Phát biểu khai mạc, TS Đặng Văn Ánh – Phó Viện trưởng Viện Văn học - khẳng định, khoa học viễn tưởng đã và đang là một thực tế sôi động của văn học nghệ thuật thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì thế, những nghiên cứu chính thức về khoa học viễn tưởng là hết sức cần thiết và bước đầu có thể mở ra một chương mới cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận theo các diễn giả là về cơ bản tại Việt Nam dòng văn học này là các tác phẩm du nhập từ nước ngoài còn các tác giả, tác phẩm trong nước vẫn còn tương đối khiêm tốn và cần sớm kích hoạt để làm sao có nhiều tác giả, tác phẩm trong nước hơn.
Nhà báo Nguyễn Đức Hoàng – Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam - đặt vấn đề là thuật ngữ khoa học viễn tưởng về cơ bản chỉ là các tác phẩm hướng tới tương lai. Trong khi đó, có cả những tác phẩm giả định về những câu chuyện trong quá khứ. Do đó, theo anh thì phải gọi là khoa học giả tưởng mới thực sự chính xác. Khoa học giả tưởng cần đặt trong tổng thể của khoa học công nghệ chứ không chỉ trong phạm vi văn học nghệ thuật thì mới thực sự có giá trị với đất nước.
Buổi toạ đàm lần này đã khép lại với tổng kết của lãnh đạo Viện Văn học cho rằng, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình không thể không triển khai ở Việt Nam. Hy vọng trong một tương lai gần, sẽ có thêm nhiều công trình nghiên cứu công phu hơn về khoa học viễn tưởng tại Việt Nam và cần có những sự quan tâm từ nhiều phía để khoa học viễn tưởng tại Việt Nam thực sự khởi sắc.
Trịnh Nguyễn
Link nội dung: //revcat.net/lan-dau-tien-vien-van-hoc-to-chuc-toa-dam-ve-khoa-hoc-vien-tuong-a16366.html