Sáng hôm đó, tôi lại đi học muộn tiết hai. Nhưng có một chuyện đã xảy ra, khiến cuộc đời tôi chuyển sang một bước ngoặt khác.
Từ nhà tôi đến trường mất khoảng 20 phút đi bộ. Đang đi, bỗng một bà cụ trùm chiếc khăn màu xanh lá cây dừng tôi lại, rồi nhìn tôi với cặp mắt ấm áp:
- Cháu gái nhỏ ơi, cho cụ xin một đồng xu.
Vốn chẳng dư dả gì, tôi nói quấy quá với bà cụ là cháu không có, nhưng cụ lại tiếp tục nằn nì:
-Cháu gái nhỏ ơi, cho cụ xin đồng xu trong ba lô đi.
Tôi thoáng bực mình. Sao bà cụ xa lạ này lại có quyền nói với tôi là phải lấy tiền từ chỗ nào để đưa cho. Nhưng chút lịch sự đã ngăn tôi không nói một câu khiếm nhã với cụ. May mà khi đó tôi nghĩ ra một cách, phải nói là “thiên tài”:
-Cháu sẽ biếu cụ hết số tiền, chỉ có điều cụ hãy nói nó đang cất ở chỗ nào (hôm đó, quả thực là tôi không một xu dính túi, và tôi bỗng cảm thấy thích thú khi thấy bà cụ sẽ thất vọng ra sao)
-Cháu gái, hãy xem thử trong túi bên phải ba lô nhé.
Túi bên phải này, tôi chuyên để đựng bút mực và bút chì. Thôi được, bà cụ đã nói vậy thì mình cũng thử lục nó ra xem sao, và thật bất ngờ, tay tôi bỗng chạm vào vật gì đó tròn tròn lạnh lạnh. Tôi lấy nó ra: một đồng 2 rúp ( tại sao đồng xu đó lại xuất hiện trong đó, đến giờ tôi vẫn không tài nào hiểu nổi, dù đã hỏi bạn bè và người thân thích).
Tôi đưa đồng xu cho bà cụ, nhưng cụ liền đánh rơi nó:
- Cháu gái nhỏ, xin lỗi nhé, hãy giúp ta nhặt nó với, ta cúi xuống khó khăn lắm.
Đúng lúc đó, khi tôi cúi xuống, có một tiếng động khủng khiếp vang lên, khiến tôi ngã vật xuống đường. Tiếng thủy tinh vỡ vụn vang lên loảng xoảng khắp nơi. Rồi tất cả trở lại tĩnh lặng. Tôi cảm thấy sợ mở mắt ra nhìn, trong khi đầu cố đoán xem điều gì đang diễn ra.
Khi thấy mình không bị đau đớn gì cả, tôi bỗng sực nhớ đến bà cụ khi nãy. Mở mắt ra, dướn cổ lên quan sát, tôi ước gì mình không nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng này: bà cụ không còn ở chỗ cũ, thay vào chỗ đó là một cột bê tông to tướng gãy đổ, cao đến tầm ngực.
Không lẽ bà cụ mảnh khảnh đang nằm dưới thanh bê tông? Tôi đưa tay lên ôm mặt và khóc như mưa khi nghĩ đến điều kinh hoàng đó, thậm chi còn không cảm thấy đau khi các mảnh thuỷ tinh đang cắm vào da thịt.
Mọi người chạy đến. Một người nói gì đó, nhưng tôi không nghe thấy gì hết. Tai tôi ù đi, không nghe thấy tiếng người nói, tiếng xe chạy, bất kỳ tiếng động nào xung quanh. Khi nghe tôi nói là không nghe thấy gì hết, một người đàn ông liền đến gần giữ lấy đầu tôi và vỗ nhẹ vào tai. Thật may mắn, sau đó tôi đã có thể nghe thấy được mọi thứ, dù rất nhỏ. Nhưng chừng đó cũng đủ khiến cho tôi mừng rỡ.
Người đàn ông hỏi to, là tôi thấy trong người thế nào, có thể đứng dậy được không. Tôi nhìn vào chỗ cạnh mình thật kỹ: không có vết máu, chỉ la liệt các mảnh vật liệu xây dựng, vụn kính vỡ. Tôi gượng đứng dậy, và việc đầu tiên là hỏi mọi người là bà cụ đâu rồi.
-Bà cụ nào kia, làm gì có ai ở đây nữa?
-Có mà, bà cụ lúc nãy đứng đây, hỏi xin đồng xu, rồi đánh rơi. Khi tôi cúi xuống nhặt, thì mọi chuyện xảy ra. Đây, cụ ấy đứng ở đây.
Mọi người mỉm cười, chắc ai cũng nghĩ tôi là một con dở người. Chỉ duy nhất người đàn ông đã vỗ vào tai tôi khi nãy là nói:
-Có hay không chuyện đó, thì bà cụ nọ đã cứu mạng cho cô. Nếu cô không cúi xuống khi đó, thì hẳn là thanh bê tông cốt sắt đã đổ vào người cô rồi.
-Nếu như không có bà cụ đó, dừng tôi lại và hỏi xin tiền, rồi lại còn đánh rơi nữa, thì tôi đã đi khỏi chỗ này rồi...
Nói xong, tôi đưa mắt tìm đồng 2 rúp nhưng không thấy nó đâu nữa.
-Lúc nãy cô muốn đi đâu?
-Tôi đến trường Trung cấp, phía kia kìa- Tôi chỉ tay về hướng trường, và lạnh người khi nhìn thấy một cảnh tượng kinh hoàng: Thì ra ngôi nhà đang xây dựng cạnh đường đi đã bị đồ sụp, gạch, giàn giáo, cát..rơi vãi tứ tung khắp nơi. Một chiếc xe cứu thương đang đỗ gần đó, còn trên đường là những thân người bê bết máu me.
-Cô định đi theo đường đó phải không? May là cô chưa đi đến chỗ đó. Chứ nếu không thì...
-Thế có nghĩa là, bà cụ nọ, rồi chuyện tìm tiền, rồi cố tình đánh rơi đồng xu, mọi thứ không phải vô cớ, mà như là để cho tôi không gặp nạn. Vậy bà cụ đâu rồi?
Tôi nói và nhìn quanh lần nữa, nhưng không tìm thấy bà cụ trùm chiếc khăn xanh màu lá cây khá ngộ, cụ đã biến mất đột ngột như khi xuất hiện vậy.
Từ chối vào viện, tôi đến trường học tiếp tiết ba, môn Sinh vật yêu thích mà tôi chưa từng bỏ lấy một tiết nào.
Ở trường, khi mọi người hỏi có chuyện gì xảy ra, tôi kể đi kể lại mấy lần về vụ thoát chết kỳ lạ của mình.
Khi được tôi kể lại câu chuyện, có chi tiết về chiếc khăn màu xanh lá cây khiến mẹ tôi để ý:
-Này con, có phải chiếc khăn của bà cụ có những bông hoa màu vàng-xanh dương không?
-Vâng, đúng thế đấy ạ. Còn có một vết ố nữa, phía trên đầu, như là vết máu...
Câu trả lời của tôi có vẻ làm cho mẹ thấy căng thẳng bồn chồn hơn, và khi cả nhà đã ngủ, mẹ nói với tôi:
-Con à, đó là cụ ngoại đã cứu mạng cho con. Cụ từng có một chiếc khăn như thế. Bà ngoại tặng cụ nhân ngày sinh, khi đó mẹ vẫn còn bé, có lần mẹ trót đánh đổ một ít i-ốt vào. Vết ố đó cụ nói là không cần tẩy làm gì, bởi khi choàng nó ai cũng sẽ nhận ra cụ. Khi cụ mất, chiếc khăn có vết ố đó cũng được chôn theo. Cụ ngoại đã cứu sống con đấy, nhớ đến nhà thở và nói cảm ơn cụ nhé.
Tôi không theo đạo, nhưng cũng nghe lời mẹ, hôm sau đến Nhà thở.
Hôm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi mới hiểu cuộc sống đáng quý đến ngần nào và nó cũng thật mong manh biết bao nhiêu.
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp, tôi đi làm ở một cơ sở bảo trợ gowin99 . Tai của tôi chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng nó cũng không khiến tôi gặp khó khăn trong công việc.
Trái lại, nó lại khiến cho tôi luôn lại gần “những người bạn già” của tôi hơn. Giờ đây, tôi thường xuyên nói câu “Cảm ơn” với các cụ, đơn giản là vì các cụ đã ở bên cuộc đời của chúng ta, cho dù họ là ai.
(Dịch và gõ trên điện thoại mờ cả mắt, chỉ biết là cần phải dịch ngay sau khi đọc xong. Mình đã nghe nhiều người kể những chuyện về việc “các cụ” đã phù hộ cứu con cháu ra sao, không ngờ bên Nga cũng có chuyện tương tự. Những người ruột thịt vẫn sẽ mãi bên chúng ta, từ đời này qua đời khác...).
Chuyện Quê
Tác giả: Ekaterina Khizhko (Phan Việt Hùng dịch)
Link nội dung: //revcat.net/chau-gai-nho-cho-cu-xin-mot-dong-xu-a15553.html