì là quá khó.
Uống nước, ngồi nghỉ dưới chiếc quạt trần được một lúc trong người chúng tôi đã thấy mát hơn. Anh Sâm bảo tôi: “tình hình này căng đấy Toàn ạ, ta mặc quần kháng áp vào”. Anh Sâm vừa nói xong thì chuông điện thoại vang lên. Lúc này là 9 giờ 41 phút. “Biên đội Sâm – Toàn cấp một”. Anh em chúng tôi mặc vội quần kháng áp, cầm mũ bay chạy ra máy bay. Khi ra khỏi nhà trực chiến, tôi đã nhìn thấy trên đài chỉ huy phát báo hiệu đỏ đã được bắn lên – đây là khẩu lệnh “mở máy – cất cánh ngay”. Ngồi vào buồng lái, tôi khoác và đóng khóa dù. Còn thợ máy bật các công tắc cần thiết và ẩn nút mở máy động cơ. Tiếng động cơ nổ giòn, thợ máy đóng nắp buồng lái, Tôi đóng chốt nắp buồng lái và tăng cửa dầu, lăn ra đưa máy bay lên đường cất cánh. Vừa lăn ra, tôi tiếp tục bật các công tắc còn lại: Ra-đi-ô, ARK, vũ khí… Lên đường băng, biên đội không có động tác dừng lại, mà đẩy vòng quay động cơ lên lớn nhất rồi bật tăng lực toàn phần, cất cánh ngay.
Máy bay rời mặt đất, sở chỉ huy cho hướng bay 50 độ, độ cao 1200m. Đến 9 giờ 45 hướng bay 80 độ, đến 9 giờ 47 hướng bay 100 độ, rồi 120 độ, 180 độ lên độ cao 5000 m. Ngay sau khi cải hướng 180 độ, độ cao 5000 m, sở chỉ huy thông báo mục tiêu bên trái 10 độ, cự ly 20 km. Cùng lúc đó, anh Sâm phát hiện mục tiêu và thông báo cho tôi. Nhìn thấy 4 rồi 8 các chấm đen, nhỏ như con ruồi đang bay ở phía trước, qua Ra-đi-ô, tôi báo cáo: số 2 đã phát hiện mục tiêu phía trước, hai tốp 8 chiếc F-4. Anh Sâm hô tăng lực. Biên đội mở tăng lực toàn phần và đưa máy bay tiếp cận mục tiêu. Ở cự li 6 – 8 km anh Sâm ra lệnh: “tôi công kích tốp bên phải, số 2 công kích tốp bên trái”. Tôi trả lời: “nghe rõ”. Anh Sâm bám theo 4 chiếc bên phải, chúng phát hiện có MIG phía sau, nên thả thùng dầu phụ và vòng phải gấp. Anh Sâm bám theo F-4 số 4. Song, do cơ động quá mạnh nên máy bay văng vào trong, cự ly quá gần, không đặt điểm ngắm chiếc F4 số 4 được, anh chuyển sang bám theo chiếc F4 số 3. Ở cự ly khoảng 1300m, điểm ngắm ổn định, anh ấn nút phóng. Quả tên lửa lao thẳng vào chiếc F4 số 3, khiến nó bốc cháy. Anh lật úp máy bay, kéo xuống độ cao 2000m, rồi thoát ly về sân bay Nội Bài hạ cánh lúc 10 giờ 5 phút.
Sau khi nghe anh Sâm phân công mục tiêu công kích, tôi làm động tác nghiêng trái, rồi nghiêng phải, quan sát phía sau, thấy không có tên địch nào ở phía sau nữa. Tôi điều khiển máy bay lao thẳng vào tốp F-4 bên trái. Ở cự ly 4 km, 4 chiếc F4 cơ động phân tốp, 2 chiếc vòng trái – lao xuống, 2 chiếc vòng phải – kéo lên. Tôi quyết định bám theo 2 chiếc kéo lên. Đến cự li chuẩn bị nổ súng chiếc F-4 vòng gấp, tôi chuyển điểm ngắm sang F-4 số 1. Ở cự ly 1100m, điểm ngắm ổn định, tiếng kêu vo vo của đầu tên lửa rất rõ. Tôi ấn nút phóng, quả tên lửa bên cánh trái rời khỏi máy bay, bay hơi chìm xuống một chút, rồi ngóc lên lao thẳng vào chiếc F-4 khiến nó nổ tung và bốc cháy. Tôi sung sướng hô to “cháy rồi”, “cháy rồi”.
Sở chỉ huy cho khẩu lệnh thoát ly lên độ cao 8000m. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 3900 và 3901 mà quân và dân Miền Bắc bắn rơi trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Ở độ cao 8000m, khi bay đến khu vực sân bay Kép, tôi giảm độ cao. Ở khu vực này mây 3 đến 4 phần. Vừa xuống dưới mây ở độ cao 4000m. Tự nhiên thấy máy bay bị chấn động mạnh, Tôi ngoái lại nhìn phía sau thấy 2 F-4 đang bám theo và phóng tên lửa. Máy bay mất điều khiển, tôi quyết định nhảy dù, tiếp đất ở khu vực đài gần đầu Tây sân bay Kép
Chiều 16 giờ 30 chiếc trực thăng MI-4 đưa tôi từ Kép về nơi đóng quân của trung đoàn 927 (khu hầm kho K-38).
Trong buổi tối rút kinh nghiệm chiến đấu, sau phần trình bày của kíp trực sở chỉ huy, anh Sâm và tôi, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị biểu dương Biên đội Sâm – Toàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng cũng nhắc nhở thêm: phi công xuất kích bay lên trời phải luôn luôn cảnh giác, không được lơ là chủ quan. Nghe anh nói, trong lòng tôi nhẹ nhõm đi phần nào, cứ ân hận mãi, chỉ sơ suất một tí thôi, tìm chỗ xuống để chui dưới mây, không quan sát phía sau, đã bị F-4 Mỹ bắn cháy máy bay mình, may mà mình nhảy dù an toàn.
Trong 3 ngày liên tiếp, trung đoàn 927 đánh 3 trận bắn rơi 6 máy bay Mỹ, nếu mình không bị bắn rơi thì tỉ số thắng thua là 6/0 có phải tuyệt vời hơn không. Chiến tranh là thế, có thắng, có thua mà. Trận đánh này đã cho mình bài học quý giá: đã có quyết tâm cao phải cộng với mưu trí, linh hoạt thì mới có hiệu quả chiến đấu cao. Cũng qua trận đánh này mình thực sự được rèn luyện trong thử thách của chiến tranh. Với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản” mình đã trưởng thành lên nhiều.
Hôm nay, khi viết lại những dòng hồi ức này tôi nhớ lại như in hình ảnh của anh Phạm Văn Lật nhân viên quản lý và bảo dưỡng quần áo, mũ bay Trung – Cao không, của chị nuôi, nhân viên nấu ăn bếp bay Nguyễn Thị Bắc. Ra đến sân bay, hai máy bay đã được thợ máy chuẩn bị chu đáo, chờ chúng tôi tiếp thu. Đó là những anh chị đã tận tụy phục vụ và góp phần bảo đảm sức khỏe, kỹ thuật cho máy bay an toàn khi chiến đấu. Thành tích của những phi công chúng tôi không thể tách rời sự cống hiến sức lực của các anh các chị phục vụ ở mặt đất.
Tôi lại nhớ đến anh Nguyễn Tiến Sâm, người biên đội trưởng gần gũi, anh đã mất năm 2019.
In sâu trong trí nhớ của tôi là căn nhà dã chiến chỉ có chỉ có 4 cái giường cá nhân, mấy cái quạt tai voi do Liên Xô sản xuất, 1 cái điện thoại quay tay. Căn nhà được dành một góc cho bộ phận nuôi quân, chế biến, nấu nướng thức ăn và phi công ngồi ăn cơm hàng ngày. Dưới nền nhà là một hầm trú ẩn, để mọi người xuống trú khi có máy bay Mỹ đánh phá sân bay. Thời chiến là như vậy.
Đến bây giờ khi nhìn thấy những công trình to lớn, hoành tráng, những tượng đài và những quảng trường rộng rãi ở các tỉnh và các thành phố, những buổi tường thuật họp Quốc Hội, cùng với những đại biểu ăn mặc rất đẹp trong những bộ y phục nữ áo dài và quần áo vét nam để bàn về việc xây dựng đất nước sao cho phát triển kịp với khu vực, chúng tôi lại tự hào về sự đóng góp nhỏ bé của mình để tạo nên cuộc sống hôm nay.
Về bản thân gia đình tôi, mỗi khi có dịp tụ tập quây quần bên nhau, sau khi ăn cơm xong, bọn trẻ ngồi vào lòng, cứ hỏi tôi liên tục, lái máy bay có khó không ông? ông đã đánh bao nhiêu trận?, ông có bắn rơi máy bay Mỹ không?. tôi cứ phải trả lời liên tục, nhưng trong thâm tâm tôi cũng tự hào khi nghĩ về chúng nó nói lớn lên sẽ trở thành phi công và sẽ chiến đấu như ông và nhất định sẽ bắn rơi máy bay địch như ông.
N.V.T
(Còn nữa)
Trái tim người lính
Trung tá, phi công tiêm kích Nguyễn Văn Toàn/ Biên tập: Trần Sơn Lâm
Link nội dung: //revcat.net/nhung-ky-uc-khong-the-quen-xuat-kich-3-lan-trong-ca-truc-a20624.html