Đây là vùng phân bố của truyền thuyết nước Nam Cương của vua Câu Đinh thời Chiến Quốc, Tần Hán. Hai mộ này rất giàu có, được cho là mộ của vợ chồng Câu Đinh. Câu Đinh được truyền là dòng Câu Tiễn nước Việt bị Sở diệt thế kỷ 5 tr.Cn chạy về phía nam, tương tự chuyện Thục vương tử An Dương Vương vậy. Ai thạo nghiên cứu trống đồng sẽ biết đến trống Khai Hóa từng được đấu giá ở Hồng Công đầu thế kỷ 20, được một thương nhân Pháp sống ở Hà Nội tên là Gilet mua được, đã gửi ảnh cho Frank Heger khi ông đang hoàn tất cuốn sách về Trống Kim Loại cổ ở Đông Nam Á nổi tiếng (1902). Trống này thuộc loại Ngọc Lũ. Heger không kịp đưa trống này vào sách mà chỉ nhắc đến và xếp cùng loại với chiếc trống H1 duy nhất là trống Moliere (hay trống sông Đà). Trống Khai Hóa (hay Gilet) đã được người dân đào ở chân núi không xa mộ hai vợ chồng vua Câu Đinh. Hiện trống này nằm trong kho Bảo tàng dân tộc học thế giới ở Wien, nơi Frank Heger làm giám đốc đến 1943. Năm 2007 tôi đã được làm việc với trống này trong hầm kho bảo tàng và được xem bản gốc bốn cuốn nhật ký mà Heger đã ghi chép trong dịp ông được EFEO mời sang Đông Dương nhân hội chợ đấu xảo 1902 trưng bày trống Ngọc Lũ. Khi về đến Hà Nội, tôi đã thấy bưu kiện gồm copy bốn cuốn nhật ký đó.
Chiếc trống lớn nằm trong mộ Câu Đinh còn lành nguyên, chỉ bị gỉ két. Khi tôi đến thăm vào tháng 10-2016 trống mới tảy gỉ được một phần cho thấy những cảnh khá lạ so với những trống Đông Sơn từng biết, như đôi rắn cuộn, hình chim ngoạm rắn... Tôi vẫn quan tâm theo rõi xem liệu trống đã được tảy gỉ hết chưa và khi nào Dương Phàm hoàn tất in báo cáo khai quật.
Sau đây là một số hình ảnh trên trống đồng bị gỉ sét và bản rập hoa văn thạp đồng Nguyễn Đình Sử, Hà Nội:
TS Nguyễn Việt
Link nội dung: //revcat.net/kham-pha-theo-dau-tich-khao-cokham-pha-theo-dau-tich-khao-co-a19387.html