KỲ 10
SỰ KIỆN 11: THĂNG LONG CÙNG QUÂN DÂN ĐẠI VIỆT CHIẾN THẮNG QUÂN NGUYÊN-MÔNG LẦN THỨ 3 (1287-1288)
Hai lần thất bại chưa đủ để HốtTất Liệt rút ra được bài học xương máu. Hốt Tất Liệt huy động 50 vạn quân, 600 chiến thuyền cùng lương thực do Thoát Hoan chỉ huy, tháng 12 năm 1287 chia làm ba đường tiến vào Đại Việt đánh báo thù. Đạo chủ lực do Thoát Hoan chỉ huy theo đườngLạng Sơn tràn xuống Thăng Long; đạo thứ hai do Ái Lỗ, Mộc Ngột vào Lào Cai theo đường sông Hồng tiến xuống; đạo thứ ba là đạo Thuỷ binh gồm 600 chiến thuyền, hàng vạn thuỷ binh do Ô Mã Nhi chỉ huy theo đường biển tiến vào sông Bạch Đằng, theo sau thuỷ binh là đoàn thuyền lương chở 70 vạn hộc do Trương Văn Hổ phụ trách. Như vậy cuộc tấn công lần thứ ba này Hốt Tất Liệt đã chuẩn bị nhằm khắc phục những yếu kém của quân Nguyên-Mông là thiếu thuỷ binh và thiếu lương thực.
Trên khắp các mặt trận quân ta theo kế hoạch của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thực hiện rút lui chiến lược. Tháng 12 năm 1287, 30 vạn quân Thoát Hoan tràn vào Vạn Kiếp. Trần Quốc Tuấn rút khỏi Vạn kiếp, sau đó triều đình, quân và dân ta cũng rút khỏi kinh thành. Tại mặt trận Tây Bắc (Việt Trì, Phú Thọ), 4 vạn quân ta do Tướng Trần Nhật Duật chỉ huy cũng rút lui. Quân Nguyên -Mông lại tràn vào kinh thành Thăng Long gieo rắc tàn phá thảm hoạ chết chóc. Đạo thuỷ binh do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy tiến rất nhanh vào sông Bạch Đằng, bỏ đoàn thuyền lương không ai hộ tống nên bị tướng Trần Khánh Dư đánh chìm xuống Bái Tử Long (Vân Đôn, Quảng Ninh). Mất đoàn thuyền lương 70 vạn hộc mà Hốt Tất Liệt dầy công chuẩn bị sẽ làm cho quân Nguyên-Mông khó khăn về lương thực, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cục diện chiến tranh xâm lược sau này.
Thoát Hoan chiếm được Thăng Long nhưng không bắt sống được triều đình, không tiêu diệt được chủ lực ta để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Chiến tranh kéo dài địch lại gặp những khó khăn cố hữu: thiếu lương thực, bị chiến tranh du kích của ta tiêu hao binh lực, ốm đau bệnh tật. Ô Mã Nhi đi tìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ thì không thấy, lại bị quân ta chặn đánh ở cửa biển Đại Bàng (Văn Úc, Hải Phòng), hơn 100 chiến thuyền Nguyên-Mông bị ta tiêu diệt. Ô Mã Nhi thoát thân, điên cuồng tàn sát dân lành, đào cả mộ vua Trần Thái Tông khi vào Long Hưng (Hưng Hà, Thái Bình).
Tất cả những hành động điên cuồng tàn bạo không cứu vãn được chúng thất bại, Thoát Hoan biết nếu không rút chạy sẽ lại bị tiêu diệt toàn bộ như lần truớc (1285). Sau khi đốt phá kinh thành Thăng Long, đạo bộ binh của Thoát Hoan rút chạy theo đường Thăng Long -Lạng Sơn nhưng lần này lại bị quân dân ta chặn đánh dữ dội, xác giặc Nguyên-Mông lại rải dài suốt 300 dặm. Thoát Hoan nhờ các tướng Nguyên mở đường máu mới thoát chết.
Kỵ binh của địch bị ta diệt gọn ở Vạn Kiếp.
Toàn bộ thuỷ binh địch do Ô Mã Nhi chỉ huy rút theo sông Bạch Đằng. Ngày 9-4-1288, toàn bộ đạo thuỷ binh địch lọt vào trận địa mai phục của quân ta do Trần Quốc Tuấn trực tiếp bài binh bố trận và chỉ huy chiến đấu, quân ta tiêu diệt 400 chiến thuyền, hàng vạn thuỷ binh địch hung hãn bị vùi xác dưới lòng sông Bạch Đằng. Các tướng lĩnh cao cấp của nhà Nguyên- Mông như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ bị bắt sống. Trận Bạch Đằng năm 1288 là trận quyết chiến chiến lược, trận tiêu diệt lớn làm cho đế quốc Nguyên –Mông khiếp sợ, ý chí xâm lược của đế quốc này hoàn toàn bị đè bẹp. Từ đó cho đến ngày sụp đổ (1368) quân Nguyên-Mông không dám động binh xâm lược Đại Việt một lần nữa. Thăng Long lại được giải phóng. Trong thảm họa, một lần nữa Thăng Long lại rực sáng chủ nghĩa anh hùng Đại Việt.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-10-a16515.html