Đến Giảng Hòa Là 12 giờ đêm, mọi người đóng đầy ba lô và một bao tượng vắt vai, đi cả đêm đói quá, vừa đi vừa tuồn ngô ở bao tượng nhai sống. Lúc về, chúng tôi không dám đi đường Phú Phong, mà đi đường Thôn 3, Lộc Sơn lên đồi Chè.
Khoảng 10 giờ ngày 19/9/1969, về đến hầm của Đại đội. Tôi xúc đầy một bình tông gạo và một túi đựng cơm. Tôi để ba lô đấy rồi về hầm cùng Thập đem ăng gô và gạo lên đỉnh đồi. Chúng tôi đốt lửa nấu liền lúc 3 ăng gô cơm, ăn hết 2 còn một để dành.
Sáng 19/9/1969, y tá Chuyên và liên lạc Đắc bắt được một con trâu hoàng làm thịt chung với Đại đội 13 DKZ. Đến 14 giờ quản lý Cời gọi tôi với Đáng đến nhà bếp lấy 10 kg thịt đem về Trung đội làm lương khô chiến đấu. Còn lòng trâu thì để dành ăn bữa tối.
Tôi thái thịt, Lâu và Đáng ngồi bên thản nhiên bốc ăn luôn thịt sống. “Ngon thật chúng mày ạ!” Tôi cũng bốc ăn thử, quả là ngon thật, mát ruột dễ chịu. Chúng tôi ăn sống hết 1/3 số thịt trâu. Sau đó cho vào xào, bao nhiêu nước thịt húp hết. Chiều tối, Lâu và Đáng đi lấy cơm và lòng trâu về, ăn tiếp căng bụng mà không chán.
17 giờ ngày 19, bộ phận đi trực chiến vác súng, về thấy xoong lòng trâu sáo, mấy anh lính cùng xô lại thò tay mò… Chỉ một loáng xoong sáo lòng hết cả nước. Tiểu đội trưởng Định rì rầm 10kg thịt mà chỉ được 2 ăng gô lương khô. Lâu và Đáng thì ngay đêm ấy liên tục bị tào tháo đuổi giáp lá cà, Phóng uế từ hố xí về tới cửa hầm.
Sáng 20/9/1969 lúc 7 giờ 30, chúng tôi mang súng ra trận địa. Lúc leo lên dốc thấy buồn buồn tưởng, là muốn xì hơi, tôi dặn một cái cho to để trêu tức Chinh đi sau dưới tôi. Ai ngờ tóe ra quần luôn. Chinh chửi um lên: “Đù má, quân tào tấn công xuống đến mu bàn chân, còn đòi giỡn”. Cả khẩu đội được một trận cười.
12 giờ ngày 24/9/1969, Ban chỉ huy Đại đội ngồi cả trong hầm hạ thổ, nghe có tiếng động phía sau, Đại đội trưởng Mậu hỏi:
- Thằng nào làm gì ở đằng sau đó?
Cậu Gia y tá nói:
- Chắc thằng Nhượng nó đi lấy mây!
Trung đội phó Khê cầm AK định qua vách sau nhà. Chuyên y tá bước ra ngoài hỏi:
- Ai đó?
Thì một loạt AR15 nổ. Chuyên ngã lăn ra kêu oái oái. Khê trong nhà bóp liền 4 viên.
Tôi nhìn theo thấy 3 tên Mỹ vượt qua khe chạy sang đồi bên kia, chỉ cách hầm tôi 10m. Rất nhanh, tôi đặt CKC lên miệng công sự bóp cò, bắn chết 2 tên. Còn một tên chạy ngược dông lên đỉnh núi, gọi pháo bắn, gọi máy bay đánh bom.
Đại đội trưởng Mậu bảo tôi đi cảnh giới, tôi vừa sách súng rời khỏi hầm 20m thì một quả đạn pháo 105 bắn trúng hầm của tôi. Tôi chạy một mạch qua khỏi khúc quẹo, chui vào một hang đá. Vậy là một trận pháo, bom ập xuống, đánh trần dọc suối, làm khu vực hầm Than tan nát.
Ngày 27/9/1969, Mỹ đổ quân, các cao điểm, các cửa Danh dưới Lộc Sơn chỗ nào cũng có Mỹ, gò nào cũng có xe tăng, Trung đoàn lệnh rút quân về rừng.
*
Ngày 29/9/1969, lúc này Mặt trận 4 Quảng Đà vẫn giữ nguyên được 4 Trung đoàn, song quân số thì hao hụt. Đại đội bộ binh chỉ còn 30 tay súng, một khẩu đội hỏa lực 12 ly 7 còn được 7 người. Bộ đội hầu hết bị chân đau, sâu quảng, sốt rét, chết bệnh vãn cả đơn vị.
Về địch, chúng tôi được trên thông báo như sau:
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa có Quân đoàn 1; Sư đoàn 2; Trung đoàn biệt động quân 26.
Quân Mỹ có Sư dù số 101; Sư lính thủy đánh bộ số 1; Sư bộ binh số 23 American, Trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11.
*
Ngày 01/10/1969, có lệnh đi chiến đấu, chúng tôi đi đường cũ đến Ô Gia Lam. Lần lượt 3 Trung đội ở 3 Thôn, Thôn 1, Thôn 3, Thôn 4 Ô Gia.
Làm trận địa từ đêm đến gần sáng 02/10/1969 thì xong. Chúng tôi ngụy trang kín đáo, sẵn sàng chiến đấu. Bầu trời khu chiến im lặng đáng ngờ, báo hiệu trận đánh sắp diễn ra.
Khoảng 8 giờ 02/10/1969, chiếc tàu già đen bắn đạn khói vào ba nơi, những tốp phản lực đến đánh bom. Rồi trực thăng, tàu gáo lồng lộn, dong duổi, phóng rốc két chỗ này, bắn đại liên chỗ kia.
Chiếc đầm già lượn lờ trên cao, lại gọi loa chiêu hồi: Các bạn cán binh Bắc Việt đang ở bụi cây, xó rừng, hãy ra hồi chánh với Chánh phủ Quốc Gia, sẽ được đối xử tử tế. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đang có mặt khắp nơi tấn công tiêu diệt các bạn…
Rồi tiếng nhạc vàng, cải lương… buồn thảm làm sao: Từ buổi con lên đường xa mẹ/ Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung/ Non xanh nước biếc trập trùng/ Sớm nắng lửa chiều mưa rừng gian khổ/ Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở/ Vì hòa bình đâu có ngại bước gian nguy/ Mấy tháng trời đêm nghỉ ngày đi/ Dày vẹt gót áo sờn vai thấm lạnh/ Chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh/ Mẹ hiền ơi con chợt nhớ tới quê mình/ Khói lam chiều giàn mướp lá lên xanh/ Con bướm nhỏ mái đình xưa nhớ quá/ Vào nơi đây tuy đất người xa lạ/ Nhưng miền nam cũng cùng một quê hương/ Cũng mái trường xưa vẫn những con đường/ Thơm hương lúa ngọt ngào tiếng tiêu gợi nhớ/ Những buổi ban đầu còn bỡ ngỡ/ Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu/ Buổi chợ đông vui đồng lúa xanh màu/ Lớp học tưng bừng những đàn trẻ nhỏ/ Đang dập dìu vui hát bản đồng ca/ Và trong vườn luống cải vàng hoa/ Đàn bướm trắng nhủ nhau về hút mật/ Xóm dưới Làng trên niềm vui ngây ngất/ Sao người ta bắt con phá Xóm đốt cầu/ Phải gài mìn gây tang tóc thương đau/ Ở đó có những người như con như mẹ/ Đêm hôm ấy mắt con tràn lệ/ Giấc mộng về con trằn trọc suốt năm canh…
Đã nhiều lần nghe bản nhạc, lời ca tâm lý chiến này. Nhưng không hiểu sao hông nay nước mắt tôi cứ thế mà trào ra, tuôn rơi mãi, nhớ nhà da diết.
Mấy loạt súng 12 ly 7 nổ ở trên gò, xạ thủ số 1 Tấn bắn rồi. Chiếc F4 phừng lên đám khói, nó không thể gượng nổi chòng chành lao về phía sông Vu Gia và cháy bùng như bó đuốc...
Quân Mỹ từ gò Cây Cău chia làm 2 mũi, 8 chiếc xe tăng yểm trợ tiến vào Thôn 4 Ô Gia. Hỏa lực xe tăng, pháo cối bắn nhiều không kể siết, hơi độc pháo cay xộc vào trong hầm sặc sụa.
Một mũi đi vào trước trận địa đại liên của Trung đội 2. Xạ thủ số 1 là Soái Văn Toán ngắm giữa đội hình, đợi quân Mỹ vào sát trận địa chỉ còn 3 mét anh mới siết cò. Những tên Mỹ đi đầu dính một tràng đạn đại liên, có tên ngã vật ngay bờ công sự. Toán nhằm chính xác bóp cò liên tiếp, quân Mỹ bị bất ngờ, đạn xuyên táo, đổ gục hàng loạt.
Chúng tôi kết hợp súng tiểu liên CKC, AK, lựu đạn 2 bên ném ra tới tấp, tiêu diệt gần hết một Đại đội gần 70 tên địch. Số còn lại chạy toán loạn.
Sau một lúc hoàn hồn, bọn Mỹ bắt đầu phản công. Chúng tập trung hỏa lực trên 8 xe tăng bắn xối xả vào chúng tôi. Một quả đạn 75 ly trúng trận địa, súng máy hỏng. Quả thứ 2 trúng hầm Trung đội phó Đạm, Tiểu đội trưởng Sáng và 2 chiến sĩ Quy và Ân hy sinh. Xạ thủ Toán và anh Biêm số 2 đều bị thương. Nhưng hai người vẫn cố vác được thân súng chạy về phía sau.
Tôi ngồi cảnh giới cách trận địa đại liên 100m về phía Đông- Bắc, cách trận địa 12 ly 7 -100m về phía Tây Nam. Lúc ấy là 10 giờ sáng 06/10/1969.
Khi trận địa đại liên thất thủ, tôi thấy quân Mỹ hô hét tiến thúc nhau vào chiếm chốt. Tôi đặt súng CKC lên bờ công sự, bắn chéo cánh sẻ tiêu diệt những tên đi đầu. Tôi bình tĩnh ngắm bắn từng mục tiêu, đạn bay rất chính xác, tiêu diệt 9 tên. Quân Mỹ phải lùi lại không dám tiến nữa. Chúng tản mát khắp cánh đồng, đứa đứng, đứa ngồi. Tôi tiếp tục ngắm bắn, cho thêm 5 tên Mỹ nữa đi tìm chúa. Tổng cộng đợt tấn công đó, tôi đã bắn 14 tên Mỹ chết. Chúng kéo xác đồng đội về gò Cây Cau…
*
Tại trận địa Thôn 1, Ô Gia Lam, suốt từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều, khẩu đội đại liên của Trung đội 1 do Trung đội phó Đắc chỉ huy cùng Tiểu đội phó Đào, xạ thủ Trị với 5 chiến sĩ Kế, Chân, Cường, Đãn, Sủng. Vũ khí của Tiểu đội có 1 súng máy đại liên, 1 súng máy Trung liên, 1 súng B41, một súng phóng lựu M79, 2 súng AK, 1 súng CKC với 10 quả đạn M72 của Làng 3. K8.
Quân Mỹ rất đông, có 1 Tiểu đoàn lính dù thiện chiến, 4 xe tăng M113 đi theo đội hình chữ V, 2 trước, 1 sau, 2 gọng kìm kẹp chặt Thôn 1 Ô Gia, lại thêm máy bay và pháo binh yểm trợ.
Quân giải phóng chỉ có 1 Đại đội tăng cường. Khẩu đội Đại liên của Đại đội 14 bắn rơi một máy bay HU1A, diệt 70 tên Mỹ; Làng 3 - K8 bắn cháy 2 xe tăng, diệt 40 tên Mỹ.
Do quân lực 2 bên quá chênh lệch, một chọi 10, lại chiến đấu suốt một ngày ròng rã dưới mưa bom, bão đạn. Quân giải phóng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tất cả hy sinh anh dũng.
*
Chúng tôi đi chiến đấu thì còn được ăn 2 bò rưỡi, rút về rừng thì chỉ ăn cây chuối, măng, rau. Đại đội 14 chỉ còn 2 thùng Đại liên gạo để dành nấu cháo cho người ốm, có 2 con lợn dẫu, mỗi con chừng 30kg, làm thịt ăn 2 bữa, còn 1 con trâu cũng đem làm thịt.
Ngày 16/10/1969, Chính trị viên, Đại đội trưởng, quản lý, y tá, liên lạc cùng 57 người xuống vùng Đại Lộc- Duy Xuyên. Các đơn vị ở đồng bằng đã 2 tuần không lên được rừng.
Bọn Mỹ đổ quân chốt giữ các cửa danh An Bằng, Khe Ốc, Khe Rèn, Khe Dúc, Đồi Chè, Bến Bung, Thạch Bích, Tý Xé, Suối 9 khúc, Bãi Cau, Suối Cát, danh Hòa Bình, Đèo Le, đèo Đá Trắng, đèo Đòn Gánh, Hốc Đèn, danh Sơn Hiệp…
Những nơi này, đầu lâu, xương dóng phơi trắng lối đi, người mới chết, kẻ đang trương phình. Mỹ giết quân giải phóng đem dựng đứng vào gốc cây, lấy dây cột lại, đội cho cái nón trên đầu, còn nhiều đầu lâu cắm trên cọc.
Đã vậy, trên rừng còn thê thảm hơn nhiều: bộ đội chết đói, sốt rét ác tính, chân tay mình mẩy hễ trật da là bị sâu quảng.
Cũng vì đói và khổ quá, mà xảy ra chuyện đau lòng: Đại đội 14, trong đợt đi lấy gạo ngày 16/10/1969 mất tích 2 quân nhân, Tiến - xạ thủ số 1 của khẩu đội 2 Trung đội 2 và Nhân - chiến sĩ của Trung đội 1. Sau khi điều tra, người ta mới phát hiện ra có 2 người ở K7 là Nguyễn Ngọc Thít và Nguyễn Đức Sủng đã giết chết 2 bộ đội của đơn vị K74, Mặt trận 4 ở suối đá 5 mộ, Hòn Tàu để chiếm 2 vắt cơm vào ngày 17/10/1969.
(Sau này, ngày 22/02/1970, một phiên tòa án binh đặc biệt được mở tại bản Bà Hoa, Huyện Giang Tây- Quảng Đà. Phiên tòa do Thiếu tá Nguyễn Cẩn, Chính ủy Trung đoàn 38 làm Chánh án. Các quân nhân có thói hư, tật xấu vi phạm kỷ luật trong Trung đoàn đều được đi dự để tận mắt chứng kiến một sự việc mà quân đội ta không được làm đã xảy ra. Thít và Sủng đã bị tuyên tử hình vì tội giết đồng đội. Họ bị xử bắn lúc 13 giờ cùng ngày 22/02/1970).
Quân Ka không mua được gạo ngô. Mặt trận lệnh phát tiền cho các đơn vị tự túc mua ăn. Bộ đội ở dưới xuôi không còn đường lên rừng vì các cửa danh Mỹ bịt hết. Bộ đội túm 5, tụm 3 chia làm các tổ nhỏ, ngày chui hầm bí mật của du kích hoặc ẩn trong bãi bói ở bờ sông, đến tối mò vào dân kiếm ăn.
Các đơn vị đã lẻ tẻ có người đảo ngũ trốn ra Bắc. Có người đi chiêu hồi theo địch (phần nhiều là du kích và các cơ quan địa phương). Cũng có người lánh ngũ vào dân lấy vợ, sống nhờ để an phận cho qua thời chiến tranh.
*
Lúc này, chúng tôi ở hậu cứ có khoảng hơn 10 người, thuộc loại “binh la, mã liệt”: Chân đau sâu quảng, sốt rét bệnh tật đủ loại; lại thêm thiếu nước, không cơm, mặt phù, chân sũng, răng bựa, đầu bù, quần không ống và áo không lưng.
Ăn rau rừng mãi nuốt không vào, mỗi ngày Đại đội phó Quần cử vài người đi lấy trộm sắn. Vào rẫy không may bị bắt thì ni lông, dép lốp đều bị tịch thu. Trời mưa tầm tã, đi từ chiều đến tối mò vào lấy được gùi sắn phải ăn cả vỏ.
Ngày 24/10/1969, Đại đội phó Quần cử tôi, Lan, Trinh, Bình đi kiếm sắn, ai cũng đang bệnh tật. Tôi bị đau khớp, đầu gối sưng đỏ tấy, chống gậy leo đèo, lội suối lần đến rẫy của đơn vị K74 - bộ phận tăng gia của Mặt trận 4. Cả mấy quả đồi, nương rẫy mênh mông, sắn mới trồng lên chừng gần mét, củ mới bằng ngón tay hoặc chuôi dao, nhưng lính ta đã nhổ hết từ bao giờ.
Chúng tôi tìm những cây sắn cũ vứt ở ven rẫy, bâm rễ xuống thành củ, nhặt kiếm mãi cũng được bữa luộc. Bỗng nghe tiếng súng CKC nổ 3-4 phát, có 2 bộ đội trông rẫy tăng gia quát to, gọi chúng tôi mang sắn lại. Họ bắt 4 người đổ sắn ra gốc cây, lột dép, thu áo đi mưa. Xin mãi không được, mấy thằng chúng tôi đành ngồi khóc…
Khoảng 14 giờ, ngày 24/10/1969, chúng tôi thấy một Thủ trưởng thắt lưng đeo khẩu súng lục côn quay, dao găm, lựu đạn Mỹ, có 2 lính bảo vệ, một người mang khẩu M79, một người đeo súng Ak từ bờ suối đi lên. Hai người trông rẫy ra chào. Người Thủ trưởng hỏi chúng tôi ở đơn vị nào?
Tôi liền kể hết sự việc hôm nay cho Thủ trưởng đó nghe.
Thủ trưởng lắng nghe xong, bỗng nghẹn ngào và bảo:
- Tôi là Lư Giang - Tư lệnh Mặt trận 4 của các đồng chí đây. Xin lỗi các đồng chí thông cảm, hết sức cố gắng, điều kiện Cách mạng hiện nay thì cả chiến trường đều gặp khó khăn không riêng gì ta. Quân Mỹ - Ngụy đông, phương tiện chiến tranh sẵn có, hơn hẳn ta gấp 10 lần. Mỹ to, ta không sợ, Bác Hồ của chúng ta nói “Trường kỳ kháng chiến nhất định thành công”. Các đồng chí đã đánh nhau với quân Mỹ hẳn đã biết, Mỹ to nhưng có làm gì được ta đâu nào. Suốt năm 69 này ta quần nhau với giặc, Mặt trận 4 của chúng ta là cửa ngõ của quân Mỹ đổ bộ, lúc nào cũng có từ 4 đến 5 Sư đoàn, Lữ đoàn Mỹ, ngụy không kể. Tất nhiên chiến đấu thì phải có tổn thất 2 bên, song chúng cũng không làm gì được ta. Một thời gian nữa các đồng chí sẽ rút lên miền Tây an dưỡng, củng cố, huấn luyện, bổ sung quân, khi mà sức ta đã mạnh, quân ta lại đông, ta lại kéo xuống đồng bằng quần nhau với địch. Mục tiêu chính của chúng ta là phải cắm được lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân giải phóng lên trên trụ sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy Sài Gòn ở thành Đà Nẵng. Hãy trả các thứ, cho các đồng chí mang sắn về. Chúng tôi mừng quá cảm ơn Thủ trưởng.
*
Ngày 25/10/1969, Đại đội phó Quần nhận lệnh của Trung đoàn, biên chế 1 Tiểu đội, trang bị vũ khí gồm: 1 súng đại liên, 1 trung liên, 1B41, với 2 tiểu liên AK do Tiểu đội phó Cát, xạ thủ số 1- Bình, Xạ thủ số 2 Thịnh và Tiểu đội phó Lương lên chốt giữ đỉnh sân bay Dốc Mực, đánh địch đổ bộ đường không.
Gạo hết từ nửa tháng nay, mắm, mì cũng hết, muối phải ăn dè, chủ yếu là ăn rau rừng các loại. Đưa bát canh môn lên miệng là muốn ợ ra ngay, mộc nhĩ tươi ăn no, đi ngoài vẫn nguyên mộc nhĩ. Quả lá nón ăn nhiều khi tào đuổi khác gì xôi gấc. Số người rừng chúng tôi toàn là sốt rét, chân đau, thân tàn phế.
Ngày 26/10/1969, Đại phó Quần bảo tôi lên Trung đoàn báo cáo tình hình đơn vị để Đại đội phó và y tá Gia đi mót sắn. Tôi mang súng AK, dây lưng, lựu đạn, chống gậy đi đến Trung đoàn Bộ. Đi khỏe hết 2 giờ, tôi chân đau khập khiễng, nên phải bước thấp, bước cao. Trên đường đi thấy cây sim, mua, quả mẫu đơn, quả lá nón, quả vả xanh… vừa đi tôi vừa vặt cho vào miệng ăn. Rồi những con bô rô, tắc kè, nhện vằn, nhái vồ được, tôi cũng nướng ăn vội vàng tại chỗ.
12 giờ trưa 26/10 tôi đến được Ban tham mưu Trung đoàn, báo cáo xong tôi sang Ban hậu cần xin vài ang gạo. Trợ lý mang ra một rổ con có mấy củ rong riềng nói:
- Chúng tôi cũng chỉ ăn mấy thứ này thôi, đào đâu ra gạo, đồng chí ăn với chúng tôi đi.
Tôi lắc đầu quay ra, sang Ban quân y xin thuốc kháng sinh, sốt rét. Chủ nhiệm Quân y Trần Cảnh nói:
- Thuốc chữa bệnh không có, trong kho đã cạn từ lâu. Đồng chí đem về cho Đại đội trưởng Mậu và Chính trị viên Quang cái lọ này.
14 giờ, ngày 26/10/1969, đi đến đầu dốc thấy toàn thân mỏi mệt rã rời, tôi nhặt mấy quả lóng rụng ăn vào càng thấy cồn cào nhão ruột, mồ hôi hột chảy dòng dòng.
Tôi nằm dưới gốc cây Lóng mắt mờ dần, lịm đi một lúc tỉnh lại, thấy có vật gì kệnh ở túi áo, lấy ra không biết là thuốc gì, mở nắp lấy 5 viên, chắc không phải là thuốc độc, tôi cho vào miệng nhai, uống nước bình tông lại nằm nghỉ. Hơn 10 phút sau thấy người tỉnh táo, không biết có phải tại thuốc hay không (sâm viên).
Xuống hết dốc, lội dọc suối, tôi bắt được vài con cá và nhặt được con rùa vàng bằng miệng bát con, trên đường về lấy được ít mộc nhĩ và nấm. Ra đường trục đến một con suối có cây gỗ đổ bắc cầu. Qua khỏi tôi lấy lựu đạn ném xuống hục suối, cá ngoi lên tôi vớt được chừng cân cá.
Trời gần tối, sức đã kiệt, vừa đi vừa nghỉ, còn cách hậu cứ 500m, tôi nằm vật ra, không đi được nữa, mắt mờ dần… Nghe có tiếng gọi, tôi mở mắt thấy có lửa đuốc. Cậu Gia ý tế chạy tới mang đồ cho tôi ăn và nói về đi ở nhà có sắn ăn rồi, anh Thịnh đang nấu sắn ở bếp ấy.
Tôi ngồi xuống bên bếp lửa chẳng thấy nồi sắn đâu, gọi anh Thịnh nghe tiếng trả lời ở dưới khe. Tôi cởi bao đựng cá, bắt con rùa đặt ngửa trên bếp củi, con rùa múa chân, lắc đầu, lúc sau bọt sùi ra mép sôi ành ạch bên trong. Tôi lại lật úp xuống, rùa khô cháy xém, tôi chách mai bỏ ruột ăn hết, ngon chưa từng thấy.
Vừa lúc anh Thịnh về đến hỏi:
- Thậm ăn gì đấy?
Tôi trả lời:
- Con rùa anh ạ.
- Sao không phần tao một miếng!
Anh Thịnh mắt nhìn hau háu, giằng cái mai, rồi nhai gáu gáu hết những gì có thể nhai được. Ăn chỗ thừa xong, anh Thịnh bắc nồi sắn lên bếp, chỉ có 4 củ bằng ngón chân cái, tôi bảo cho nhiều nước nấu cháo đừng bỏ vỏ phí.
Sau đó anh Thịnh đi làm cá kho, cho thêm mục nhĩ nấm và trám. Nửa đêm, anh Thịnh đem cho Đại đội một nửa số cá kho, còn chúng tôi húp cháo sắn loãng ăn hết cá.
Lợn thì thịt rồi, còn 2 bao cát cám anh Lư nấu bếp vẫn làm đệm ngồi. Tôi tiếc đem dần được 2 bò tấm, liền cho vào ăng gô nấu. Lúc ăn, ôi thôi ngán quá, vừa đắng, vừa hôi, cơm chả ra cơm cháo chẳng ra cháo, nhưng vẫn ăn hết. Rồi khi không còn hạt gạo nào, chỗ cám mốc còn lại chúng tôi cũng đành phải đem nấu cháo. Nhưng lúc ăn thì phải bịt mũi và cố mà nuốt.
Ngày 27/10/1969, Đại đội phó Quần còn hộp sữa bột cuối cùng (đến khi nguy cấp mới dùng) sau khi hội ý lãnh đạo đơn vị, đã chia cho khẩu đội đại liên một phần. Phần còn lại, chúng tôi đổ hết vào nồi nước sôi, pha loãng, mọi người cùng húp chung.
Anh em được cử đi đồng bằng tìm gạo mãi không không thấy về. Chúng tôi đói quá hóa phù, chân sưng mặt bủng và đi không nổi.
Món ăn hàng ngày của chúng tôi dịp này là: cây móng ngựa ninh, quả trám luộc, rau rừng các loại, dong nước, khoai bông... Nghĩa là cái gì ăn không bị ngộ độc là có thể cho vào nấu và ăn cho đỡ rỗng bụng. Chúng tôi lót dạ, cầm hơi và chờ người chi viện. Đó là chưa kể đến chuyện chấy bò lổm ngổm, rận cắn rát lưng và nắng lên thì ra hố bom ngồi bắt rận…
*
Ngày 28/10/1969, tôi rỗi việc, đi lần đến hầm của Trung đội 3, thấy có khẩu súng trung liên để đó. Tôi lấy súng trung liên RPD lắp đạn, đặt súng lên miệng hầm ngắm tà âm xuống dưới... Bỗng tôi phát hiện có đám lá động đậy, di chuyển. Hình như có con nai, hay trâu hoang đang đi qua? Theo bản năng, tôi bóp còn bắn một loạt, có lẽ tới cả chục viên đạn đã trúng đích.
Đại phó tưởng có biệt kích, vội huy động số quân còn lại, chia làm 2 tổ bí mật tiến xuống. Y tá Gia thấy súng nổ ngay miệng hầm, bò đến nơi phát hiện ra tôi, liền quát:
- Bắn con đầu kẹc!
Tôi cười ngượng:
- Buồn thì bắn chơi ấy mà, có gì mà phải hoảng lên như vậy.
Nhưng thật không ngờ, phía dưới cách chúng tôi vài chục mét chỗ đường đạn tôi “buồn bắn chơi” ấy, có tiếng động lạ và kêu oai oái.
Thấy tiếng kêu, chúng tôi xách súng AK chạy xuống, phát hiện có 4 tên biệt kích Ngụy trúng đạn, 3 tên chết tại chỗ, một tên bị thương gãy đùi đang lăn lộn rên rỉ, bị ta bắt sống.
Đại phó Quần tra hỏi:
- Chúng mày ở đơn vị nào? Có bao nhiêu tên, mò vào đây đề làm gì?
- Dạ, chúng em thuộc nhóm biệt kích đặc biệt, chỉ có 4 người, vừa được thả xuống đây. Cấp trên giao luồn sâu, đi tìm dấu vết Việt Cộng. Nhưng chưa kịp làm gì, thì đã bị các ông phát hiện và bắn…
- Nếu đúng vậy, thì yên tâm rồi - Y tá Gia nói.
Chúng tôi chôn xác 3 tên biệt kích Ngụy, rồi thu chiến lợi phẩm: gồm 4 ba lô đầy, vài chục hộp thịt, 50 gói gạo sấy, 1 súng phóng lựu M79, 1 trung liên, 2 tiểu liên AR15, 8 quả đạn M72 và 2 đồng hồ sen cô. Thực phẩm và thuốc lá để liên hoan.
Ngày 31/10/1969, lúc 20 giờ, anh Lư và anh Trung từ đồng bằng về mang được 1 thùng mắm với 2kg mì chính, 10 kg muối, 2 ang gạo. Mọi người vỗ tay reo ầm lên, hân hoan như mở cờ, rồi hò nấu mỗi người lưng bò gạo cháo....
(Còn nữa)
Đ.V.H
Trái tim người lính
Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)
Link nội dung: //revcat.net/nhat-ky-linh-chien-cua-ccb-pham-huu-tham-ky-7-chien-dau-voi-doi-khat-va-nhung-chuyen-dau-long-a17055.html