Cánh đồng bờ xôi, ruộng mật đây rồi! Tại cánh đồng này đã có bao thế hệ từ đời ông, cha, con…cày cấy, gieo trồng. Một năm ba vụ, hai vụ lúa, một vụ mầu. Cánh đồng làng nuôi dưỡng bao thế hệ, của cải cũng từ cánh đồng này mà ra. Cánh đồng làng còn chứa đựng biết bao kỷ niệm, ký ức…của những người con trai, con gái sinh ra và lớn lên ở cái làng quê thân thương này!
Cánh đồng làng bây giờ không còn thẳng cánh cò bay như ngày xưa nữa. Từ khi có con đường tỉnh lộ chạy qua, cánh đồng làng bỗng dưng như một tấm vải lụa, bị xé toạc ra từng mảnh, bởi con đường và các cây xăng, công ty, hàng quán…mọc lên lỗ chỗ hai bên đường.
Những vạt ruộng còn lại vẫn được bà con cấy lúa hai vụ chiêm, mùa.
Ruộng lúa từ khi cấy đến khi thu hoạch phải trải qua nhiều giai đoạn, từ lúc bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh (lúa đang thì con gái), đứng cái, làm đòng, trỗ bông, vào hạt, đỏ đuôi, chín vàng. Mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây lúa đều quan trọng, người nông dân có kinh nghiệm phải thường xuyên thăm đồng, quan sát mầu sắc của lúa để điều tiết nước, phân, thuốc trừ sâu bệnh…
Lúa trỗ thoát, tức là lúa đã trỗ bông khoảng 95%. Khi ấy nhìn ruộng lúa có thể khẳng định được mùa hay không được mùa. Nếu ruộng lúa đầy đặn như mâm xôi, bông lúa xanh hạt đều thì năng suất cao (được mùa). Nếu ruộng lúa có nhiều chỗ lõm khuyết, bông mầu trắng (cờ), tức là lúa bị chuột cắn, sâu hại…ruộng lúa sẽ bị giảm năng suất.
Vụ lúa mùa, khi lúa đã trỗ thoát thì phải tháo cạn nước ruộng, để lúa cứng cây không bị đổ khi chắc hạt.
Ngày xưa cánh đồng làng, mỗi lần tháo nước ruộng khi lúa trỗ thoát, thì tha hồ mà bắt cá.
Đủ các loại cá như rô, trê, chuối, chép nhành, diếc, tôm, tép…
Có nhiều kiểu để bắt cá đồng khi tháo nước ruộng, như chắn đăng, đơm đó, đơm lờ…nhưng lũ cá không phải cứ tháo nước là theo nước ra khỏi ruộng, nhiều con cố thủ trong ruộng lúa đợi trời mưa lúc ấy chúng mới kéo nhau xuống sông ngòi.
Thời còn HTX nông nghiệp, người ta cử người trông đồng cấm không cho ai vào ruộng lúa bắt cá, vì bắt cá sẽ làm nát lúa. Ai vào ruộng bắt cá mà người trông đồng bắt được sẽ bị phạt điểm (cứ mười điểm bằng một cân thóc).
Ngày ấy lão Dần còn bé, ban đêm trăng sáng rủ mấy thằng bạn vác giỏ ra đồng mò trộm cá. Cứ tìm góc ruộng trũng, vạch lúa chui vào ruộng mò một lúc đã đầy một giỏ chủ yếu là rô, diếc, trê, chuối chõn. Cá cũng nhiều mà đỉa cũng nhiều, mải mò cá bị đỉa bám kín bắp chân, đỉa hút máu no căng bụng, thấy vương vướng mát chân, lúc ấy mới biết thò tay xuống gỡ đỉa.
Hôm nay nhìn ruộng lúa trỗ thoát! Lúa vẫn trỗ bông đúng mùa, nhưng trong ruộng không có cá, lũ đỉa đói cũng đi đâu hết cả rồi.
Ký ức tuổi thơ của lão Dần lại ùa về, cảm xúc buồn vui lẫn lộn!
Một thời để nhớ!!!
Chuyện Làng Quê
Nguyễn Hộp
Link nội dung: //revcat.net/lua-tro-thoat-a15327.html