Năm 1940 – 18 tuổi - ông đỗ Tú tài toàn phần.
Thơ ông xuất hiện từ hồi phong trào thơ mới (1932 – 1945) với khuynh hướng chung của phong trào là những bài thơ lãng mạn, mơ mộng lẫn cả bi quan và khát vọng. Có lẽ mọi người biết đến thơ ông trong giai đoạn này là các bài: Nếu anh còn trẻ viết năm 1941, Một mình (1942), Lại gặp (1942).
Bài thơ rất hay nhưng buồn não nuột, tiếc nuối cho một mối tình dang dở từ thời còn trẻ. Cứ tưởng đây là tâm tư của một người đàn ông 60 tuổi, nhưng không phải thế, khi viết bài này Hoàng Cầm mới 19 tuổi.
Cảm khái trước bài thơ đặc sắc của thi sĩ trẻ với mối tình tha thiết nhưng khắc khoải và vô vọng, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành ca khúc Tình Cầm, từ giọng Sol trưởng chuyển sang Sol thứ, diễn tả đúng tâm tư tình cảm của bài thơ, với những giai điệu luyến thương buồn lai láng. Ngày nay trên Youtube chúng ta vẫn có thể nghe nhiều giọng ca thể hiện bài này:
Sau khi đỗ tú tài toàn phần, với dự định học tiếp lên cao, nhưng ngày 19/12/1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hoàng Cầm cũng như rất nhiều thanh niên học sinh lúc bấy giờ, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch và Mặt trận Việt Minh đã xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, Hoàng Cầm đã rời quê hương lên chiến khu 12 (gồm 5 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh, Quảng Yên). Ở đây, cuối năm 1947 ông đã tập hợp được một số văn nghệ sĩ cùng tham gia thành lập đội văn nghệ tuyên truyền hoạt động ở cả chiến khu 12 và chiến khu Việt Bắc. Giai đoạn này ông đã sáng tác các bài thơ như: Sám hối (4/1947), Đêm liên hoan (10/1947), Khóc anh Lê Lương (11/1947), Tiếng hát sông Lô (12/1947), Bên kia sông Đuống (4/1948), Tâm sự đêm giao thừa (1948)… những bài thơ này đã được đưa lên thành tiết mục ngâm thơ và kịch thơ phục vụ cho các đơn vị vệ quốc đoàn, đặc biệt các Vệ quốc quân rất thích nghe chính tác giả biểu diễn, ngâm thơ trước lúc đơn vị lên đường, Giọng ngâm sang sảng và truyền cảm của ông trong thời khắc xuất quân – theo những nhân chứng thời bấy giờ - đã như một hồi kèn xung trận, nghe xong thơ ông cả đơn vị đã rầm rập lên đường tấn công đồn địch và gần như lần nào cũng thắng trận trở về, bởi thơ ông đã nhắc đến một cách chân thực những tên làng, tên đất, tên sông, những con người và phong tục, lễ hội, làng nghề thân thương gần gũi của cả một vùng Kinh Bắc đang chìm trong khói lửa. Từ tình yêu quê hương đã khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc của những chàng trai vệ quốc quân, nâng cao tinh thần quyết chiến một mất một còn với quân thù để mong sớm trở về giải phóng quê hương. Thời đó, thơ của Hoàng Cầm cùng với những bài thơ của các tác giả khác như: Bắn của Tố Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Đồng chí của Chính Hữu, Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông… là những bài thơ luôn đựng trong ba lô của các chiến sĩ.
Những bài thơ đầy hình ảnh, tình cảm và nhạc cảm của Hoàng Cầm đã tạo nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ, nhất là bài thơ tình Bên kia sông Đuống:
Nhạc sĩ Hồ Bắc, người đồng hương của thi sĩ Hoàng Cầm đã chọn lọc để phổ bài thơ này thành ca khúc rất thành công, trở thành một bản tình ca thịnh hành trong giới trẻ giai đoạn trước ngày giải phóng miền Nam:
Lá diêu bông từng là huyền thoại như cổ tích, nhưng thực ra chỉ tên Diêu bông là do thi sĩ Hoàng Cầm đặt ra, còn đây là một câu chuyện có thật từ năm 1934 về mối tình câm giữa cậu thiếu niên Hoàng Cầm 12 tuổi với chị thôn nữ 20 tuổi cùng xóm, câu chuyện này được chính Hoàng Cầm kể lại và xuất bản công khai năm 2003:
Bằng ký ức và tình cảm, 25 năm sau – năm 1959 – Hoàng Cầm mới sáng tác bài thơ Lá diêu bông:
Cảm xúc sâu sắc với bài thơ Lá diêu bông, ba nhạc sĩ: Lê Yên (sinh năm 1917), Lê Việt Hòa (sinh năm 1935) và Hữu Xuân (sinh năm 1941) đã sáng tác 3 ca khúc cùng tên rất truyền cảm, đặc sắc nhất là nhạc sĩ Lê Yên – người nổi tiếng khai thác chất liệu dân tộc trong sáng tác ca khúc - đã viết Lá diêu bông theo dạng hát nói và không có nhịp, rất phù hợp với lối diễn tấu cổ truyền.
Bài thơ này đã được hai nhạc sĩ: Đào Ngọc Dung (sinh năm 1933) và nhạc sĩ Ngô Quốc Tính (sinh năm 1943), mỗi người phổ một đoạn thành ca khúc và đều có sức truyền cảm sâu lắng:
Ngày 10/10/1954 tiến theo các đơn vị chủ lực của Quân đội ta, Hoàng Cầm đã dẫn đầu đoàn văn công Quân đội về tiếp quản Thủ đô, ngay những ngày đầu Hà Nội giải phóng, ông đã dựa trên bài dân ca Trèo lên quan dốc để sáng tác ca khúc Hà Nội yêu dấu, đặt lời mới rất hay với nhiều địa danh và anh hùng dân tộc gắn bó với Hà Nội, ca khúc này đã trở thành phổ biến đã được hát trong Liên hoan văn công toàn quốc cuối năm 1954 và thường xuyên phát trên đài Tiếng nói Việt Nam cũng như các cuộc hội họp quần chúng. Đến năm 1955 ca khúc này đã cùng một số bài khác được Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Do thành tích hoạt động, thi sĩ Hoàng Cầm đã được cử làm Trưởng đoàn Văn công quân đội, sau đó làm Trưởng đoàn Kịch nói quân đội, cuối năm 1955 ông chuyển sang phụ trách công tác xuất bản của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1957 ông tham gia Ban chấp hành khóa 1 Hội Nhà văn Việt Nam.
Là thi sĩ tài danh, thơ Hoàng Cầm ngoài ý tứ hàm súc, hình ảnh phong phú, vần điệu và câu từ uyển chuyển, lấp lánh, thơ ông còn mang nhiều nhạc cảm và nhạc điệu nên đã được các nhạc sĩ phổ thành nhiều ca khúc. Trước sau thơ ông vẫn lưu lại trong lòng công chúng với sự yêu quý, sẻ chia và kính trọng, đó cũng là nội dung thể hiện trong ca khúc Thi sĩ bên bờ sông Đuống do nhạc sĩ Huy Du – người cùng thời và cùng hoạt động với Hoàng Cầm – phổ nhạc cho bài thơ cùng tên của nhà thơ Thế Hùng:
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm, để tưởng nhớ ông, xin trân trọng giới thiệu những ca khúc đã đưa thơ ông bay cao, bay xa./.
Phan Đông Viên
Link nội dung: //revcat.net/hoang-cam-voi-nhung-ang-tho-tham-nong-nhac-cam-a17098.html