Kỳ 28
SỰ KIỆN 29: HÀ NỘI TỔNG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19-8-1945).
Năm 1945, Đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945) đã đến hồi kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của phe phát xít Đức, Ý, Nhật. Ngày 30-4-1945 Hồng Quân Liên Xô hạ thành BécLin, thủ đô của Đức phát xít. Hít le tự sát. Ngày 9-5-1945 chiến tranh chấm dứt trên toàn bộ châu Âu. Từ ngày 9 đến 15 tháng 8-1945, Hồng Quân Liên Xô tiêu diệt và bắt sống đạo quân Quan Đông gồm 1 triệu tên, đây là đạo quân tinh nhuệ bậc nhất của Nhật Bản. Ngaỳ 15-8-1945 Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh không điều kiện. 6 vạn quân Nhật ở Đông Dương và chính phủ tay sai hoang mang cực độ. Thời cơ tổng khởi nghiã giành độc lập dân tộc đã đến. Ngày 13-8-1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (Tuyên Quang) hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Nắm vững thời cơ cách mạng và thực hiện mệnh lệnh của Hội Nghị toàn quốc của Đảng và của Xứ Uỷ Bắc kỳ ngày 15-8-1945 (họp ở làng Vạn Phúc, Thị xã Hà Đông- Hà Nội), Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị quân sự tại chùa Hà, làng Dịch Vọng, Cầu Giấy bàn về khởi nghĩa ở Hà Nội và công tác quân sự của khởi nghĩa.
Ngày 17-8-1945 báo chí Hà Nội công khai đăng tin Nhật đầu hàng Đồng Minh. Buổi chiều tại Quảng trường Nhà Hát Lớn có cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức tổ chức ủng hộ chính quyền bù nhìn. Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội quyết định chiếm diễn đàn để tuyên truyền cách mạng.
Khi mít tinh bắt đầu, cờ đỏ sao vàng kéo lên trong cả biển người. Trên lễ đài cờ của Chính phủ bù nhìn bị hạ xuống, từ bao lơn Nhà Hát Lớn lá cờ đỏ sao vàng lớn toả ra phủ kín trước lễ đài. Nhân đân vỗ tay hoan hô vang dội. Các đội viên tuyên truyền xung phong Việt Minh như Lê Phan Tư, Hồng Trang, Nguyễn Khoa Diệu Hồng xông lên giành diễn đàn kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Đồng chí Mai Thiện Chi dương cao lá cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn biểu tình. Đoàn từ Nhà Hát Lớn qua các phố trung tâm hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, đả đảo bù nhìn, Việt Nam độc lập. Trước khí thế cách mạng mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, chính quyền bù nhìn không dám chống cự, quân Nhật không dám can thiệp. Ngày 18-8 cờ đở sao vàng xuất hiện ngày một nhiều trên khắp các phố từ Bưởi- Dịch Vọng xuống Tương Mai, Mai Động.
Ngày 19-8-1945, hàng chục vạn nhân dân nội ngoại thành xuống đường biểu tình biểu dương lực lượng. Cả Hà Nội chìm ngập trong cờ đỏ sao vàng. Từ các cửa ô hàng vạn nông dân ngoại thành cũng rầm rập tiến vào thành phố. Quần chúng bắt đầu chiếm các công sở. Nhân dân Láng, Mọc, Thái Hà kéo đi chiếm đại lý Hoàn Long. Từ ô Cầu Giấy, Chợ Dừa, Cầu Dền, Đống Mác, Yên Phụ, Chợ Bưởi, Nghĩa Đô, Ái Mộ, nhân dân như thác lũ kéo vào nội thành. Đi đầu là các đội tự vệ nam-nữ, nam mặc quần áo nâu ống chẽn, nữ chít khăn vuông, áo nâu, quần thâm chịt ống. Tay họ cầm súng, giáo, mác, dao, mã tấu, câu liêm, liềm, hái. Nông dân ở Hà Đông, Thanh Trì, Hoài Đức cũng kéo vào nội thành. Trong khi đi nhân dân xếp thành từng khối: Công nhân, thanh niên, phụ nữ, công chức, học sinh, văn nghệ sĩ.
11 giờ ngày 19-8-1945, cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà Hát Lớn. Mọi người giành một phút mặc niệm những chiến sĩ đã hi sinh vì nuớc. Sau đó, ba phát súng nổ vang báo hiệu lễ chào cờ, nhạc cử bài Tiến quân ca. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa quảng trường. Đồng chí Nguyễn Huy Khôi( Trần Quang Huy) đọc lời kêu gọi toàn dân khởi nghĩa. Sau đó dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban quân sự cách mạng, cuộc mít tinh biến thành biểu tình vũ trang chia làm hai đoàn đi đánh chiếm các công sở.
Một đoàn do Nguyễn Khang chỉ huy đánh chiếm phủ Khâm sai (phố Ngô Quỳên, nay là nhà khách Chính phủ), toà thị chính (nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân Hà Nội) ở phố Đinh Tiên Hoàng, Sở cảnh sát Trung ương (nay là trụ sở công an quận Hoàn Kiếm, cuối phố Lê Thái Tổ). Một đoàn do Nguyễn Quyết chỉ huy chiếm trại Bảo an binh (Trước của rạp Tháng Tám phố Hàng Bài). Quân Nhật dùng xe tăng chặn đường nhưng trước khí thế nhân dân chúng phải nhượng bộ.
Các đơn vị tự vệ và tuyên truyền xung phong chiếm kho bạc, sở mật thám.
19-8-1945 khởi nghĩa ở Hà Nội giành đuợc thắng lợi.
23-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Kinh thành Huế.
25-8-1945 khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn-Chợ Lớn.
Vương triều Nguyễn do Nguyễn Ánh sáng lập tồn tại được 143 năm với 13 đời vua: vua đầu là Gia Long Nguyễn Ánh (1802-1819), đến vua cuối cùng là Bảo Đại (1926-1945) bị Cách mạng tháng Tám 1945 lật đổ .
10 giờ ngày 20 -8-1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội ra mắt nhân dân trong cuộc mít tinh lớn trước của Bắc Bộ phủ. 30-8-1945, Uỷ Ban nhân dân thành phố Hà Nội chính thức được thành lập, bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Chủ tịch.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-28-a16861.html