Một buổi sáng tôi chuẩn bị đầy đủ tư trang, giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, đeo các huy hiệu CCB, huy hiệu Trường Sơn và huy hiệu Việt Lào, mua thêm ít lương khô, cùng ít tiền đã dành dụm. Dù mang thương tật mất sức 81%, tôi vẫn quyết tâm cùng xe máy Honda, xuất phát từ nhà ở Vinh lên hệ thống đường Trường Sơn hiện đại. Cảm nhận đầu tiên là xe và tôi cứ bon bon, chứ không có sự gập gềnh xóc nhảy như thời xa xưa. Qua tỉnh Hà Tĩnh đến Thanh Lạng của đất Quảng Bình tới đường 12A. Tôi rẽ vào khe Tang, Khe Ve, La Trọng Y Leng, vào Bãi Dinh đến cổng trời.
Tại cửa khẩu Cha Lo, tôi đã nhìn được sang nước bạn đang đầy những giải mây trắng, phủ mênh mong những bản làng có màu xanh, hòa bình mát dịu, nơi tôi đã từng chiến đấu, bảo vệ. Ở đó là các bản Sàng, Thong Kham, Tà Lạt, Bản Bưng....Ở đó, đã có những cô gái Lào, từng hát cho tôi nghe. (Ờ ái ơi ơi Tà Hán Việt Ngam lai), (Ới anh ơi bộ đội Việt đẹp lắm)..rồi luộc sắn, làm xôi cho tôi ăn lúc tôi bị đói, từng múc nước suối trong ở những hóc len cho tôi uống khi tôi đã bị thương. Đó là Noong Nhon, Noong Nhen xinh đẹp sống tại bản Tà Lạt, tóc các cô bao giờ cũng búi lên như tháp chùa …. Với quyết tâm vượt biên giới sang các làng bản ngày xưa. Rồi đến các trận địa đầy kỉ niệm. Bỗng một trận mưa bay trong ánh nắng sáng vàng làm tôi ướt nhẹ, cùng lúc mấy đồng chí bộ đội biên phòng ngăn tôi lại, tôi đưa giấy tờ tùy thân báo cáo rằng: tôi muốn sang thăm lại chiến trường xưa. Đồng chí trung tá chỉ huy ân cần nói với tôi: Bác là thương binh, CCB đi một mình qua hàng trăm km để đến miền sơn cước của tổ quốc. Ôi! Quý hóa quá, anh em chúng tôi thật xúc động, nhưng bên ấy đang có mưa lũ. Nếu bình thường, chúng tôi sẽ cùng bộ đội bạn hợp tác đón bác sang. Bởi bác là khách quý vô cùng của tình nghĩa Trường Sơn Việt Lào.
Tôi chột dạ thầm tiếc, nhìn lại phía Tây một lần nữa, tôi cảm ơn, các đồng chí bộ đội rồi nổ máy xe quay về.
Đi chậm rãi, nhìn núi rừng trời đất mênh mong, đẹp quá, nhớ đến câu thơ của Tố Hữu, khi Tổ quốc không còn bóng giặc thù:
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
Qua cổng trời, tôi về đoạn đường ngày xưa gọi là cua tay áo, nơi đây ngày xưa thanh niên xung phong của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình rất đông đã trực lấp hố bom mở đường. Đúng nơi này, các cô đã trêu mình và các đồng đội hết mức. Nhưng mình lại hò câu hò thao điều hò Thanh Hóa.
Ơ hò thương em trong dạ vô cùng
Trèo chuông quên mệt- ngậm gừng quên cay.
Nơi đây là hốc đá, có anh bạn tên Mạc người Thanh Hóa trực đếm bom làm dấu đã đánh bẩy bắt được một con cao 15kg màu lông hoa đẹp lắm.
Nơi kia là Bãi Dinh, đồng đội và tôi đã đưa thi hài các liệt sỹ về chôn cất, như anh Hiệu, anh Tiếp, anh Tùng... Ở đó, đã có rất nhiều mộ của các liệt sĩ thanh niên xung phong. Xa kia bên bờ suối, trận địa từng triển khai. Tôi đã câu được những con cá lăng, cá chạnh to bự về cải thiện cho đơn vị khi mới tập kết chưa vào trận. Và nơi kia nữa, người dân tộc đã đưa thực phẩm chuối, măng đổi muối gạo cho bộ đội....
Bây giờ tôi được gặp lại những người dân Trường Sơn. Họ đã có cuộc sống (tiến kịp cùng miền xuôi): có nhiều xe máy ô tô, trẻ con có xe đạp, đồng phục nối nhau tới trưởng. Tôi vẫn gặp những phụ nữ mang gùi đầy sản phẩm như sắn, dứa, măng, rau...nặng trĩu trên lưng.
Tôi dừng lại hỏi vài người về các mộ liệt sỹ: Họ bảo rằng: Ô chỉ còn các bia tưởng niệm nửa thôi, các hài cốt đã được nhà nước đưa về sâu trong lòng tổ quốc như nghĩa trang Đồng Lê, Quỳ Đạt... Quảng Bình.
Đọc không hết được danh sách, các liệt sỹ trên các bia tưởng niệm ấy.
Tôi dùng điện thoại chụp vài hình ảnh như chợ Y Leng, cổng trời, cầu Khe Ve, khe Tăng... Về làm kỷ niệm và chia sẽ với mọi người.
Hết
Đ.S.N
Trái tim người lính
Đặng Sỹ Ngọc
Link nội dung: //revcat.net/doc-nhat-ky-nho-truong-son-va-nuoc-ban-lao-phan-ii-bay-gio-a19492.html