Khi đi B chiến đấu anh tạm biệt vợ, hai con trai và một con gái lên đường, hẹn ngày chiến thắng trở về đoàn tụ. Qua 52 năm mất tin, gia đình chỉ nhận được giấy báo tử không ghi rõ đơn vị và chiến trường hoạt động, mặc dù đã cất công vào nam tìm kiếm trong vô vọng. Còn chúng tôi là chiến sĩ chỉ biết thủ trưởng của mình là cán bộ khung dẫn quân vào chiến trường, gặp năm Tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 toàn bộ khung dẫn quân được huy động ở lại chiến trường tham gia chiến đấu. Anh Nguyễn Hữu Cận được biên chế vào đại đội C47/D5/J16 đặc công cơ giới, phụ trách Trung đội trưởng của tôi. Trận đánh đêm 3, rạng 4/7/1968 lần đầu tiên vào chiến trường anh ra trận và hy sinh nằm lại trong căn cứ Mỹ ở Dầu tiếng, còn tôi bị thương trong căn cứ nhưng được đồng đội kịp thời đưa ra ngoài để rồi sau đó tiếp tục ra trận cho đến ngày toàn thắng.
Hòa bình, do không rõ quê quán anh ở đâu, mặc dù tìm đủ manh mối để báo tin cho gia đình nhưng đều vô vọng. Rất may nhờ bạn Kỷ vật Kháng chiến cung cấp thông tin và hình ảnh từ phía Mỹ về trận đánh 4/7/1968 nên chúng tôi đã tìm ra manh mối quê anh Nguyễn Hữu Cận ở Bắc Ninh, nhưng địa chỉ của xã, huyện lại sai lệch nên phải mất rất nhiều thời gian tìm kiếm, cho đến khi bạn Kỷ vật Kháng chiến tra tìm danh sách nhiều nghĩa trang tỉnh Bắc Ninh và thấy ảnh mộ trên nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Sợn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh có liệt sĩ trùng tên người chúng tôi đang tìm, thì mới xác định được đúng địa chỉ gia đình ls Nguyễn Hữu Cận.
52 năm gia đình liệt sĩ mới có tin tức chính thức từ CCB cùng đơn vị ở chiến trường, là nhân chứng cùng chiến đấu đến găp gia đình, chúng tôi nói rõ lý do vì sao đến bây giờ mới tìm được địa chỉ gia đình và rất cảm động thấy vợ liệt sĩ đã 83 tuổi, già yếu mất năng lực hành vi, hai con trai và con gái khi anh Cận đi B còn nhỏ, nay đã ngoài 50 tuổi và đã có cháu. Cuộc gặp gỡ hôm nay lại đúng vào ngày 9/6 âm lịch, ngày anh Cận hy sinh 4/7/1968, gia đình coi hôm nay là ngày giỗ đầu đúng ngày, tháng, năm anh hy sinh ở chiến trường, còn trước đó vẫn làm giỗ theo giấy bào tử ghi sai lêch một năm cả ngày, tháng, năm hy sinh. Trong lúc này, hài cốt liệt sĩ vẫn nằm đâu đó trên mảnh đất Dầu Tiếng, nơi chiến địa khốc liệt năm nào.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc không chỉ đổi bằng xương máu của các chiến sĩ trên chiến trường mà còn đổi bằng biết bao đau thương, mất mát hy sinh, đợi chờ của các gia đình ở hậu phương do hậu quả của chiến tranh gây ra.
Chúng tôi thành kính tưởng nhớ trước anh linh liệt sĩ; cảm phục trước sự chịu đựng hy sinh, mất mát của gia đình liệt sĩ nói chung và gia đình liệt sĩ Nguyễn Hữu Cận.
Trái tim người lính
Đại tá Nguyễn Văn Khuynh (CCB Đặc Công J16)/Thành Đô (tổng hợp)
Link nội dung: //revcat.net/tuong-nho-chi-huy-dong-doi-a17993.html