Hồi tôi bé, nhà tôi ở Phố Thụy khuê, phố dài nhưng hẹp lắm! Lúc đầu phố là con đường dài ngoằn ngoèo uốn lượn theo hình dáng Hồ Tây, kéo dài chỉ từ Đền Quán Thánh đến dốc Tam đa. Đường tầu điện chạy dọc phố có chỗ sát vào đến cửa nhà. Bên dãy đối diện với đường tàu là một vệt dân cư ven hồ và có vô số ngõ nhỏ để thông ra hồ. Hồi đó chưa có đường kè hồ như bây giờ nên những nhà ven hồ phải thường xuyên chịu sự đe dọa của sóng nước. Những ngày mưa bão có những con sóng cao hàng mét ập vào. (Cái Nhà khách Bộ Quốc phòng ở phố Văn Cao bây giờ, ngày xưa bèo Tây bị sóng đánh dạt vào tận đó). Thỉnh thoảng cũng có những khúc được kè đá nhằm bảo vệ như là khu vực trường Chu Văn An, Đình Thụy Khuê …
Hồi ấy, ven bờ có nhiều cây to lắm, thường là cây chịu nước như sung, si, đa, sừng sững đứng chắn, cành xòa xuống sát mặt hồ còn những tay rễ của chúng buông rủ lòe xoè. Đó không chỉ là cảnh quan mà còn là nơi thỏa mãn thú leo trèo của tụi nhóc mỗi khi chúng tắm.
Đường ra hồ nhiều là thế nhưng chẳng mấy khi có cái bến nào ra hồn, hầu hết là bến tự phát, còn bến ra bến thì lại bị người lớn chiếm đoạt để làm nơi giặt đồ, giặt chiếu…Bọn trẻ lại tự tìm bến tắm cho mình, những nơi ấy có nhiều bùn hơn và cũng có nhiều mảnh sành và gai nhọn hơn.
Đối với tụi nhóc, không có cái thú nào thú bằng được đi tắm hồ. Được đắm mình trong dòng nước mát, tay chân vẫy vùng thỏa thích, dưới làn nước trong xanh nhìn thấy cả con cá mương, cá thầu dầu bơi, đấy là chưa kể còn được câu tôm, câu bống, dù chỉ được mấy con bé tí cho mèo thôi nhưng cũng đủ sung sướng đến lịm người! Nhưng người lớn thì luôn ngăn cấm, sợ bị rủi ro. Họ đâu biết là bờ hồ thoai thoải chỉ khi nào ra xa ba chục mét thì mới bị ngập đầu.
Để được đi tắm hồ là cũng phải mưu mẹo lắm! Nhà đông em nên tôi hay biện cớ “Mẹ ơi! Hôm nay em ị ra chiếu” thế là chịu ăn một cái cốc vào đầu do không chịu trông em cẩn thận nhưng được kèm theo lệnh “đi giặt chiếu”. Chỉ chờ có thế là tôi ôm vội chiếu, vớ lấy cái chổi cùn, co giò phóng ngay ra khỏi nhà. Ngoài kia lũ bạn cũng đang đứng chờ!
Tất cả đều cởi truồng, quần áo cuộn tròn để một chỗ rồi trèo lên cây, chọn cành sát mặt nước để “pông nhê” xuống nước. Những đứa bạo hơn thì chọn cành trên cao rồi “nhảy dù” xuống, có đứa còn hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Tôi trải rộng chiếc chiếu lềnh bềnh trên mặt nước rồi len ra đầu cành chọn kiểu nhảy áp ngực, dang rộng chân tay, kiểu nhảy này được bọn nó tán thưởng và sau đó thì thi nhau nhảy theo. Kết quả là khi về chiếc chiếu đã bị nhầu nát, một số chỗ bị gẫy dập và cái đầu bị ăn cốc lại sưng thêm. Kết quả là tôi không được đi giặt chiếu nữa!
Không được cho phép thì phải đi tắm trộm thôi! Khó nhất là tắm làm sao khỏi bị ướt đầu, dễ bị người lớn phát hiện. Đi làm cả ngày thế mà mẹ tôi vẫn được bà cụ hàng xóm mách tội tắm hồ. Tôi bèn nghĩ ra một kế là học tập bọn lớn cắt tóc “cua” cho mát nhưng thực ra là để tắm hồ, lên bờ chỉ cần xoa đầu mấy cái là tóc lại khô như thường, chỉ phải trông cái bản mặt cứ lấc cấc làm sao!
Sau này khi đã vào cấp 1, thỉnh thoảng gặp buổi thầy đến muộn là chúng tôi lại tranh thủ tắm hồ, những lần này có khi có cả con gái tham gia. Con gái ở trên bờ giữ hộ quần áo, bọn con trai trần truồng (hồi đó chưa biết mặc quần đùi) trèo lên cây bứt quả sung, quả đa hay quả si ném lên bờ cho con gái rồi nhảy ùm xuống nước. Buồn cười nhất là khi có tiếng hô “Thầy giáo đến” là tất cả nháo nhào ùa lên, tồng ngồng giành giật quần áo loạn xạ. Mà sao không thấy xấu hổ nhỉ?
Hồ Tây, nơi chôn dấu tuổi thơ tôi không chỉ là những kỷ niệm tắm hồ mà còn là những trò tinh nghịch khác. Chúng tôi đã đội quần áo lên đầu đi trộm ngó sen ở đầm sen mé bên kia Hồ, bị cành sen cứa nát ngực và bẹn. Chúng tôi đã đi ném vỡ những cái tiểu sành chứa xương người khi người ta đào nghĩa địa dưới đáy hồ để đắp con đê quai ngăn khu du lịch với nơi thả cá. Những thằng bạn cùng với tôi ngày đó bây giờ còn những ai?
Hồ Tây, lá phổi của Thủ Đô bây giờ đã có con đường kè hồ bao quanh, ven theo nó đã mọc hàng loạt biệt thự và các nhà hàng. Mỗi khi đứng ở Đường Thanh niên hoặc ngồi ở Nhà hàng Phương Nguyên, tôi đều dõi mắt tìm về phía, nơi có ngôi trường cấp 1 Thụy Khuê nằm sát hồ, tìm cái bến cây Si cổ thụ nơi chúng tôi thường tắm nhưng cũng chỉ thấy những ngôi nhà tầng cao vút.
Một lần, ở bên nước bạn, khi mở băng ca nhạc có bài “Hà Nội tuổi thơ tôi” do ca sỹ Đức Chính hát, có cảnh một bọn trẻ con trần truồng trèo cây, nhẩy dù tắm Hồ Tây, tôi chợt reo lên “Tao đấy chúng mày ạ” và không hiểu 2 bên khóe mắt đã ướt từ lúc nào!
DCB - Chuyện làng quê
Dương Công Bắc
Link nội dung: //revcat.net/tam-ho-a17841.html