Kỳ 2
Sau khi Ngô Quyền mất các thế lực phong kiến nổi dậy cát cứ, không phục tùng chính quyền trung ương, mỗi người chiếm cứ một phương xưng hùng, xưng bá, đe dọa sự thống nhất đất nước, gây nội chiến tương tàn nồi da nấu thịt. Sử sách gọi là cuộc “Loạn 12 sứ quân”. Cuộc loạn này kéo dài 24 năm (944-968). Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh một thế lực hùng mạnh ở Ninh Bình đã lần lượt tiêu diệt 11 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nhà Đinh thay thế nhà Ngô. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu riêng là Thái Bình. Việc Đinh Bộ Lĩnh xưng đế đánh dấu một bước phát triển hơn nữa trên con đường khẳng định ý chí độc lập dân tộc, sánh ngang với các đế chế của các Thiên triều Trung Hoa, củng cố thêm một bước nền độc lập dân tộc, xây dựng quốc gia phong kiến tập quyền. Năm 979 Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị loạn thần Đỗ Thích giết hại. Triều đình lâm vào cuộc xung đột tranh giành quyền lực. Vệ Vương Đinh Toàn con trai thứ của Đinh Tiên Hoàng lên ngôi mới 6 tuổi. Nhân cơ hội đó Chiêm Thành ở phía nam và nhà Tống ở phía bắc lăm le tấn công xâm lược nước ta. Vua Vệ Vương còn quá nhỏ không đủ uy tín và khả năng tổ chức lãnh đạo kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Trước tình hình đó, triều đình trong đó có Thái hậu Dương Vân Nga đã tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua lập ra một triều đại mới: Nhà Tiền Lê. Nhà Đinh do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập tồn tại được 14 năm với hai đời vua: Đinh Tiên Hoàng đế (968-979), Phế Đế Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi 8 tháng năm 980. [1]
Với triều Tiền Lê, bằng tài năng quân sự của mình, Lê Hoàn đã đánh bại, đè bẹp Chiêm Thành, củng cố vững chắc biên giới phía nam. Năm 981 Lê Hoàn đánh bại cuộc xâm lược có qui mô to lớn của 20 vạn quân Tống do tướng Hầu Nhân Bảo chỉ huy, bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, làm cho nhân dân ta càng thêm tin tưởng vào tương lai, sức mạnh khả năng của dân tộc mình. Sau khi chiến thắng ngoại xâm, nhà Tiền Lê đã bắt tay vào xây dựng đất nước một cách toàn diện. Nhà nước chú ý khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, chia đất nước thành lộ, phủ, châu, xã để mở rộng quyền lực chính quyền trung ương ra toàn lãnh thổ, xây dựng một nền quốc phòng mạnh mẽ với quân đội thường trực đông đảo, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ phía bắc và phía nam của tổ quốc.
Nhìn chung trong hai thế kỷ thứ X và thứ XI, ba triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê đã lãnh đạo nhân dân bước đầu xây dựng nền móng của quốc gia phong kiến độc lập còn non trẻ, đập tan các thế lực xâm lược nước ngoài, tiêu diệt các thế lực phong kiến chia cắt đất nước, bảo vệ thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, các triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê đã thi hành những chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh, đặt ra những hình phạt nghiêm khắc, củng cố bộ máy nhà nước. Tóm lại đặt nền tảng cho việc xây dựng chế độ phong kiến độc lập là công lao to lớn của ba triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê.
Năm 1009 sau bốn năm ở ngôi Lê Long Đỉnh (Lê Ngọa Triều) chết. Sự tàn bạo của Lê Long Đỉnh làm cho lòng người chán ghét nhà Tiền Lê. Triều thần và giới Phật giáo -giới có thế lực trong nền chính trị khi đó đã tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra một triều đại mới: Vương triều Lý. Nhà Tiền Lê tồn tại được 29 năm với 3 triều vua: Lê Hoàn (Lê Đại Hành) 980-1005, Lê Trung Tông (1005) lên ngôi 3 ngày bị em là Lê Long Đỉnh giết chết cướp ngôi và Lê Ngọa Triều (Lê Long Đỉnh 1005-1009)[2]
Vương triều Lý ra đời mở ra một thời đại mới, một trang mới trong lịch sử dân tộc, lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam: Thời kỳ xây dựng phát triển quốc gia phong kiến tập quyền hùng mạnh trên nền tảng kinh tế điền trang thái ấp. Năm 1010 Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư Ninh Bình về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long (Rồng bay lên). Thăng Long nằm giữa đồng bằng sông Hồng, trung tâm giao thông thuỷ bộ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Năm 1054 nhà Lý đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt thành Đại Việt, xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến qui mô chính qui và hoàn thiện. Ở trung ương đứng đầu nhà nước là nhà vua. Vua nắm tất cả 3 quyền lực lớn: Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Vua là tổng chỉ huy tối cao của quân đội. Vua còn được thần thánh hoá gọi là Thiên tử (Con trời). Giúp việc và tư vấn cho vua hai bên có văn võ đại thần. Nhà Lý tăng cường quyền lực và kiểm soát các địa phương, chia địa phương thành lộ, phủ, huyện, hương, giáp. Địa phương xa trung ương hay miền núi gọi là trại. Triều đình bắt đầu đặt ra và phong tước vị chín bậc cho giai cấp thống trị và họ trở thành đẳng cấp quí tộc. Đẩy mạnh sự phân phong ruộng đất theo chức vụ, tước vị và như vậy nhà Lý đã mở rộng củng cố kinh tế điền trang thái ấp có từ thời Tiền Lê. Dù phân phong nhưng nhà vua trên danh nghĩa vẫn là người có quyền sở hữu tối cao ruộng đất trong toàn quốc. Nhà Lý đã cử các hoàng tử, hoàng thân quốc thích đi trấn trị các nơi trọng yếu. Năm 1062 nhà nước ban hành bộ luật “Hình thư”, là bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử pháp chế Việt Nam. Sự ra đời của văn bản Pháp luật minh chứng thiết chế nhà nước đã hoàn thiện và các mối quan hệ gowin99 từ kinh tế đến chính trị đã mở rộng đến mức cần phải có luật để điều chỉnh.
(Còn nữa)
CVL
-----------------
2: Quỳnh Cư -Đỗ Đức Hùng :Các triều đại Việt Nam – Nxb Thanh Niên- Hà Nội, trang 62, 1999
[2] :Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, tr. 67.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/phong-trao-nong-dan-tay-son-va-dai-do-doc-tay-son-bui-huu-hieu-ky-2-a19774.html