Tiêu biểu là bài thơ “Một giờ và mười phút” của Phạm Tiến Duật và bài hát “Hành khúc ngày và đêm” của Phan Huỳnh Điểu.
Tất cả đều toát lên một thời hào hùng mà lãng mạn:
“Tấm bảng đen em vẽ những đường cong
Tấm bảng đêm anh vẽ lên đường đạn
Vết phấn trắng và vết đồng cháy sáng
Ở hai đầu trận địa đấy em ơi”
Người lính Phạm Tiến Duật nổi tiếng với nhiều tác phẩm thơ viết trong thời kỳ chiến tranh. Ông từng đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1970, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.
Nhớ về ông, xin chia sẻ với các bạn bài thơ mà ông đã tinh tế nhận ra sự tương đồng nhỏ bé nhưng cũng rất đặc biệt giữa người lính và nhà giáo thời chiến chinh như vậy, hành quân một giờ - nghỉ chân mười phút và giảng dạy một giờ - nghỉ giải lao mười phút.
Xin chia sẻ cảm xúc của một bạn về bài thơ đặc sắc trên:
Hôm qua thầy Thanh đọc bài thơ "Một Giờ Và Mười Phút" của Phạm Tiến Duật ở trên lớp, cảm xúc của tôi như lặng đi. Những vần thơ ấy quả thực rất đẹp, đẹp đến da diết, đẹp đến ngẩn ngơ. Và những người lính trẻ Thủ Đô ra đi năm ấy "hào hùng và hào hoa" quá đỗi!
Chẳng mấy ai có thể tinh tế nhận ra sự tương đồng nhỏ bé nhưng cũng rất đặc biệt giữa người lính và nhà giáo thời chiến chinh như vậy, hành quân một giờ - nghỉ chân mười phút và giảng dạy một giờ - nghỉ giải lao mười phút.
Kì diệu hơn nữa, vần thơ được chấp bút không chỉ từ mối quan hệ đồng chí, đồng bào ở hai đầu chiến tuyến, mà còn từ những người yêu nhau phải tạm xa cách ở "hai đầu nỗi nhớ".
Tôi đã rung động ngay tức thì khi biết được điều đó. (Không, đừng hiểu nhầm rằng tôi chỉ xao xuyến khi việc gì dính dáng tới yêu đương tình ái. Tôi là người nặng tình, trân trọng mọi thứ tình thương trong cuộc sống này).
Khi nào có một quyển sổ tay nho nhỏ, tôi sẽ nắn nót chép bài thơ này vào - một cách để tri ân tác giả cũng như nâng niu tình cảm tốt đẹp ấy.
"Chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu".
Mời bạn đọc bài thơ này, để cảm nhận sự lãng mạn của những người trải qua chiến tranh và xa cách, nhưng vẫn luôn nhớ về nhau: Mối lương duyên anh bộ đội và cô giáo.
MỘT GIỜ VÀ MƯỜI PHÚT
Phạm Tiến Duật
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
Trong buổi hành quân đi bộ sáng nay
Anh bỗng nhớ em lên lớp mỗi ngày
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
Chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu
Giữa năm tháng hào hùng và biến động
Em của anh, quanh ta là cuộc sống
Chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu
Khi em ngồi nhớ anh ngày chủ nhật thẳm sâu
Anh đang lội bùn, trong rừng đầy lá mục
Lúc em ngồi với học sinh là lúc
Anh đứng đỉnh đèo gió thổi mênh mông
Giấy bạc thuốc lá để lại đầy phòng
Khi em cắt làm hoa cho học sinh đem múa
Là khi anh đi những nơi bom nổ
Nào sắt nào nhôm phơi bạc vùng rừng
Tấm bảng đen em vẽ những đường cong
Tấm bảng đêm anh vạch lên đường đạn
Vết phấn trắng và vệt đồng cháy sáng
Ở hai đầu trận địa em ơi
Không trùng lặp nhau đâu giữa dài rộng cuộc đời
Nhưng có điều này giấu nỗi riêng chi chút
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
Tiếng trống trường đã điểm chưa em?
Mười phút cho chung hay mười phút cho riêng
Mà lúc nhớ nhau lại nghĩ về đất nước
Ngày thắng giặc đang tới gần phía trước
Tình yêu nào không nhắc đến ngày mai
Như hai bánh xe hiện tại với tương lai
Cuồn cuộn lăn đi vùn vụt
Rạo rực những giờ sau mười phút
Thời gian đi như một vệt sao dài.
1971
Đọc hết bài thơ, mà dường như ta vẫn thấy một tình yêu đẹp xuyên không gian, thời gian, vượt qua những khốc liệt của chiến tranh, để còn mãi mối lương duyên ANH BỘ ĐỘI và CÔ GIÁO.
Có đất nước nào, có thời nào người ta có thể vừa lãng mạn mà vẫn hào hùng như thế không nhỉ?
Trái tim người lính
CCB Thành Sơn Trương (tổng hợp)
Link nội dung: //revcat.net/bai-tho-mot-gio-va-10-phut-cua-pham-tien-duat-moi-luong-duyen-anh-bo-doi-va-co-giao-a16062.html