link tải gowin99 mới nhất

Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 11 )

Cuộc sống ở chiến trường gian khổ, ác liệt là vậy, nhưng không bao giờ lặng lời ca, tiếng hát. Nói một cách khác, chính lời ca, tiếng hát tạo thêm động lực, năng lượng để những người chiến sĩ cách mạng vượt qua gian khổ, khó khăn, ác liệt, sống trong một tâm thế vui tươi, lạc quan.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

 

Ở Ban Tuyên huấn Khu V, có nhiều cô gái trẻ, họ rất yêu nghệ thuật. Các cô quen hát những làn điệu dân ca của quê hương mình, nhất là Bài chòi, một thể loại dân ca phổ biến ở các tỉnh miền Trung Trung bộ, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Nay, tiếp xúc với những cán bộ người miền Bắc, các cô rất thích học những bài hát mới. Chuyện này vui lắm. Chúng tôi, những chàng trai miền Bắc, mà hát Bài chòi, thì người nghe không thể nhịn được cười, bởi Bài chòi có khoảng giọng đặc biệt, nó lửng lửng lơ lơ, khiến cho người miền Bắc không thể nào hát đúng giai điệu được, nghe nhạt phèo. Còn các cô gái miền Trung, khi hát nhạc mới, cũng cứ “trật chìa”, lời đi một đằng, nhạc chạy một nẻo. Thế nhưng, chúng tôi cứ hát, cứ cười, cứ vui. Trong các cô gái này, có Kiều Thị Nghị, quê ở Quảng Ngãi, là hăng hái học hát nhất. Mặc dù hát bài nào, cô cũng biến thành loại lai Bài chòi, nhưng cô vẫn say sưa hát. Cô đòi tôi chép cho cả hơn chục lời bài hát vào một cuốn sổ tay nho nhỏ mà tôi tặng cô khi tôi mới từ miền Bắc vào. Tất nhiên, trong hơn chục bài đó, chỉ có vài ba bài là cô được tôi dạy cho hát. Vậy mà, tôi thấy nhiều buổi trưa, Nghị ngồi đung đưa trên võng, dở sổ ra, lẩm nhẩm hát hết bài này đến bài khác. Tôi nghe thoang thoảng, thấy cô hát bài “Bước chân trên giải Trường Sơn” chẳng khác “Bài ca bên cánh võng” là mấy. Và, tôi chợt nhớ câu thơ của Bùi Minh Quốc “Em hát bằng giai điệu của riêng em!” Đúng rồi, âm nhạc là tinh túy của tâm hồn. Một khi tâm hồn thanh cao, âm nhạc sẽ tuôn trào, không cần theo khuôn mẫu nào hết! Có lần, thấy tôi chăm chú nhìn và nghe em hát, Nghị cười hồn nhiên: “Anh dạy cho em bài này nghe, bài này em sắp thuộc rồi!” Đó là bài “Em là hoa Pơ lang”. Ấy vậy mà tôi chưa kịp dạy cho em, em đã ra đi mãi mãi, đem theo cuốn sổ ghi bài hát mà tôi tặng em, để lại trong tôi nỗi đau đớn khôn nguôi. Tôi đã ghi về Kiều Thị Nghị trong “Bê trọc” như sau:

“Giữa những ngày mưa giông dữ dội này, tôi nhận được một tin thật đau lòng: vừa qua, trong đợt chuyển gạo, cơ quan chúng tôi bị hy sinh 3 đồng chí: Đinh Thành Lê, Kiều Thị Nghị và Bình. Ngày 4/6, Lê, Bình, Nghị và Minh chuyển gạo từ sông Giang lên. Tới Trà Lãnh, Bình bị bọn địch từ máy bay trực thăng HU1A bắn chết bằng một quả rốc két. Trong khi máy bay vẫn quần lượn và đổ quân, 3 người còn lại hỳ hục tìm cách chôn cất Bình. Xong, Lê và Nghị lại chỗ để bao gạo để sửa soạn, chuẩn bị đi. Minh còn nán lại sửa mộ cho Bình. Bất thần anh nghe 2 tràng đạn nổ liên hồi, đạn bay riu ríu qua đầu. Anh vội nhảy vào rừng, luồn xuống suối và chạy thoát với bộ quần áo lót trên người, cái ăng gô hỏng xách trong tay. Anh chạy như trong cơn mê sảng, tay luôn nắm chặt chiếc ăng gô hỏng. Cứ chạy bừa trong rừng mà cũng về tới cơ quan, khi ấy râu anh bạc hết. Còn Lê và Nghị, hai người đồng chí thân yêu của chúng tôi, vĩnh viễn nằm lại đó, giữa đường xuyên núi lạnh lẽo. Thật đau lòng, khi mọi người đến chôn thì thi thể Lê và Nghị đã trương lên, không mang đi được. Đành phải tấp ni lông rồi lấp đất, giữ nguyên vị trí và tư thế của 2 người lúc tắt thở: Lê nằm nghiêng gần bụi lách bên vệ đường, Nghị nằm ngửa giữa đường...

... Tôi nhớ Kiều Thị Nghị, một thiếu nữ rất hồn nhiên, sôi nổi và đầy nghị lực. Tôi thường gọi Nghị bằng họ của em “Kiều” và coi Kiều như em tôi - Kiều bằng tuổi đứa em trai kề tôi. Lúc nào Kiều cũng hoạt bát, vui vẻ. Nụ cười rất tươi có điểm hai lúm đồng tiền nhỏ, luôn đem lại cho tôi niềm vui - ngay cả trong lúc khó khăn vất vả. Đôi mắt Kiều đẹp như mắt bồ câu và rất trong sáng. Cái nhìn lúc nào cũng như lấp lánh, lấp lánh những niềm vui làm xáo động lòng người. Tuy sống ở rừng núi bị sốt rét huỷ hoại nhiều, Kiều vẫn có vẻ đẹp phảng phất của một thiếu nữ châu Âu.

Tôi nhớ Kiều những lúc cùng phát rẫy, hai anh em thường đi chung một lối. Tối về sưởi chung một bếp lửa. Em thường đòi tôi dậy học và dậy hát. Nhớ những buổi trưa nằm võng nghe em đọc những truyện ngắn trong tập văn nghệ giải phóng. Đặc biệt, tôi rất nhớ những chuyến gùi cõng đầy vất vả cùng Kiều. Những lúc ấy Kiều luôn tỏ ra là người có nghị lực phấn đấu mạnh. Hồi cõng hàng ở nước Oa, Kiều rẽ vào kho cõng dầu, còn bọn tôi cõng bắp, hẹn gặp nhau ở sông Tranh. Tới sông, chúng tôi dăng tăng, ăn cơm và đợi mãi mà vẫn chưa thấy Kiều đến. Anh em đoán Kiều gặp khó khăn gì đó, chắc là ngủ lại kho. Nhưng tới khi trời nhoà tối và lất phất mưa thì mọi người ngạc nhiên thấy Kiều cắm cúi cõng thùng dầu đi tới. Đúng là Kiều gặp khó khăn: thùng bị chảy. Xoay sở mãi tới 4 giờ mới có thùng thay, song Kiều vẫn quyết tâm đi. Tôi ngồi nhìn Kiều ăn cơm - những hạt cơm lạnh ngắt - với chút xì dầu mặn chát, cười nói vui vẻ mà thấy lòng trìu mến lạ.

Kiều đi sản xuất trước tôi 2 tháng. Khi tôi vào, gặp Kiều và Nhơn trỉa bắp ở gần rẫy Nóc ông Chanh. 4 người giở bánh chưng ra ăn rồi cùng xén tỉa, dọn xong rẫy đó. Kiều ơi! Cái rẫy bắp em trỉa đó, giờ bắp đã chín rồi. Khi cõng bắp về, anh không khỏi ngậm ngùi nhớ tới em. Anh nhớ khi về cơ quan, em hẹn khi nào ăn bắp nhớ để phần em với. Anh mong có ngày em vô, bắp non đó em tha hồ nướng mà ăn. Giờ đây bắp trỉa đã ra trái vàng rồi, mà em không trở lại, mà em mãi mãi đi xa!...

...Hôm em trở về Ban, anh đi cõng gạo và cùng đi với em một buổi đường. Bữa cơm trưa hôm đó, anh em mình ăn ở đỉnh dốc trên nước Lon, giáp sông Tang. Thức ăn cũng chỉ là ít xì dầu trộn muối rang, củ nén. Giờ đây, mỗi khi ăn thứ lương khô đó, anh lại nhớ tới em nhiều. Ăn rồi chúng ta chia tay nhau. Anh bắt tay em và hẹn ngày gặp lại. Ngờ đâu em ơi, bữa cơm đó là bữa cơm tiễn biệt, cái bắt tay đó là cái bắt tay cuối cùng, tạm biệt mà thành vĩnh biệt. Em đi một mình về Trà Niêu và lo phải ngủ rừng một mình, sợ cọp. Cọp không có, không hại em, song giặc Mỹ giết mất em! Cái loài cọp dữ đó giết hại bao người đồng chí thân yêu của tôi rồi.

Nghị ơi, cái bình đông nhựa của em - cái bình đông từng đựng nước cho hai anh em mình uống chung - bọn biệt kích Mỹ cũng lấy lưỡi lê đâm thủng rồi em ạ. Thật tan nát lòng anh!

Tấm đi mưa của em thủng mấy lỗ, anh dán giùm em, giờ đắp cho em đó. Em đã gặp lại gia đình chưa? Hình như không em nhỉ, vì gia đình em bị giặc lùa vào khu dồn rồi mà. Nằm dưới lớp đất mỏng, dưới trời mưa dữ dội này, có lạnh lắm không em? Giông tố cuồng loạn trong lòng anh!

Nghị ơi, anh mong rằng khi về Ban, anh sẽ gặp lại em, sẽ lại chép cho em bài hát, sẽ cố dạy em học văn hoá để em lên được một lớp cùng với anh em khác, vậy mà em đã đi xa rồi, xa mãi. Bài hát “Em là hoa Pơ Lang” anh chép cho, em đã thuộc chưa và có mang theo không? Tiếng nói của em vang mãi trong lòng anh!

Khi viết thư cho bạn, em viết: “Cố gắng xứng đáng với quê hương hơn nữa!..” Em ạ, em đã xứng đáng với quê hương rồi đó. Anh nguyện sống sao cho xứng đáng với em, với sự hy sinh của em. Khi em đi vào cõi vĩnh hằng, cũng là lúc em sống trong trái tim anh mãnh liệt nhất. Không ngày nào anh không suy tưởng đến em. Không ngày nào anh không nhắc tên em! Em đã đi qua 21 mùa xuân của cuộc đời, và giờ đây, em sẽ đi vào mùa xuân bất tận của tâm hồn anh!” (Bê trọc, NXB Thanh Niên, NXB Văn học 1999). Thế đấy, quân xâm lược đã giết hại một cách dã man những cô gái trong trắng, yêu đời như vậy đấy. Nhưng, chúng không bao giờ dập tắt được giai điệu quật cường của đất nước tôi! Tôi tin rằng, ở nơi xa xăm kia, Kiều Thị Nghị vẫn hát say sưa những bài ca được ghi trong cuốn sổ của em, bằng giai điệu của riêng em!

Trên dãy Trường Sơn này có một người được mệnh danh là người lính hát rong, đó là nghệ sĩ Thanh Đính. Anh là một ca sĩ chuyên nghiệp được cử vào miền Nam, sinh hoạt trong Tiểu Ban văn nghệ. Hồi mới vào chiến trường, đi thuyền qua một con sông, tôi bỗng thấy mặt nước xao động bởi một giọng hát cao vút, khỏe khoắn với bài “Qua sông”. Thì ra, một con thuyền chở khoảng 6 người đang đi ngược lại phía thuyền của tôi, giọng hát phát ra từ nơi ấy. Một nghệ sĩ không còn trẻ nữa, trán cao, ôm đàn ghita ngồi ở mũi thuyền say mê hát. Chẳng phải ai khác, đó là anh Thanh Đính. Lần khác, khi tôi cùng mấy người lính ngồi nghỉ ở đỉnh dốc Cọp, thì Thanh Đính vai vác ba lô, tay ôm đàn, hì hục leo lên dốc. Vừa đặt ba lô xuống, nghe một cậu lính trẻ reo: “Nghệ sĩ Thanh Đính đây rồi. Hát đi nghệ sĩ ơi”, là anh gảy đàn, hát liền: “Đời giao liên bước tôi đi”. Anh hát say sưa, mặc cho mồ hôi vẫn đang ướt đẫm lưng áo. Rồi anh lại hát “Trên đỉnh Trường Sơn tôi hát bài ca”. Cứ thế, anh hát liền 5 bài rồi mới ngừng, cười và hỏi: Các bạn còn yêu cầu hát bài gì nữa?” Một cậu lính da ngăm đen, tóc húi cua, có vẻ lém lỉnh:

- Anh ơi, chúng em là lái xe, bây giờ đang mất xe, thành lính bộ, nhưng sắp có xe rồi. Vậy anh hát tặng chúng em bài bát  đi.Tuy đã được nghe tốp ca nữ hát trên đài, chúng em vẫn muốn nghe anh hát.

 

- Xong ngay! – Thanh Đính tự tin trả lời, tay lại gảy mấy hợp âm ghita, và anh hát:

“1. Ơi cô gái Trường Sơn

Bao đêm em đi mở đường

Cho từng chuyến xe anh qua

Vang giọng hát em ngân xa.

 

Tuổi thanh xuân đến với núi rừng

Dù bom rơi mưa giông nắng lửa

Vượt hiểm nguy em băng băng qua

Mở đường xe anh ra tiền tuyến.

 

Anh qua bao núi cao,

Anh qua bao dốc đèo

Đường anh đi mang tình em

Như tình quê hương nâng bước ta đi.

 

Đường in trong tim anh,

Đường in dấu chân em

Đường Trường Sơn yêu biết mấy

Khi miền Nam sáng trong lòng anh.

 

2. Đi san đường bạt núi,

Giữa pháo sáng với đạn bom

Như người chiến sĩ xông pha,

em hộ tống xe anh qua.

 

Trường Sơn ơi núi cao mấy tầng

Đường em ghi chiến công lẫy lừng

Tràn niềm tin trong muôn gian lao

Đường tiền phương xe anh thẳng tới.

 

Sao lung linh khắp trời,

Như em soi sáng đường.

Rừng đêm đêm chứa chan niềm vui

Trên đường anh qua chiến thắng nơi nơi.

 

Đường mang bao nghĩa tình,

Đường Nam - Bắc yêu thương

Đường Trường Sơn say chiến đấu

Khi miền Nam sáng trong lòng anh..”

Hát xong, vẫn đứng, ôm đàn ghita, Thanh Đính hóm hỉnh  hỏi:

- Vậy ở đây, chú nào đem được “tình em” theo nào?

Các chú lính cười ran thay câu trả lời. Thanh Đính lại hỏi:

- Chú nào biết bài hát này ai sáng tác, trong hoàn cảnh nào?

- Chịu chịu chịu... – Chú lính da ngăm đen nói liến thoắng – Anh giải thích cho chúng em đi!

- Á à, thế mà cũng đòi hát theo yêu cầu. Nhớ đây nhé: Bài hát này là của nhạc sĩ Văn Dung, nhớ chưa?

- Dạ nhớ rồi ạ!

- Bài này được nhạc sĩ Văn Dung sáng tác mới đây thôi, trong chuyến công tác thực tế tại Đường 9 Khe Sanh đấy, nhớ chưa?

- Dạ, nhớ rồi ạ!

Hứng chí, Thanh Đính nâng đàn, định hát tiếp, thì cậu lính lém lỉnh ấy ngăn lại:

- Thôi, anh nghỉ chút đã. Em có lương khô 702, anh ơi, 702 hẳn hoi nhé, với bi đông nước cam, mời anh xơi đã, rồi hát tiếp.

Thanh Đính dựa đàn vào gốc cây, ngồi xuống, cười hồn nhiên như trẻ thơ:

- Ờ, thế à? Đâu, nước cam đâu, mình khát quá. À, lương khô 702 dành cho sĩ quan mà sao kiếm được? Mình cũng đói quá rồi! À, mà ăn xong, thì phải ghi cảm tưởng vào sổ của mình đây nhé!

Tất cả cười vang. Gió thổi thốc từ thung lũng lên, mát rượi! Chưa hết hứng khởi, Thanh Đính uống một hớp nước rồi nói:

- Mình hát tặng các bạn bài hát về Bác Hồ:  :

1-

Từ trong chiến hào hôm nào nghe tiếng Bác,

Hồn ta sáng rực như nở hoa,

Còn chi cao quý hơn độc lập tự do,

Lời Người vang vang gió Xuân đưa về khắp mọi nhà.

 

Ôi thiêng liêng tiếng Bác nghe như lời Tổ quốc,

Xuyên đêm tối dắt đường ta tiến tới,

Cho mưa tuôn, cho bơm rơi, dẫu có chết, ta chẳng sờn,

Lời Bác chiếu lòng ta huy hoàng.

 

2-

Nhìn về quê nhà ôi thành đô rớm máu,

Mẹ ta héo mòn trong khổ đau,

Thành đô tên Bác nhớ cách mạng mùa thu,

Sài Gòn thân yêu nấu nung căm hờn giữa ngục tù.

 

Nay tim ta có ánh nắng mặt trời của Bác,

Trong tranh đấu ta mạnh chân tiến bước,

Cho quê ta, cho muôn nơi, dứt tiếng khóc, vang tiếng cười,

Lòng Bác thắm lòng dân đời đời.

 

3-

Cửu Long sóng cồn như giục cơn bão tố,

Trường Sơn chấn động ba thành đô,

Biển Đông reo mãi tiếng của Người dạy ta,

Cả đời công ơn khắc sâu ghi lòng bao giờ nhòa.

 

Người đi xa vắng tiếng của Người còn đây,

Tình Người bao la sáng soi cuộc đời ta hằng ngày.

 

Ôi vinh quang biết mấy tiến dưới cờ của Bác,

Ta đi tới giữa bình minh chiến thắng,

Trên cao nguyên, nơi ven đô, giữa xóm ấp, trong phố phường,

Tình Bác sáng đường ta đi, tình Bác sáng đời ta.

 

Không hiểu rằng những chú lính ngồi nghe Thanh Đính hát trên đỉnh dốc Cọp hồi ấy, bây giờ có ai đọc bài báo của Như Nguyễn đăng trên baicadicungnamthang.net viết về nghệ sĩ Thanh Đính như sau không:

“Đến điểm nghỉ chân lưng chừng dốc, anh cầm chiếc ghi ta cũ kỹ khoác bên mình, "phừng phừng" dạo nhạc, thử dây rồi hát luôn… "Ta đi trong nắng, ta đi trong mưa/Từng ngày từng tháng/Là từng bài ca/Thiết tha cùng ta vượt qua gian khổ"… Anh không đợi công chúng cỏn con vài ba người ngồi nghỉ trước mặt yêu cầu, đề nghị, cứ vậy hát luôn mấy bài.

Những bài hát vô cùng quen thuộc với anh em chúng tôi suốt hai tháng trời rong ruổi trên dọc dài dãy Trường Sơn, và dường như ai trong chúng tôi cũng thuộc ít nhiều: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Dậy mà đi, Nổi lửa lên em… Và kỳ lạ hơn, khi thấy anh rút từ ba lô ra một cuốn sổ tay khổ chừng 13x18cm đưa cho mỗi "thính giả" để viết cảm tưởng. Thì ra trong cuốn sổ đặc biệt ấy, những dòng chữ viết tay đã chi chít đến vài chục trang rồi...

...Mấy tháng sau, dễ tới nửa năm, Tôi lại gặp người ca sĩ lần thứ hai, tại cơ quan ban Tuyên huấn Khu 5, nơi tôi làm việc. Thì ra anh là ca sĩ Thanh Đính, một thành viên lâu năm trong Ban chúng tôi. Không hẳn tôi nhớ ra anh ngay, duy có chiếc ghi ta đeo bên mình, khiến tôi nhận ra người hát rong hồi nào. Một giai điệu khỏe khoắn lại như âm âm trong tiềm thức tôi, Ai chiến thắng không hề chiến bại/Ai nên khôn không khốn một lần/Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi… Đó là vào giữa năm 1971, tại khu rừng nước Oa, thuộc miền Tây Quảng Nam. Anh vào chiến trường từ năm 1966, sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt nam khóa đầu. So với chúng tôi, anh là bậc đàn anh, lính Khu Năm có thâm niên.

Khi sống với anh, mới nhận ra điều này: Anh hát dọc đường không phải chỉ một vài khoảnh khắc cao hứng, mà đó là phong cách đặc trưng Thanh Đính. Anh phục vụ mọi người, dù chỉ một hai anh giao liên, một vài cô gái K'ho gùi gạo tình cờ trên đường gặp gỡ. Và anh vẫn không hề quên sau mỗi lần kết thúc "chương trình biểu diễn" là rút cuốn sổ ra để công chúng ghi cảm tưởng.

Có một lần, nghĩ lại thật buồn cười. Cuốn sổ anh đưa cho một cô gái, và một chàng trai người dân tộc. Cô gái cầm cuốn sổ, lật từng trang chữ, nhìn rất lâu như thể cô đang đọc. Nhưng không, cô chỉ nhìn và lặng im. Khi Thanh Đính giục, viết vài dòng cảm tưởng, cô mới rúc rích cười, "Mình không biết chữ đâu mà…" . Nhưng khi xuống dốc, chúng tôi lại nghe giai điệu bài hát mà Thanh Đính vừa hát cách đây mươi phút.

Đó là tiếng hát âm âm không rõ lời của cô gái K'ho hồi nãy. Thì ra người dân tộc có thể không biết chữ, nhưng khả năng cảm nhận, nhập tâm giai điệu rất nhanh. Sau này, sống với người dân trong "nóc" nhiều, tôi mới thực sự nhận ra điều này. Nhiều em chăn trâu, hay đi nhổ củ mì, chỉ cần nghe tiếng hát nho nhỏ qua chiếc đài Stansitor, là có thể hát theo, giai điệu rất chuẩn, cả những khi luyến láy phức tạp.

Một chuyến đi công tác xa, hay gùi gạo, gùi mì, ít nhất Thanh Đính cũng có trên chục lần "biểu diễn". Có đêm nghỉ lại gần một lán nhỏ ven rừng. Thấy anh có mang theo ghita, mấy thanh niên hoan hỷ mời anh vào sâu bên trong. Đi được một đoạn đường, leo qua vài ngọn đồi nhỏ, mấy con suối con, hiện dần ra mấy túp nhà tranh nhỏ, khuất che dưới hàng cây rậm rạp.

Thì ra đó là lớp học bổ túc cho những thanh niên sớm tham gia cách mạng. Họ phần lớn là người Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đêm đó Thanh Đính hát một mạch 25 bài, không nghỉ. Tôi nghĩ, đó là một kỷ lục, hiếm có một ca sĩ nào phục vụ hết mình như Thanh Đính. Sau đêm biểu diễn đó, Thanh Đính được bồi dưỡng một tô cháo loãng. Mắc võng nằm bên mấy chiếc võng của các học viên trẻ, sáng sớm hôm sau anh vội vã cuốn võng vào ba lô, kịp ra đường để nhập đoàn, tiếp tục chuyến đi công tác của mình...

...Trong cuốn sổ "Cảm tưởng" của Thanh Đính, dễ có cả ngàn cái tên, ghi nhận cảm xúc của anh em chiến sĩ, cán bộ Khu 5 khi được ca sĩ Thanh Đính phục vụ vô điều kiến trong những năm tháng khói lửa chiến trường. Có lẽ đó cũng là một kỷ vật đi suốt cuộc đời ca hát của NSƯT Thanh Đính chăng.

Đến năm 1973, anh không còn ở với chúng tôi trong chiến trường Trung Trung Bộ. Nhưng vài năm sau tôi lại được nghe giọng hát của anh trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1975 Thanh Đính trở lại miền Nam, nhưng vào sâu hơn, tận chiến trường Nam Bộ. Mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng là lúc Thanh Đính theo cánh quân vượt qua Tây Ninh, tiến vào Sài Gòn. Tại đây, chiến sĩ, đồng bào lại được nghe giọng hát của Thanh Đính vang lên trên Đài phát thanh Giải phóng. Vẫn những bài hát truyền thống say lòng. Vẫn Thanh Đính hát hết mình khúc quân hành Giải phóng miền Nam. Một lần tình cờ, chúng tôi bật máy và nghe anh hát, như thể hồi nào anh đã hát cho chúng tôi nghe nơi lưng chừng dốc núi Tây Nguyên… Qua núi qua sông/Qua đồng lúa chín…”.

 

(Còn nữa)

Phạm Việt Long

Link nội dung: //revcat.net/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-11-a14874.html

程序发生错误,错误消息:System.IO.IOException: 文件或目录损坏且无法读取。 在 System.IO.__Error.WinIOError(Int32 errorCode, String maybeFullPath) 在 System.IO.FileStream.Init(String path, FileMode mode, FileAccess access, Int32 rights, Boolean useRights, FileShare share, Int32 bufferSize, FileOptions options, SECURITY_ATTRIBUTES secAttrs, String msgPath, Boolean bFromProxy, Boolean useLongPath, Boolean checkHost) 在 System.IO.FileStream..ctor(String path, FileMode mode, FileAccess access, FileShare share, Int32 bufferSize, FileOptions options) 在 SuperGroup.Core.Start.FileNotFoundHandle.d__2.＀⬀() --- 引发异常的上一位置中堆栈跟踪的末尾 --- 在 System.Runtime.ExceptionServices.ExceptionDispatchInfo.Throw() 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.HandleNonSuccessAndDebuggerNotification(Task task) 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.GetResult() 在 SuperGroup.Core.Start.FileNotFoundHandle.d__1.＀伀() --- 引发异常的上一位置中堆栈跟踪的末尾 --- 在 System.Runtime.ExceptionServices.ExceptionDispatchInfo.Throw() 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.HandleNonSuccessAndDebuggerNotification(Task task) 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.GetResult() 在 SuperGroup.Core.Bootstrapper.d__18.＀ꠀ()