Chúng tôi đã vào trạng thái trực chiến với B52 bằng mũ săt, cây bút , chiếc máy ảnh từ ngày 16 tháng 4 năm 1972 khi không quân Mỹ trở lại đánh phá Hà Nội và bây giờ là cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.
May mắn hơn các báo là Phân xã chúng tôi đã có Phóng viên Hữu Cứu biệt phái sang Hội đồng phòng không Thành phố ngay từ tháng 4-1972 . Tin tức nội bộ của anh đã được chúng tôi biến thành thông tin phát đêm trên bản tin trong nước.
Trong sổ tay chiến sự của Phân xã ngày 18 tháng 12, ,Vũ Như Chương ghi: 18h50', bộ đội Phòng không - Không quân đã chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1. 19h25', Hữu Cứu gọi về thông báo Lệnh báo động săn sàng chiến dấu toàn Thành phố. Tôi lập tưc báo cáo Tổng xã và xin một xe ô tô do lái xe Đào Đắc Phòng túc trực sẵn sàng nổ máy lao đi trong màn đêm Hà Nội.
20h18', Hữu Cứu báo tin nhiều tốp B.52 mỗi tốp gồm 3 chiếc) đã rải thảm liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. Anh hồ hởi báo tin Tiểu đoàn 59 - Trung đoàn 261 đã phóng 2 quả tên lửa SAM 2 hạ ngay 1 Siêu pháo đài bay B.52 rơi xuống Phủ Lỗ, Sóc Sơn. Đây là chiếc B.52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ, cách trận địa chưa đầy 10km.
Sổ tay chiến sự của Phân xã ghi rõ :Suốt đêm 18 đến rạng ngày 19/12, không quân Mỹ huy động 90 lần chiếc B.52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm ở Hà Nội, có 85 khu vực dân cư bị trúng bom, làm chết 300 người. Quân và dân ta anh dũng chiến dấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 2 máy bay B.52 rơi tại chỗ. Trong 10 ngày, từ đêm 19/12 đến 29/12/1972: không quân Mỹ liên tục tấn công Hà Nội và các địa phương Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh... bằng máy bay chiến lược B.52, máy bay F.111 "cánh cụp cánh xòe", máy bay F4, F5.
Suốt 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 bão lửa, tập thể Phóng viên TTXVN tại Hà Nội ( nay là cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội ) đã trụ vững và chiến thắng.. Có những kỷ niệm thật khó quê. Đêm 21 tháng 12 trời rét căm căm, tại bệnh viên Bạch Mai- cơ sở y tế lớn nhất miên Bắc, hầu hết bác sĩ, bệnh nhân đã được sơ tán. Mỗi khoa chỉ giữ lại vài ba người để trực cấp cứu. Có khoảng 300 bệnh nhân tiếp tục điều trị ở dưới hầm. Khoảng 4h sáng 22/12, nghe tiếng máy bay B52 gầm rú, tất cả bác sĩ, bệnh nhân xuống hầm trú ẩn. Khoảng 15 phút sau thì thấy đất rung chuyển dữ dội , hơn 100 quả bom trút xuống cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc này. Hầm bị sập, 28 người hy sinh, 22 người khác bị thương. Khi tiếng còi báo yên, tất cả mọi người trở lên mặt đất thì tất cả là cảnh hoang tàn đổ nát vì Bệnh viện gần như bị san phẳng. tiếng người kêu cứu khắp nơi. Khoa Da liễu và khoa Tai Mũi Họng là những nơi bị tàn phá nặng nề nhất. Hệ thống hầm Bạch Mai do người Pháp thiết kế rất vững chắc, bê tông rất dày cũng không chịu nổi sức ép của bom và đổ sập. Nhiều bệnh nhân và bác sĩ bị kẹt dưới hầm. Những người cứu hộ buộc phải tháo khớp người đã chết để đưa họ ra. Nhân viên bệnh viện tận dụng tất cả những gì có thể để cấp cứu những người bị thương. Khoảng 06h30 sáng, chúng tôi theo Bác sĩ Trần Duy Hưng , Chủ tịch Thành phố Hà Nội vào sâu trong bệnh viên đổ nát Bệnh tận mắt chúng kiến tôi ác diêt chủng của Không quân Mỹ ở nhà thương Bạch Mai để đưa vào bài phản ánh được viết ngay sau đó.
Còn đây là kỷ niệm “bắt giặc lái” ở quận Đống Đa. Khoảng 22 giờ ngày 26 tháng 12 , tôi cùng các anh Văn Trường, Minh Trường, Vũ Hanh vào bãi đá Phương Liệt khá gần Ngã Tư Vọng , nay là đường Trường Chinh, bắt giặc lái khi nó lóp ngóp mép bờ ao rau muống. Tôi quát lớn “Hen-xấp!” và lao vào tóm tên phi công đang kêu rống lên thảm thiết. Một anh dân quân kịp hỗ trợ đưa hắn lên bờ ao. Tôi vớ được cuốn sổ bay, khẩu súng cùng 7 viên pháo hiệu và chiếc hộp sắt to bằng cuốn từ điển cỡ đại. Sau khi đưa viên phi công Mỹ vào Hilton Hà Nội , tôi về cơ quan vào phòng trực đêm của TTXVN khoe chiến lợi phẩm. Tổng biên tập Đào Tùng cầm lấy xem và bảo đây là khẩu phân mỗi ngày của phi công. Khui ra thấy có lương khô, cà phê, bánh kẹo, thịt hộp , bột lọc nước và cả bao cao su…. Sếp Đào Tùng bèn pha cà phê, bóc lương khô cho kíp trực ăn luôn khi đông hồ chỉ 01 giờ ngày 27 tháng 12. Tổng Biên tập Đào Tùng cho phát báo trang tin chiến thắng của tôi khi đồng hồ chỉ 01 giờ ngày mới sau khi trực tiếp duyệt bài tường thuật Hà Nội bắn rơi B52, bắt sống giặc lái .
Bất giác tôi nhớ lại những giờ khắc lịch sử này khi lần mở từng trang Nhật ký phóng viên tháng 12 năm 1972.
Bản tin của chúng tôi đã đưa về các thành tích tiêu biểu: Ngày 20/12, Bộ đội phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, với 35 quả đạn đã bắn rơi 7 chiếc B.52 (có 5 chiếc rơi tại chỗ); trận đánh rạng ngày 21/12, trong 9 phút từ 5h02' đến 5h11, các tiểu đoàn 57, 77, 79 với 6 quả đạn đã bắn rơi 4 chiếc B.52 (3 chiếc rơi tại chỗ). 21h 20/12, tại trận địa Vân Đồn (Hà Nội), Đại đội tự vệ của nhà máy Cơ khí Mai Động, Gỗ Hà Nội và Cơ khí Lương Yên, bằng súng bộ binh 14,5 mm đã bắn rơi 1 máy bay F.111 của địch. Tôi và anh Lê Sơn lên Lương Sơn Hòa Binh tận mắt thấy máy bay F111 chưa kịp cụp cánh và đồng hồ trong khoang lái chỉ 14h37 ngày 21-12 . Đang nghiêng ngó thì lũ máy bay cường kich đã mò đến, chúng tôi vội ra khỏi hiện trường vì không quân Mỹ có thể bắn phá phi tang xác chiếc F111 này.
Cao điểm nhất là ngày 26/12/1972, từ 22h05' đến 23h20', không quân Mỹ đã sử dụng 105 lần chiếc B.52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh phá ồ ạt, liên tục, đồng thời từ nhiều hướng và tập trung vào nhiều mục tiêu, trên cả 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B.52 , riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, trong đó 4 chiếc rơi tại chỗ và 10 máy bay chiến thuật khác.
22h20' ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân lái máy bay Mig 21 cất cánh từ sân bay Yên Bái, vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích F4, tiến về hướng đội hình B.52 tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần, bắn rơi chiếc B.52 thứ 2 trong đội hình 3 chiếc của địch, Đây là chiếc B.52 đầu tiên bị Không quân ta bắn rơi trong chiến dịch này. Ngay sau đó tôi đi theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Bác sĩ Trân Duy Hưng sang sân bay Nội Bài chức mừng chiến công của Không quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng . Tin tức về sự kiện này là độc quyền của TTXVN được tôi phát báo ngay khi ngày mới đã bắt đầu. Đến ngày 29/12, trân đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội cuối tháng 12/1972 các tiểu đoàn 72, 78, 79 của Bộ đội Phong không bố trí ở vòng ngoài tham gia đánh B.52, đã bắn rơi 2 máy bay (l1 chiếc B.52, 1 chiếc F4).
Trong 12 ngày dêm này, Quân và Dân ta đã bắn rơi 81 may bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111A. Nhiều phi công, hầu hết là những phi công kỳ cựu, đã bay hàng nghìn giờ, là nguồn nhân lực tác chiến bậc cao của quân đội Mỹ.
Thất bại nặng nề trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội và miền Bắc, 7h sáng ngày 30/12, Tổng thống Mỹ Níchxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ngày 27/01/1973 Hiệp định Paris về "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" đã được ký kết.
Nhớ lại hồi đó thật là tự hào và hạnh phúc, niềm hạnh phúc của nghề báo. Có lẽ thành công lớn nhất là nhờ dám chịu trận . Không ít lần tôi phải tự tay lật vài thi thể nạn nhân chết vì bom bi cho Ngọc Quán chụp cận đặc tả tội huỷ diệt hoặc một mình giữa một dãy xác chết bên Gia Lâm và bên tai là tiếng thét đến đứt ruột của một người phụ nữ mất cả chồng cùng bốn đứa con vì sập hầm. Không ít bài đã viết khi nước mắt nhoè kính cận 10 diop và phải bặm môi nín đi tiếng nấc.
Nhớ mãi lần đến Đông Anh chưng kiến kíp chiến đấu của Thượng úy Tiêu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt người sau này là Trung tướng, Anh Hung LLVT, Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không –Không quân Nguyên Văn Phiệt với sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên , các trắc thủ Ngô Văn Linh, Mè Văn Thi, Nguyễn Xuân Đài . Tiêu đoàn trưởng đồng ý cho tôi vào cabin chỉ huy, tận mắt thấy trên màn hình tín hiệu máy bay B52 bùng cháy và nghe tiếng rào rào của các viên bi tên lửa sơ-rai nổ gần xe, vướng vào những cây tre nứa dựng xung quanh, bảo vệ cho xe chỉ huy. ... Đêm dầu tiên , Văn Bảo chộp được thời điểm rồng lửa Thăng Long diệt máy bay B52 ngay trên bầu trời bắc Hà Nội . Anh còn tổ chức bức anh dép lốp nữ dân quân dậm lên mảnh xác B52 Bức ảnh và bài tường thuật của tôi về trận thắng oanh liệt này vẫn con trong tư liêu TTXVN...
Đã tròn 50 năm . Chiến tranh đã lùi xa. Bão lửa đã tắt ngóm. Dấu vết cũ không còn nhiều. Đài tưởng niệm ở Khâm Thiên vào cữ này khói hương nghi ngút . Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên không vẫn chưa xây dựng. Lớp phóng viên TTXVN hồi ấy kẻ còn, người mất hoặc đã về hưu. Các thủ trưởng: Đào Tùng, Đỗ Phượng , Lê Chân, , Hoàng Tư Trai, Trần Hữu Năng, Lê Châu, Lam Thanh đã về trời. Chị Tường Vân, các anh Hưu Cứu, Văn Bảo, Minh Trường, Vũ Hanh, Nam Minh, Hoàng Dương, Duy Nhân, lái xe Đào Đắc Phòng đã về bên kia bầu trời. Trên ấy có lẽ đủ biên chế lập hãng Thông tấn Thiên Đình .
Dòng đời vẫn trôi chảy. Mong sao nhũng người còn sót lại chúng tôi có dịp gặp nhau để hồi ức tiếp về vinh quang nghề nghiệp và chút chút tự hào nhờ may mắn có mặt!
Trân Đình Thảo - Nguyên Phóng viên TTXVN tại Hà Nội
Link nội dung: //revcat.net/ky-niem-50-nam-tran-dien-bien-phu-tren-khong-thang-12-nam-1972-lam-bao-duoi-tam-b-52-a16917.html