Năm 1979, khi chiến tranh Biên giới phía Bắc xảy ra, đang là Trung đội phó huấn luyện Trinh sát, mình lại làm đơn xin về Trung đoàn 751 đơn vị mới thành lập để sớm được lên Lạng Sơn trực tiếp tham gia chiến đấu...
Những năm tháng đó, dù còn ở đơn vị cơ sở, nhưng hầu như tuần nào mình cũng có bài được đăng trên báo Quân đội, Nhân dân, Tiền phong... Đặc biệt là với chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, mình là một trong những cộng tác viên tích cực của chuyên mục Dành cho chiến sĩ trẻ, Chuyện kể ở Đại đội. Tiếp đó, tôi còn có cả thơ và truyện ngắn được đăng đều đặn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, kể từ tháng 5/1980...
Hồi ấy, trong hàng trăm ngàn quân của Biên giới phía Bắc, chỉ nổi lên vài anh lính trẻ đam mê viết lách và sáng tác như mình. Có lẽ nhờ vậy mà năm 1981, khi mới có quân hàm Chuẩn uý, mình đã được bổ nhiệm làm Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn. Bất ngờ hơn, cuối năm 1982, Tư lệnh Quân khu 1 đã ra Quyết định điều Chuẩn uý Đặng Vương Hưng, Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 347 - Quân đoàn 14 về làm Trợ lý Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu. Và mình cũng bắt đầu chính thức vào Nghề báo chuyên nghiệp từ đây.
Tháng 8/1983, mình được nhận Thẻ Nhà báo và được công nhận là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Báo Quân khu Một, tiền thân là tờ "Chiến Khu" có từ năm 1946 và qua rất nhiều tên gọi gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc như: "Việt Bắc quyết chiến", "Bắc Sơn", "Giữ nước", "Quân Việt Bắc", "Chiến sĩ Quân khu Một"...
Làm việc tại Toà soạn này, từng có những tên tuổi nổi tiếng: Phạm Viên, Hàn Thế Long, Cao Nhị, Nhị Ca, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Tô Ân, Lê Kim, Triệu Bôn... sau này đã là những cây bút chủ lực của Báo Quân đội nhân dân và trở thành các nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ được nhiều người biết đến.
Thời mình làm ở Báo Quân khu một: Có các anh Nguyễn Duy Quyền (sau từng làm Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng), Nguyễn Văn Tông (tức Hà Phương Thiện, sau từng làm Tổng biên tập Báo điện tử Tầm nhìn), Nguyễn Đức Khang (sau về Báo Quân đội Nhân dân), Nguyễn Hồng Phong... Chặng sau còn bổ sung thêm Ma Đình Việt (sau là Giám đốc - Tổng biên tập Đài PTTH Bắc Kạn), Hoàng Thiềng (sau về làm lãnh đạo Ban Tuyên giáo Hải Phòng), Ngô Văn Học... Báo Quân khu Một hồi đó còn in tipo bằng cách sắp chữ chì, minh hoạ toàn dùng bản khắc gỗ. Cả Toà soạn chỉ có 5 anh em. Một nửa được cử đi công tác cơ sở. Ở nhà chỉ 2 - 3 người trực, khi ra báo là phải làm tất mọi việc: từ biên tập, xếp trang, đi nhà in sửa bài trực tiếp và phát hành...
Sau mỗi lần báo ra, mình rất thích xung phong xuống đơn vị cơ sở lấy tin bài. Hồi đó, có chưa có điện thoại di động như bây giờ. Cứ khoác ba lô lên vai là đi cả tháng trời, lăn lộn cùng ăn ở và tham gia chiến đấu với anh em chiến sĩ các đơn vị từ Thái Nguyên, đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc. Vất vả nhất là lên các điểm chốt và các đồn Biên phòng giáp biên giới, thường phải đi bộ cả mấy ngày đêm mới đến nơi. Năm 1984, khi mặt trận Lạng Sơn liên tiếp diễn ra những trận pháo kích ác liệt của quân Trung Quốc ở Điểm cao 636, 820 Tràng Định, hoặc Bản Chắt huyện Đình Lập... mình có mặt ngay và lăn lộn cùng chiến hào với bộ đội, để kịp thời gửi về Toà soạn những hình ảnh nóng hổi của từng trận đánh...
Chính thực tế làm báo sống chết trong thời chiến ấy, đã cho mình rất nhiều kinh nghiệm quý, để chặng sau này, chuyển về Hà Nội làm Tạp chí Văn hoá - Văn nghệ Công an và Báo An ninh Thế giới (1995 - 2005) và hiện nay (từ năm 2016) là Tạp chí điện tử Mội trường và Đô thị Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều...
Và đây cũng chính là lý do để mình tổ chức Diễn đàn và CLB cùng tên "Trái tim người lính", với tôn chỉ mục đích "Kết nối và Chia sẻ - Tôn vinh và Tri ân" thông qua những buổi "Gặp mặt đồng đội"; đồng thời, sưu tầm thêm tư liệu cho tủ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam".
Ngoảnh đi nhìn lại, mình đã tròn 40 năm trong nghề làm báo chuyên nghiệp và "nhặt chữ cho đời" (1983 - 2023). Cũng đáng tự hào lắm chứ!
Hà Nội, 20/6/2023
Đ.V.H
Trái tim người lính
Đặng Vương Hưng