Có nhiều loại ốc nước ngọt, nhưng chỉ có ốc nhồi mới có tập tính trú đông. Ốc nhồi sinh sản, phát triển trong suốt cả mùa xuân, mùa hạ và mùa thu. Vào cuối mùa thu ốc nhồi ăn rất nhiều các loại rong rêu, rau bèo…nó tích lũy năng lượng để chuẩn bị trú đông, tránh rét.
Những ngày đông giá lạnh, ốc nhồi không chịu được rét. Ốc tìm các hang hốc, gốc cây, bụi cỏ…quanh bờ ao, đầm nước để ẩn nấp tránh rét. Lúc này muốn bắt ốc ta chỉ cần ra bờ ao, bờ đầm tìm những hang hốc, gốc cây, bụi cỏ…vạch tìm tha hồ mà bắt. Ao, đầm nào nhiều ốc, bắt một hang hốc được mấy cân ốc.
Ốc nhồi trú đông đều là những con to, vỏ bóng nhẫy, miệng thịt đầy ăm ắp rất béo chắc.
Ốc nhồi trú đông bắt về có thể chế biến làm món ăn ngay. Nhiều ăn không hết thì cho vào giỏ tre, sọt tre phủ bao tải ẩm, cất vào góc bếp để ăn dần cũng được hơn chục ngày, ốc vẫn sống và không bị ảnh hưởng đến chất lượng.
Ốc nhồi chế biến được rất nhiều món ngon và bổ dưỡng.
Món đơn giản nhất là luộc hoặc hấp lá gừng, khêu ruột chấm với nước mắm gừng, tỏi, ớt ăn luôn khi ốc còn đang nóng hôi hổi.
Phức tạp hơn là đập vỏ ốc còn đang sống, lấy ruột nấu với chuối xanh, đậu phụ, thịt ba chỉ.
Cầu kỳ nhất là làm món bún ốc, món này rất ngon và nổi tiếng, nhưng không phải ai cũng chế biến được, vì phải có chút kỹ năng, bí quyết…mới làm được.
Trời lạnh mà được bát bún ốc nhồi nóng (đúng loại ốc trú đông), vừa ăn vừa thổi phù phù! Ái chà chà, sao mà nhớ ngày xưa quá các bác ạ.
Chuyện Quê
Nguyễn Hộp
Link nội dung: //revcat.net/oc-tru-dong-a17294.html