Kỳ 4.
Tuy nhiên ngoài thuận lợi, các khai quốc công thần không phải không gặp những khó khăn trong hoàn cảnh thời bình. Phần lớn xuất thân từ võ tướng quen chiến trận, nay thời bình phải dùng đến kiến thức nhân trị, pháp trị, chính trị của học thuyết Nho gia. Các khai quốc công thần đã lớn tuổi học không được và tiến thu chậm chạp. Nhưng cái nguy hiểm nhất là trong thời bình, tình đồng chí, nghĩa vua tôi trong thời chiến tranh, tình đồng cam cộng khổ đến thời bình không còn nữa. Chỉ còn sự nghi kỵ giữa vua tôi, sự đố kỵ hiềm khích vì địa vị quyền lực hơn kém, từ đó dẫn tới những mâu thuẫn và dẫn tới âm mưu thủ đoạn tàn hại nhau, vu oan giá họa của các đồng lưu trong triều đình mà xưa là đồng chí. Triều đình tồn tại nhiều lực lượng, phe phái do cấu trúc của một triều chính, một nền quân chủ: Vua là quyền lực tối thượng, bên cạnh vua là bọn hoạn quan gần gũi nhà vua, được nhà vua nghe theo, trong hậu cung là các phi tần chiến ngầm với nhau để tranh giành sự sủng ái của Hoàng thượng, các phi tần còn chiến sinh tử với nhau để tranh địa vị hoàng thái tử kế vị ngai vàng cho con của mình. Đây là một cuộc chiến khốc liệt và đáng sợ. Trong triều đình thì có bọn gian thần, bọn này cũng được vua tin dùng vì khéo ăn nói, chiều ý vua, lại có nhiều âm mưu thâm độc, chiêu thức mà chúng hay dùng là lựa lời vu cáo các trung thần. Lịch sử các triều đại cũng đã để lại không biết bao nhiêu trung thần bị hãm hại bởi bọn gian thần, đặc biệt khi vua trở nên hôn quân, triều đại thối nát. Triều Lê vừa được thiết lập sau cuộc kháng chiến chống Minh, chưa thể là triều đại thối nát và Lê Thái Tổ cũng chưa phải là hôn quân. Nhưng trong hoàn cảnh như vậy, Trần Nguyên Hãn cảm thấy lo sợ. Một cảm giác mà suốt 10 năm chiến đấu, giáp mặt với quân thù ông chưa hề có. Nay hòa bình, ông có quyền cao chức trọng nhưng lại lo sợ cho cái Lý lịch xuất thân của ông. Trần Nguyên Hãn là cháu nội Trần Nguyên Đán, một đại quý tộc nhà Trần, dòng dõi nhà Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải thời vua Trần Nhân Tông, một triều đại mà võ công dù có qua hàng trăm năm cũng không phai mờ trong trí tuệ của các thế hệ bách tính. Trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhà Hậu Trần với hai vị vua là Giản Định Đế Trần Ngỗi và Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đã lãnh đạo nhân dân chống giặc Minh từ 1407 đến 1413. Cuối cùng thất bại nhưng sự hy sinh của vua tôi và tướng lĩnh Hậu Trần đã để lại những tấm gương sáng và sự cảm phục yêu mến của bách tính lâu dài về sau. Trong triều đình nhà Lê, sau khi biết xuất xứ của Trần Nguyên Hãn, hình như bọn nội quan, hoạn quan, gian thần nhìn ông với con mắt nghi ngờ không thiện cảm. Ông để ý xem thái độ của Lê Thái Tổ với ông như thế nào? Quan hệ vua tôi vẫn bình thường. Lê Thái Tổ vẫn chưa tỏ thái độ gì với Trần Nguyên Hãn, nhưng Trần Nguyên Hãn vẫn bám vào một tư tưởng dù là một minh quân bậc nhất thì khi chuyện liên quan đến tồn tại của ngai vàng thì không thể vô tư và khi ra tay thật là quyết liệt không nương tay với phương châm thà giết lầm còn hơn bỏ sót. Một điều mà ông thấy bất lợi là việc ông phò tá, ủng hộ Lê Tư Tề là con trưởng Lê Thái Tổ với Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ để sau này đoạt ngôi thái tử, kế vị ngai vàng. Lê Tư Tề lớn lên đã 10 năm tham gia kháng chiến chống giặc Minh, năm 1428 được phong làm Hữu tướng quốc, Quốc vương, có thể thay Lê Thái Tổ giải quyết việc triều đình, việc nước khi cần thiết. Lê Tư Tề có đủ tài năng đức độ làm Thái tử, kế vị ngai vàng xứng đáng. Trong khi đó bà vợ thứ của Lê Lợi là Phạm Thị Ngọc Trần sinh ra Hoàng tử Lê Nguyên Long. Lê Nguyên Long năm nay mới 5 tuổi, sinh ra tại chiến trường Nghệ An. Khi Lê Nguyên Long lên 2 tuổi thì cung phi Phạm Thị Ngọc Trần đã mất. Theo lời đồn đại thì cái chết của bà liên quan đến vận mệnh của Lê Lợi và của cuộc khởi nghĩa, thực hư thế nào thì Trần Nguyên Hãn không biết. Theo tuổi tác và công lao thì ai cũng cho rằng Lê Tư Tề là người kế vị chứ không phải là Lê Nguyên Long. Lê Nguyên Long cũng được một số khai quốc công thần nổi tiếng như Nguyễn Xí, Lê Khôi (cháu Lê Lợi) phò tá. Và cuộc đấu tranh giữa các đại thần giành ngôi thái tử cho hoàng tử mình phò ta đã diễn ra quyết liệt, ngấm ngầm. Có lời dị nghị cho rằng Lê Thái Tổ đang nghiêng về ý kiến cho Lê Nguyên Long làm thái tử vì không thể để cho một hoàng tử được đại quý tộc nhà Trần xưa phò tá lên ngôi, mầm chứa đựng sự khôi phục lại nhà Trần, diễn biến này sẽ diễn ra khi ông làm phụ chính. Bài học của nhà Trần khi Hồ Quý Ly làm phụ chính cho vua Trần Thiếu Đế đã làm cho triều đình nhà Lê lo sợ. Trần Nguyên Hãn đã thấy việc ông và Phạm Văn Xảo phò tá Lê Tư Tề sẽ đem lại bất lợi cho chính Lê Tư Tề. Và hiện tại ông và Phạm Văn Xảo cũng đang ở vào vị trí bất lợi khi mà Lê Lợi đang dao động và ngày càng nghiêng về việc chọn Lê Nguyên Long làm Thái tử kế vị.
Để khuây khỏa mối u sầu, một ngày đầu năm 1429, Trần Nguyên Hãn đến thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Nếu như Trần Nguyên Hãn là cháu nội của Trần Nguyên Đán thì Nguyễn Trãi là cháu ngoại quan Thúc thượng Hầu nhà Trần xưa. Mẹ Nguyễn Trãi là bà Trần Thị Thái, trưởng nữ của Trần Nguyên Đán, chị của mấy người con trai của Trần Nguyên Đán như Trần Thúc Giao, Trần Thúc Quỳnh, cho nên về thứ bậc Trần Nguyên Hãn phải gọi Nguyễn Trãi bằng huynh. Côn Sơn núi non hồ nước hữu tình, cách kinh thành về Phía đông khoảng 120 dặm. Nguyễn Trãi đưa Trần Nguyên Hãn đi thăm Côn Sơn. Ông như lạc vào phong cảnh thần tiên. Sau bữa cơm trưa, một lượt trà nước Trần Nguyên Hãn nói:
-Đệ đang có ý định cáo quan về hưu, huynh thấy thế nào?
Nguyễn Trãi uống một hớp trà, đặt chén xuống và nói:
- Đệ đang còn trẻ sao lại cáo quan, hay trong tâm tư và triều đình có khúc mắc gì chăng?
Trần Nguyên Hãn thở dài đáp:
-Thưa huynh, chắc huynh cũng thấy quan đồng lưu trong triều phần lớn là đồng đội chiến đấu xưa, suốt 10 năm gian khổ nằm gai nếm mật, hy sinh, sống chết có nhau, tình nghĩa thật đậm đà vì một lý tưởng cứu dân, cứu nước. Nay thời bình quan cao chức trọng, bổng lộc giàu sang nhưng tình nghĩa không còn như xưa. Đệ thấy quan trường bây giờ ngấm ngầm sóng gió, kèn cựa ghen ghét lẫn nhau, thậm chí còn mưu hại lẫn nhau. Đệ chán nản thời cuộc, nhân tình thế thái mà xin về thôi.
Nguyễn Trãi im lặng đăm chiêu, uống trà liên tục. Trần Nguyên Hãn nói:
-Một số chiến hữu nay biến đổi thành gian thần, a dua với bọn hoạn quan nham hiểm chuyên đặt điều bịa đặt bên tai Hoàng thượng. Thế nào Hoàng thượng có lúc chả xuôi tai, quân vương dù là minh quân đôi khi cũng thích nghe lời tâng bốc nịnh nọt. Vả lại đệ về hưu còn là vì tương lai của Hữu tướng quốc Quốc vương Lê Tư Tề.
Nguyễn Trãi ngạc nhiên:
-Sao lại vì Lê Tư Tề, huynh không hiểu?
Trần Nguyên Hãn đáp:
-Vô hình chung không biết tự bao giờ, các đại thần trong triều chia làm hai phe, phe phò tá cho Lê Tư Tề, con trưởng của Hoàng thượng, phe phò tá cho Lê Nguyên Long, con thứ của Hoàng thượng. Phe nào cũng muốn cho người mà mình phò tá là thái tử kế vị ngai vàng để có lợi cho bản thân sau này. Huynh đã biết, đệ và Phạm Văn Xảo phò tá cho Lể Tư Tề. Có tin rằng, sau này Lê Tư Tề lên ngôi đệ sẽ nhiếp chính mà đệ là người quý tộc họ Trần, không khéo ngai vàng nhà Lê sẽ chuyển sang là của nhà Trần. Cho nên đệ mà ở lại phò tá thì Quốc Vương Lê Tư Tề sẽ bị phế truất ngôi thái tử kế vị.
Nguyễn Trãi gật gù:
-Đệ nói cũng phải. Nếu Lê Nguyên Long làm thái tử và trở thành Hoàng thượng thì bản thân Quốc Vương hoàng tử Lê Tư Tề cũng sẽ bị Lê Nguyên Long loại trừ, còn những người phò tá Lê Tư Tề thường cũng có một kết cục rất xấu, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Nhưng hiện nay cũng chưa rõ thái độ của Lê Thái Tổ thế nào?
Trần Nguyên Hãn đáp:
-Cho đến nay Lê Thái Tổ chưa có thái độ nghiêng về Lê Tư Tề hay Lê Nguyên Long. Nhưng đệ nói thêm, đệ cáo quan còn là vì muốn nối theo chí ông nội ngày xưa, sớm rời bỏ quan trường đầy cam go, về sơn khê cho ung dung tự tại, vui thú với hoa lá chiêm muông trời đất, tĩnh tại thanh nhàn. Huynh cũng sớm nên cáo quan đi về Côn Sơn này mà thưởng thức vẻ đẹp của thần tiên nơi trần thế như ông ngoại xưa.
Nguyễn Trãi nói:
-Huynh không phải là tham quan cố giữ lại cái địa vị của mình nhưng trong huynh luôn mang nặng chữ vì dân vì nước. Đệ về trước đi, còn huynh sẽ xem xét thời cuộc rồi sẽ tính sau.
Trần Nguyên Hãn nói:
-Đúng rồi, đệ là quan võ, huynh là quan văn, các ngài quan văn bao giờ cũng nặng tình Nho gia, lời dạy của thánh hiền. Nhưng huynh ơi, thực hiện được những lý tưởng của thánh hiền trong thực tế đâu phải dễ, toàn những lý thuyết ru ngủ con người, bay trên mây trên gió.
Sau bữa cơm rượu chia biệt ở nhà Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn lên bàn thờ gia tiên đốt hương cho ông ngoại Trần Nguyên Đán, cho bác là Trần Thị Thái, bác rể là Nguyễn Phi Khanh. Xong Trần Nguyên Hãn chắp tay nói:
-Xin cáo biệt huynh, huynh bảo trọng.
Nguyễn Trãi cũng chắp tay và nói:
-Xin cáo biệt đệ, đệ bảo trọng
-Đa tạ, đa tạ.
Rồi Trần Nguyên Hãn rời Côn Sơn, xa dần sau núi rừng Côn Sơn hiu hắt. Nguyễn Trãi đứng lặng im nhìn, lòng buồn khôn tả.
Từ Côn Sơn Trần Nguyên Hãn đi về Đông Kinh. Khoảng một tháng sau ông đến hành cung của Lê Thái Tổ xin vào gặp. Lê Lợi cho vào. Trần Nguyên Hãn quỳ hành lễ:
-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
-Miễn lễ, ái khanh đứng dậy đi.
-Tạ hoàng thượng.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-4-a20209.html