Tiếng nói tiếng cười hò vè rộn rã bến dốc chợ Gò xưa của các bác nông dân kiêm thợ “bốc bè“ được tôi luyện qua thực tế lao động hàng ngày tới mức thành thục, khẩn trương tổng hợp lực cùng đôi trâu mộng có đôi sừng cong vút nhọn hoắt đang cúi gằm mặt sát đất kéo những cây gỗ quý về “Lò Sũ”
Tiếng hò lại chợt hiện về trong tôi nghe xao xuyến.
Hò lơ ...Hó Lơ tiếng ai nghe đi hò lờ ... Vào rừng chẳng biết lối ra .., ai đi hò lờ ... Thấy cây là cây núc nác ...ai đi hò lờ ...ngỡ là ...ngỡ là Vàng tâm .., hò lơ ho lơ ...!
Một giọng nữ đanh đá cất lên, phải gió cái nhà anh này hò với chả hó vàng tâm thật chính cống chứ chẳng núc nác đâu nhé, hò lơ ai đi... hò lờ ... thế rồi 1...2...3 cố lên, cố lên, tới mặt đê rồi lúc nào không hay, cả người với trâu cùng dừng lại giải lao một chốc rồi cây gỗ Vàng tâm chuyển ngay tới lò sũ cụ Phòng xẻ tấm bằng sức thủ công kéo xẻ gỗ của thợ xẻ lành nghề, các phiến gỗ dày mỏng khác nhau được chuyển tới xưởng mộc dưới đôi bàn tay tài hoa của bác thợ mộc để thành những cỗ ngai vàng ra đời mỗi dịp lễ hội rước sách quanh làng tế lễ tại các Đình làng Thờ Thành Hoàng Làng hoặc rất có thể trở thành cỗ trong quan ngoài quách cho người quá cố chuyển sang “nhà mới” hàng trăm năm trong lòng đất mẹ không hề hấn hư hại cũng xứng tầm gọi là nhà cho người cõi cực lạc.
Ai mua đi mua đi ... mua cái đẹp da đẹp tóc đẹp góc con người đê ... Bác thợ bè khệ nệ bê từ dưới bè lên một thạp đồng chứa nguyên một tổ ong rừng nguyên sáp ong non vàng óng rồi nhanh tay cắt chia thành từng miếng nhỏ như bàn tay cho trẻ con đánh tưa lưỡi, chia phần nào ... chia phần nào ...các mẹ trẻ đâu ra nhận đê chứ ... hàng này không bán... không ...không bán ...đâu nha, sao mà yêu mà quý thế không biết, ...cám ơn bác thợ bè nhiều ...nhiều nhé ! Mật ong rừng chính hiệu đây ...đây !
Lạt mềm buộc chặt đây ... ai mua giang đi nào ... hoá ra là tổ chợ giang đang chia cho mỗi thành viên hơn chục bó giang xanh mướt mắt để chuẩn bị xuôi ngược chợ gần chợ xa cùng cuốn lá dong rừng mà đã ngửi thấy mùi bánh chưng xanh ngày tết !
Một giọng sồn sồn cất tiếng .., 23 tháng Chạp rồi đấy ...nhanh cái tay cái chân lên nào ...chứ cụ Táo lên chầu trời cả đi lẫn về có 7 ngày 7 đêm là Tết về đến nhà rồi, nhanh lắm còn cứ đứng đó mà cười, có mà cười thì hở 10 cái răng, cười gì mà cười với nói lắm thế cơ chứ, sốt hết cả ruột vì tết.
Tối sẩm tối sờ, các cây luồng, bó nứa đại, bó tre hóp, bó nứa tép, các cối lá gồi vẫn còn ướt rườn rượt từ dưới bè đã được tổ bốc bè xếp ngay ngắn gọn gàng chia lô sạp núp dưới bóng tre già chắn sóng la đà để cung cấp cho dân quanh vùng mấy tỉnh lân cận đến mua về dựng nhà dựng cửa và bán cho các làng nghề ví như làng Lương Hội nhà nhà đan cót, thúng mủng, nong nia, dần sàng rổ rá đến cả cái rế to nhỏ lót đáy nồi niêu, rồi đến làng nghề Thất Viên, Nội Viên chuyên đan giỏ, giậm, te, lờ, đó,chũm hom rõ khéo tay để theo gánh xe đạp kềnh càng xa gần đi tới các vùng chiêm trũng loanh quanh mấy tỉnh vùng cận Hưng Yên, Hà Nam Phủ Lý, Đông Hưng Thái Bình, Thường Tín Hà Tây, người nông dân rất thạo đánh rọ cua rọ lươn, tôm tép, cua cá, toàn những của trời cho ngon tuyệt cú mèo thế không biết, toàn đặc sản thời nay nhé,
Hết dốc chợ bên này sang dốc chợ bên kia là cả một khoảng triền đê xanh cỏ gà cỏ mật thoang thoảng mùi thơm cỏ gừng, các bác lái trâu bò từ các tỉnh cùng đàn trâu đàn bò của mình đã tụ hội về đây từ chiều hôm qua tận Hà Tây, Thái Bình, Hà Nam Phủ Lý đủ cả để sớm nay chợ phiên người ta truyền tụng câu ca “Khô chân gân mặt, đắt mấy cũng mua” hoặc “Tai lá mít đít lồng bàn” nói về trâu về bò mà ứng dụng bán mua.
Người lái trâu khéo khoe vẻ, sừng cong, tai đẹp,nghé đôi răng còn người mua săm soi từ cái khoáy màu lông, cái mắt cái mũi có khô có ráo và cúi xuống lần sờ xem 4 cái chân đạp đất có vững trãi hay không rồi đứng lên dốc ngược đầu trâu đầu bò, vành mồm vành miệng đếm răng định tuổi để mua được con trâu con bò ưng ý nối nghiệp nông gia chứ không may vớ phải con phản chủ có mà sạt nghiệp như chơi.
Qua đám trâu bò là rọ lợn kêu eng éc của những chú ỉn con giống Móng Cái lông đen mịn mượt mắt tròn xoe không ngỡ hôm nay tan đàn xẻ nghé, các chú ỉn về với chủ mới bèo cám lợn gà chả mấy chốc đủ trọng lượng đem cân cho nhà nước nuôi quán đánh giặc ngoài tiền tuyến đánh Mỹ !
Tiếp ngay kề cạnh là lũ vịt, gà, ngan, ngỗng lắm lời lắm điều, rồi chó rồi mèo pha tạp đủ cung bậc âm thanh náo nhiệt nhất có thể, để mua để bán chó bốn mắt, huyền đề bốn chân, mèo tam thể giỏi bắt chuột lại không hay ăn vụng cậy nồi niêu để nhớ rằng “chó treo, mèo đậy”.
Mùi cháo cá rô chợ Gò đúng là “Gần mũi xa mồm“ bay lan tỏa thơm chảy nước miếng báo hiệu đã hết dốc chợ đang tiến vào trung tâm chợ Gò, đây rồi tấp nập huyên náo rạo rực dòng người đi chợ sắm tết không quên phòng thủ câu từ bao giở bao giờ “Chợ chưa họp, kẻ cắp đã đến”.
Chuyện Làng Quê
Phạm Liên
Link nội dung: //revcat.net/doc-cho-go-xua-a17571.html