Dù không được tu nghiệp qua các trường quân sự nổi tiếng nhưng bằng tài năng quân sự thiên bẩm, họ đã làm nên những chiến công hiển hách. Lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự của đất nước luôn dành cho các vị tướng ấy những lời ngợi ca bất hủ. Chỉ cần nhắc đến tên các vị tướng ấy, cả dân tộc đều ngả mũ chào. Các vị tướng ấy cũng luôn tâm niệm NHẤT TƯỚNG CÔNG THÀNH VẠN CỐT KHÔ!.
Vinh quang của họ là máu xương của hàng ngàn hàng vạn người lính, con em nhân dân cả nước đã chiến đấu và hi sinh dưới sự chỉ huy của họ. Những người lính ấy có thể có người là đồng hương nhưng chắc chắn không phải đều là đồng hương của các vị tướng.
Nhân dân không đòi hỏi, thân nhân các liệt sĩ không thể bắt ép, nhưng các vị tướng ấy luôn canh cánh trong lòng về những sự hi sinh ấy. Tôi biết, không ít các vị tướng chiến trường dù tuổi cao sức yếu vẫn cùng đồng đội trở về các chiến trường xưa cùng các CCB đi tìm hài cốt những người lính của mình. BINH NHÌ tôi đã từng gặp và thật sự kính trọng các vị tướng, những người chưa một lần là chỉ huy đơn vị tôi vì nghĩa cử và tình đồng đội và vì tài năng của họ.
Những vị tướng trưởng thành sau khi Tổ quốc chúng ta không còn chiến tranh dù chưa kinh qua thực chiến nhưng nhiều người, rất nhiều người trong số họ có đầy đủ bản lĩnh của người làm tướng.
Đồng hương của các vị tướng cũng luôn tự hào về vị tướng của quê hương mình. HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG. Không cần phải làm nhờ người này, cậy người kia tung hô, điều mà ngày nay giới trẻ gọi là PR, cấp dưới vẫn chấp hành nghiêm mệnh lệnh của họ, nhân dân cả nước vẫn tin tưởng giao phó con em mình cho họ chỉ huy để bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng nói thật, bây giờ ở nước ta có nhiều tướng quá. Riêng trong Quân đội, nếu lấy số quân thường trực tại các đơn vị chia cho số tướng tại ngũ thì không biết mỗi vị tướng hiện nay có trong tay bao nhiêu quân hay chỉ giải quyết khâu oai như thiên hạ thường nói? Tướng nhiều quá. Đã nhiều thì ắt hẳn không thể đều là tinh hoa. Trong số tướng tại chức ngoài những người đức rộng, tài cao, có bao nhiêu viên tướng do TÀI LUỒN LÁCH, HỐI LỘ mà lên? Những vụ án mà những bị can đứng sau vành móng ngựa có cả một lô tướng từ thiếu tướng đến thượng tướng đã phần nào nói lên điều đó. Nhưng còn bao nhiêu kẻ tội phạm mang hàm tướng chưa bị lộ? Những vị tướng mới ngày nào nguyện vì Nước vì Dân, những vị tướng đã nghiêm trang thề trung thành dưới cờ Đảng nhưng vì QUYỀN và LỢI đang đổi màu, tha hóa có ân hận không, hay chỉ tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình nhằm thu lợi nhiều hơn?
Mấy ngày qua trên mạng gowin99 và trong dư luận đang rần rần bàn tán về câu chuyện vô tiền khoáng hậu. Ấy là ở một huyện nọ có gần 50 vị tướng cả trẻ cả già vừa vừa, dưới sự chủ trì của một ông tướng đang làm quan đầu tỉnh đứng ra họp mặt để thành lập cái gọi là HỘI TƯỚNG LĨNH HUYỆN… (Trong số các vị tướng này có ai trong diện phải xem xét kỉ luật không? Ai mà biết được!)
Khi mới đọc tin này tôi vô cùng khâm phục truyền thống cách mạng và tài năng xuất chúng của những người con quê hương của Cố TBT Trần Phú. Thật hiếm có địa phương nào như vậy. Nhưng lần giở thêm lịch sử cách mạng của quê hương Xô viết Nghệ -Tĩnh bỗng sửng sốt vì ở phía Bắc sông Lam, tại huyện Nghi Lộc, có số tướng lĩnh nhiều hơn. Điều đặc biệt hơn, khi nói về các vị tướng của huyện Nghi Lộc, thì người ta biết nơi đây có nhiều vị tướng nổi danh cả trong chiến tranh giải phóng, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và trong giai đoạn hiện nay. Thử hỏi, trong số tướng của huyện nọ có bao nhiêu vị tướng được nhiều người biết đến hay chỉ có anh em ông tướng đứng ra chủ trì Đại hội thành lập Hội? Mà ông tướng anh thì cử tri cả nước đã không ít lần dậy sóng khi nghe ông phát biểu trong nghị trường.
Nhưng dù sao, các ông tướng cũng là công dân. Các ông ấy có quyền làm những gì pháp luật không cấm dù làm như vậy có thể không được lòng Quân, lòng Dân.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ về một VỊ TƯỚNG. Tôi viết hoa vì dù chỉ là một việc làm nhỏ nhưng VỊ TƯỚNG ấy xứng đáng sống trong lòng những người lính chúng tôi. Chuyện rằng:
Những CCB của Đoàn PB Biên Hòa tại Hà Nội tổ chức gặp mặt nhân ngày truyền thống của đơn vị. Địa điểm họp mặt là cơ quan BCH QS quận Đống Đa, nơi anh Vũ Xuân Tình, nguyên cán bộ chỉ huy của trung đoàn PB 28 làm Chỉ huy trưởng.
Khoảng gần 10 giờ sáng khi chúng tôi đang chăm chú nghe đồng chí Trưởng ban Liên lạc báo cáo (ngày ấy là vậy, chương trình nghị sự của cuộc gặp mặt nào cũng phải có báo cáo về truyền thống đơn vị, dù anh em đến chỉ muốn gặp nhau trò chuyện) bỗng nhiên phía trên ồn ào rồi tiếng vỗ tay rào rào. Anh Đặng Nghiêm Diệm, đại tá, bỗng thốt lên: “Anh... !“ Tiếng của anh chìm đi giữa những tiếng hoan hô của cả hội trường mấy trăm con người.
Từ ngoài cửa, một ông già mặc áo khoác sĩ quan, đầu đội mũ lông cừu dành cho các vị tướng của quân đội Liên xô, cổ quấn một cái khăn len to nhưng vẫn đang run. Ra hiệu cho mọi người thôi vỗ tay, ông chào anh em và nói:
-Xin lỗi các đồng chí, đáng lẽ tôi đến từ sớm nhưng chờ mãi không thấy đồng chí hôm qua gọi điện mời và hẹn sẽ đón tôi trước 8h sáng nay. Quá giờ hẹn nhưng không thấy đồng chí ấy đến và cũng không gọi điện lại. Sợ đồng chí ấy không biết nhà nên tôi ra đầu ngõ chờ. Thấy muộn quá nên tôi quyết định gọi xe ôm.
Khi gọi được xe mới nhớ trong túi mình không có đồng nào. Tôi nói với cậu xe ôm : “Hiện giờ tớ không có tiền nhưng đến nơi họp, anh em đồng đội tớ sẽ gửi cậu tiền sau”
Cậu xe ôm chở tôi đến nơi và vội đi ngay. Tôi hỏi sao không chờ lấy tiền, cậu ấy nói : “Con ủng hộ ông” rồi đi luôn.
Tình người là thế. Một chú xe ôm vì khâm phục một cụ già CCB mà tình nguyện chở miễn phí. Có thể chú ấy không biết mình vừa chở một vị Trung tướng, nguyên Phó Tổng TMT!
Vâng, ông CCB già ấy là Trung tướng Doãn Tuế (1917 - 1995), Nguyên Phó TTMT, Nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh năm ấy đã qua tuổi “xưa nay hiếm”.
Sau này anh Đặng Nghiêm Diệm mới kể lại sự việc thế này:
Theo phân công của Ban Tổ chức, anh “Ch.”, người có xe máy sẽ gọi điện mời và đón thủ trưởng. Không hiểu sao, đến giờ hẹn anh “Ch.”, người tự nhận mình có bạn là những vị tướng ở QK Thủ đô và cũng không ít lần tiếp cận Trung tướng lại quên đón Thủ trưởng. Nhưng cũng nhờ có sự cố hi hữu này mà anh em cấp dưới lại biết thêm được phẩm chất cao quý của Thủ trưởng.
Khi ấy nhà riêng của Trung tướng Doãn Tuế bên cạnh cổng Bộ Tư lệnh QK Thủ đô. Chỉ dăm bước chân vào đến cổng QK hay chỉ cần nhấc máy điện thoại ở nhà riêng thì ít phút sau sẽ có xe đến đón Thủ trưởng. Nhưng Thủ trưởng không làm như vậy vì không muốn đơn vị phải tốn xăng xe và người phục vụ và hơn hết, Thủ trưởng không muốn sử dụng vị trí của mình vào việc không cần thiết.
Một vị tướng cả đời trận mạc luôn nghĩ đến cái chung, không muốn phiền hà cấp dưới. Chuyện rất nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Nhân chuyện ông tướng đầu tỉnh chủ trì cái “HẠI ĐỘI” thành lập Hội tướng bỗng dưng lại nhớ đến chuyện xưa và muốn kể lại.
Riêng ông tướng đầu tỉnh khi tổ chức cái “HẠI ĐỘI” này chắc chắn không bỏ tiền túi của mình ra khoản đãi. Rồi còn những tốn phí khác cũng do ngân sách chi trả và người phục vụ cũng là đội ngũ công chức của tỉnh, của huyện. Chưa hết, báo Tỉnh lại còn phải cử phóng viên tường thuật rồi mấy ngày sau lại đăng tiếp bài giải thích cho thiên hạ thấu hiểu tấm lòng của các ông tướng huyện này. Sau này người ta có làm nên cơm cháo gì không thì hãy đợi đấy. Còn trước mắt, BINH NHÌ tôi chỉ thấy đây là sự hợm hĩnh, công thần và đầy tính cục bộ địa phương.
Ôi, ôi!
Tôi kể lại những điều này với vị trí của một BINH NHÌ, là người lính mới nhập ngũ, chưa qua chiến trận. Tôi viết có thể đúng hoặc chưa hoàn toàn đúng nhưng không sai.
Xin đừng ném đá vì tôi chỉ là BINH NHÌ, một binh nhì của những năm đánh Mỹ. Và , tôi cũng chỉ thử bàn thôi.
Trái tim người lính
Quy Mai
Link nội dung: //revcat.net/binh-nhi-thu-ban-ve-dao-lam-tuong-a14785.html