Vĩnh Tường có bề dày lịch sử, một miền quê văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trên các làng quê Vĩnh Tường ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích gắn với quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, soi đường, nhân dân Vĩnh Tường cùng cả nước viết nên những trang sử đầy hào hùng của dân tộc, tô thắm thêm truyền thống yêu nước anh hùng của quê hương.
Ngược dòng lịch sử, trước khi có ánh sáng cách mạng của Đảng, vùng đất Vĩnh Tường là cái nôi, nơi phát tích của nhiều phong trào đấu tranh yêu nước từ thời Hùng Vương dựng nước đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - mở đầu trong công cuộc đấu tranh chống ách thống trị 1.000 năm Bắc thuộc và chống kẻ thù phương Bắc xâm lược đã gắn liền với các địa danh như Bích Đại, Đồng Vệ (thuộc xã Đại Đồng ngày nay), Lũng Hòa, Tân Tiến, Ngũ Kiên, Tứ Trưng... Nhiều người con quê hương Vĩnh Tường đã tích cực hưởng ứng tham gia và trở thành những vị tướng tài mà tên tuổi vẫn còn lưu danh muôn thuở. Đó là “Tả quân nội thị” Lê Ngọc Trinh, tướng quân Ả Lã, Nguyễn Văn Nhượng có công chiến đấu chống quân Chiêm Thành xâm lăng được phong làm thành hoàng làng...
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, truyền thống đấu tranh quật cường ấy lại tiếp tục được kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Hưởng ứng “Chiếu Cần Vương”, ở Thượng Trưng có ông Nguyễn Quý Tân là lãnh binh Sơn Tây cai quản cả vùng Hưng Hóa, Vĩnh Yên cùng các ông Nguyễn Quang Bích, Đốc Giang, Tuần Bốn, Đốc Khoát, Đốc Huỳnh chiêu mộ lực lượng ở Vĩnh Tường và các nơi khác để chống lại triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra ngày 30/8/1919 do Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn), người xã Vũ Di cùng Lương Ngọc Quyến lãnh đạo chống thực dân Pháp xâm lược với trận chiến đấu ác liệt diễn ra tại Hoàng Xá (xã Kim Xá) trên quê hương Vĩnh Tường. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa rất lớn, tiếp tục thổi bùng ngọn lửa của lòng yêu nước và ý chí quật cường, đấu tranh bền bỉ của lớp thanh niên không chịu khuất phục trước kẻ thù.
Tiếp sau đó, ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học, người xã Thổ Tang (nay là thị trấn Thổ Tang) cùng các huynh đệ của mình đã lập ra tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng-chính đảng đại diện cho giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam. Không chỉ gây dựng và phát triển ở các địa phương như Yên Bái, Phú Thọ, Thái Bình, Bắc Giang; tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng còn thu hút nhiều thanh niên yêu nước ở các nơi thuộc xã Thổ Tang, Đại Đồng, Vĩnh Sơn, Vũ Di tích cực hưởng ứng tham gia. Nhưng do hạn chế về đường lối và phương pháp cách mạng, phong trào đấu tranh nhanh chóng bị thất bại. “Tuy thất bại, nhưng Việt Nam Quốc dân Đảng và khởi nghĩa Yên Bái đã ghi dấu son quan trọng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và truyền thống yêu nước của dân tộc ta thời kỳ trước khi có Đảng lãnh đạo” .
Ngày 3/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Là địa bàn có tổ chức và phong trào mạnh của tỉnh Vĩnh Yên, Vĩnh Tường đã nhanh chóng tiếp nhận ánh sáng cách mạng soi đường với nhiều hoạt động đấu tranh mạnh mẽ như rải truyền đơn, treo cờ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5/1930 ở Bích Đại, Đồng Vệ; phản đối đàn áp, khủng bộ trắng diễn ra ở nhiều nơi của Tam Phúc, chợ Rưng; diễn thuyết ở chợ Kiệu (nay là xã Chấn Hưng) nhằm ca ngợi tinh thần đấu tranh của Xô Viết Nghệ Tĩnh; vận động dân cày nghèo và thanh niên đấu tranh chống phu phen tạp dịch, đòi quyền bình đẳng bàn việc làng xã; đấu tranh phản đối việc thu thuế bất công ở làng Lạc Trung (nay là xã Bình Dương)... Qua phong trào đấu tranh, nhiều cơ sở cách mạng ở Vĩnh Tường ra đời như: Bích Đại, Vệ Đồng, Dẫn Tự, Hòa Lạc (xã Tân Phú ngày nay), Thượng Trưng, Vũ Di... là nơi các đồng chí Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên về hoạt động, gây dựng cơ sở, phong trào đấu tranh cách mạng và tạo mối liên lạc giữa Đảng với Nhân dân, để lựa chọn, bồi dưỡng một số đoàn viên thanh niên hăng hái nhất, giác ngộ về Đảng chuẩn bị cho việc phát triển đảng viên mới.
Đến năm 1936, sau khi Mặt trận nhân dân Pháp thực hiện chương trình “Đại xá tù chính trị ở các xứ thuộc địa”, nhiều tù chính trị được trả tự do đã về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng công khai, tập hợp lực lượng để thành lập các tổ chức như hội nông dân tương tế, hội ái hữu, hội hiếu, hội hỷ, tổ đọc sách báo... đã thu hút đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Các cơ sở cách mạng được xây dựng rộng khắp, có số hội viên đông và phong trào đấu tranh sôi nổi ở nhiều nơi như Bích Đại, Đồng Vệ, Dẫn Tự, Hòa Lạc, Vũ Di, Thượng Trưng... Ngày 14/6/1937, hội nông dân tương tế làng Lạc Trung (xã Bình Dương ngày nay) làm đơn gửi tuần phủ Vĩnh Yên yêu cầu đóng thuế làm hai lần và phải niêm yết tại đình làng số thuế của từng người phải nộp để dân biết. Ngày 12/8/1937, cuộc biểu tình của hơn 300 quần chúng trong huyện kéo lên gặp Thống sứ Bắc Kỳ Sater, nhân y đi kinh lý huyện Vĩnh Tường. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, Thống sứ buộc phải tiếp nhận hai bản nguyện vọng, một của tù chính trị và một của dân cày, hứa sẽ xem xét, giải quyết. Kết quả, một số tù chính trị quê Vĩnh Tường đã được giải quyết công ăn việc làm, Hương lý làng Bích Đại phải trích ra một số diện tích ruộng công gần chùa để anh em tù chính trị làm ăn chung gọi là “hợp tác”... Thắng lợi đó đã cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh cách mạng của tù chính trị và dân cày ở nhiều địa phương trong huyện Vĩnh Tường.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ: “Những chỗ hiện giờ đã có sẵn mối liên lạc phải lập tức gây thành cơ sở của Đảng” . Đầu năm 1938, tại làng Vũ Di, đồng chí Hoàng Văn Thụ (bí danh là Vân)-Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đã tổ chức kết nạp các đoàn viên ưu tú vào Đảng gồm các đồng chí: Lê Xoay (người làng Vũ Di), Nguyễn Tráng (người làng Hòa Lạc) và Nguyễn Hành (người làng Dẫn Tự) và ngày 29/8/1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ triệu tập 3 đảng viên họp, tuyên bố thành lập chi bộ, chỉ định đồng chí Lê Xoay làm Bí thư. Chi bộ Vĩnh Tường ra đời đã phân công đảng viên phụ trách từng nhiệm vụ như gây cơ sở bí mật rộng ra các huyện khác trong tỉnh, liên hệ và thống nhất phương hướng hoạt động với các đồng chí hoạt động công khai, liên hệ và phối hợp hoạt động với các cán bộ, các cơ sở cách mạng tỉnh Vĩnh Yên, tỉnh Phúc Yên... Chi bộ Vĩnh Tường thực sự là “hạt nhân lãnh đạo phong trào toàn tỉnh Vĩnh Yên, là nòng cốt cho sự phát triển các chi bộ khác và là nòng cốt cho việc thành lập Ban cán sự liên tỉnh Vĩnh Yên-Phúc Yên vào đầu năm 1940” .
Là vùng cơ sở cách mạng sôi nổi, nên từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Vĩnh Tường thường xuyên được đón nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ về chỉ đạo và hoạt động cách mạng như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Đinh Đức Thiện, Đào Duy Kỳ, Trần Đăng Ninh, Lương Văn Chi, Đào Văn Trường, Trần Thị Sinh, Khuất Thị Vĩnh, Trần Thị Minh Khai, Lê Thu Trà... Trên cơ sở đó, đến cuối năm 1939, chi bộ Dẫn Tự - Hòa Lạc, chi bộ Thượng Trưng được thành lập. Từ cuối năm 1940 đến đầu năm 1942, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ về đóng ở Thượng Trưng, Tân Cương của Vĩnh Tường. Đồng thời, nhiều trạm liên lạc bảo vệ cán bộ của Đảng được xây dựng như Đầm Sen, đồng Cốc, quán Đơi (xã Thượng Trưng) và nhiều xã đã thành lập các đội tự vệ, xích vệ chiến đấu để bảo vệ, đưa đón cán bộ hoạt động từ huyện đến cơ sở.
Để củng cố cơ sở, giữ vững và phát triển lực lượng, bảo vệ cơ quan Xứ ủy đóng trên địa bàn, Khu ủy khu Đ , Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên đã quyết định thành lập Phủ ủy Vĩnh Tường và hai tổng ủy Thượng Trưng, Đồng Phú (tháng 4/1941) với nhiệm vụ là lãnh đạo các cơ sở Đảng và các tổ chức, đoàn thể quần chúng bảo vệ cơ quan, cán bộ của Đảng, đẩy mạnh các phong trào đấu tranh cách mạng, trong đó tập trung thực hiện chủ trương:
- Bí mật, khẩn trương di chuyển, cất giấu các tài liệu, dụng cụ in ấn của cơ quan Xứ ủy; điều chuyển các đảng viên, cán bộ bị lộ đi các vùng khác hoạt động, hoặc tạm lánh một thời gian.
- Hướng dẫn Nhân dân đấu tranh chống khủng bố, dưới các hình thức mít tinh, diễn thuyết, thả truyền đơn. Tiến hành phân công, bố trí lại cán bộ, đảng viên bám sát làng, xã để duy trì và giữ các cơ sở.
Dưới sự chỉ đạo của phủ ủy và hai tổng ủy, các đoàn thể quần chúng ở nhiều xã tập hợp và giác ngộ được nhiều người tham gia, qua thử thách, chọn lựa, kết nạp được thêm nhiều đảng viên mới. Qua đó, nhiều cơ sở cách mạng tiếp tục được thành lập như: Hòa Lạc, Dẫn Tự, Vũ Di, Thượng Trưng, Thị Trưng, Phú Trưng, Bích Đại, Bạch Hạc, chợ Cầu Hạc. Những nơi có các tổ chức quần chúng mạnh là: Đồng Phú, Phú Hạnh, Phú Thứ, Xuân Lai, Bàn Mạch Thượng, Cao Xá, Bình Trù, Đại Định...
Trong năm 1942, Xứ ủy Bắc Kỳ đã điều đồng chí Lê Xoay từ căn cứ địa Bắc Sơn-Vũ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) về tỉnh Vĩnh Yên lãnh đạo phong trào đấu tranh chống khủng bố trắng của địch, ổn định tư tưởng quần chúng, phục hồi cơ sở. Đồng chí Lê Xoay họp bàn với các đảng viên quyết định mở một đợt tuyên truyền nhân ngày Quốc tế Lao động 01/5/1942, dưới hình thức rải truyền đơn, treo cờ đỏ ở những nơi đông người qua lại nhằm tuyên truyền Mặt trận Việt Minh và ổn định tư tưởng quần chúng. Cuối tháng 4/1942, cờ đỏ và truyền đơn xuất hiện ở một số địa điểm thuộc huyện Vĩnh Tường, Bạch Hạc. Trong khi đang làm nhiệm vụ ở làng Bồ Sao (xã Bồ Sao ngày nay), ngày 28/4/1942, đồng chí Lê Xoay đã hy sinh - đồng chí là một chiến sỹ cách mạng, một lãnh đạo chủ chốt của tỉnh với nhiều cống hiến đối với Đảng bộ và sự nghiệp cách mạng của hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên. Báo “Hồn Việt Nam”-cơ quan của Liên khu ủy Đ số 01, ra ngày 01/7/1942 đã có bài viết chia sẻ niềm tiếc thương đồng chí Lê Xoay và ca ngời: “Anh Lê Xoay đã tận tụy với công cuộc cách mạng, hiến thân cho non sông, người quả cảm xung phong, thấy khó khăn không lùi bước, đã chết trong tranh đấu...” .
Để xây dựng cơ sở cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt-Ủy viên Thường vụ Trung ương đã phân công đồng chí Khuất Thị Vĩnh phụ trách Vĩnh Tường. Sau khi quyết định lấy Vũ Di làm địa điểm họp bàn các cơ sở và trung tâm lãnh đạo phong trào đấu tranh, đồng chí Khuất Thị Vĩnh đã nắm lại đội ngũ đảng viên, quần chúng trung kiên, tổ chức kết nạp đảng viên mới; thành lập một số chi bộ ghép; triệu tập hội nghị liên chi bộ Thượng Trưng-Dẫn Tự-Hòa Lạc (tháng 9/1944) để phổ biến Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh “Về sửa soạn khởi nghĩa” và tinh thần chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ; quyết định tách và thành lập chi bộ Thượng Trưng, lập Ban vận động xây dựng Mặt trận Việt Minh phủ Vĩnh Tường... Đến cuối tháng 10/1944, Mặt trận Việt Minh huyện và sau đó là Mặt trận Việt Minh các xã lần lượt ra đời, để tập hợp quần chúng đấu tranh theo chỉ đạo của tổ chức Đảng.
Trên cơ sở phong trào cách mạng phát triển mạnh ở Vĩnh Tường, tháng 02/1945, Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Yên đã tổ chức hội nghị đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo tại làng Phú Hạnh (xã Thượng Trưng), trong đó chủ trương đấu tranh cứu đói, khất thuế, nợ thuế để tập hợp, giác ngộ quần chúng, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho khởi nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của Phủ bộ Việt Minh Vĩnh Tường, chi bộ và Mặt trận Việt Minh ở Thượng Trưng, Tân Cương, Vũ Di đã tập hợp lực lượng quần chúng biểu tình đòi Tri phủ Vĩnh Tường mở kho thóc cứu đói cho dân nghèo, phản đối việc bắt dân phá ngô, lúa trồng đay, đòi được khất thuế... Đặc biệt, ngày 24/02/1945, đồng chí Khuất Thị Vĩnh đã lãnh đạo cuộc biểu tình lớn với hơn 300 người đòi Tri phủ Vĩnh Tường mở cửa các kho thóc nghĩa thương cứu đói cho dân nghèo. Thắng lợi của các phong trào đấu tranh đã tạo sơ sở quan trọng cả về tinh thần và vật chất tiến tới cao trào kháng Nhật cứu nước trên địa bàn Vĩnh Tường.
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngay trong đêm, Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng tại làng Đình Bảng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước trong toàn quốc. Thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh Vĩnh Yên, tháng 4/1945, Mặt trận Việt Minh Vĩnh Tường chỉ đạo Mặt trận Việt Minh các cơ sở Thượng Trưng, Đồng Phú, Bàn Mạch, Bích Chu, Tuân Lộ, Kim Đê, Vân Giang, Phong Doanh, Vân Ổ... vận động quần chúng tiếp tục mít tinh, tuần hành kéo vào phủ Vĩnh Tường đòi mở kho thóc cứu đói cho dân nghèo. Tiêu biểu là cuối tháng 5/1945, Mặt trận Việt Minh Vĩnh Tường đã tổ chức cuộc mít tinh tuần hành với lực lượng đông tới 300-400 người ở nhiều xã Thượng Trưng, Vũ Di, Đại Đồng, Bình Dương, Vân Xuân... tham gia và tiến vào phá kho thóc làng Vườn (huyện Tam Dương). Trước uy thế của lực lượng quần chúng, quân địch không dám can thiệp. Qua cuộc đấu tranh không chỉ trực tiếp cứu đói cho hàng vạn người mà làm cho ảnh hưởng của Đảng, uy tín của Việt Minh thêm sâu rộng trong Nhân dân.
Cùng với phong trào phá kho thóc để cứu đói, Nhân dân Vĩnh Tường còn đấu tranh mạnh mẽ dưới nhiều hình thức khác nhau. Tháng 6/1945, tự vệ các làng Vũ Di, Yên Nhiên phối hợp với tự vệ chiến đấu các làng lân cận chặn đánh xe chở thóc của phát xít Nhật ở cầu Lác. Lực lượng tự vệ chiến đấu và đội danh dự trừ gian các xã đã bắt 36 chánh, phó tổng, lý trưởng... quản thúc, giáo dục ở Thượng Trưng, Đại Đồng, Vũ Di, Tam Phúc, Tuân Chính. Mặt trận Việt Minh ở Thượng Trưng lệnh cho lý trưởng và hội đồng lý dịch các làng không được thu thuế thân, thuế ruộng chỉ được thu thuế của các nhà giàu có, nộp các loại tiền thuế, tiền quỹ khác và giấy tờ sổ sách cho Ủy ban dân tộc giải phóng Vĩnh Tường... Các phong trào đấu tranh giành thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân, làm cho chính quyền tay sai ở làng, xã lung lay và không dám hách dịch như trước; tạo cơ sở thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong thời kỳ cao trào, phát xít Nhật tuy vẫn đem quân khủng bố một số cơ sở nhưng không đạt kết quả. Ngày 14/7/1945, chúng đưa trên 30 lính về làng Vũ Di và một số làng thuộc huyện Vĩnh Tường, Nhân dân Vũ Di cùng các làng lân cận đã nổi trống, mõ, tù và với vũ khí thô sơ, làm cho lính Nhật không dám khủng bố buộc phải rút về tỉnh Vĩnh Yên.
Trước khí thế cách mạng dâng cao, cuối tháng 6/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng của Vĩnh Tường được thành lập đóng vai trò “tiền chính quyền” ở huyện và các làng xã. Thực hiện chủ trương của hội nghị toàn quốc và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, ngày 20/8/1945, các đồng chí Khuất Thị Vĩnh và Đặng Việt Châu quyết định triệu tập hội nghị cán bộ Việt Minh toàn huyện tại làng Bích Đại để quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 21/8/1945 và cử ra Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Khuất Thị Vĩnh phụ trách.
Sáng ngày 21/8/1945, theo kế hoạch đề ra, hơn 300 quần chúng cứu quốc và cán bộ, tự vệ các cơ sở phối hợp với tự vệ trong huyện mang theo cờ đỏ sao vàng và một số vũ khí từ hai hướng xuất phát trên 30 chiếc thuyền (do đê Quảng Cư bị vỡ, nước ngập nên không tiến được bằng bộ) tiến về huyện lỵ Vĩnh Tường. Cánh quân thứ nhất xuất phát từ làng Bích Đại, cánh quân thứ hai xuất phát từ đình Hòa Lạc tiến về Thổ Tang (huyện lỵ Vĩnh Tường) để khởi nghĩa giành chính quyền. Khi đoàn thuyền đến huyện, một trung đội lính bảo an cùng quân Nhật ra ngăn cản không cho vào, lập tức quần chúng hô vang “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền về tay Nhân dân” và tự vệ ta cảnh báo hành động chống phá khởi nghĩa của chúng. Trước khí thế của đoàn quân khởi nghĩa, lại có thêm một số thuyền chở quần chúng của các cơ sở từ xã mới đến và tự vệ sẵn sàng chiến đấu, nên bọn lính bảo an phải lùi bước, không dám chống cự, giao nộp vũ khí cho tự vệ. Tri phủ thấy uy thế của cách mạng phải cho mở cổng. Đồng chí Đặc Việt Châu thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Tường do đồng chí Đặng Hữu Khiêm làm Chủ tịch. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cổng chính huyện đường trước sự hò reo của quần chúng Nhân dân. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vẻ vang.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân thành công ở Vĩnh Tường là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, quyết liệt, bền bỉ của các tầng lớp nhân dân trong huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vùng đất Vĩnh Tường trở thành một trong những cơ sở có phong trào cách mạng sôi nổi, là cái nôi cách mạng của tỉnh đã đóng góp quan trọng vào việc tạo mảnh đất an toàn để các cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy xây dựng ở đây và các cán bộ của Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên về chỉ đạo, hoạt động cách mạng. Phát huy truyền thống yêu nước, nhiều thanh niên yêu nước được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và trở thành những cán bộ lãnh đạo, chiến sỹ hăng hái trong phong trào đấu tranh mà tên tuổi vẫn mãi được lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử Vĩnh Tường nói riêng còn lưu danh như Lê Xoay, Nguyễn Kiến, Nguyễn Tráng, Nguyễn Hành... Từ quá trình đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Vĩnh Tường đã để lại những bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tập hợp quần chúng và xây dựng Đảng. Đó là:
- Cách mạng muốn thành công phải có tổ chức Đảng và đảng viên làm vai trò hạt nhân lãnh đạo. Là vùng đất sớm tiếp nhận ánh sáng cách mạng của Đảng, nên hình thành nhiều cơ cở đấu tranh là điều kiện thuận lợi cho sự ra đời các chi bộ Thượng Trưng, chi bộ Dẫn Tự - Hòa Lạc, và các chi bộ ghép khác. Từ đó, các chủ trương, đường lối của Đảng được tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn để đưa cách mạng đi đến thắng lợi.
- Phải tập hợp, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vĩnh Tường thành công do Mặt trận Việt Minh đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận động, tập hợp và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, thực hiện các chủ trương của Đảng; phối hợp với Ủy ban dân tộc giải phóng giải quyết kịp thời yêu cầu nguyện vọng bức thiết của Nhân dân, từ đó xây dựng lực lượng đông đảo cả về chính trị và vũ trang để khởi nghĩa giành chính quyền thành công.
- Nhân dân Vĩnh Tường vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Truyền thống đó từ khi có Đảng được phát huy cao hơn, được nhân lên gấp bội. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, khi cao trào cùng như lúc thoái trào, Nhân dân Vĩnh Tường vẫn vững tin ở cách mạng, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, bảo vệ cách mạng, che chở nuôi dưỡng cán bộ và chiến đấu kiên cường dưới ngọn cờ của Đảng.
Vũ Vân Nam
Link nội dung: //revcat.net/vinh-phuc-phong-trao-yeu-nuoc-va-khoi-nghia-gianh-chinh-quyen-o-vinh-tuong-a16775.html