Rồi trong cuộc mưu sinh giữa dòng đời xuôi ngược, bận bịu với áo cơm, danh lợi, mê mãi theo cuộc bon chen ta quên đi những đồng tiền lẽ ấy, đển một lúc nào đó chồn chân mỏi gối, rũ rượi bên dòng đời mới chợt nhớ đem ra mà hộ thân và khi ấy mới thấm thía hết cái đau đáu, cái rưng rưng trong lòng khi nhớ về cố xứ!
Xin được mở đầu bài viết này bằng mấy vần thơ của một gã giang hồ lãng tử đang ôm đàn ngêu ngao bài hát của một kẻ nhớ quê:
Cuối đông rồi khắc khoải con cúm núm!
Mùa xuân quê, đâu chỉ cách dòng sông
Người quê quen bụi đường nắng gió
Sợ nỗi tiếng chim cúm núm thức trong lòng!
Tết này đã là cái tết thứ… tôi không quay về cố xứ, tôi cứ bao biện mà tự an ủi lấy cho mình. Ừ! Thì ở đâu cũng tết! Tết ở thành phố có khi còn vui hơn! Và rồi cứ thế, cái sự dối lòng ấy tưởng đâu sẽ trôi theo ngựa xe náo nức, tưởng đâu đã thành một thói quen làm ta có thể quên cái xóm nhỏ heo hút thăm thẳm nơi quê nhà. Tôi đã có 5 cái tết cô đơn nơi Kinh Bắc, và cũng chừng ấy lần đón trừ tịch nơi đô thành tráng lệ Phương Nam, những cái tết ngập tràn bia rượu với những lời chúc mừng náo nhiệt, ì xèo! Vậy mà vẫn không hiểu sau khi tiết trời đang đi dần về cuối đông, trong lòng vẫn cứ nghe nghe bồn chồn một nỗi nhớ.
Trước khi ngồi viết bài này mấy hôm, một buổi sáng thức dậy tình cờ tôi nhận được dòng tin nhắn của cô bạn học cũ: Tết này anh về quê được không? Em rất vui khi họp mặt lớp 12 của mình năm nay có mặt anh. Về anh nhé! Giản đơn, mộc mạc quá, nhưng đó lại chính là tiếng réo gọi thôi thúc đối với kẻ lìa quê như tôi tìm về cố xứ!
Tôi nhớ có một chiều cuối đông năm ấy khi mà mọi người đang tất bật làm những phần việc cuối cùng của năm cũ, tôi một mình lang thang ra phố tình cờ bắt gặp hình ảnh một bà cụ đang lom khom đốt mấy nén nhang cắm lên bàn thờ tạm, bổng thấy nhớ mẹ mình quay quắt, chắc cũng hôm ấy, giờ ấy mẹ cũng rưng rưng cắm mấy nén nhang ngoài ngõ “cho ấm các linh hồn lạc lối cuối năm”- Mẹ tôi vẫn hay nói thế! Và chắc chiều ấy Mẹ cũng mong linh hồn lạc lối là tôi trở bước quay về…
Như một kẻ mộng du, tôi rũ sạch mọi bộn bề, bon chen nơi phố thị, tất tả hành trang tìm về với cái xóm nghèo heo hút, nơi mà tôi đã sinh ra, lớn lên và bỏ lại làng quê nghèo với cánh đồng đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ để ra đi chen chân vào dòng danh lợi. Quê xưa vẫn vậy! vẫn ngàn đời như vậy. Dù cuộc sống ngày càng khá lên, sung túc hơn nhưng vẫn còn đó nguyên vẹn tấm lòng bao dung độ lượng của các chị, các anh, của vườn cây, ruộng lúa, của những mãnh đời một nắng hai sương… Họ, có thể không nói được lời
chúc xuân bay bướm, ngọt ngào kẻ chợ…nhưng cái tình cư xử với kẻ đi xa thì không thể lấy bất cứ thứ gì để cân-đong- đo-đếm được. Tôi nhớ hôm trước lúc lên đường về quê, anh bạn đồng nghiệp cùng phòng tôi bùi ngùi nói: Ông còn có quê để về chứ tôi thì…! Anh buôn thõng câu nói cố nén một tiếng thở dài não nuộc… Nhìn vào mắt anh, tôi đọc được nỗi buồn da diết của kẻ tha hương khi tết đến xuân về.
Tôi có người bạn khá thân, anh vốn là một đạo diễn trẻ, tấp tễnh áo cơm nên tết là dịp anh kiếm thêm chút đỉnh cho mục tiêu làm nghệ thuật ngày mai. Nhớ năm đầu tiên ra trường, anh ở lại Sài Gòn, có vẻ cứng rắn, cương quyết lắm. Đến mùng 8, ra giêng, tôi khăn gói trở lên mang theo ít quà quê mà mẹ tôi lụm cụm chuẩn bị cho tôi trước lúc lên đường, định bụng hai thằng sẽ làm một cái tết muộn. Đẩy cửa bước vào phòng… Trời! chai lọ ngỗn ngang, bạn nằm trên sàn tóc tai rũ rượi, ngóc đầu dậy, câu đầu tiên bạn hỏi tôi không phải thân tình theo kiểu: “ Mày mới lên hả, ăn tết vui không?” mà là “mùng mấy rồi?”. Hỏi cô chủ nhà mới biết, kể từ đêm giao thừa, cứ về tới nơi là anh mua rượu nốc một bụng rồi ngủ, đi làm rồi lại uống… chẳng biết mấy ngày xuân đã trôi qua trên mấy sợi tóc rụng của mình. Anh bảo: “buồn lắm! mình tao trong một thế giới thì nhớ mùng mấy mà làm gì?”…
Tôi mới thấy cái tha hương khủng khiếp đến dường nào?. Hồi còn đi học tôi đã từng chứng kiến một sinh viên ngành kinh tế, quê miền Tây, quyết định ở lại thành phố định lơ láo với đời một phen, nhưng chiều 30 Tết nhìn ký túc xá vắng ngắt, cỗ bàn của nhà bên lục đục dọn ra bổng hắn la lên: “Trời ơi nhớ cây rơm ở nhà quá trời!” (nổi nhớ đôi khi vô lý lắm!) rồi hắn lấy xe đạp ra, khoát ba lô lên vai nhắm hướng miền Tây trực chỉ, đến Mỹ Tho đã gần giao thừa, hắn gởi con ngựa sắc ở nhà một người quen, bắt xe ôm về tới nhà thì Chủ tịch nước đang đọc thư chúc tết truyền hình! Mẹ ra mở cổng, thế là gã sinh viên năm cuối của trường kinh tế cứ tưởng mình sắp là “Cậu cử” ấy sà vào lòng Mẹ khóc nức nở, khóc ngon lành như một đứa trẻ lên 5.
Thì ra là thế! Xét ra thì quê cũng có xa gì? Cùng lắm cũng chỉ 1-2 ngày ngồi xe nhưng vì nhiều lý do cứ níu kéo ta làm người đất khách. Cơ sự cũng chẳng thành chuyện nếu nó là ngày thường, nhưng cái không khí ren rét của ngày cuối đông, mùi nhang thơm tỏa ra từ bàn thờ tổ tiên, tiếng con cúm núm kêu đồng, và khi mà ngọn gió chướng thổi tràn qua miền tiềm thức… thì tất cả nó hành hạ, dằn vặt lòng
ta kinh lắm. Trong cái giờ phút ấy sự thân thuộc mới trở nên tối cần thiết và con người ta đến là dể bơ vơ khi lạc lõng một mình.
Tôi có đứa em gái họ, vì cuộc mưu sinh bỏ quê lên Sài Gòn làm công nhân cho một công ty may mmặc. Quần quật cả năm trời sống kham khổ tằn tiện, chắt chiu để rồi một chuyến về quê đón tết là kể như đi tong, hết sạch, nhưng năm nào cũng vậy, em cũng cố mà chen chân, nhồi nhét trên những chuyến xe cuối năm chật nít như nêm, nhưng chở đầy ắp những nụ cười mãn nguyện, hả hê của những kẻ lìa quê đang quay về cố xứ!
Tết ở quê tôi ngàn đời nay vẫn vậy! người quê tôi vẫn vậy! Dù cuộc sống có đổi thay, dâu bể trăm điều. Sự đôn hậu, chơn chất, trọng tình nghĩa dường như là bản sắc đặc thù của người dân ở xứ xứ sở dọc ngang sông nước ở miền cuối đất cùng trời này. Ngày tết, không phân biệt nghèo khó, sang hèn tất cả gặp nhau điều tay bắt mặt mừng, mời nhau chung rượu đầu năm tràn đầy nhân nghĩa.
Mẹ tôi, một người đàn bà mà hình như gần trọn một đời chỉ quẩn quanh bên chái bếp với vườn tược, ruộng đồng. Chiến tranh ly loạn, chết chóc triền miện, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn không sao hiểu nổi cái gì đã níu chân bà ở lại với mảnh đất bị quân thù chà đi, xát lại? Từ khi ba tôi hy sinh trong Tổng tấn công mùa xuân Mậu thân năm 1968, một nách ba con nhỏ, bà phải che bom, tránh đạn, nghiến răng vắt từng giọt mồ hôi trộn vào đất để làm ra hạt lúa nuôi anh em tôi lớn lên, phổng phao, đủ sức bon chen công danh sự nghiệp với đời, bây giờ tuổi già lẽ ra bà phải nghỉ ngơi nhưng bà vẫn vậy, vẫn ra đồng đứng nhìn lúa trổ, đêm vẫn trở mình khi nghe tiếng con lóc táp sau hè. Anh em tôi trưởng thành lần lượt bỏ quê ra đi, giờ đây cũng có chút danh vị với đời muốn rước Mẹ tôi ra chợ để sống nhàn nhả tuổi già nhưng bà nhất quyết không chịu, Bà nói thiếu cái mùi của quê, tao không chịu nổi. Ngày tết anh em tôi về mang theo quà cáp biếu Mẹ, Bà mừng lắm, gương mặt rạng ngời hạnh phúc trước lòng hiếu thảo của các con, nhưng bà đem cho các cháu hết, đêm giao thừa Mẹ vẫn thức canh nồi bánh tét, chờ bánh chín Mẹ tôi sẽ chọn những đòn đẹp nhất dâng cúng trên bàn thờ gia tiên và trong ánh lửa bập bùng của đêm trừ tịch, tôi nghe Mẹ dạy đứa em gái tôi rằng: Bây giờ bánh trái không thiếu thứ gì nhưng ngày tết thì phải có nồi bánh tét con a! Ngày xưa bà ngoại từng nói với Mẹ rằng: cái hiếu hạnh của người con gái nằm cả trong đòn bánh dâng cúng gia tiên!
Sau mấy ngày đoàn viên sum hợp, “ra mùng” chúng tôi lần lượt ra đi, ngôi nhà trở nên vắng vẻ. Tôi có người em gái út là một phiên bản của Mẹ tôi, nó học giỏi, đẹp người, đẹp nết. Có chồng là một cán bộ lãnh đạo ngoài thị xã nhưng nó nhất quyết ở lại quê, không tìm công danh nơi ồn ào phố chợ. Có lần tôi hỏi lý do, nó nói rằng mấy anh đi hết, em phải ở nhà lo cho mẹ!- một lý do nghe vô cùng chính đáng nhưng tôi hiểu- nó cũng giống như
Mẹ tôi- thiếu cái mùi quê, thiếu cánh đồng, cây rơm, thiếu tiếng con cá quẫy trong đêm…là không chịu nỗi! Với nó, mùi quê hương đã thấm đẫm trong linh hồn, trong máu thịt mất rồi. Ai cũng có quê hương, có cội nguồn để nhớ, để mà quay về mỗi khi chồn chân mõi gối trên đường đời, ấy cho nên có một thi sĩ suốt đời lang bạt rồi bỗng một chiều cuối năm tình cờ nhìn ngọn khói lam chiều lừng lửng trong chái bếp nhà ai nơi đất khách đã ngước mặt lên trời thốt lên:
Giang hồ! ta chỉ giang hồ vặt
Một tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!
Một nhà báo nước ngoài đã nhận xét như thế này: “Ưu điểm của người Việt là về, dù bất cứ ở đâu trên trái đất này thì nơi duy nhất họ mong về là miền quê của họ”. Ừ! thì về! Sao không về được khi mai đã chọn cành mà bung sắc, tiếng con cúm núm đã giục giã kêu đồng, làn khói hương trầm đang lan tỏa trên bàn thờ gia tiên và mẹ đã ra đầu ngõ mấy bận trong ngày…
Tết này, tôi sẽ trở lại cố hương, tạm biệt nhé những ồn ào phố chợ. Anh bạn tha hương của tôi đâu rồi, anh đã chuẩn bị hành lý chưa?, còn tôi thì chào nhé! Về đây, tôi có quê hương!
Sài gòn đêm cuối đông 2022
Huỳnh Hải
Link nội dung: //revcat.net/tet-den-nho-lam-co-huong-oi-a17337.html