Kỳ 50.
BỌN CƯỚP BIỂN
Khi đảo xanh khuất hẳn bóng thì thuyền của chúng tôi lại chơi vơi giữa đại dương. Cuộc hành trình của bác cháu tôi lại tiếp tục qua nhiều ngày nhiều đêm nữa.
Vào một buổi chiều, tôi bỗng thấy có một con thuyền xa xa, một lát sau thì hiện rõ một con thuyền lớn chạy bằng máy đang dốc hết sức lao lại phía thuyền chúng tôi. Khi còn cách thuyền chúng tôi vài chục mét, hàng loạt súng tiểu liên cực nhanh nổ chát chúa, đạn viu viu xé gió trên đầu chúng tôi. Bác tôi hét lên nằm xuống khoang thuyền tránh đạn. Chiếc thuyền lớn áp sát mạn thuyền chúng tôi và làm nó suýt lật úp. Sáu tên cướp biển nhảy ào ào xuống thuyền chúng tôi, tiểu liên lăm lăm trong tay. Chúng dùng súng uy hiếp chúng tôi, đoạn lục soát để tìm vàng bạc, đá quý. Không có vàng bạc, chúng lôi hết số thịt, cá, bánh bột nhúc của những người thổ dân tặng chúng tôi lên tàu của chúng. Có lẽ thấy chúng tôi không có vũ trang và hoàn toàn không có ý chống cự nên chúng không giết. Sau khi cướp nốt chiếc la bàn ở tay tôi, chúng nổ máy cho thuyền chạy thẳng.
Việc bị cướp hết lương thực, thực phẩm và chiếc la bàn sẽ gây khó khăn không thể tưởng tượng cho chúng tôi trong cuộc hành trình tiếp theo. Nhưng may mắn là dưới mũi súng của bọn hải tặc, chúng tôi vẫn còn sống, còn thuyền để tiếp tục chuyến đi. Ban ngày, chúng tôi nhìn mặt trời, còn ban đêm chúng tôi nhìn chòm sao Bắc Đẩu để định hướng thuyền đi.
Thiếu lương thực thực phẩm là hậu quả trầm trọng nhất. Đã hai ngày đêm rồi chúng tôi không có thức ăn, chỉ uống nước lã. Bác tôi xuống khoang lục vét, mong sao bọn cướp bỏ sót lại một thứ gì đó. Tôi hồi hộp chờ đợi. Bác tôi vừa chui lên đã mỉm cười. Trong tay ông là một thùng lương khô. Bác nói nó nằm khuất vào một góc thuyền, phủ lưới kín nên may mắn còn lại. Tôi mừng rỡ. Tuy nhiên bác tôi bảo rằng gặp đảo phải ghé vào bắt cua đá hoặc lấy hoa quả hoang thì sẽ có được thức ăn.
Thực là may mắn, ngày hôm sau, vào buổi trưa, thấy có hoang đảo chúng tôi ghé thuyền vào. Tôi không thể tưởng tượng được ở đảo lại nhiều chim đến vậy. Đó là loài chim biển, chúng đậu dày đặc ở các mỏm đá, bay từng đàn như đám mây. Thấy người tới, chúng bay lên đậu đặc vào người vào thuyền. Bác tôi và tôi quơ tay bắt hàng chục con ném nhốt vào khoang thuyền để giết thịt ăn dần. Loài chim này không hề biết sợ hãi. Chúng không có khái niệm về con người, vừa là bạn, vừa là kẻ thù của chúng. Dù đồng loại bị bắt, chúng vẫn sà xuống đậu đầy thuyền.
Sau khi neo thuyền, bác cháu tôi lên đảo. Tôi ngạc nhiên thấy hình như đá vỡ tan thành nước dưới chân tôi. Nhìn xuống thì không thể tin vào mắt mình, đó là trứng chim chồng chất lên nhau như đá cuội tầng tầng lớp lớp. Tôi vội quay về thuyền lấy cái rổ tre, bác tôi nhặt từng trứng đầy rổ, còn tôi bê về thuyền. Gần hết buổi sáng hôm đó, chúng tôi khai thác “mỏ trứng”. Thuyền chúng tôi như là thuyền buôn trứng chim cho các “Hô-ten” sang trọng của các quốc gia Tây Thái Bình Dương.
Ngoài trứng chim, bác tôi có kinh nghiệm đi biển còn hướng dẫn tôi khai thác “mỏ” cua đá. Theo sự chỉ bảo của ông, tôi lật lên những đá mỏng, bé bằng nửa mặt bàn thì ôi cả một “bộ lạc” cua đá sống ở dưới đó. Dưới mỗi tảng đá chúng tôi bắt được một xô cua đầy, mới chỉ một góc hòn đảo mà chúng tôi đã có cơ man nào là thức ăn tươi. Ngày hôm sau nữa chúng tôi còn ghé vào một hoang đảo toàn dưa hấu. Dưa chín, rụng xuống, lại mọc những cây dưa, ra quả, lại thối, lại mọc, cứ như vậy tầng tầng, lớp lớp, quả lan tràn khắp đảo. Chúng tôi ăn thử, thứ dưa đảo ngọt lịm như đường. Tôi khuân xuống thuyền hàng trăm quả để ăn dần.
Thực phẩm, hoa quả dồi dào, chúng tôi vẫn thèm cơm.
BƠI CÙNG CÁ MẬP
Có một hôm, tôi ngồi lái thuyền cho bác tôi ngủ. Gió lồng lộng, thuyền lướt đi nhanh, ước tính đến mười hai hải lí giờ. Tôi căn theo chòm sao Bắc Đẩu chỉnh mũi thuyền. Gió mơn man, sóng lừng ì oạp lao xao. Tôi cảm thấy buồn ngủ. Để chống lại cơn buồn ngủ cứng mắt, tôi cúi người thò tay xuống định vớt nước biển xoa vào mặt. Tôi mất đà bởi một cơn sóng lắc thuyền, ngã nhào xuống biển. Cánh buồm được gió mạnh thổi kéo con thuyền đi phăng phăng phút chốc cách xa tôi hàng trăm mét. Tôi lấy hết sức bơi theo thuyền. Trong khi bơi tôi có cảm giác như có con vật khổng lồ gì đó vây bọc lấy tôi. Định thần nhìn kĩ thì hóa ra gần bên cạnh tôi là hai con cá mật to lớn đang bơi cùng. Chúng bơi cách tôi chừng năm mét. Mình chúng dài, đen ngòm, chìm phần lớn dưới nước trong veo trông như con thủy quái trong các truyện cổ tích. Mõm chúng hoác rộng, thở phì phì, răng như răng cào sắt. Điều kì lạ là hai con cá mập luôn giữ cự li cách tôi một khoảng cách từ đầu chí cuối không thay đổi. Nhưng chúng có thể lao vào tôi như tên bắn bất cứ lúc nào và xé xác tôi ra từng mảnh. Con thuyền ngày càng bỏ xa tôi, cánh buồm trắng chỉ còn bóng dáng mờ mờ ảo ảo. Có lẽ bác tôi quá mệt nên ngủ thiếp đi. Tôi còn một nỗi lo sợ là con thuyền không ai lái có thể trôi tự do lung tung, đâm vào đá ngầm hay thậm chí đâm vào đá nổi. Tôi kiên trì bơi theo con thuyền. Hai con cá mập vẫn kiên nhẫn bơi cạnh tôi. Chúng bơi thi với tôi chăng? Cần gì phải thế, chúng đã chả là chúa tể của đại dương rồi sao? Hay là chúng nô giỡn tôi như mèo vờn chuột, khi con mồi mệt lả, chúng mới dùng làm bữa điểm tâm sáng.
Không biết cuộc bơi đua này đã được bao lâu, có lễ tôi và hai con cá mập đã “dạo mát” với nhau được khoảng năm sáu cây số gì đó. Tôi đã thấy thấm mệt, đói và lạnh, bắp chân và tay mỏi rã rời, không tuân theo sự chỉ huy của trung ương thần kinh nữa. Đúng vào lúc đó tôi thấy hình như con thuyền gần hơn, gần hơn nữa, đã hạ buồm. Tôi mừng rỡ nhào nhanh tới mạn của nó. Khi bàn tay tôi nắm chặt được sợi dây thừng mà bác tôi quăng xuống thì mắt tôi hoa lên. Bác tôi hạ cầu thang của thuyền, kéo tôi và giúp tôi lên thuyền. Tôi còn đủ sức nói thều thảo:
- Bác ơi! Hai con cá mập.
Khi đó bác tôi mới nhìn thấy hai con cá mập khổng lồ đang bơi quanh thuyền. Chúng tìm con mồi đã biến mất, chỉ còn một con mồi khác là con thuyền to lớn dữ tợn.
Bác tôi giúp tôi cởi quần áo, tắm nước ngọt, mặc ấm rồi đem một nồi trứng luộc cho tôi ăn. Loại trứng chim này ăn không ngon bằng trứng gà, tanh hơn. Như thịt chim biển ăn cũng tanh hơn, không ngon như thịt gà. Ăn trứng, mặc ấm, uống nước nóng, ngồi gần lửa làm cho tôi lại sức, khi đó bác tôi mới kéo buồm lên để thuyền tiếp tục hành trình. Tôi hỏi:
- Bác hạ buồm xuống để chờ cháu à?
- Ừ, sau khi thức dậy không thấy cháu đâu, bác đoán cháu rơi xuống biển nên hạ buồm dừng thuyền lại chờ và tìm kiếm.
- Tại sao hai con cá mập không tấn công cháu ngay mà cứ bơi theo?
- Cháu gặp may đấy vì người cháu không bị xây xước, không có vết máu loang ra. Loài cá mập này, ngửi thấy mùi máu sẽ xé các con mồi ngay. Còn nếu không chúng cứ kiên nhẫn bơi theo con mồi và chờ đợi.
Tôi nhìn xuống biển, thấy hai con cá mập vẫn bơi theo con thuyền như đi hộ tống, bảo vệ chúng tôi. Mình chúng tròn, nhưng chúng đen trũi như hai chiếc tàu ngầm đang lấp ló nửa chìm, nửa nổi.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-50-a16013.html