LTS: Từ giữa tháng 8/2021 đến nay tròn 1 năm, revcat.net đã liên tiếp phát 7 tập Tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” của PGS TS Cao Văn Liên được nhiều bạn đọc truy cập và hoan nghênh. Để liền mạch, từ hôm nay (15/8/2022), revcat.net đăng tiếp Tiểu thuyết lịch sử “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” cũng do NXB Hông Đức ấn hành đầu năm 2022 của PGS TS Cao Văn Liên.
Tuy NXB Hồng Đức không đề Tiểu thuyết lịch sử “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” là Tập VIII nhưng qua trao đổi với tác giả thì coi đây là Tập VIII nằm trong Bộ Tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” để bạn đọc tiện theo dõi. Xin kính cáo và trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc.
Kỳ 1.
I.
Tháng 5 năm 1953, thành phố Paris, thủ đô hoa lệ của nước Pháp thoáng đãng và rộng rãi trong một không gian như mênh mông chan hòa ánh nắng. Ánh nắng dịu dàng rải xuống những ngôi nhà nhiều tầng đủ hình dạng cao thấp khác nhau. Kiểu kiến trúc gô tích, kiểu kiến trúc hiện đại trải dài hai bên bờ sông Seine. Sông Seine uốn hình cánh cung chảy qua Paris từ phía đông-nam và ra khỏi thành phố ở phía tây. Nắng rải xuống dòng nước trong xanh với những chiếc du thuyền trôi vô định. Dòng nước trong xanh lung linh dưới nắng soi bóng những cây cầu cong vút bắc qua hai bờ sông với dòng người ngược xuôi tấp nập. Nắng cũng rải xuống tháp Eiffel từ phía xa xa vươn lên bầu trời như ngọn bút khổng lồ đang viết lên mây gió. Nhà thờ Đức Bà tráng lệ thiêng liêng, nơi chứa đựng tín ngưỡng, niềm tin vào Đức Chúa của hàng chục triệu giáo dân Pháp và Paris. Từ cây cầu lớn Pont Royat sẽ nâng bước du khách tới Viện bảo tàng Louivre và Khải Hoàn Môn.
Đó là ngày 7 tháng 5 năm 1953, trong điện Livoro tráng lệ với muôn ánh đèn màu, Tổng thống Đệ tứ Cộng hòa đang chủ trì cuộc họp quan trọng của Chính phủ Pháp về tình hình khẩn cấp của cuộc chiến tranh Đông Dương lần 2. Tổng thống Vincent Auriol với bộ veston màu xám đứng dậy và nói:
-Thưa các ngài, hẳn các ngài đã biết hôm nay chúng ta họp khẩn cấp để bàn về chiến tranh Đông Dương. Vì thất bại và sụp đổ của thuộc địa Đông Dương có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nước Pháp, ảnh hưởng đến toàn bộ thuộc địa của đế quốc Pháp trên toàn thế giới, nhất là ở các nước châu Phi.
-Như các ngài đã biết, trong đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945), Nhật Bản, đồng minh của phát xít Đức, Ý đã đánh chiếm Trung Quốc, đánh chiếm Đông Nam Á và đánh chiếm toàn bộ khu vực Thái Bình Dương. Năm 1940, Nhật Bản từ Trung Quốc tiến vào chiếm Đông Dương là thuộc địa của chúng ta. Nhật Bản cùng ta thống trị Đông Dương, Nhưng từ ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật đã lật đổ chính quyền Pháp trong 48 giờ. Từ đó, Toàn quyền Decaux đến những viên chức Pháp đều bị tước quyền hành và bị bỏ tù hoặc bị nhốt trong trại tập trung. Nhật Bản độc chiếm Đông Dương.
Ngày 9 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản thất bại trong Đại chiến thế giới thứ hai. Đạo quân Quan Đông 1 triệu quân mạnh nhất của Nhật Bản bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt ở đông bắc Trung Quốc ngày 9 tháng 8. Trước đó, ngày 6 tháng 8, Mỹ đã ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hi rô si ma, giết chết 20 vạn dân, tiếp đó, ngày 9 tháng 8, Mỹ ném tiếp quả thứ hai xuống thành phố Na ga da ki giết thêm 10 vạn dân nữa. Sức cùng lực kiệt, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thiên Hoàng phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Chớp thời cơ đó, Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam nổi dậy tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám, phế bỏ nền quân chủ phong kiến của Bảo Đại, phế bỏ chế độ thuộc địa, tuyên bố thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố Việt Nam là nước tự do độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, tại kinh đô Huế, Bảo Đại, Hoàng đế cuối cùng của Vương triều Nguyễn đã thuyên bố thoái vị, thừa nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trước cửa Ngọ Môn, Bảo Đại đã trao ấn tín, Quốc bảo của hoàng triều cho đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Trần Huy Liệu và ông Cù Huy cận.
Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Việt Nam thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lâm thời, ngày 2 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, tuyên bố Việt Nam là quốc gia thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ với tên gọi Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Việt Nam đã tổ chức Tổng tuyển cử trên cả nước, bầu ra Quốc hội và thông qua hiến pháp, tạo nên thế hợp hiến, hợp pháp cho Chính phủ, cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, trên cơ sở đó Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập.
Trước tình hình biến động to lớn như vậy ở Việt Nam, chúng ta vẫn phải quay lại Đông Dương để khôi phục đế quốc Pháp vĩ đại của chúng ta. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng ta đã nhanh chóng có mặt tại Sài Gòn và bắt đầu đánh chiếm Nam Bộ. Sau hiệp định Pháp-Hoa, quân Pháp đã tiến ra miền Bắc và đánh chiếm Hải Phòng, Hà Nội. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng dậy. Chúng ta đã tiếp tục giành được những đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng. Chính phủ Hồ Chí Minh đã rút về nông thôn và miền núi, tiến hành một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện và lâu dài. Thu đông năm 1947, chúng ta chủ động mở chiến dịch Việt Bắc nhằm bắt sống đầu não của Việt Minh, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, nhưng thất bại trong chiến dịch này làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của chúng ta, buộc ta bị động. Toàn bộ chiến dịch Việt Bắc, chúng ta đã bị tiêu diệt 6.000 lính Pháp và lính Việt, bị bắt 270 lính, 18 máy bay bị bắn hạ, 16 tàu chiến, 38 ca nô bị bắn chìm, 255 xe các loại bị phá hủy. Ngoài ra, Việt Minh còn thu được 2 pháo 105 ly, 7 pháo 75 ly, 16 pháo 20 ly, 337 súng cối các loại, 45 bazoka, 1.600 súng trường và hàng chục tấn quân trang quân dụng. Với trận Việt Bắc, cuộc tấn công thu đông của ta hoàn toàn bị phá tan, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh hoàn toàn bị phá sản. Đánh lâu dài là điểm yếu căn bản của quân Pháp, phải đối phó với cuộc chiến tranh toàn dân của Việt Nam. Cho nên, sau tám năm chiến tranh, quân ta bị đánh bại trong nhiều chiến dịch lớn. Như chiến dịch Biên Giới năm 1950, chiến dịch này do Việt Minh khai chiến từ 6 tháng 9 đến 7 tháng 10 năm 1950 nhằm phá thế cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt Nam Trung Quốc để nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa với các nước, trước hết là với hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chiến dịch Biên Giới đã làm phá sản chiến lược quân sự và chính trị của Pháp, đập tan vòng vây biên giới nhằm cô lập chính trị, quân sự, ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hành lang Đông-Tây của Pháp bị chọc thủng, kế hoạnh Reve sụp đổ. Trong chiến dịch Biên Giới, chúng ta đã tổn thất 8.000 binh lính. Đây là tổn thất chưa từng có trong lịch sử xâm lược thuộc địa của Pháp suốt từ thế kỷ XIX cho đến nay. Tệ hại hơn, sau chiến dịch Biên Giới, quân ta mất quyền chủ động về quân sự, chính trị.
Tổng thống Pháp dừng lại, lấy khăn lau mấy giọt mồ hôi trên trán, uống hớp nước và nói tiếp:
-Thất bại tiếp theo của chúng ta là chiến dịch Trung du tháng 12 năm 1950. Chiến dịch này do Việt Minh chủ động tấn công, là một trong những cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào tuyến Trung Du Bắc Bộ của Quân đội liên hiệp Pháp. Đây là một trong ba chiến dịch lớn của Việt Minh trong đông xuân 1950-1951. Việt Minh đã giành thắng lợi lớn tại hai mũi tiến công ở Vĩnh Phúc và Hải Ninh. Cả chiến dịch, Việt Minh đã đánh thiệt hại nặng binh đoàn cơ động của Pháp, loại khỏi vòng chiến đấu 5.000 quân viễn chinh Pháp với hơn 2.000 bị bắt sống, trong đó, riêng mặt trận Vĩnh Phúc, ta bị giết chết 2.565 lính, bị bắt 1.577. Chiến dịch đã làm nhiều hội tề tan rã, 32 vị trí, tháp canh bị tiêu diệt và bức rút. Việt Minh đã thu hồi lượng lớn vật tư chiến tranh, đặc biệt là 1.478 súng các loại có thể trang bị cho một trung đoàn mạnh. Tiếp theo, chúng ta lại thất bại trong chiến dịch Hòa Bình từ ngày 10 tháng 12 năm 1951 đến ngày 25 tháng 2 năm 1952. Phạm vi chiến dịch này thuộc khu vực thị xã Hòa Bình, sông Đà và đường số 6, cách Hà Nội khoảng 60 km về phía tây. Trong chiến dịch này, Việt Minh nhằm tiêu diệt sinh lực quân đội Pháp, đánh bại kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của ta, phá tan phòng tuyến sông Đà, tạo điều kiện cho chiến tranh du kích phát triển ở đồng bằng Bắc Bộ. Kết quả, Quân ta đã bị loại khỏi vòng chiến 21.249 quân, trong đó 14.030 chết và bị thương, 7.219 bị bắt.
Quân đội liên hiệp Pháp còn liên tục thất bại trong các chiến dịch Tây Bắc. Từ tháng 9 năm 1952 đến tháng 10 năm 1952, Quân đội Việt Minh liên tục tấn công Tây Bắc Việt Nam nhằm tiêu diệt sinh lực Pháp, giải phóng đất đai, làm thất bại kế hoạch xây dựng “Xứ Thái tự trị” của Pháp. Trong chiến dịch thu đông 1952 này, Pháp đã bị tiêu diệt và bị bắt sống 6.029 lính. Quân đội Việt Minh đã xóa bỏ và chiếm 85 vị trí, thu 3.785 súng các loại, 90 máy vô tuyến điện, 1.459 chiếc dù, mở rộng quyền kiểm soát thêm 28.000km2 đất đai với 250.000 dân, trong đó có thị xã Sơn La và toàn tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản). Trong khi đó, ở đồng bằng Liên Khu Ba, Quân đội Việt Minh đã tiêu diệt 12 đơn vị cỡ đại đội, diệt 4.031 lính Pháp, bắt 1.746 lính, mở rộng nhiều khu căn cứ ở đồng bằng sông Hồng, nối liền vùng kiểm soát Tây Bắc với chiến khu Việt Bắc, nối Tây Bắc với Thượng Lào.
Tháng 4 đến tháng 5 năm 1953, quân đội Pháp còn thất bại ở Thượng Lào. Việt Minh phối hợp với quân đội Pa thét Lào tấn công nhằm giải phóng hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, tiêu diệt sinh lực Pháp, mở rộng căn cứ địa kháng chiến của Lào. Liên quân Lào-Việt đã tiêu diệt và bắt sống 2.800 lính Pháp, giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lỳ với diện tích 4.000km2 và hơn 300.000 dân.
Càng về sau, Việt Minh càng ở vào thế chủ động tấn công vững chắc, quân Pháp lâm vào thế bị động chiến lược, các kế hoạch quân sự đều thất bại. Trong tám năm chiến tranh, Chính phủ Pháp đã sụp đổ liên tục, thay liên tục 6 tướng 4 sao ở Đông Dương là Tổng tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp: Leclerce, từ tháng 4 năm 1945 đến tháng 6 năm 1946, do bị thất bại trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh. Tướng Valluy thay thế từ tháng 7 năm 1946 đến tháng 5 năm 1948, bị triệu hồi do thất bại trong chiến dịch thu đông năm 1947. Tiếp đó tướng Blai Jat thay thế từ tháng 9 năm 1949, phải về nước vì không thực hiện được chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Tướng 4 sao M. Corgente sang thay nhưng nhưng bị hồi chức vì thất bại trong chiến dịch Biên Giới tháng 7 năm 1950. Tướng Delattre DeTasisigny cũng bị thua trận liên tục và phải về nước nhường chỗ cho tướng Raul Salan. Nhưng tướng Salan bị đánh bại trong chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Tháng 5 năm 1953, Salan phải về nước. Đây là vị tướng 4 sao trụ được lâu nhất trong chiến tranh Đông Dương.
Như vậy, một mình tướng 4 sao Võ Nguyên Giáp của Việt Nam đã lần lượt đánh bại 6 tướng 4 sao của ta. Phải chăng ta thất bại liên tục ở Đông Dương do thiếu một vị Tổng Chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp tài năng, khả dĩ có thể đương đầu được với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Vấn đề này các ngài trong Chính phủ hết sức lưu ý để sau khi nghe xong bản báo cáo này phải giải quyết ngay trong hội nghị này.
Tổng thống V. Auriol với khuôn mặt đỏ bừng, ngừng một lát và nói tiếp:
-Xin mời ngài Thủ tướng Joseph Laniel.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/dienh-bien-phu-ban-hung-ca-chien-thang-tieu-thuyet-lich-su-ky-1-a14700.html