Chiến tranh vô cùng ác liệt. Cán bộ cách mạng, nhất là những người hoạt động tại xã, thôn, hi sinh nhiều vô kể. Có xã, tôi mới gặp dàn cán bộ ở kỳ họp trước, thì tới kỳ họp sau, đã gặp toàn những người mới – họ thay thế cho dàn cán bộ đã hi sinh. Vậy nhưng, đi tới đâu tôi cũng được nghe hát Bài chòi. Đây là một sinh hoạt nghệ thuật dân gian, theo kể lại, đã được lưu truyền qua 600 năm, và gần đây đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Người dân Bình Định mê Bài chòi tới mức có câu ca rằng “Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để con nó khóc cho lòi rốn ra”. Bây giờ, chiến tranh, người Bình Định lại có câu “Bài chòi đã đánh là ham/Bom rơi cũng mặc, giặc càn cũng khinh”.
Do hoàn cảnh chiến tranh, bà con nơi này không tổ chức diễn xướng Bài chòi như nguyên gốc, mà chủ yếu là hát. Có thể nói, bất cứ bài thơ ở thể lục bát, song thất lục bát nào cũng có thể được hát lên theo điệu bài chòi. Bởi vậy, có vô vàn bài ca mới theo điệu Bài chòi được dùng để các đội binh vận hát vận động binh lính địch trở về với nhân dân, hát ru thương binh, hát mừng chiến thắng...
Tôi được dự những buổi tập luyện của đoàn Văn công tỉnh Bình Định trước khi đoàn xuống đồng bằng phục vụ nhân dân vùng mới được giải phóng, cũng là các tiết mục Bài chòi. Anh Thu Hoài dàn dựng hẳn một hoạt cảnh về binh vận, đấu tranh chính trị qua thể loại Bài chòi. Đoàn cũng biểu diễn cả những tiết mục ca nhạc mới, với những bài như Bão nổi lên rồi, ...
Muốn sát thực tế hơn nữa, tôi xuống khu Đông – vùng ven Quy Nhơn. “Khu Đông đi dễ khó về”, đó là câu ca nói lên tính chất nguy hiểm ở chiến trường khu Đông. Đây là những ngày sống đầy ý nghĩa, sâu kỷ niệm đối với tôi. Tôi đã cùng đồng đội của mình – những cán bộ Thị ủy Quy Nhơn – làm báo của Thị ủy gửi vào cho đồng bào ta ở Quy Nhơn, rồi đội một trận bom B52 rải thảm, thoát chết, nhưng mang trong lòng vết thương không bao giờ lành được. Bởi, trận bom đó, tôi lại mất đi một người em gái mà tôi thương quý vô cùng. Em tên là Hạnh, nhân viên đánh máy của Thị ủy, mới 18 tuổi. Ở căn cứ vùng ven này, cơ quan chính là gia đình. Sau những giờ làm việc, chúng tôi thường ngồi trò chuyện, tâm tình, đàn hát hoặc làm các việc vặt. Hạnh có một giọng hát ngọt ngào, thường ca bài chòi cho chúng tôi nghe. Em bảo tôi có bài thơ lục bát nào, đưa cho em, em sẽ hát lên thành Bài chòi. Tiếc, quá, tôi là nhà báo chứ không phải nhà thơ, cho nên chỉ có mấy câu lục bát ghi chép trong sổ nhật ký:
Vượt qua trăm suối ngàn khe
Đường ra tiền tuyến say mê lạ thường
Gửi về miền Bắc quê hương
Nỗi nhớ da diết, tình thương vô vàn...
Tôi vừa dứt lời, Hạnh đã hát 4 câu thơ ấy theo điệu Bài chòi, nghe tha thiết làm sao. Nhưng Hạnh bảo, ngắn quá, chưa đủ để hát cho hết làn điệu bài chòi. Rồi em bảo: “Anh ngồi đây, em bầy cho anh hát 4 câu này nghe!”. Tôi ngồi bên Hạnh, cố gắng bắt chước giọng miền Trung, hát Bài chòi 4 câu lục bát của mình. Ôi chao là Bài chòi. Nghe người khác hô (đúng cách, phải gọi là hô chứ không gọi là hát) thì hay thế. Vậy mà mình hô thì cứ cứng họng lại, nhất là những chỗ xuống xề kiểu cải lương, cứ truội ra, không ra thứ giai điệu nào! Hạnh kiên trì dạy tôi. Sau đó, Hạnh bảo: “Anh viết tiếp bài thơ vừa rồi của anh, cho em làm thành một tiết mục Bài chòi phục vụ cuộc họp sắp tới của Thị ủy”. Tôi hứa với em rằng, trong chuyến công tác này, tôi sẽ cố gắng hoàn thành bài thơ tặng em. Thế nhưng, bom B52 của Mỹ đã cướp đi người con gái thân thương đó của tôi. Tôi đã ghi trong Bê trọc chuyện này như sau:
“THỨ SÁU 16/6/1972
11 giờ rưỡi, sau bữa cơm trưa, tôi cầm quần áo đi tắm. Mới tới quá hang đá nhà bếp, nghe 2 tiếng nổ rầm rầm. “B.52!” - thoáng nghĩ vậy, tôi bật trở lên. Bom nổ rền hàng dây. Chạy vấp đá, ngã mấy lần. Lượng sức không chạy kịp lên cửa hang, tôi nhìn qua phía tay trái, thấy một cửa nhỏ thông vào hang. Vội vứt hết quần áo, khom người, đưa 2 tay ra phía trước, nhảy phóng tới như người nhảy xuống nước để bơi. Vừa chạm đáy hang, nghe một tiếng nổ “Rầm” nữa. Tối tăm hết thảy. Những vật gì đó nặng trịch đè lên đầu, lên mình tôi. Những tiếng nổ vẫn dội lên liên tiếp. Tôi nghĩ: “Rồi đó, chuyến này chắc đi đời rồi!”. Im lặng. Tôi vùng lên. Mở mắt ngó quanh thấy khói bụi bốc lên mù mịt. Quanh tôi, mấy cô gái bò lê, quần áo rách bươm, máu me bê bết. Mấy cô la lên:
- Chết thôi anh ơi, bây giờ làm sao!
Tôi nói:
- Cứ ngồi im!
Nhìn quanh, thấy hang trống rỗng, tôi nói:
- Các em lên hang phía trên đi.
Phía cửa hang phía trên, Hạnh nằm gục, kêu “Khò! Khò!” như tiếng rống quái dị. Tôi không thấy đầu cô đâu, chỉ thấy nửa thân mình phía dưới của cô trần truồng, lấm bụi đất. Trong khi 5 cô gái kia dắt díu nhau chạy lên hang trên thì tôi lại moi đất, kéo Hạnh dậy. Áo Hạnh rách bươm hết. Quần Hạnh chỉ còn 2 ống chân. Tôi thấy một vết thương lớn sau lưng cô. Hạnh kêu:
- Gì mà tội thế này anh ơi!
Tôi đặt Hạnh nằm ngay thẳng, vơ một chiếc khăn mặt rách băng vết thương lại, lấy mấy miếng dù rách phủ lên thân thể loã lồ của cô. Tôi chạy lên gọi thêm người xuống thì gặp Mai Ái Trực. Hai người trở xuống. Lúc này, tôi mới thấy cánh tay trái của Hạnh bị gãy nát. Tôi mở một cái ba lô nằm lăn lóc dưới đất lấy một cái quần đưa Trực mặc cho Hạnh và kiếm giẻ buộc tạm cánh tay Hạnh lại. Tôi và Trực vực Hạnh dậy, nhưng đuối sức quá. Trực lên gọi Hà xuống. Chúng tôi khiêng Hạnh lên hang đá lớn, đặt nằm ở giường, băng lại cho kỹ hơn. Nhìn cánh tay, tôi đau lòng quá: nó nát hết xương rồi, chỉ còn lại một ít thịt bầy nhầy. Tôi bẻ que, bó cố định. Máy bay địch tiếp tục đến oanh tạc. Bom phá. Bom xăng. Bom bi. Các loại bom tiếp tục dội xuống. Pháo biển bắn tới rầm rầm. Hạnh vừa rên, vừa nói:
- Bắn nó rớt mấy cái cho nó hoảng! Anh ơi giúp giùm em với!
Hạnh kêu khát nước. Chúng tôi không cho Hạnh uống.
Xế chiều, địch ngừng bắn phá. Chúng đưa tàu chiến, bo bo, xà lan cặp sát bờ biển, đổ bộ chừng 2 đại đội. Súng nhỏ nổ rộ phía núi sát biển. Trực thăng cũng quần lượn, phóng pháo dưới đó. Chúng tôi thu dọn đồ đạc, đưa hết anh em lên hang đá Hội trường. Hang đá rộng, đông người.
Hai quả bom nổ cách nhà bếp từ 5 đến 10 mét làm tanh bành tất cả. Quần áo bay tung lên, mắc vào cành cây. Những ống đạn pháo dùng đựng nước biến mất hết. Gạo đổ vung vãi trong hang.
Kiểm tra lại, tổn thất của chúng tôi gồm: Hương (công nhân in, vừa ở tỉnh xuống với tôi) hy sinh, Hạnh bị thương nặng, Hoa, Tuyết bị thương vừa, Nào, Thanh, Thuỷ bị sức ép làm tức ngực, mệt. Hương định đi tắm, vừa tới cửa hang dưới thì trúng bom! Hương là con trai của anh Đức - Bí thư Xã Uỷ Hoài Châu, người mà tôi rất khâm phục, đã ghi chép chân dung khá kỹ. Tôi giở sổ vẽ sơ đồ khu vực bị bom, hang đá, nơi chôn Hương để nếu có dịp thì trao cho anh Đức...
NGÀY 17/6/1972
Hạnh tiếp tục rên la vì đau đớn, vì khát nước. Suốt buổi sáng, cô tỉnh táo, nói nhiều. Cô đòi uống nước, đòi thay quần áo, đòi tắm, đòi mở băng. Cô la mọi người làm biếng, nước ở suối mà không chịu vác về. Cô rủ Tuyết đi xuống suối. Cô gọi tên tôi, Trực.
Tôi đến ngồi bên, an ủi Hạnh. Thương vô cùng. Cô bé này 18 tuổi, ở Phước Hậu (ven thị xã Quy Nhơn), mới đi thoát ly ít tháng. Hồi mới ra, cô luôn khóc, đòi về, nhưng qua những ngày sống với tập thể, được giáo dục, cô rất phấn khởi, luôn vui hát và đang học đánh máy.
Hạnh đòi xuống đất nằm, vì nằm võng tức. Tôi lấy tấm đệm và tấm ni lông trải cho Hạnh nằm. Hạnh vật vã kêu đau, kêu khát, đói. Tôi hoà bột đậu xanh với đường cho Hạnh uống. Hạnh mửa ộc ra. Tôi lấy lon hớt vào, lấy khăn lau cho Hạnh. Hạnh nhìn tôi, nói:
- Tội anh Long quá!
Thay băng cho Hạnh. Vết thương bị bẩn quá, rất hôi. Lúc này, tôi tìm ra thêm một vết thương nữa ở mông trái của Hạnh. Vội chỉ cho y tá rửa, băng lại. Vết thương này đã nhiễm trùng. Phải lấy kéo cắt đi những chỗ thịt thối. Kéo tụt một bên quần Hạnh xuống. Hạnh cứ nắm lưng quần, kéo lên, kêu:
- Người ta đông um sùm mà, đậy lại cho em, anh!
Tôi lấy tấm dù phủ ngang bụng cô, nói:
- Em nằm im cho chị Tùng chữa mới lành, anh đắp kín cho em rồi.
Sau khi rửa vết thương, Tùng dùng kéo cắt lưng quần để cởi ra, thay quần khác. Hạnh níu không được, la:
- Thôi rồi, bắt tôi ở truồng!
Rửa qua vết thương ở lưng. Vết thương sâu quá, thọc panh vào lút đến 2, 3 phân. Hạnh kêu, khóc:
- Trời ơi, làm thịt tôi đấy à! Thương dùm tôi với, anh Long đỡ em dậy.
Băng lại vết thương ở tay. Hạnh vật vã. Tôi hiểu Hạnh đau đớn vô cùng. Lòng tôi như có muối xát. Tôi nắm tay Hạnh, vuốt tóc, vuốt má Hạnh, dỗ dành cô mong làm dịu được chút nào nỗi đau đớn ấy.
Lại dùng kéo cắt áo Hạnh, cởi ra. Cô cũng níu lại, kêu:
- Thôi thế là quần không có, áo không có.
Mặc quần rộng, áo rộng cho Hạnh, Hạnh kêu:
- Mặc gì lạ vầy? Như ông thày chùa!
Gần tối, đưa Hạnh, Hoa, Tuyết đi bệnh xá. Riêng Hạnh thì đi mãi mãi! Tới gần trạm xá, Hạnh đã tắt thở!”
Suốt những ngày tháng sau đó, tôi mang nỗi buồn âm thầm vì không làm được bài thơ lục bát để Hạnh hát Bài chòi. Tôi gửi vào cõi tâm linh lời nhắn nhủ Hạnh: Em ơi, xứ dừa Bình Định là đất văn, đất võ, thơ ca đã thấm đẫm mảnh đất quê hương em, đó là nguồn vô tận để cho em hát Bài chòi...
Sau chuyến công tác khu Đông, tôi trở về căn cứ của Ban Tuyên huấn Bình Định. Rồi một hôm, vào lúc nghỉ trưa, tôi mở radio, bất ngờ lặng đi khi nghe tiếng hát của nghệ sĩ Tường Vi với bài hát (Nhạc Doãn Nho, lời Phương Thúy):
“Ơ…ớ. Trời mô xanh bằng trời Can Lộc,
Chứ nước mô xanh bằng dòng nước sông La
Ai về Hà Tĩnh mà quê ta,
Nhớ chăng nhớ chăng đôi mắt ơ ơ…
Người con gái sông La kiên cường. ơ…ờ
Người con gái quê ta, đôi mắt trong tựa ngọc
Đôi giọt nước sông La thương như trời quê ta
Em dõi theo từng ngày, đếm từng loạt bom rơi,
Cho bom nổ bên tai, em vẫn đứng giữa trời
Ơ ơ… em vừa mười tám tròn đẹp như xuân sang
Em, người chiến thắng sức mạnh bạo tàn,
Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang
Hỡi người con Xô viết
Bom thù xới nát đất này từng ngày
Mà em đứng đó tóc xanh tung bay
Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”
Rồi, lại nghe nghệ sĩ Hương Loan hát (Nguyễn Văn Tý):
“(Chứ) Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh
Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng (ì) quê ta ớ ơ ớ ờ...
Những cánh đồng muối trắng, tình sâu (mấy) nghĩa nặng
Biển ta lại nhớ rừng nên chi giữa đồng bằng (mà) gió ngàn bay (i) về
Tìm âm vang sóng vỗ...
Ai đi xa mô đó biết có nhớ lấy đường về
Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao
Rồi đường Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm
Cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận
Giặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi
Đường hiên ngang vượt qua truông qua suối
Thêm bao nhiêu con đường lứa tuổi 20.
Ai hôm nay ra khơi buông lưới
mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ
Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa, thương con đò cắm con sào đứng đợi
Cả cuộc đời, ngày hôm nay nên trang sách mới
Trâu ơi theo bầy ta về đồng cỏ mênh mông.
Đắp hồ đầy để điện đưa nhanh dòng nước tới
Lúa trên đồng, lúa lại thêm bông
Nghe Xuân sang chim đâu bay tới
đậu cành dâu chín, chín mọng vườn đồi
Chim lấy được quả chín hồng tươi, ta cũng tìm lấy chi vài dăm quả
Quả đầu mùa hạt sương mai lung linh nỗi nhớ
Yêu quê hương mình nhớ về từng thuở xa xôi
Đất nào cằn vì còn mưa rơi còn gió cuốn
Hò ơ ơ, có công ta vun trồng thì màu đất lại nên tươi.”
Cả hai bài hát, nghe sao mà nồng nàn, tha thiết. Chất dân ca Nghệ Tĩnh đậm đặc, mà sao cấu tứ, giai điệu lại hiện đại đến thế! Hai bài hát có tính trữ tình, giai điệu mượt mà, vậy mà như có lửa ở bên trong, lại như có bão tố, khiến con người không thể yên vị, mà phải vùng lên, hành động vì lý tưởng cao cả, đó là bảo vệ quê hương, đất nước của mình. Tôi thầm mong các nhạc sĩ lưu tâm thẩm thấu thật sâu chất dân ca Bài chòi để sáng tạo nên những ca khúc mới có giá trị lâu dài. Còn, trong hoàn cảnh chiến tranh như thế này, những bài thơ, bài ca được sáng tác kịp thời phục vụ cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ địch, là rất cần thiết và đắc dụng.
***
Cuộc kháng chiến càng phát triển, âm nhạc càng phong phú, đa dạng hơn. Trên các nẻo đường công tác hay khi làm nhiệm vụ ở căn cứ, tôi đều gắn bó với chiếc đài bán dẫn, vừa nghe tin tức, vừa nghe các chương trình ca nhạc của Đài Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Không thể nào kể xiết niềm vui dào dạt, tự hào về những chiến thắng của quân và dân ta ở khắp các chiến trường cũng như cảm xúc cảm mãnh liệt của tôi khi nghe những ca khúc về những tấm gương hi sinh dũng cảm của các chiến sĩ Giải phóng. Tôi chỉ kể lại một số trường hợp tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ giữa ca khúc và hoàn cảnh sống của tôi lúc đó.
Ấy là khi tôi nghe bài hát về Lê Thị Hồng Gấm, một xã đội phó Du kích ở xã Long Hưng, thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi một máy bay trực thăng cùng 3 tên địch rồi hi sinh anh dũng. Từ tấm gương hi sinh dũng cảm ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết nên ca khúc được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng hát Thu Phương, Tuyết Nhung:
“1. Đi chiến trường giữa mùa hoa, đẹp thay đất nước ta
Trái tim thiết tha nồng cháy, chúng ta đi giữ lấy quê nhà.
Khi còn một tên xâm lăng, chúng ta còn đi
Lướt qua đạn bom gian nguy, ta quyết bền chí.
(ĐK)
Dâng tuổi xuân cho đất nước quê hương
Tấm gương Hồng Gấm kiên trung trong sáng yêu thương
Ta như cánh chim tung bay, vượt qua giông tố mịt mùng
Và mỗi chúng ta hãy là một Hồng Gấm anh hùng.
Ôi Tổ quốc ta thiết tha mến yêu
Khắc ghi lời Bác trong tim sớm sớm chiều chiều
Niềm hạnh phúc trong đấu tranh nở muôn sắc diệu kỳ
Đường dài tiến quân rộn ràng có Hồng Gấm cùng đi...
2. Đất nước đẹp như bài ca, lòng ta yêu thiết tha
Nếu quân xâm lăng liều tới, sẽ có Hồng Gấm trong muôn nhà.
Viên đạn diệt Mỹ hôm nay nhắc tới Hồng Gấm
Viên gạch dựng xây tương lai, nhớ mãi Hồng Gấm (ĐK).”
Bài hát không miêu tả cụ thể chân dung và hành động của người nữ anh hùng, mà theo xu hướng khái quát hóa, thể hiện hình tượng của đội quân tóc dài – những phụ nữ miền Nam anh hùng có mặt trên mọi trận tuyến giữ nước, qua đó khẳng định giá trị nêu gương của người nữ anh hùng, giá trị ấy động viên người người lớp lớp noi theo và luôn luôn ở thế tấn công. So với hai ca khúc khác cũng viết về Lê Thị Hồng Gấm, tôi nhận thấy ca khúc của Phạm Tuyên giản dị, gần gũi hơn, dễ phổ biến hơn, với những nét nhạc khỏe khoắn, lạc quan.
Từ bài hát về Lê Thị Hồng Gấm, tôi nghĩ đến những chị em phụ nữ ở cùng mặt trận với tôi. Cuộc sống ở chiến khu, đối với nam giới gian khổ một, thì đối với phụ nữ, gian khổ gấp bội phần. Thế nhưng, ở chỗ chúng tôi, chị em phụ nữ vẫn vượt qua mọi hạn chế của giới tính, tham gia mọi công việc, từ gùi cõng, sản xuất tới làm chuyên môn, dám hi sinh thân mình cho cách mạng. Ban chúng tôi có hai trường hợp hi sinh của hai phụ nữ trong hai hoàn cảnh nhau, nhưng tôi nghĩ, đều là tấm gương anh hùng.
Trường hợp thứ nhất là nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Chị cùng lên đường vào chiến trường với tôi một ngày. Thân hình mảnh mai, nhưng chị vẫn cõng ba lô, vượt Trường Sơn, tới được chiến trường. Không những vậy, trên đường hành quân, chị còn viết kịp thời truyện ngắn “Hoa rừng”, gây được tiếng vang khắp quân khu. Tôi đã ghi lại chút kỷ niệm với chị trong “Bê trọc” như sau:
“Tiểu ban Văn nghệ mở cuộc họp tại Ban. Bùi Minh Quốc và Xuân Quý đến nhà tôi. Chúng tôi chuyện trò về văn học, nhạc hát rất sôi nổi. Xuân Quý sắp đi công tác Quảng Đà, đang bận rộn chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Chúng tôi chuyện trò trong cái giá lạnh và trong cái đói quặn thắt lòng. Quốc sang Quân khu, lúc về được Thu Bồn cho ít gạo. Buổi tối, chúng tôi nấu cháo “liên hoan”: 1 lon gạo, 4 người. Cháo loãng có mì chính và muối, cộng thêm ít dầu xà lách, mà thấy ngọt ngào, bùi béo tợn. Chúng tôi xì xụp húp. Quốc nói rằng chưa bao giờ được ăn cháo ngon như vậy...
... Cuối tháng 3, tôi nghe tin Xuân Quý đã hy sinh ở Quảng Đà. Hy sinh ngày 8-3, đúng ngày Quốc tế phụ nữ. Bọn Pắc Chung Hy phục kích và đã bắn chết chị trong một đêm tối tại tỉnh Quảng Đà. Tôi ngậm ngùi nhớ tới chị, nhớ tới khi còn ở trường 105 Hà Nội, chị rất hồn nhiên mang máy ảnh đến hỏi chúng tôi về cách sử dụng. Chị là một con người có quyết tâm cao, có nhiệt tình cách mạng lớn. Khi hành quân từ Bắc vào, chị sức yếu, ba lô nặng nhưng dứt khoát không nhờ ai mang hộ bớt, lúc mệt quá, đau vai, đau chân quá lại lén ra khóc một mình. Chị miệt mài viết, đồng thời luôn xung phong trong những công việc gùi cõng nặng nhọc. Khi phân công chị đi Quảng Ngãi, chị xin đi Quảng Đà - đó là trọng điểm của chiến trường, rất ác liệt, song cũng nảy sinh nhiều anh hùng.” Phẩm chất của Dương Thị Xuân Quý, cũng như của nhiều văn nghệ sĩ khu V là vậy – tìm đến nơi gian khổ, ác liệt để phát hiện và viết về những tấm gương anh hùng, mặc dù biết mình có thể phải hy sinh!
Trường hợp thứ hai là Phạm Thị Đệ, nữ nhân viên cơ công của chúng tôi (cơ công là người chữa máy điện báo). Tôi cũng ghi chép về Đệ trong “Bê trọc” như sau:
“NGÀY 6/11/1973 (12/10 ÂM LỊCH)
Suốt mấy ngày nay trời mưa sập sùi mãi. Nước các con suối bắt đầu dâng cao.
Buổi trưa, trên đường ô tô, tôi thấy một cô gái ngồi bệt bên cạnh một gùi sắn, người ướt sũng. Tôi thầm nghĩ: “Cô nào mà tội nghiệp thế kia?”. Đến gần mới nhận ra đó là Đệ - cơ công trong bộ phận kỹ thuật của chúng tôi. Cô người Hà Tây, vào đây năm 1972. Đệ ngước nhìn tôi, miệng cười, chào, mà mắt thì khóc đỏ hoe. Tôi phải tránh không nhìn vào đôi mắt ấy. Tôi bảo Đệ để tôi gùi giúp sắn, Đệ nói:
- Gùi bẩn lắm, để em gùi!
Phải nói mãi, Đệ mới đồng ý đổi gùi cho tôi. Đệ đi chân hơi khập khiễng vì vừa trượt ngã. Nói chuyện một lúc, Đệ đã cười khúc kha khúc khích. Cô gái ấy thật hồn nhiên, nỗi không đọng được lâu trong tâm hồn.
Càng về chiều, trời càng mưa. Đoàn 5 anh em lúc nào cũng đi sát bên nhau. Suối nước dâng cao tới ngực, tới cổ. Dìu nhau qua cả chục con suối như vậy. Nhìn Đệ người ướt sũng, quai ba lô chằng kéo bộ ngực, tôi thấy thương vô cùng. Lại liên hệ đến người yêu của mình - hôm nay em cũng đi cõng gạo, chắc cũng vất vả thế này.
Gần về đến nhà, lạnh quá, tôi đi trước. Tôi đi theo đường thồ. Con đường này chạy vòng nên không phải lội qua suối. Thực ra, dòng suối bây giờ nước đã dâng tràn bờ, còn hung dữ hơn cả những con sông. Đệ và 3 người kia đi theo đường C.9 (nhà máy In), tuy gần hơn nhưng phải lội qua suối. Rồi, trong khi anh em còn nghỉ, Đệ ra bờ sông trước. Không ngờ Đệ mất tích luôn. Lúc ấy là 4 giờ chiều.
Anh em nháo nhác đi tìm. Hai người bơi dọc theo suối, dọc theo sông tới 2km. Song, Đệ không còn nữa.
NGÀY 9/11/1973
Sáng nay, tiếp tục đi tìm Đệ dọc sông Trà Nô. Tôi và Huề đi theo bờ trái sông. Bên kia có Ái và Minh. Đường đi, chỗ thì gai góc, chỗ thì ghềnh đá, thật khó đi. Nhiều chỗ không đi được, phải lội xuống sông, bơi xuôi theo nước. Nước đục ngầu, đầy rác rưởi, ngầu bọt và lạnh ngắt. Dọc bờ sông, tiếng quạ kêu ai oán, nghe âm u và tang tóc. Chắc rằng tiếng quạ lúc này sẽ ăn sâu vào tâm khảm tôi, giữ mãi trong tôi một xúc cảm thê lương, không thể nào phai mờ.
Đến trưa mới thấy Đệ: cô nằm mắc vào một bụi rù rì giữa dòng nước, đầu chìm dưới nước, chân phơi trên mặt nước.
Chúng tôi kéo Đệ lên. Mình mẩy Đệ bị đập vào đá sưng tím, mặt sưng to, tròn, không thể nhận ra. Cánh tay phải bị gãy nơi khuỷu. Lúc đưa xác Đệ lên bờ, từ mũi cô, máu trào ra thành hai dòng, sủi ngầu bọt. Đau lòng quá Đệ ơi!
Chúng tôi tổ chức mai táng Đệ khá chu đáo. Thực ra, cũng chỉ bằng cách quấn thi hài vào võng, vào tấm ni lông và tăng rồi hạ huyệt trên sườn đồi. Chỉ có điều khác là trên ngôi mộ, chúng tôi căng ni lông thành một cái lều nhỏ che mưa che nắng. Thôi nhé, Đệ ơi, em hãy ngủ yên trong cánh rừng non quạnh vắng này! Lối mòn chạy ven sườn đồi, xuyên cánh rừng non này nối liền Ban vói Nhà máy in và Đài minh ngữ, thỉnh thoảng có bạn bè qua lại, em sẽ bớt cô đơn!”
Sự hi sinh anh dũng của Dương Thị Xuân Quý và hi sinh thầm lặng của Phạm Thị Đệ đều gợi lên trong tôi điệu nhạc “Hồn tử sĩ” của Lưu Hữu Phước. Tác phẩm thường được diễn tấu bằng khí nhạc, cho nên ít người biết đến lời:
“HỒN TỬ SĨ
Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong gió ngàn
Sóng cuốn Trưng Nữ Vương
Gợi muôn ngàn bên nước tràn
Hồn ai đang thổn thức trên sông
Hồn quân Nam đang khóc non sông
Sát khí ngất đất bao lớp thây muôn bóng huyền
Không gian như lắng nghe bao oan hồn
Đang xao xuyến xót thương hai Nữ hoàng tuẫn thân
Dù mạng vong lửa hờn chưa tan
Làn sóng đang thét gào gió vang tiếng nguyền cùng gươm đao
Nguyện cùng sông đẫm máu
Tấm thân nát không nao
Nhìn thấy quân Hán dầy xéo
Sông núi nhà dòng châu rơi
Khắp nước non mờ tối dưới trời
Nào ai yêu nước nhà
Vì giống nòi vì hận thù
Làm sao đưa dân qua cơn đau khổ
Người Nam anh dũng quyết dâng đời sống cho non sông
Liều mình vào tên khói
Cùng người thù ta quyết không đạp đất chung
Trai hùng tráng lúc quốc biến xả thân
Lấy máu nóng cứu dân khỏi hồi nguy nan
Chí hiên ngang
Bao năm công đức
Xây đắp nên non nước nhà
Sóng gió nguyện khắc trong
Tấm quốc dân không xóa nhòa
Vì đâu vua Trưng nữ ra quân
Vì non sông tử tiết vong thân
Nước cuốn réo rắt như thiết tha gọi quốc hồn
Thiên thu trên Hát Giang vang tiếng lòng
Dân đau đớn khóc giang san phải hồi ngửa nghiêng
Cùng nhau khấn non nước thiêng liêng”.
Bên cạnh những giai điệu hào hùng, thúc giục tiến công, hoặc lãng mạn, đưa con người bay vút khỏi hiện thực, cũng cần lắm những giai điệu bi hùng, thể hiện nỗi đau đớn của con người trước những mất mát do chiến tranh gây ra. Tôi cũng không ngờ, dẫn ra lời ca của tác phẩm này, lại thấy có sự trùng hợp kỳ lạ: “Hồn tử sĩ” ca ngợi tấm gương tuẫn tiết của Hai bà Trưng, còn ở đây, tôi đang nhớ tới hai nữ đồng chí, đồng nghiệp thân thiết của tôi. Cả bốn người, dù ở những thời đại khác nhau, địa vị gowin99 khác nhau, tầm vóc lịch sử khác nhau, nhưng đều chung một lý tưởng, đó là nền độc lập của nước nhà!
Phạm Việt Long
Link nội dung: //revcat.net/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-13-a14901.html