Kỳ 61.
CHỞ THỦY LÔI
Một con tàu đánh cá nhỏ nhoi của Hải đoàn mang số hiệu 642 đang hành trình lướt sóng mênh mông trên hải phận quốc tế, mũi tàu hướng về phương Nam. Những đợt sóng dữ dằn dội mạnh vào con tàu, tung bọt trắng xóa ào qua boong, làm ướt sũng những tấm lưới đánh cá vứt bừa bãi trên boong. Tàu mang trong khoang của nó 61 tấn vũ khí đạn dược cung cấp cho chiến trường Cà Mau.
Tàu đi trên hải phận quốc tế nhưng trên không phận nơi con tàu đang hành trình một máy bay do thám của hải quân Mĩ theo dõi. Đằng sau tàu 642, một tàu chiến HQ của hải quân Sài Gòn bám theo. Tàu 642 đành phải chạy loanh quanh vòng vèo trên biển mất năm ngày năm đêm.
Đêm xuống, mặt biển mênh mông màn tối. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng ra lệnh cho tàu quay mũi về hướng tây, nhằm vùng biển Cà Mau đi tới. Rồi đêm sau nữa các chiến sĩ đã nhìn thấy những quầng sáng trong bờ xa xa huyền ảo. Các chiến sĩ hồi hộp rạo rực trong tim. Họ thầm kêu lên: “Ôi quê hương Cà Mau thân yêu!”.
Niềm vui mừng sắp cập bến, sắp đặt chận lên Đất Mũi Cà Mau vừa lóe lên thì lại vụt tắt bởi trong bóng đêm những chiếc tàu của hải quân Sài Gòn nom rất hung tợn như những con cá mập khổng lồ đang nhằm tàu 642 đi tới. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng tức giận sôi người nhưng lấy lại bình tĩnh và ra lệnh cho tàu ngược mũi ra hướng đông chạy ra hải phận quốc tế. Tàu 642 cứ loanh quanh “dạo chơi” như vậy thêm bốn ngày nữa trên vùng đánh bắt cá quốc tế.
Chạy loanh quanh dài ngày như vậy đối với tàu của Hải đoàn là vô cùng nguy hiểm vì sau sự kiện tháng 2-1965 một tàu của Hải đoàn bị lộ ở Vũng Rô (Phú Yên), không quân, hải quân Mĩ và hải quân Sài Gòn tuần tiễu nghiêm ngặt khu gần bờ biển Nam Việt Nam cũng như trên hải phận quốc tế với những tàu chiến và những vũ khí, phương tiện do thám hiện đại nhất khi đó.
Đêm 24 tháng 10 năm 1965, tức là sau chín ngày chín đêm hành trình, tàu 642 tiến vào vùng biển Hòn Khoai (ngày nay đảo Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển), cửa Đất Mũi đã xuất hiện. Đột nhiên phía sau tàu 642 xuất hiện hai tàu HQ của hải quân Sài Gòn và nhiều tàu khác đang triển khai thế bao vây. Trong hoàn cảnh nguy ngập, thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng cho tàu rẽ sang hướng đông, thoát vòng vây vòng ra hải phận quốc tế lần thứ hai.
Vào một đêm giông, gió mạnh sóng lớn, biển tối mịt mùng hung dữ, tàu 642 mở hết tốc lực lao về vùng biển Cà Mau. Khi gần cửa biển Bồ Đề tàu 642 đang đánh tín hiệu vào bờ thì phát hiện phía biển gần bờ phía bắc có hai tàu HQ thả neo canh gác đón lõng tàu ta. Tàu 642 bỏ bến Bồ Đề vào bến phụ là bến Kiến Vàng. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng ra lệnh:
- Máy tiến 3, hết tốc lực vào lạch.
Con tàu rung lên lao hết cỡ vào lạch Kiến Vàng. Rừng đước ngập mặn Cà Mau xanh um, ôm ấp che chở giấu kín con tàu. Tàu 642 như nằm trong lòng mẹ an toàn.
Sau vụ Vũng Rô đã từ lâu lắm mới lại có một con tàu vào bến thành công đem đến cho đồng bào chiến sĩ Cà Mau 61 tấn đạn được vũ khí khiến những người con Đất Mũi sung sướng chảy nhòa nước mắt. Không chỉ chở vào súng đạn thông thường, tàu 642 còn chở vào bốn quả thủy lôi theo yêu cầu của Quân khu IX để bắn hạ tàu lớn của Mĩ. Mỗi trái thủy lôi nặng 1075 kg do Liên Xô chế tạo. Nó không chỉ nặng mà lại tròn trùng trục, rất khó vận chuyển. Nhưng các chiến sĩ rừng đước Cà Mau đã sáng tạo, chế ra những chiếc cần cẩu, trục đẩy bằng gỗ đước và bằng sức người vô cùng gian khổ đưa bốn quả thủy lôi vượt sình lầy sông nước đưa chúng từ bến sông Vàm Lũng về sông Lòng Tàu. Đặc công hải quân rừng Sác đã dùng thuỷ lôi này bắn chìm chiến hạm Balon Ronghe Victory của hải quân Mĩ trên sông Lòng Tàu đêm 23-8-1966 làm chấn động dư luận, làm kinh hồn bạt vía hải quân Mĩ và ngụy. Bởi chiếc tàu này của Mĩ có trọng tải rất lớn, chở được 45 thủy thủ đoàn, 100 xe thiết giáp M113, ba máy bay phản lực, một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm cho sư đoàn 4 Mĩ trong chiến dịch mùa khô.
Một tháng nằm lại lạch Kiến Vàng rừng đước Cà Mau, tàu 642 lại rời bến, vượt qua sự phong tỏa gắt gao của tàu chiến, máy bay Mĩ - ngụy về lại căn cứ miền Bắc an toàn. Mỗi thủy thủ trên tàu 642 được nhận một Huy chương quân công hạng 3, thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phần thưởng cao quý đó được thưởng cho các thủy thủ tàu 642 vì sau vụ Vũng Rô đã đi một chuyến thành công, khép lại một chương hành trình ở biển gần bờ, mở ra một chương mới cho các tàu của Hải đoàn là hành trình trên biển xa, trên hải phận quốc tế.
Chiến công của tàu 642 còn là ở chỗ táo bạo chở thủy lôi vào chiến trường để đặc công hải quân lập công lớn. Chở thủy lôi là chiến công độc nhất vô nhị chỉ của tàu 642.
NHANH HƠN MÁY BAY
Chuyến đi thành công của tàu 642 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và chính trị viên Trần Văn Ẩn chỉ huy vào lạch Kiến Vàng (Cà Mau) tháng 10 - 1965 là một thắng lợi, mang lại niềm tin cho Hải đoàn sau vụ Vũng Rô. Nhưng chuyến đi chưa đủ sức thuyết phục rằng khi đi biển xa, ngoài dụng cụ la bàn thì còn phải dùng kiến thức thiên văn của thuyền trưởng để định hướng đi chính xác của con tàu.
Giải quyết lí thuyết này bằng thực tiễn được giao cho chuyến đi của tàu 69 do thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn chỉ huy. Thuyền trưởng Ẩn là người có sức học khủng khiếp. Chỉ mười ngày với một lớp bổ túc, anh đã không quản ngày đêm nghiên cứu nghiền ngẫm, kể cả khi ốm nằm viện anh đã nắm chắc được môn học thiên văn cực khó nhưng cần thiết đối với người đi biển, đặc biệt là người chỉ huy tàu.
Trong một đêm mùa đông lạnh giá tháng 10 năm 1965, gió bấc thổi từng đợt rét cắt da, Nguyễn Ngọc Ẩn lên đài chỉ huy ra lệnh cho tàu rời bến. Trước mắt anh, quân cảng chìm trong màn đêm và trong ánh điện vàng vọt. Tàu 69 kéo ba hồi còi vang rền thiết tha chào quân cảng rồi lao mình ra biển mênh mông trong đêm. Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn đứng trên đài chỉ huy quan sát bầu trời để xem thiên văn theo thói quen. Bầu trời mùa đông huyền bí đen thẳm, mênh mông cùng với biển. Ẩn cho rằng may mắn khi trên bầu trời đen kịt còn có chòm sao Bắc Đẩu hiện lên. Tiếp đó là chòm sao Đại Hùng Tinh hiện ra rồi lại bị đám mây mờ che phủ. Chòm sao Anpha vẫn lấp lánh lung linh yếu ớt xa mờ. Bằng kiến thức thiên văn vững chắc của mình, thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn kết hợp với la bàn để điều chỉnh hướng đi của con tàu cho chính xác, đến mục tiêu cần đến.
Sáng hôm sau, thời tiết trên biển có vẻ tốt hơn. Theo hải đồ, tàu 69 đang đi ngang vĩ độ với quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo mà Việt Nam đã thực hiện chủ quyền từ thời kì phong kiến độc lập, nay (1965) Hoàng Sa đang thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam cộng hòa. Tiếp đó, tàu 69 hành trình bốn ngày bốn đêm trên biển không một bóng con thuyền, không một bóng con tàu, vùng biển không người. Tàu 69 không gặp một hòn đảo, không gặp một tàu buôn, thuyền tàu đánh cá, thậm chí cả tàu hải quân Mĩ vốn làm mưa làm gió ở Thái Bình Dương. Các thủy thủ chốc chốc lại chạy vào buồng thuyền trưởng Ẩn, lòng dạ bồn chồn. Không biết đi bằng phương pháp thiên văn của thuyền trưởng có chính xác không, có mạo hiểm quá không. Họ chỉ thấy thuyền trưởng ban ngày cặm cụi trên tấm hải đồ, còn ban đêm thì không rời ống nhòm luôn quan sát bầu trời. Nhìn ánh mắt của thuyền trưởng họ tin tưởng. Thuyền trưởng Ẩn cũng phấn khởi. Mấy ngày tàu hành trình thời tiết tốt cho phép quan sát tính toán con đường đi của tàu bằng phương pháp thiên văn vô cùng thuận lợi.
Tàu đang đi trên vùng biển gần như hoang vu của đại dương, bỗng có tiếng chiến sĩ báo vụ Đoàn Văn Bút thông báo:
- Báo cáo thuyền trưởng có tàu đi ngược chiều mạn trái 30 độ.
Thuyền trưởng Ẩn quay ống nhòm mạn trái, thấp thoáng từ xa bóng một con tàu rồi vài giây sau hiện rõ một con tàu màu trắng từ chân trời hiện lên rõ nét.
- Tàu buôn. Lái phải 15 độ!
Chiến sĩ đang lái tàu ở buồng hàng hải đáp lại:
- Rõ , lái phải 15 độ.
Từ đó cho đến chiều tàu hành trình trên vùng biển náo nhiệt. Tàu buôn của các nước liên tục xuôi chiều và ngược chiều với tàu 69. Chiến hạm Mĩ cũng xuất hiện liên tục. Hoàn cảnh nào cũng mệt. Đi trên vùng “biển chết” an toàn nhưng lại lo lạc đường, đi trên vùng biển sôi động thì báo động chiến đấu liên tục, mệt nhoài, căng thẳng.
Cuối cùng, hướng thiên văn, hướng la bàn và hải đồ chỉ ra đã đến lúc tàu 69 phải nói lời tạm biệt với đường biển quốc tế, chuyển hướng đi vào vùng biển Cà Mau. Thuyền trưởng ra lệnh cho tàu chuyển hướng tây và đi với tốc độ cao. Trên biển Cà Mau, tàu buôn, thuyền, tàu đánh cá, cả tàu của Mĩ và của hải quân Sài Gòn đi lại tấp nập. Tàu 69 chạy song song với một mạn tàu buôn để mượn tàu buôn che tầm quan sát của tàu chiến Mĩ - ngụy. Tàu 69 cắt được đuôi của tàu chiến địch nhưng trên trời lại xuất hiện nhiều máy bay trinh sát. Một máy bay chiếu rọi đèn pha sáng rực vào tàu 69. Tàu 69 vẫn im lặng hành trình. Trên boong những tấm lưới đánh cá vứt bừa bãi ngổn ngang. Chiếc máy bay mở rộng vòng bay, tắt đèn pha rồi phun ra một loạt pháo sáng. Cả một vùng biển Hòn Khoai (Cà Mau) sáng trưng như ban ngày. Tàu 69 màu trắng nên nhô lên một cách rõ ràng trên nền biển đen. Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn ra lệnh:
- Chạy theo dây pháo sáng.
Tàu 69 theo dây pháo sáng càng lộ rõ như báo cho viên phi công máy bay biết chúng tao không có gì phải sợ mày. Mày cứ quan sát thoải mái. Có lẽ vì thế nên máy bay bỏ tàu 69 và bay ra xa. Chỉ chờ có vậy thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn ra lệnh:
- Mở hết tốc độ lao nhanh vào bờ!
Tàu 69 chồm lên như lướt trên sóng lao vào bờ. Sóng cuồn cuộn hai bên mạn tàu như sóng thần đổ rào rạt lên boong như vũ bão. Chiếc máy bay Mĩ quay lại đuổi theo, lại phun ra một loạt pháo sáng. Tàu 69 vẫn lao đi với tốc độ khủng khiếp. Máy bay chỉ trông thấy những cột nước dựng lên bao quanh thân tàu. Thuyền trưởng Ẩn đứng trên đài chỉ huy đã phát hiện ra cửa Lạch Vàm. Anh ra lệnh:
- Máy hết tốc lực lao vào cửa Vàm!
Tàu 69 rùng mình chớp mắt đã chui vào cửa Lạch Vàm có rừng đước mênh mông che phủ. Máy bay địch mất hút mục tiêu, nó giận dữ phun ra hàng loạt pháo sáng nữa nhưng chỉ có tác dụng soi đường cho tàu 69 tiến sâu vào lạch an toàn. Thuyền trưởng Ẩn vui vẻ:
- Giôn Xơn ( Johnson) đã soi đường cho tàu ta vào bến. Tổng thống Mĩ quá tốt.
Kiến thức thiên văn, la bàn, hải đồ kết hợp đã giúp tàu 69 đi đúng hướng. Tàu còn đánh lừa được máy bay Mĩ, buộc nó soi đường cho tàu vào lạch an toàn. Điều này chỉ có tàu 69 là độc nhất vô nhị.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-61-a16171.html