Khi sự kiện Vịnh Bắc bộ xảy ra, Mỹ kiếm cớ dùng máy bay oanh tạc miền Bắc, ngay trong đêm 5 tháng 8 năm 1964, nhạc sĩ Vĩnh Cát, khi đó là Bí thư Đoàn thanh niên trường Âm nhạc Việt Nam, đã viết ca khúc :
“1. Trời xanh đã nổi lửa
Biển xanh đã cuộn sóng
Đất nước đã đứng dậy
Cả Tổ quốc đang gọi ta
Có chúng tôi đã sẵn sàng
Máu sôi lên uất hận tràn
Vì nhân dân hiến cả tuổi xuân
Sẵn sàng ta ra đi chiến đấu
Súng trong tay đã lắp đạn
Bắn cho tan lũ bạo tàn
Dù gian nguy
bất kỳ nơi đâu có giặc là đánh
Đánh là phải thắng!
2. Chờ nghe tiếng Đảng gọi
Là ta quyết nhập ngũ
Bước dồn ra chiến trường
Vượt Trường Sơn ra tiền phương
Chúng tôi ra đi sẵn sàng
Đến nơi đâu nếu Đảng cần
Từ bao lâu mối hận thù sâu
Quyết diệt cho tan đế quốc Mỹ
Có anh em sát cánh cùng
Khắp năm châu vững một lòng
Dù gian nguy
bất kỳ nơi đâu có giặc là đánh
Đánh là phải thắng!”
Có thể nói, đây là “lời hiệu triệu” bằng âm nhạc, cuốn hút hàng triệu thanh niên sẵn sàng cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Chỉ mấy hôm sau, “Có chúng tôi sẵn sàng” do tốp ca nam nữ trình bày, đã vang lên trên sóng Đài TNVN. Sau đó TW Đoàn phát động phong trào 3 sẵn sàng. Chúng tôi viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Trong lúc chờ được xét tuyển nhập ngũ, chúng tôi tập đeo ba lô, hành quân vào các buổi tối. Chúng tôi hát lại các bài của thế hệ cha anh: ‘’Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu), “Hành quân xa” (Đỗ Nhuận)… Tâm hồn chúng tôi cũng hừng hực tinh thần yêu nước, hòa với các bài hát được phát trên đài phản ánh khí thế chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta. Chúng tôi đào công sự phòng chống máy bay trong nhịp điệu hối hả của bài hát
“1. Ta lại đào công sự cho trận chiến đấu ngày mai
Nào tay cuốc (ấy) tay mai ta đào mau (ớ dô hò dô, dô ta).
Tranh thủ lúc trời chưa sáng ta đào bằng xong
Đây là nơi đặt pháo, đây là hào (ù) giao thông.
Nay mai pháo của ta nòng vươn cao trên trận địa
Bắn gục bọn xâm lăng tàn ác
Bảo vệ đất nước làng quê (dô ta).
Nào bên gái (ấy) bên trai ta đào mau (ơ) dân làng ơi (dô ta).
Tranh thủ lúc trời chưa sáng ta đào ta khoan
Ta lèn cho thật chắc, cắm thêm cành (i ì) ngụy trang.
Nay mai pháo của ta nòng vươn cao trên trận địa
Bắn gục bọn xâm lăng tàn ác
Bảo vệ đất nước làng quê (dô ta).
(KẾT)
Ta lại đào công sự (dô ta)
Cho cuộc chiến đấu còn dài (dô hò dô, dô ta).”
Chúng tôi hăng hái tới phục vụ việc chuyển đạn, ngụy trang ở các trận địa pháo, lòng vững tin ở cuộc chiến đấu chính nghĩa mà mình tham gia, quyết không cho kẻ địch thoát thân nếu chúng xâm lược nước ta. Chúng tôi rất khoái giọng điệu hào hùng, ca từ chắc nịch của bài hát (Hoàng Vân):
“1. Nghe tiếng súng oai hùng trừng phạt quân cướp nước đang điên cuồng
Vui đón chiến công đầu từ biển khơi cho tới nơi biên phòng.
Tổ quốc thân yêu chào mừng
Lời Bác luôn luôn dặn dò
Nắm chắc tay cày không buông rời tay súng.
ĐK:
Ta đan lưới lửa trên trời, ta giăng lưới thép ngoài khơi
Chắc tay súng bộ đội và dân quân sẵn sàng
Không cho chúng nó thoát!
Không cho chúng nó thoát!
Súng vươn nòng sấm sét đang chờ chúng nó tới.
Không cho chúng nó thoát!
Không cho chúng nó thoát!
Chúng bay vào sẽ không có đường ra.
Trên đất nước tươi đẹp mười năm qua chan chứa bao nhiêu tình.
Biển lúa mênh mông dạt dào
Nhà máy khói bay đầy trời
Sức chúng ta làm ra bay đừng hòng lên cướp phá.
(ĐK)
Đặc biệt, thời gian này, bài hát của nhạc sĩ Doãn Nho hướng chúng tôi nối tiếp bước quân hành của lớp cha anh với niềm tin tưởng và quyết tâm cao độ:
“Vừng đông đã hửng sáng
Núi non xanh ngàn trùng xa
Tổ quốc bao la hiền hòa
Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao
Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa
Lấp lánh sao bay trên Quân kỳ.
Nghe rung núi đồi từng bước ta đi
Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa
Nhìn cờ hồng bay rực rỡ...
Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim
Quên thân mình một niềm tin trong phong ba
Tô thắm tươi thêm màu cờ
Giữ vững hòa bình, dựng xây tương lai
Chân trời mới sáng ngời quân ta đi.
Ghi sâu trong lòng từng bước ta đi
Mãi mãi vững tin Đảng tiên phong
Bộ đội của ta đang mạnh lớn
Lớp lớp sóng người vững bước dưới cờ
Vinh quang này là đoàn quân ta chiến thắng
Dưới ánh Quân kỳ chiếu sáng ngời...”
Bây giờ, tôi được biết rằng "Tiến bước dưới quân kỳ" là một trong 10 bài ca chính thức quy định của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết: Bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” tôi viết năm 1958, ngay trên đỉnh đồi A1 Điện Biên Phủ. Thời gian đó, Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị trở lại chiến trường xưa để phục vụ bà con và các chiến sĩ. Tôi được giao nhiệm vụ đi tiền trạm để phục vụ cho cuộc biểu diễn đồng thời sáng tác kịp thời tác phẩm mới cho Đoàn.
Hôm đó, tôi đến đồi A1, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi gây cảm xúc mạnh mẽ đó là hai mộ liệt sĩ vô danh và chiếc xe tăng gục nòng nằm đó. Mặc dù sau chiến thắng Điện Biên Phủ 4 năm, đó là thời hòa bình nhưng ở đó hơi thở của chiến tranh vẫn còn nặng nề bởi hàng ngày vẫn có tiếng mìn nổ. Ngay cả đường đi đến trường của các cháu học sinh mặc dù đã được dọn sạch nhưng các cháu hiếu động trèo lên cây khị xuống vấp phải mìn nên vẫn có thương vong. Thế rồi bà con khi dắt trâu bò đi sản xuất thì trâu bò cũng vấp mìn, khói súng chiến tranh vẫn đậm nét.
Ngày đó, tôi đã tốt nghiệp trường Sĩ quan lục quân khóa 6 nên bạn bè đồng đội của tôi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ khá nhiều và không ít người đã nằm lại nơi đây. Đi từ dưới chân đồi lên, bước từng bậc tôi cảm thấy rất buồn, cảm giác như từng bậc từng bậc mình đang bước theo linh cữu của đồng đội mình.
Khi lên đến đỉnh đồi, ngồi xuống vệ cỏ và quan sát thấy cây cối quanh mình rất xanh, đặc biệt là màu xanh thẫm, xanh đen của cỏ…tôi thấy rằng dưới lớp đất đó chính là máu, xương của đồng đội mình. Cảm xúc dâng trào trong đầu tôi đã bật ra những câu hát đầy cảm xúc “bước từng bậc nhớ từng người lòng đau nhói…uất ức, căm hờn hôm nay phải trả. Đồng chí ta ơi!” và đó cũng chính là những tứ đầu tiên mà sau này tôi sử dụng vào đoạn giữa bài hát: “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi. Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa. Nhìn cờ hồng bay rực rỡ. Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim”. Những câu hát đó cũng được viết trước bởi vì quá xúc động bởi đó cũng chính là hình tượng của những cựu chiến binh đã ngã xuống trên mảnh đất Điện Biên nói chung và trên đồi A1 nói riêng.
Năm đó là năm quân đội ta chuyển sang rèn luyện chính quy, nên cho trở về quê hương 8 vạn cán bộ chiến sĩ và còn lại trong quân đội là những cán bộ từ tiểu đội trở lên là những người đã từng trải chiến đấu.
Lúc đó từ đồi A1 nhìn xuống con đường sang phía bên kia, mỗi buổi sáng các chiến sĩ hành quân ra thao trường tập luyện. Trong đoàn hành quân đó nhìn kỹ thấy có các anh em mới nhập ngũ mà quân đội lấy từ công trường, nông trường, từ nhà máy trường học lên. Họ là những tân binh trẻ măng. Nhưng xen kẽ trong đó là các cán bộ làm khung làm thủ trưởng, những người từng trải chiến đấu với sự rắn giỏi và nước da sạm đen.
Và nét nhạc “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi” chính là để khắc họa nòng cốt những thế hệ đã chiến đấu đã từng trải đi trước. Từ đó, tôi mới viết nên đoạn đầu: “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa. Tổ quốc bao la hiền hòa tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa lấp lánh sao bay trên quân kỳ…” chính là tinh thần phơi phới của lớp trẻ măng đó trong đội ngũ sáng sáng ra thao trường.
Hình ảnh đội ngũ già, trẻ theo bước chân nhau ra thao trường với hai thế hệ đã gây xúc động mạnh mẽ trong tôi giúp tôi khắc họa một cách khái quát nhất hình tượng nghệ thuật trong bài hát này. Đó chính là tư tưởng chính trị, là truyền thống nhân văn với thông điệp sâu sắc là “hết thế hệ này đến thế hệ khác tiếp bước nhau đi dưới lá quân kỳ”.
Thời đó âm nhạc thường chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Đông Âu nói chung và âm nhạc của Nga nói riêng. Sự đặc biệt trong ca khúc này là sự giao thoa giữa trưởng và thứ: “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi” đó chính là son thứ, còn“Vừng đông đã hửng sáng” đấy là si giáng trưởng, chất anh hùng ca.
Giao thoa giữa si giáng trưởng và son thứ đó là một đặc điểm mà thế hệ chúng tôi thể hiện. Bởi nó diễn tả được chất anh hùng ca nhưng lại đi vào chiều sâu, thấm thía. Nếu mà chỉ có trưởng thì nó dễ nông nhưng bên cạnh đó có điệu thứ tạo nên sự trầm hùng, sâu sắc. Khi ca khúc này vang lên chúng ta cũng cảm nhận rất rõ những bước đi hào hùng của lớp lớp các cán bộ chiến sĩ đồng thời cũng thấy được chiều sâu đó chính là tình yêu quê hương, đất nước và lòng biết ơn những thế hệ chiến sĩ Quân đội nhân dân đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước.” vov.vn - Hương Loan thực hiện.
Chúng tôi tự hào là học sinh của Thủ đô, càng thêm yêu giọng hát nghệ sĩ Tuyết Thanh với bài hát (Vũ Thanh):
“Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công
Đường thênh thang Ba Đình lịch sử
Đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân
Nghe náo nức trong lòng Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ.
Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng
Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang.
Những hôm miệt mài trên bãi tập
Chiến công này hẳn có tay em.
Anh chiến sĩ ơi, đã bao đêm canh bên nòng súng
Ngắm những đường phố mà thấy sao tha thiết
Ôi Thủ đô thịt da máu xương ta...
Trút căm hờn vào quân xâm lược
Giữ đất trời Thủ đô mến yêu của ta.
Khi bom vừa rơi và khói bay trong nắng
Anh công nhân điện vẫn sáng trong đêm
Tiếng loa truyền về tin thắng trận
Giữa đất trời Thủ đô tự hào.
Ta nghe tiếng ca, tiếng ông cha ta xưa còn đó
Giữ lấy Tổ quốc dù máu xương rơi xuống
Giữ lấy Thủ đô mà năm tháng xây nên
Trút căm hờn vào quân xâm lược
Lửa anh hùng truyền thống xưa đang vùng lên
Thủ đô Hà Nội của ta là một bài ca thân yêu.”
Tôi có kỷ niệm hơi lạ với bài hát này. Đó là một ngày cuối thu, tôi đi xe đạp trên phố Hàng Bài. Khi ngang qua rạp chiếu phim Tháng 8 thì trời bỗng tối xầm lại, gió thổi thốc lên, lá từ những cây sấu trên hè phố rụng ào ào. Tôi phóng xe nhanh để tránh gặp mưa, tai lại nghe vẳng đến câu hát “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công...” Say với giai điệu cuốn hút của bài hát, tôi càng đạp xe mạnh hơn. Đến nỗi một nữ cảnh sát phải đứng ra vệ đường, dơ tay và hô lớn: “Giảm tốc độ xuống”. Khi ấy, tôi mới bừng tỉnh, giảm tốc độ, nghe trong tiếng lá rụng rào rào, tiếng nghệ sĩ Tuyết Thanh “Thủ đô Hà Nội của ta là một bài ca thân yêu...”
Sau này, khi đã vào chiến trường công tác, tôi lại càng tự hào hơn về Thủ đô khi nghe bài hát của nhạc sĩ Phan Nhân, qua giọng hát của nghệ sĩ Trần Khánh:
“Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời,
Càng toả ngát hương thơm hoa Thủ đô.
Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô.
Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau.
Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng
Của núi sông hôm nay và mai sau.
Chân ta bước lòng ung dung tự hào,
Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao.
Ôi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây!
Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông.
Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta
Là ngôi sao mai rạng rỡ.
Sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long,
Nhẹ nhàng bước chân hành quân dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền.”
Bài hát hòa với tâm trạng của tôi, một thanh niên đang xa Hà Nội để tham gia cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, và luôn luôn hướng về Hà Nội với niềm tin và hi vọng, tin rằng cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng, hi vọng có ngày tôi lại được trở về với hồ Gươm lung linh mây trời, để rồi vào năm 1975, niềm tin, hi vọng ấy của tôi đã thành sự thật.
(Còn nữa)
Phạm Việt Long
Link nội dung: //revcat.net/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-4-a14733.html