Trên xe 16 chỗ, chúng tôi toàn thanh niên và tầm già trên 50 cũng có, nhưng lẫn vào có một ông già tận trên 80. Ngồi phía sau tôi giữ ý không hỏi mỗi khi phía trên trao đổi các câu chuyện rất “thanh niên” tính. Tôi đoán chắc là phụ huynh một ai trong đoàn. Khi xuống xe, thấy một ông già khoẻ mạnh xách hộp đàn guitar xuống, tôi lại càng tò mò vì không hiểu hôm nay sẽ có cuộc vui gì hay ho đây.
Trong bữa ăn trưa, khi đã hòm hòm, ông tách ra và mở hộp đàn, khoe. “Cây đàn của tớ là kỷ niệm 65 năm của hãng, họ chỉ sản xuất 18 chiếc thôi, có seri đàng hoàng.” Ông lôi ra các phụ kiện và bắt đầu sắp xếp tư thế, ngồi và trình diễn. “Cây đàn này tuy không đắt, khoảng trăm triệu, nhưng rất hay, hơn cả cây 250 triệu ở nhà.” Ông chia sẻ.
Ông bắt đầu chơi các bản nhạc, từ nhạc Tây ban nha, đến nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc dân cả Việt. Tôi rất thích nhạc cổ điển nên chú ý ông từ khi mang đàn xuống. Lúc đầu tưởng ông cùng nhóm cô ca sĩ KL cũng tới đây, nhưng không phải. Hơn nữa, nhìn tuổi ông thì không thể là nhạc công cho ca sĩ được. Mà các bài ông chơi cũng toàn là cổ điển. Có vẻ tất cả trên xe, có mình tôi không biết ông, ai cũng quen thân. “Thầy dạy guitar cu nhà em đấy, cũng là khách thân quen quán cà phê của bọn em.” Việt bắt đầu giới thiệu về ông. “Ông 84 tuổi rồi” cậu ta nói thêm.
Thật khó tin một ông già 84 tuổi, đam mê với cây đàn guitar cáu cạnh, lướt ngón tay trên những phím đàn, vượt tiếng ồn đám đông nhả những bản nhạc cổ điển xa xưa. “Bác chỉ chơi nhạc cổ điẻn thôi sao?” Tôi ngạc nhiên hỏi khi yêu cầu ông chơi bản “Hottel Califonia” nhưng ông nói không chơi. Về sau tôi mới biết, không chơi bài như này không phải không biết chơi, mà ông chỉ chơi những bài ông đã thực sự nhuần nhuyễn và biểu diễn được. “Nhiều bài tớ tập cả tháng trời, thực sự có cảm xúc mới dám biểu diễn, không phải cứ thuộc là chơi.” Ông chia sẻ.
Thấy tôi cứ quanh quẩn bên cạnh và hỏi lắm, Việt giới thiệu thêm: “Thầy là một trong 7 nghệ sĩ guitar giỏi nhất Việt nam, thậm chí châu Á đấy!” Nghĩ tôi không tin nên Việt nói thêm: “là Thất Tinh Guitar thủa xưa.” Thất tinh guitar gồm: Nghệ sĩ Đặng Quang Khôi, nghệ sĩ Hải Thoại, nghệ sĩ Phạm Văn Phúc, nghệ sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nghệ sĩ Nguyễn Quang Tôn, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm, nghệ sĩ Đỗ Trường Giang.
Các nghệ sĩ trên, lứa tuổi thời Bao cấp chúng tôi, đứa nào có điều kiện đi học đàn đều nghe tên biết, nhất là Hải Thoại, Thi Mù, Văn Vượng Mù… còn thầy Nguyễn Văn Tỵ là Võ sư Nam Hồng Sơn có đệ tử Chu Tấn Cường - Kỷ lục gia Guiness nữa. Thầy Hải Thoại bố nghệ sĩ Quang Vinh và ông là Phạm Văn Phúc. Cả xe gọi ông là thầy Phúc từ khi lên xe mà tôi không để ý.
Gần gũi cả ngày, ông kể, nhà ông ở Phố Huế, là đại tư sản, chuyên làm thuốc nổi tiếng Đông dương. Bố ông còn là chủ hãng xe tắc xi, xe khách Hà nội Hải phòng thời Pháp thuộc, các tiệm thuốc còn mở rộng sang cả Hương Cảng luôn. Bố ông đào hoa, có 4 vợ và 19 đứa con. Ông con bà thứ hai, nhưng 5 tuổi thì mẹ mất, bố ông lấy luôn dì ruột. Nhà giàu, ông đi học có xe và lái xe riêng đưa đón. Bản thân ông có xe máy Vespa 50 cáu cạnh, hai xe đạp Peugiot rất sang chảnh. Tuy nhiên, “Là người vô nghề nghiệp” như ông nói, ông mê đàn guitar, giấu cha học đàn, học thầy Tạ Tấn, học bạn bè, học từ chơi các bản nhạc, học sáng tác, chuyển thể… nhưng ông không học trường lớp chính quy nào cả.
“Khoảng đầu những năm 1970s, nghệ sĩ guitar Pháp Jean-Pierre Jumez sang Sài gòn biểu diễn. Khi đó liên quan việc không công nhận Mặt trận Giải phóng Miền nam, nên Jean-Pierre Jumez ra Hà nội xin biểu diễn không được chấp nhận. Khi về nước, ông ta rêu rao “Người Hà nội, không có ai biết chơi guitar nhạc cổ điển cả” trên các báo, tạp chí.” Ông bắt đầu câu chuyện trả lời câu hỏi của tôi bên trên.
“Hội nghệ sĩ Việt nam mới mời chúng tớ đến, tụ lại 7 thành viên thành nhóm Thất tinh guitar” ông giải thích, khi đó cũng chỉ các có các ông chơi nhạc cổ điển. Các bản nhạc được thu âm, phát sóng trên radio đi khắp thế giới gây tiếng vang thời đó. “Để cho anh ta biết, người Hà nội chơi guitar nhạc cổ điển hay cỡ nào, và anh ta không có cửa mà chơi ở Hà nội nhé.” Ông tự hào kể thêm. Thật bõ công cả tuổi xuân tự học, đam mê với cây đàn, từ học thầy Tạ Tấn, tự mày mò cùng với bạn bè, trở thành Thất Tinh Guitar vang danh. Ông vào hội nghệ sĩ Việt Nam, hội nhạc sĩ Hà nội...
Bố ông, rất giàu, nhưng thay vì mở rộng kinh doanh ra khỏi Việt nam bấy giờ, ông lại cống hiến cho Cách mạng rất nhiều của cải. Về sau được tặng thưởng Huân chương chiến công, cùng với Huân chương này, cùng với trình độ điêu luyện chơi guitar nhạc cổ điển, ông được mời giảng dạy Nhạc Viện Hà nội 15 năm và rồi cả bên Cao đẳng Nhạc hoạ Trung ương. Tuy nhiên ông không nhận mình là giảng viên nhạc viện “Tớ có học hành, bằng cấp gì đâu mà là giảng viên” ý ông khiêm tốn, ông chỉ là thầy giảng dạy như ở các trung tâm ông mở.
Thất Tinh Cầm Guitar nhạc cổ điển xưa, đã ra đi dần các thành viên, ông cũng đã tới tuổi 84, ung dung tự tại, thanh niên tính, cà phê với đám trẻ, lướt Facebook, chụp ảnh mỗi khi có cơ hội để post Face. Luôn sẵn sàng selfi khi có cảnh đẹp, luôn sẵn sàng kết bạn và chat chít suốt ngày. Ưa vận động, di chuyển khắp chốn. Minh mẫn với trí nhớ tuyệt vời về các tích chuyện xưa, vốn trong đầu không chỉ sẵn sàng 200 bản nhạc guitar mà còn các câu chuyện cười phục vụ đám trẻ bao quanh. Và trên hết, mỗi khi rảnh, cây đàn được lấy ra và các bản nhạc tuôn trào trẻ trung tràn sức sống. Một nghệ sĩ phóng khoảng tuổi 48!
Ba Khan ngày Thu 16/11/2022 - ĐVP
Đặng Vân Phúc
Link nội dung: //revcat.net/nghe-si-guitar-that-tinh-cam-a16367.html