Kỳ 19
Về sự nghiệp, cuộc đời của ông Bùi Hữu Hiếu được ghi trong gia phả dòng họ Bùi Hữu đại lược như sau: “Năm 1786, sau khi tiêu diệt toàn bộ lực lượng chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Huệ quay ra bắc tiêu diệt quân Trịnh, giải phóng một miền đất từ Phú Xuân đến sông Gianh. Sau đó Nguyễn Huệ vượt sông Gianh tiến ra Bắc Hà với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”. Hai ông Bùi Hữu Hiếu và Bùi Hữu Thự là hai anh em ruột, cháu đời thứ 7 của dòng họ Bùi Hữu, văn võ song toàn đã đi theo nghĩa quân Tây Sơn (Gia phả dòng họ Bùi Hữu viết dưới thời Nguyễn ghi là bị quân Nam Hà (Tây Sơn) bắt). Hai ông từng tham gia đánh Nam dẹp Bắc. Ông em Bùi Hữu Thự mất tích trong cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn với Nguyễn Phúc Ánh. Dòng họ Bùi lấy ngày 16 tháng 8 âm lịch, ngày hai ông theo nghĩa quân Tây Sơn làm giỗ ông. Ông Bùi Hữu Hiếu là người học rộng tài giỏi làm tướng dưới trướng của Nguyễn Huệ. Khi Quang Trung còn sống ông rất được tin cẩn, đã có lần đi sứ Trung Quốc. Ông làm Đô đốc phó tướng cùng Vũ Văn Dũng cầm quân chống Nguyễn Phúc Ánh. Khi Tây Sơn bị Nguyễn Phúc Ánh tấn công, Bùi Hữu Hiếu cùng Vũ Văn Dũng ra Bắc nhằm xây dựng lại lực lượng tại vùng Nghệ An, Thanh Hoá chống lại nhà Nguyễn. Hai ông tìm về quê hương Nông Cống của Bùi Hữu Hiếu. Bọn Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thuỵ ở xã Thăng Bình (Nông Cống) biết quân Tây Sơn đang bị nguy cấp nên mưu sát hại. Biết thời vận không còn, ông Vũ Văn Dũng muốn dùng cái chết của mình để mưu lợi cho dân, ông tự nộp mình và bảo bọn thổ hào Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thuỵ đem nộp ông cho nhà Nguyễn mà lấy thưởng. Nhờ vậy nhà Nguyễn đã cấp cho làng Ngọ Xá khu Đồng Trại (Thuộc làng Thượng Văn, xã Thăng Thọ). Để nhớ ơn ông, nhân dân làng Ngọ Xá hàng năm đều tế lễ Đại tư đồ Vũ Văn Dũng, 12 năm lại một lần tế đại lễ.
Còn ông Bùi Hữu Hiếu về quê mai danh ẩn tích, được sự che chở đùm bọc của họ hàng bà con làng xóm, ông sống yên ổn và lập gia đình với bà Vũ Thị Đạt, người ở gần làng Ngọ Xá. Ngày cưới phải nhờ em ruột là Bùi Hữu Tiến thay mặt chú rể đi đón dâu. Ông đã góp phần giáo dục con em trong dòng họ, làng xóm truyền thống yêu nước yêu chính nghĩa, khí phách anh hùng của những chiến sĩ phong trào Tây Sơn”. [1]
Ngày nay, hậu duệ của dòng họ Bùi Hữu đã biên soạn lại cuốn gia phả bằng chữ quốc Ngữ trên cơ sở cuốn gia phả xưa nhất là cuốn “Gia phả Bùi Tộc” biên soạn vào đời Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông) bằng chữ Hán và cuốn “Gia phả Bùi Tộc” biên soạn vào thời Bảo Đại cũng bằng chữ Hán. Hậu duệ ngày nay của dòng họ Bùi Hữu đã dựa vào hai cuốn gia phả trên để soạn ba cuốn gia phả bằng chữ quốc Ngữ: “Gia phả Bùi Tộc” năm 1970, “Gia phả bùi Tộc” Năm 1984 và “Gia phả họ Bùi Hữu” năm 2000 do ông Bùi Hữu Thược chủ biên là cuốn tổng hợp kế thừa tất cả các cuốn Gia phả trên, có bổ sung những thế hệ mới của dòng họ. Như vậy tư liệu của dòng họ Bùi Hữu về Đại đô đốc Tây Sơn là đáng tin cậy.
Ở nhiều làng xã của vùng Nông Cống cho đến nay còn lưu truyền nhiều giai thoại, truyền thuyết về hai nhân vật Bùi Hữu Hiếu và Vũ Văn Dũng. Như truyền thuyết sau khi đem nộp ông Vũ Văn Dũng cho nhà Nguyễn và được thưởng ruộng, dân làng quên tế lễ ông. Cho nên làng Ngọ Xá mất mùa, hoả hoạn, người già và gia súc chết thường xuyên. Hồn thiêng ông Vũ Văn Dũng về báo mộng đòi tế lễ. Từ đó nhân dân làng Ngọ Xá lập đền thờ ông hàng năm tế lễ, 12 năm một lần tế đại lễ. [2]
Sách “Địa chí Nông Cống” cũng ghi lại truyền thuyết về cuối đời của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng khi chạy về Nông Cống, đại thể nội dung như trong gia phả dòng họ Bùi Hữu. Cái khác của “Địa chí Nông Cống” là ông Vũ Văn Dũng cùng chạy về Nông cống không phải với ông Bùi Hữu Hiếu mà với Thiếu phó Trần Quang Diệu, lại còn đem theo hai đứa con nhỏ không biết là của ông Dũng hay là của ông Diệu. Cả 4 người đều bị quân Nguyễn giết chết. Sách “Địa chí Nông Cống” cũng nêu lên việc dân làng lập đình thờ và hàng năm tế lễ hai ông Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu là có thực: Đình Xa Lý ở Làng Sẻ (Xa Lý), xã Thăng Bình thờ Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Vũ Văn Dũng. Đình làng Ngọ Xá, xã Thăng Bình thờ Đại tư đồ Vũ Văn Dũng. Trong nghi thức tế lễ ở cả hai đình chủ sự phải đọc hai bài văn tế. Nhưng có lẽ để che dấu nhà Nguyễn, nội dung hai bài văn tế chỉ mô tả phong cảnh tươi đẹp của hai làng Xa Lý và Ngọ Xá mà thôi.
Di vật quan trọng nhất để minh chứng Bùi Hữu Hiếu là Đại đô đốc nhà Tây Sơn là chiếc ấn Đại đô đốc của ông. Khi ông Hiếu sắp mất đã trao hiện vật quí giá này cho con trai là ông Bùi Hữu Huân và dòng họ Bui Hữu lưu truyền giữ gìn cẩn thận cho đến ngày nay. Chiếc Ấn đúc bằng đồng nguyên chất, hình chữ Nhật, chiều rộng 7 cm, chiều dài 10,5cm, dầy 1cm, núm tay cầm có hình trụ cao 2,8cm, thắt ở giữa, trên hơi loe ra, đường kính 2cm, trên đỉnh của núm có chữ “Thượng”. Từ mặt ấn lên đến đỉnh núm cao 3,8cm, lưng ấn khắc dòng chữ Hán-Nôm: "“Bính Thìn niên quí xuân nguyệt cát tạo”, mặt ấn khắc dòng chữ Hán-Nôm: “Hữu bật đạo tổng, Hữu chi các vệ Đại Đô đốc” chung quanh mặt ấn trang trí hoa văn. ,
Như vậy ông Bui Hữu Hiếu được phong Đại đô đốc dưới thời vua Cảnh Thịnh năm 1796 (Bính Thìn).
Về di tích gồm Từ Đường chính của dòng họ Bùi Hữu và khu mộ táng của dòng họ. Qua nhiều thăng trầm của thời gian, qua nhiều đời con cháu nhưng Từ Đường vẫn giữ được những nét cổ xưa, những hiện vật phong phú tiêu biểu cho một Từ Đường của một gia tộc lớn ở Việt Nam. Từ Đường được lập ngay từ khi dòng họ Bùi Hữu mới đến Nông Cống lập nghiệp và được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu xưa nhất là vào năm Thành Thái thứ IX (1898), lần gần nhất là vào năm 2003. Từ Đường là nơi thờ ông-bà Thái Thuỷ tổ họ Bùi Hữu, tức Bùi Thượng Công Bùi Hữu Doãn (Đảm Phủ Quân) cùng vợ ông là bà Nguyễn Thị Khang (Bà Đá phu nhân), người đã sáng lập nên làng Ngọc Thiện (Thượng Văn bây giờ).
(Còn nữa)
CVL
[1] :Bùi Hữu Thược chủ biên: Gia phả họ Bùi Hữu, năm 2000, trang 9-10.
[2] :Bùi Hữư Thược chủ biên:Gia phả họ Bùi Hữu, năm 2000, tr. 10.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/phong-trao-nong-dan-tay-son-va-dai-do-doc-tay-son-bui-huu-hieu-ky-19-a20056.html