Kỳ 9.
Bên văn có Bộ Thượng Thư
Năm 1042 ra đời Bộ luật “Hình Thư”
Lần đầu tiên ở nước ta bộ luật thành văn được viết.
Năm 1054 đổi Đại Cồ Việt thành Đại Việt
Son vàng Quốc hiệu từ đây
Đạo Phật từ bi tốt lá xanh cây
Thịnh hành phát triển.
Từ bi mênh mông như biển
Chùa tháp xây nên
Khắp mọi miền
Bà Hoàng hậu Ỷ Lan nổi tiếng từ bi nhân đức
Giải phóng cho hàng vạn nô tì khỏi đói nghèo áp bức
Dựng vợ gả chồng
Chia ruộng cho họ phát triển nghề nông
Là gốc vững bền của nước.
Bộ “Hình Thư” là quốc pháp vẫn thấm nhuần nhân đức
Của Lý Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông
Gốc của thịnh vong là có hay không thương dân yêu nước
Gốc của thịnh hưng là phải xây bằng được
Kỷ cương phép nước nghiêm minh
Cửa Khổng sân Trình
Phải trở thành đạo học.
Năm 1070 nhà Lý xây trường đại học
Học Nho
Quốc Tử Giám ở kinh đô
Đào tạo nhân tài cho quan trường Đại Việt.
Xây Văn Miếu thờ bậc thầy tiên liệt
Khổng Tử và những học trò thủy tổ Nho gia.
Năm 1075 khoa thi Nho đầu tiên của nước nhà
Chọn nhân tài cho non sông xã tắc.
Lê Văn Thịnh đỗ cao nhất bậc
Có thể là học vị Trạng nguyên theo qui chế đời sau
Ông là Thái sư kiến thức rộng sâu
Đã dùng pháp lý đòi vua Tống phải trả lại đất của ta khi chúng chiếm.
Đê sông Hồng và những đê nơi yếu hiểm
Nhà Lý cho xây dựng vững bền
Bởi nông nghiệp là nền
Của quốc gia muôn thuở.
Nhà Lý chia đơn vị hành chính địa phương là lộ
Dưới lộ là phủ, dưới phủ là huyện ( huyện miền núi là châu) là xã là thôn
Nền hành chính mạnh vững vàng thống nhất.
Năm 981 nhà Tống bị Lê Đại Hành đánh cho vỡ mật
Vẫn chưa nguôi cơn giận phục thù
Vẫn sống trong hoang tưởng đui mù
Nuốt trôi Đại Việt.
Năm 1075 triều đình Khai Phong triển khai ráo riết
Hậu cần lương thực vũ khí gần biên giới Việt- Trung
Khâm Châu, Liêm Châu- Quảng Đông
Nam Ninh Quảng Tây như những mũi dao ác độc
Sẵn sàng tạo nên những cơn gió lốc
Khi quân đội nhà Tống tràn vào
Khói lửa binh đao
Hiện hình nơi biên giới
Triều Lý Nhân Tông,Thái úy Phụ quốc Lý Thường Kiệt chủ trương không ngồi đợi
Mà chủ động đem quân sang đất Tống tấn công
Phá những căn cứ hậu cần ở Quảng Tây, Quảng Đông
Gây khó khăn cho quân Tống khi tấn công vào Đại Việt.
Năm 1075 thủy quân ta tấn công như sấm sét
Vào Khâm Châu, Liêm Châu
Rồi tiến công vào công phá Ung Châu
Triệt phá quân nhu lương thực
Gây khó khăn cho quân Tống khi chính thức
Tiến vào xâm lược nước ta.
Sau khi hoàn thành kế hoạch “tiên phát chế nhân” ngăn địch từ xa
Lý Thường Kiệt rút quân về nước
Chuẩn bị chống quân Tống kéo vào xâm lược
Xây phòng tuyến bờ nam sông Cầu
Chặn đường tấn công Thăng Long của địch.
Thủy binh do Lý Kế Nguyên chỉ huy chặn địch ở sông Bạch Đằng công kích
Không cho chúng vào chở bộ binh vượt sông Cầu
Địch buộc phải đánh dài lâu
Bị tiêu hao và đói khát.
Không có thuyền địch buộc phải vượt sông bằng những bè cũ nát
Tiến đánh phòng tuyến phía nam
Nhưng bị thất bại thảm thê phải rút về phía bắc.
Lý Thường Kiệt đang đêm bất ngờ tấn công quân giặc
Quân Tống chết sáu phần mười số quân.
Hoảng loạn tinh thần
Quách Qùy, Triệu Tiết lưỡng nan tiến thoái.
Lý Thường Kiệt mở đường cho chúng hòa đàm đối thoại
Rồi rút quân
Cho chúng giữ một phần
Danh dự.
Còn ta vẫn giữ
Vẹn toàn độc lập giang sơn.
Nước sông Cầu muôn thuở xanh rờn
Còn vang mãi bài ca chiến trận.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/su-thi-viet-nam-ky-9-a18102.html