Anh là một họa sĩ tài hoa, một nhà báo cần mẫn, một họa sĩ tên tuổi, say mê làm từ thiện, một người đàn ông cần cù và nhiệt huyết, lại say mê thơ lục bát. Một người họa sĩ đã gặt hái được nhiều thành công với khá nhiều giải thưởng về thiết kế logo mà vẫn say thơ lục bát đến thế thì kể cũng là hiếm. Tôi vẫn đọc thơ lục bát của Lê Tiến Vượng khi thi thoảng nhìn thấy thơ anh xuất hiện trên Facebook (fb) hay bất chợt bỗng nghe được câu thơ lục bát đâu đó bông lơn mà ấn tượng, thế là tôi vào fb tìm đọc thơ anh.
“Ta ngồi lục bát đêm đêm
Nghe từng cọng cỏ, rất mềm, lao xao…”
Lục bát trữ tình Lê Tiến Vượng vẫn xuất hiện thường xuyên ở trên trang fb. Anh cũng thích được vui vầy, được cùng chia sẻ niềm vui với bạn bè qua những câu thơ lục bát giản dị, đôi khi có phần tếu táo, đùa vui. Tôi đọc và có khi bật cười vì cái sự tưng tửng trong câu chữ trong thơ anh! Đàn ông say nghề mà sống nhiệt huyết thế, làm việc hết mình thế, lại yêu đời và biết vui đùa thế, biết viết ra những câu thơ hài hước như anh, kể cũng là hiếm và thật đáng quý. Thơ anh viết ra, những vần lục bát, là những nỗi niềm cần sẻ chia, trước hết là viết để tự răn mình:
“Thơ mình viết, tự răn mình
Chẳng mơ đăng báo, chẳng rình đếm like
Thơ mình giọt nắng ban mai
Tiếng khua đêm vắng, sông dài thiên di…”
Cái tên tựa sách “Lục bát thế thời” và “Lục bát đùa chơi” đã tự nói lên điều ấy. Không đao to búa lớn, cũng chẳng cần tuyên ngôn gì nhưng những câu thơ vẫn thật ấn tượng. Bởi sau mỗi câu lục bát đùa chơi hay lục bát thế thời, đau đáu nỗi đời của anh, nó luôn khiến cho người ta phải mỉm cười hay dừng lại mà suy nghĩ chút ít! Sự trào lộng, cái cười nhạo mang tính thế thời hay những câu lục bát nịnh vợ, “cưa cẩm”, nghe ra cũng mượt mà, trữ tình, tất cả hương vị ấy đều có đủ ở trong hai tập thơ này.
Một thời trắng, một thời đen
Cơ cấu cơm áo, ta quên cả mình
Thằng hề lại tưởng anh minh
Để bao ma mãnh, tráo hình đổi vai
Bản thân Lê Tiến Vượng là nhà thơ có phong cách dí dỏm, gần gũi với dân gian. Anh cũng khiêm tốn tự nhận:
“Thơ mình, trà đá, thuốc lào
Lê la hè phố lại vào xóm quê”
“Ở đời trên búa, dưới đe
Thơ tình chẳng thấu, thì… vè cho vui”!
Lê Tiến Vượng thích đùa chơi bằng những câu lục bát sau những giờ phút lao động nghệ thuật giống như một sự giải tỏa. Anh vẫn đang kể những câu chuyện thường ngày bằng thơ, kiểu như:
“Làng ta giờ đã chia lô
Sông quê cũng hẹp, ao hồ tìm đâu
Hình như đất cũng thay màu
Tìm đâu bến đợi, sông sâu gọi đò”
Biết bao nhiêu câu chuyện hay ho và xa xót trong nhân gian cười ra nước mắt. Từ chuyện làng quê, anh bỗng ngoắt sang chuyện phố phường. Từ chuyện phố xá nơi đô thành, anh lại kể sang chuyện làng quê xóm cũ.
“Đồng làng, chả bóng ai cày
Chí Phèo, Thị Nở tung bay phố phường
Nghĩ về quê mẹ mà thương
Sông quê cũng cạn, huê hường phôi pha
Làng mình, chả phải làng ta
Nén nhang khấn mẹ, khấn cha... cay xè.”
Câu chuyện thế thời với bao nhiêu sự ngang trái và nhức nhối:
“Xưa đồng chí, nay đồng tiền
Cha múa kiếm, con múa quyền mà ghê
Giờ về úp mặt sông quê
Giật mình… thác lũ, cơn mê quay cuồng”.
Nhà thơ quay về kể những câu chuyện nỗi đau về thân phận, câu chuyện về những người lành phải ra phố bươn chải cuộc mưu sinh:
“Lâu rồi vắng tiếng chim gù
Mong manh câu hát, lời ru cạn mùa
Em giờ ở phía cơn mưa
Anh giờ, còn mấy câu đùa… giấu đi.”
Đôi khi ta bắt gặp những câu thơ đùa vui khi anh chuyển sang viết thơ trêu chọc, nịnh vợ cũng rất dí dỏm:
“Ra đường sặc sỡ như hoa
Về nhà rầu rĩ như cà muối thâm
Ra đường vỗ cánh rầm rầm
Về nhà bướm mệt, bướm nằm xem phim.”
Rồi thì:
“Nhà mình nắng cũng như mưa
Trong em ngoài ấm như vừa kết đôi
Đêm qua vợ tủm tỉm cười
Sớm ra ta biết, mình “hơi bị ngầu”…
Là người cha có hai cô con gái xinh tươi, anh đã dành cho con những câu thơ trìu mến:
“Chẳng như bố của người ta
Bố của con xấu, lại già mốc meo
Chuẩn men công chức, nhà nghèo
Quanh năm bánh đúc, bánh bèo, zênh zang”.
Viết thơ lục bát, với anh giống như lời tự sự, tự ngẫm:
“Chưa già nên thích làm thơ
Mai này lú lẫn, ẫm ờ đọc chơi”.
Thơ giúp anh chuyển tải nỗi buồn nhân thế và ngộ ra nhiều điều:
“Chắt mình ra uống với ta
Cái buồn trộn với cái tha thiết chiều
Nỗi nhớ hòa với lời yêu
Nỗi đau hòa với bao điều dại khôn
Lọc ra này xác này hồn
Này bao nhiêu những nụ hôn bọt bèo
Ngộ ra mới biết mình nghèo
Xót xa những bát nước lèo âm u
Hóa ra ta một tên tù
Ngộ ra mới tỏ lời ru lọc lừa”!
Nhà thơ luôn thương cảm cho những thân phận dân nghèo phải từ quê ra phố làm ăn sinh sống:
“Dăm quả cam, mấy quả hồng
Ta thành “kẻ chợ” chạy rông phố phường
Rời làng từ lúc tinh sương
Gánh gồng từ thủa còn đương chín mười”.
Thơ lục bát Lê Tiến Vượng luôn đậm chất cười đùa, giễu nhại. Anh làm thơ mà như người ta đang đùa chơi. Anh mượn thơ để phê phán thế thời. Lúc thì anh viết kiểu vui đùa, tếu táo, khi thì mượn ngòi bút để lên tiếng đả kích thói tham lam, tráo trở của lũ tham quan. Bao câu chữ nghe qua tưởng như bông đùa, cứ tưng tửng thế thôi nhưng đằng sau đó là nỗi xót xa, cay đắng và đau đớn. Những câu thơ nghe rất đời, có thể đọc vui ở đâu đó, rất phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc trong gowin99 , lại được giao hòa với đủ mọi cung bậc cảm xúc.
Nghệ sĩ là phải ăn chơi
Một khi đã “máu”, đầu rơi cũng liều
Người ta làm ít, nói nhiều
Mày làm nghệ sĩ, vừa hiền vừa hâm
Tóc dài, tóc tém, tóc suôn
Hoàng hôn chả tím cũng hưởng ban mai
Váy buông, váy ngắn, váy dài
Tuổi em mười tám, trăng cài đẫm mi
“Thế thời mạt đắng, mạt cưa
May chưa hóa kiếp con lừa sang ngang
Ngu ngơ hết phố lại làng
Tưởng đang lên đỉnh hóa đang dưới nguồn”.
Đọc LỤC BÁT THẾ THỜI và LỤC BÁT ĐÙA CHƠI để thấy những lát cắt hiện thực sắc ngọt khi tác giả phản ánh cuộc sống muôn mặt đời thường. Đó là những nỗi niềm thật khó tỏ bày của người dân đen, là gương mặt giả dối của lớp quan chức mới làm giàu gặp thời, là những sự trắng đen, đảo điên, là sự phân hoá giàu nghèo, thiện ác. Đó còn là thói đời ham ăn chơi, thích đua đòi, là sự kệch cỡm của những kẻ “trọc phú” vừa mới ngoi lên làm giàu trong gowin99 mà đã học đòi thói trưởng giả. Bằng những câu lục bát dân giã, tưng tửng, giễu nhại, tác giả Lê Tiến Vượng đã không ngần ngại khi viết ra hiện thực cay đắng ấy với một giọng thơ bông đùa mà sâu cay.
“Còn ai trăng nữa mà rằm
Bê tông nhà ống, nhà tầng chơi vơi
Chả còn quê nữa em ơi
Ai rên mà xiết, ai Trời mà đau”.
Đau thật. Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy biến động khi bao nhiêu giá trị bị đảo lộn. Ta nghe như thấy những nỗi buồn tái tê, não nề của nhà thơ khi nhìn cuộc sống đô thị hoá đã tràn về tận khắp các vùng quê cùng những sự u mê cúng bái của người dân:
“Cái thời giả dối lên ngôi
Chùa rồng tượng đá khắp nơi phơi bầy
Rượu gì uống mãi chả say
Cầu vồng bắc suốt đêm ngày chưa mưa”
Lối sống gấp và thực dụng đã và đang làm mất dần những vẻ đẹp thuần khiết, bình dị vốn có nơi thôn giã. Liệu những con người phải đi tha hương kiếm sống như thế có tìm lại được cội nguồn quê hương của mình?
“Phố - quê hai nửa vành nôi
Mồ hôi thì mặn, lời người thì chua
Gánh gồng qua nắng qua mưa
Kiếm dăm bạc lẻ cò cưa để mà…
Phần con, phần vợ, phần cha
Phần dành mai để
Làm ma cho mình"
Nấp vào bóng áo cà sa
Là bao dạ quỷ, mặt ma hại người
Thôi đừng gào khóc em ơi
Để còn tỉnh táo nhìn đời thẳng - cong...
Lê Tiến Vượng là một Nhà báo, nên có “khẩu khí” khá mạnh mẽ, anh dám viết về những gai góc, về sự khuất lấp bóng tối của những kẻ chuyên buôn thần bán thánh, phơi bày cả gương mặt những nhóm lợi ích đang câu kết với nhau để vơ vét tài sản công, sự lừa lọc, dối trá, vềnhững kẻ lợi dụng chức vụ để hòng vơ vét, tham nhũng cho đầy túi tham…
Một thời gió một thời mưa
Một thời cái nhục cò cưa cái hèn
Một thời trắng một thời đen
Cơ cầu cơm áo ta quên cả mình
Thằng hề lại tưởng anh minh
Để bao ma mãnh tráo hình đổi vai
“Phố - quê hai nửa vành nôi
Mồ hôi thì mặn, lời người thì chua
Gánh gồng qua nắng qua mưa
Kiếm dăm bạc lẻ cò cưa để mà...
Phần con, phần mẹ, phần cha
Phần dành mai để làm ma cho mình”.
Có thể do được gần gũi với lớp trẻ nên nhà thơ đã biết vận dụng khéo léo thứ ngôn ngữ của giới trẻ @ vào trong thơ. Điều đó làm nên sự mới mẻ, trẻ trung, phá cách trong cách viết lục bát thời @ của anh.
“Hình như em hơi bị ngầu
Anh hơi bị choáng, bắt đầu ... hơi yêu.”
“Em giờ cứ mọng mòng mong
Anh giờ cứ tỏng tòng tong chết chìm”...
Thi sĩ Lê Tiến Vượng vẫn kiên trì chọn cho mình thể thơ truyền thống này để sáng tạo thi ca với một lối viết cứ đùa chơi tưng tửng. Anh viết như đùa chơi và vì thích đùa chơi mà viết. Bởi anh đam mê thi ca không kém gì đam mê hội họa và anh vẫn luôn có một lượng độc giả trung thành yêu thơ và thích xem tranh của anh ở xung quanh mình. Ngày cả khi viết về thế sự, dù gai góc, đụng chạm về thời thế, thơ anh dường như vẫn trung thành với lối viết ấy. Lối viết kể những câu chuyện giữa phố và quê với câu chữ giản dị, mộc mạc, chân thành, dân giã nhưng không kém sâu sắc. Thơ anh rất gần gũi với quần chúng và có phần gần với văn học dân gian.
“Một mình hát, một mình thơ
Một mình một chợ, bán mua một mình
Một mình cứ tỉnh tình tinh
Chiêm bao một giấc, mộ tình một ngôi”!
Chúng ta sẽ chờ đợi những tập thơ mới của anh và hy vọng thơ anh sẽ có thêm nhiều bứt phá! Chúc thi sĩ, họa sĩ Lê Tiến Vượng tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới. Vẫn còn nhiều những điều thú vị khác, xin các bạn tự khám phá tiếp trong hai tập thơ “Lục bát thế thời” và “Lục bát đùa chơi” của thi sĩ, họa sĩ Lê Tiến Vượng và cùng dạo ngắm những bức tranh trong triển lãm của anh!
Hà Nội 3 tháng 3 năm 2023!
Phạm Thị Phương Thảo
Link nội dung: //revcat.net/doc-tho-luc-bat-cua-hoa-sy-le-tien-vuong-a17908.html