Kỳ 6.
Đoạn Dã Tượng quay lại nói nhỏ với yết Kiêu:
-Chào Hưng Đạo Đại Vương đi.
Yết Kiêu vòng tay khấu đầu:
-Dạ nô tì Yết Kiêu Phạm Hữu Thế kính lạy Đại Vương.
Hưng Đạo Vương và tả hữu trong Hổ trướng nhìn người thanh niên vừa xưng là Yết Kiêu, một người nổi tiếng bơi lặn mà họ từng được nghe. Đó là một thanh niên cao lớn khỏe mạnh, có vẻ phi thường không kém Dã Tượng, lại còn trắng trẻo tuấn tú. Hưng Đạo Vương nói:
-Dáng mạo quả nhiên phi thường nhưng còn xem tài cán nhà ngươi có đúng như lời người xứ Đông đồn đại hay không thì sẽ bổ dụng. Trước tiên là thử thách sức khỏe. Hiện nay có một gia nô của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc có biệt danh là Đô Trâu không ai địch được, ngươi có dám đấu vật với người đó không?
-Dạ, nô tì xin vâng lời dạy của Đại Vương.
Hưng Đạo Vương nói:
-Tốt, chúng ta ra xới vật ở thao trường.
Hưng Đạo vương rời ghế bước ra khỏi hổ trướng. Tả hữu và phụ tá lần lượt theo sau. Dã Tượng dẫn Yết Kiêu đi sau cùng đến xới vật phía Bắc thao trường, nơi có tiếng trống thúc vang dồn dập làm nức lòng người. Quân sĩ đứng vòng trong vòng ngoài kín đặc sân vật. Trên khán đài, một người lính mặc quân phục màu nâu, đầu đội nón dấu, hai tay nâng một cái loa khổng lồ oang oang thông báo:
-Quốc công Đại Vương đến.
Tiếng trống im bặt. Binh lính cung kính rẽ lối cho Hưng Đạo Vương đi lại khán đài. Sau khi an tọa cùng Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, Hưng Đạo Vương ra lệnh:
-Cho cuộc thi tài tiếp tục!
Trống lại thúc vang lên dồn dập. Yết Kiêu nhìn vào trong sân, một đô vật mặc khố đỏ cao to sừng sững, hai chân như chân voi, hai cánh tay như hai vòi voi, ngực nở da nâu bóng, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, khuôn mặt nom dữ dằn. Dã Tượng nói cho Yết Kiêu:
-Đó chính là Đô Trâu, gia nô của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, có sức vật phi thường hầu như khắp xứ Đông này không ai địch nổi. Những người chiến bại dưới tay hắn đều bị tung lên trời rơi xuống không chết thì cũng què, tàn phế.
Trên sân vật ngoài Đô trâu, Yết Kiêu còn thấy một người đứng tuổi mặc áo dài màu nâu, buộc khăn đỏ ở lưng, đầu cũng chít khăn đỏ. Đó chính là trọng tài, người điều khiển cuộc đấu của hai người. Trên khán đài tiếng loa lại vang lên:
-Đô Kinh Bắc đã nhận lời giao đấu với Đô Trâu, xin mời đô Kinh Bắc ra để cuộc đấu bắt đầu.
Một người được gọi là đô Kinh Bắc bước ra. Đô Kinh Bắc vận khố nâu, thân hình cao lớn lực lưỡng khỏe mạnh, chắc cũng là đô vật anh chị ở vùng sông Thương, sông Cầu. Trống thúc vang lừng. Đô Kinh Bắc đi một bài múa mạnh mẽ đẹp mắt. Đô Trâu cũng đi một bài múa đầy kiêu ngạo. Rồi nhanh chóng cả hai đô xáp vào nhau, tay ghì tay, bốn chân chùng xuống thủ thế. Chưa dứt vài hồi trống bằng một miếng vật gia truyền bí hiểm nhanh đến mức người xem chưa nhìn rõ thì Đô Trâu đã nâng bổng đô Kinh Bắc lên hai tay và nhanh chóng tung lên trời như người tung quả bóng. Đô Kinh Bắc gồng mình lộn một vòng trên không trung và rơi xuống bằng sức đỡ của hai chân hai tay mới không thiệt mạng nhưng đô này đã chiến bại và trọng thương. Tám người lính đem cáng vào và khênh đô Kinh Bắc ra khỏi xới vật. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến mọi người kinh hoàng. Trên khán đài, Yết Kiêu trông thấy Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đang cười một cách thỏa mãn, nở nang mày mặt, còn Đô Trâu đứng giữa sân vật với một sự thách thức kiêu ngạo hơn bao giờ hết. Cả đấu trường im lặng. Tiếng loa lại vang lên:
-Còn đấu sĩ nào ra đấu với Đô Trâu không? Nếu không Đô Trâu sẽ là đệ nhất vô địch giải đấu năm nay.
Đấu trường im lặng đến nghẹt thở. Thầy trò Ích Tắc chắc chắn đã nắm phần thắng rồi. Còn ai dám vào chọi với Đô Trâu nữa chứ. Chỉ trong năm nay Đô Trâu đã làm bị thương và làm chết nhiều đô vặt tăm tiếng của xứ Đông và xứ Bắc rồi. Tiếng loa vang lên:
-Bỉ chức sẽ đếm từ 1 đến 10, không ai ra nữa coi như Đô Trâu đệ nhất vô địch.
Những tiếng đếm vang lên trong loa một cách chậm chạp. Khi tiếng đếm đến chín vang lên thì Yết Kiêu bước ra võ đài. Toàn quân kêu lên một tiếng kinh ngạc xen lẫn sự kinh hãi. Người thanh niên còn quá trẻ, dù là cao lớn và có vẻ như sức khỏe phi thường nhưng vẫn còn nhỏ hơn so với Đô Trâu. Người cầm loa đến bên Yết Kiêu hỏi tính danh và sau đó tiếng ông vang lên trong loa:
-Người tỉ thí tiếp theo với Đô Trâu là tráng sĩ Phạm Hữu Thế Yết Kiêu, hảo hán ở làng Hạ Bì đạo Hải Dương.
Toàn quân reo hò vang dậy:
A, Yết Kiêu, con cá kình của biển Đông.
Có tiếng xì xào bàn tán:
-Chỉ nghe nói người này có tài bơi lặn, chưa nghe nói có tài vật bao giờ. Nếu bị Đô Trâu làm trọng thương thì uổng một nhân tài thủy chiến.
-Ồi lo bò trắng răng. Có biết Yết Kiêu lặn xuống sông Quát làm gì không? Vật nhau với giao long, vật nhau với cả trâu thần. Đô Trâu là gì chứ?
-Ừ, chờ xem...
Trống thúc vang rền. Ba quân im lặng nín thở. Yêt Kiêu đi một bài múa bắt giao long đẹp mắt, Đô Trâu cũng đi một bài rất khệnh khạng và kiêu hãnh. Rồi cả hai tiến lại gần nhau cúi người xoay quanh giữ thế. Tà khố nâu và khố đỏ tung bay. Hai con người sừng sững phi thường xáp vào nhau, ôm ghì lấy nhau. Hai bên đều ra những miềng đòn hiểm hóc. Đô Trâu cố lựa thế nâng bổng Yết Kiêu lên nhưng bị Yết Kiêu phá. Bị phá miếng đánh bí hiểm gia truyền Đô Trâu đâm ra lúng túng bị động. Hai bên trong tư thế cúi lom khom, dạng chân thủ thế vững chãi, cố dùng sức vặn người đối phương để lật ngã. Hai người như hai con trâu chọi nhau dữ dội. Đô Trâu dùng đòn vặn sườn và đạp vào chân cho đối phương gục ngã. Yết Kiêu tránh được và chàng tưởng tượng đang giao đấu với giao long. Con giao long dưới nước thì nó tràn đầy sức mạnh nhưng khi bị nâng lên khỏi mặt mước thì nó bất lực và đành bó tay chịu chết. Với Đô Trâu sức mạnh của hắn là hai chân bám đất. Nâng hắn lên khỏi mặt đất thì đô Trâu cũng như con giao long bị tách khỏi nước mà thôi. Vậy muốn chiến thắng hắn, Yết Kiêu phải dùng chiến thuật hạ giao long. Nghĩ như vậy và nhanh như chớp, một tay Yết Kiêu nắm lấy khố đỏ Đô Trâu, một tay như kẹp sắt bóp mạnh vào sườn hắn rồi dùng chân đạp cực mạnh vào phía sau đầu gối làm chân hắn gãy gục xuống và người thì ngã ra sau. Yết Kiêu dùng toàn bộ sức lực phi thường nâng bổng Đô Trâu lên trời. Tay chân Đô Trâu khua loạn xạ trên không trung nhưng không thoát được bởi hai bàn tay cứng như thép của Yết Kiêu bóp vào sườn và vào đùi. Đô Trâu bị xoay nhiều vòng trên trời trong tiếng reo hò vang dậy của đấu trường cùng tiếng chiêng trống inh ỏi náo động. Đấu trường mấy năm nay chưa có một trận vật nào mà người chiến thắng lại được hoan hô tưng bừng như vậy. Trên khán đài Trần Ích Tắc tái mặt. Đô Trâu cũng cầm chắc cái chết trong tầm tay nếu Yết Kiêu chỉ cần bóp nát xương hay ném hắn lên trời như hắn đã hành xử với nhiều đô vật khác. Nhưng sau khi xoay Đô Trâu nhiều vòng trên không trung, Yết Kiêu từ từ đặt Đô trâu nằm ngửa trên đất, rồi nắm tay Đô Trâu kéo dậy và nói:
-Tráng sĩ hãy đứng dậy!
Từ ngạc nhiên đến cảm phục, Đô Trâu quì lạy Yết Kiêu như tế sao:
-Đa tạ tráng sĩ tha mạng, đa tạ tráng sĩ!
Yết Kiêu đỡ Đô Trâu dậy và nói với hắn:
-Thắng thua là chuyện bình thường trên võ đài. Từ nay trở đi nếu thắng, huynh không được làm hại những đô vật. Giặc Thát đang sắp sang cướp nước ta. Chúng ta cần những tráng sĩ để giết giặc cứu nước. Huynh có biết không?
Đô Trâu cảm động:
Đa tạ Tráng sĩ. Trời ơi chân lý bình thường đó sao tôi lại không hiểu ra. Cái vinh quang sáo rỗng đã làm tôi mê muội.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-6-a15181.html