Trong những năm qua, Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, gần nhất là: Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/09/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hoá nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, phục hồi và phát triển du lịch. Qua đó, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể trên cả nước cũng đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, những hiện tượng vi phạm quy định của pháp luật cũng như vi phạm nguyên tắc thực hành di sản văn hoá phi vật thể, đặc biệt là di sản được UNESCO ghi danh và trong Danh mục Quốc gia vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, có xu hướng gia tăng, thậm chí được thực hiện bởi một số Nghệ nhân ưu tú; tổ chức các hoạt động văn nghệ có diễn xướng hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người việt; xâm phạm một số tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản văn hoá phi vật thể.
Việc thực hành sai lệch di sản dẫn tới biến đổi giá trị di sản sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét thông qua Báo cáo định kỳ Quốc gia mà Việt Nam phải đệ trình Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, trường hợp nghiêm trọng có thể bị UNESCO xem xét, rút danh hiệu.
Do đó, Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp, tăng cường chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện một số nội dung như:
Triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo đúng Chương trình hành động quốc gia và Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO và các biện pháp bảo vệ được ghi trong hồ sơ khoa học.
Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể tại địa phương.
Nâng cao nhận thức cho nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng về giá trị của di sản văn hoá phi vật thể; có biện pháp nhắc nhở và chấn chỉnh đối với các nghệ nhân; người thực hành, đặc biệt là nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, đối với việc tham gia vào các hoạt động làm biến dạng, thực hành sai lệch di sản. Nghệ nhân cần nâng cao vai trò truyền dạy di sản và nêu gương trong thực hành đúng để giữ gìn di sản văn hoá phi vật thể.
Tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, những hành vi làm sai lệch giá trị của văn hoá phi vật thể như: Thực hành di sản không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản; thay đổi, bổ sung các yếu tố mới và biểu diễn di sản mà không có sự đồng thuận của cộng đồng; đưa di sản ra trình diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, tập huấn về di sản mà không có sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng, không đúng với tinh thần Công ước 2003 và Luật Di sản văn hoá.
Chỉ đạo Sở Văn hoá – Thể Thao và Du lịch; Sở Văn hoá và Thể Thao; Sở Văn hoá, Thông tin, Thể Thao và Du lịch cần chủ động quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan, tiếp tục khiển trai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch.
Mộc Miên
Link nội dung: //revcat.net/bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-tang-cuong-quan-ly-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-a20113.html