Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vốn đã làm đình trệ hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu vừa mới có dấu hiệu kết thúc, những biến động lớn ở một số khu vực lại đang làm cho thế giới có nguy cơ lâm vào những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát và suy thoái kinh tế. Các nước ASEAN và Cộng đồng ASEAN cần có những chiến lược và chính sách mới thích hợp, nhằm đẩy mạnh hơn nữa phục hồi và tăng trưởng thời kỳ hậu đại dịch.
Đây là nhận định được các chuyên gia kinh tế và học giả quốc tế đưa ra tại phiên khai mạc Hội nghị Liên đoàn các Hội Kinh tế Đông Nam Á (FAEA) lần thứ 45 (FAEA-45) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/11/2022.Sự kiện này tiếp tục diễn ra vào sáng 26/11/2022.
Với chủ đề “Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn”, Hội nghị FAEA-45 do Liên đoàn FAEA phối hợp Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VEA) tổ chức.
Diễn ra sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19 bùng phát, hội thảo FAEA lần thứ 45 là dịp để các nhà kinh tế các nước ASEAN trực tiếp gặp gỡ, cùng thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, với nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, từ đầu năm 2022, vừa thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đã hứng chịu nhiều biến động mạnh và những cú sốc lớn, khó dự báo, thí dụ như xung đột Nga-Ukraine, lạm phát tăng vọt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất, gây sức ép rất lớn đối với việc ổn định tỷ giá và cán cân thanh toán của nhiều nền kinh tế đang phát triển…
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, các dự báo đều cho thấy, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ giảm mạnh và kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát và mặt bằng lãi suất cao, giá cả năng lượng trồi sụt, tổng cầu yếu và đơn hàng giảm sút, niềm tin của người tiêu dùng ở mức rất thấp và dư địa chính sách đang thu hẹp rất nhanh ở hầu hết các nước. Những yếu tố trên đã tác động mạnh đến các nền kinh tế ASEAN vốn vẫn lệ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, yêu cầu cấp bách về phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch đòi hỏi mỗi nước ASEAN vừa phải tự mình có quyết sách linh hoạt, vừa phải tăng cường gắn kết trong nội khối, vừa phải nỗ lực nâng cao vị thế, thúc đẩy hợp tác với bên ngoài.
Mỗi quốc gia cần xác định rõ động lực tăng trưởng riêng có của mình, sớm khắc phục các đứt gãy về cung ứng, lao động, thị trường, huy động các nguồn lực cho sự phát triển. Chính điều đó giúp ASEAN có được sự tự cường, thống nhất trong đa dạng, tiếp tục là điểm sáng của thế giới về ổn định và tăng trưởng kinh tế bao trùm, bền vững.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh yêu cầu phát huy “Phương thức ASEAN” - một phương thức đồng thuận, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ rất đặc biệt trong việc xử lý các vấn đề của khối - trong giải quyết vấn đề ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
Trong đó, các nước khu vực cần đặt người dân ở vị trí trung tâm của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế; đặt mục tiêu bảo vệ an toàn và sức khoẻ của nhân dân lên vị trí hàng đầu; ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động; thực hiện chính sách tăng trưởng bao trùm và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, giải quyết các vấn đề kinh tế không thể tách rời các vấn đề ổn định chính trị, gowin99 và bảo vệ môi trường.
Liên đoàn FAEA và các hội thành viên cần thúc đẩy vai trò tiên phong trong việc truyền tải, lan toả những ý tưởng mới, thúc đẩy những chuyển đổi phát triển lớn trong khu vực và ở mỗi nước, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng cân bằng với môi trường và công bằng với mọi người…
Bên cạnh đó, cần phát huy trách nhiệm và trí tuệ của các nhà kinh tế học, chú trọng công tác phân tích, dự báo, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển mới, có tính đột phá sáng tạo với phương châm “tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng”.
Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, Hội thảo FAEA-45 đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu của mỗi nước, đồng thời đưa ra tầm nhìn tổng thể và dài hạn về kinh tế khu vực, qua đó cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của các nước ASEAN những luận cứ khoa học hữu ích cả về lý thuyết và thực tiễn, nhằm ứng phó với những thay đổi ở cấp khu vực, toàn cầu và trong mỗi quốc gia.
Hội nghị gồm nhiều phiên họp toàn thể và song song, tập trung thảo luận các vấn đề: Khôi phục và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19; Tình hình an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; Mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; An ninh và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, giao thông vận tải và hậu cần, du lịch; Tài chính, tiền tệ, lạm phát, chứng khoán; Tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; Hợp tác kinh tế và Hội nhập quốc tế của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu mới; Diễn đàn kết nối ASEAN.
Liên đoàn FAEA có 7 nước tham gia chính thức gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và 4 nước khách mời Brunei, Lào, Myanmar và Timor-Leste. Hằng năm, Liên đoàn tổ chức các hội thảo khoa học và họp Ban Chấp hành. Đến nay, đã có 44 Hội nghị FAEA được tổ chức theo hình thức luân phiên tại các nước thành viên. Việt Nam đã từng là nước chủ nhà của FAEA trong các năm 2002, 2008 và 2015.
An An
Link nội dung: //revcat.net/thuc-day-phuc-hoi-va-tang-truong-kinh-te-o-cac-nuoc-asean-sau-dai-dich-covid-19-a16509.html