Kỳ 33
- Hồ Văn Mịch, người phụ trách chế tạo vũ khí báo cáo:
-Dạ, thưa anh, cơ sở chế tạo bom của ta ở làng Mỹ Điền, tỉnh Bắc Giang ngày 3 tháng 9 năm 1929, do sơ suất bén lửa đã phát ra tiếng nổ lớn, tường nhà bị sập đổ, mái nhà bị hất tung, người chế tạo bom đã chết, thân thể nát tan. Chủ nhà Lương Văn Trạm và nhiều đồng chí bị bắt.
-Dạ, báo cáo Chủ tịch, ngày 20 tháng 11 năm 1929, Pháp đào được 67 quả bom bỏ trong chum chôn dấu dưới đất.
-Ngày 23 tháng 12 năm 1929, tại Nội Viên, Tiên Du, Bắc Ninh, Pháp đào được 84 quả bom bỏ trong chum chôn ở gò cao.
-Dạ, thưa Chủ tịch, tất cả các cơ sở sản xuất bom ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bạch Mai, ấp Thái Hà - Hà Nội đã bị lộ. Quân Pháp càng khủng bố gắt gao. Có lẽ chúng đã đánh hơi được Đảng đang chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Lại có tin báo:
-Dạ báo cáo lại có thêm 200 đảng viên của ta bị bắt giam, bị tra tấn rất dã man ạ.
Lại có tin báo:
-Dạ báo cáo Chủ tịch, lại có thêm 50 cơ sở Đảng bị Pháp tấn công tan vỡ ạ.
Trước tình hình khẩn trương nguy cấp đó, Nguyễn Thái Học bàn với những nhân vật chủ chốt trong Tổng Bộ:
-Pháp tấn công dữ dội, chúng kiên quyết tiêu diệt chúng ta, chúng ta phải phát động tổng khởi nghĩa, nếu không Đảng sẽ bị tiêu diệt.
Phạm Tuấn Tài nói:
-Nhưng mà việc chuẩn bị khởi nghĩa chưa hoàn tất, nếu mà khởi nghĩa chưa chắc đã thành công.
Nguyễn Thái Học nói:
-Chúng ta đã dấn thân vào con đường cứu nước thì xá gì, tổng khởi nghĩa không thành công thì cũng thành nhân.
Nguyễn Khắc Nhu nói:
-Nếu ngài đã quyết tâm tổng khởi nghĩa thì nên triệu tập Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc để quyết định.
Nguyễn Thái Học nói:
-Ngài nói phải lắm, ngài Phó Đức chính là Trưởng Ban tổ chức hãy thông báo triệu tập Đại hội Đảng toàn quốc đi, địa điểm tại làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh vào ngày 10 tháng 1 năm 1930.
-Tuân lệnh ngài Chủ tịch.
* *
*
Tháng 1 năm 1930, còn là mùa đông nên nắng không gay gắt, nắng chan hòa rải khắp vùng sông Đuống, làng xóm hai bên bờ sông xanh mướt bóng cây. Những cây cau cố vươn lên cao nhất, phô hàng trăm đốt và khoe buồng quả xanh, quả bé như những con chim chích chi chít bậu quanh, những rặng nhãn trùm lên những mài nhà gianh ẩn mình, che đi những cảnh nghèo nàn trong sương nắng. Trên dòng sông Đuống, những con đò như những con thoi đưa chở khách ngược xuôi đi hội đền làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành bên bờ Nam sông Đuống. Dòng sông xanh ngát vẫn vô tình đưa nước về xuôi theo năm tháng.
Hòa lẫn với khách bộ hành đông đúc đi dự lễ hội đền, các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng cải trang và bí mật tới địa điểm Đại hội trong căn nhà rộng rãi chìm trong vườn vải do Thị Bộ Bắc Ninh bố trí. Do bị khủng bố nên chỉ được 200 đại biểu, chủ yếu là các chi bộ ở Bắc Kỳ về dự. Thị Bộ Bắc Ninh bố trí người gác tất cả các ngã đường về làng Đức Hiệp, có địch hay mật thám thì phải đốt pháo báo hiệu, lại bố trí một tiểu đội giấu súng ngắn và bom nhỏ bí mật mai phục bảo vệ vòng trong. Các đại biểu cũng được phát mỗi người một khẩu súng ngắn giấu trong người. Mọi người tự túc ăn uống, chủ yếu là đem theo bánh chưng, giò, trưa ăn xong vào họp ngay.
Trong căn nhà lá cọ ba gian đủ chỗ cho 200 đại biểu, không có bàn ghế, chỉ trải chiếu và ngồi xuống nền nhà. Chỉ có một cái bàn gỗ đơn sơ giành cho diễn giả đứng nói mà thôi. Mọi thành viên dự họp không được ghi chép, chỉ cố vận dụng trí óc mà nhớ. Trước mặt mọi người, bức vách chái nhà có treo lá Đảng kỳ của Việt Nam Dân Quốc dài 2m, rộng 1m, nửa trên là màu vàng, nửa dưới là màu đỏ. Bắt đầu khai mạc, Phó Đức Chính nói:
-Kính mời các đại biểu đứng dậy làm lễ chào cờ.
Mọi người đứng dậy nghiêm trang chào cờ. Tiếp theo là 3 phút mặc niệm những đảng viên đã hy sinh trong những đợt khủng bố của Pháp từ 1929 đến đầu 1930.
Mở đầu Đại hội, Trưởng ban tổ chức Phó Đức Chính giới thiệu:
-Kính mời ngài Chủ tịch Đảng Nguyễn Thái Học lên làm việc với Đại hội.
Một ông già nhưng dáng đi khỏe mạnh, đàng hoàng bước lên cạnh chiếc bàn đơn sơ, người đó mặc bộ quân áo com lê màu xám, áo sơ vin trắng, thắt cà vạt màu đỏ. Lại đến chiếc bàn, người đó bỏ kính đen, tháo bộ râu ra. Mọi người bấy giờ vui sướng nhận ra Nguyễn Thái Học. Có tiếng nói:
-Ngài Chủ tịch hóa trang khéo quá.
-Chắc là em Tổng thư ký hóa trang cho Chủ tịch.
Mọi người cười vui vẻ.
Trong thời kỳ khủng bố, không chỉ Nguyễn Thái Học mà những đồng chí trong Tổng Bộ đều phải hóa trang khi ra ngoài. Nguyễn Thái Học nói:
-Thưa các ngài, các ngài đã biết, dù không được Thành bộ Hà Nội và Tổng Bộ cho phép, ba đảng viên của Đảng đã tự động ám sát chết tên Ba danh, một tên trùm mộ phu tàn ác ở Bắc và Trung Kỳ. Đó là ba đảng viên Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đức Lung. Dù không bắt được ba người, không có bằng chứng gì là vụ ám sát do Đảng ta tiến hành, nhưng Pháp đã bắt một cựu sinh viên trường Bưởi là Riêng Sanh và lấy ra một tờ danh sách 200 đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng trong túi người này. Như vậy, Pháp đã dàn cảnh để lấy cớ tấn công tiêu diệt đảng ta. Nhưng từ đâu ra được danh sách 200 đảng viên? Bây giờ câu trả lời đã rõ là do tên Bùi Tiên Mai phản bội, chỉ điểm. Ngay đợt khủng bố đầu tiên Pháp đã bắt và xử 227 đảng viên của ta. Sau đó, một số đảng viên không chịu được những đòn tra tấn dã man của Pháp đã đầu hàng và khai ra như tên Kinh, tên Ngọc, tên đội Dương. Những tên phản bội Đảng đã bị Tòa án cách mạng tối cao của Đảng xử tử, nhưng vẫn không thể hết được những tên chỉ điểm, những tên phản bội lời thề. Cho đến nay, sau nhiều lần bắt bớ khủng bố, hàng trăm đảng viên đã bị bắt tù đày, giết hại, giam cầm, hàng trăm cơ sở Đảng đã bị phá vỡ. Tình hình hiện nay, Đảng ta đang đứng trước nguy cơ tan rã và bị tiêu diệt. Trước tình hình nguy cấp đó, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương họp ở Lạc Đạo tháng 4 năm 1929 đã nhất trí chuyển từ giai đoạn xây dựng, phát triển Đảng sang giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa để cứu Đảng. Nhưng tình hình không chỉ dừng lại để ta chuẩn bị mà trước tình hình khẩn cấp hiện nay chúng tôi dự tính chuyển sang giai đoạn tổng khởi nghĩa. Mong các ngài thảo luận cho ý kiến để Đại hội ra được quyết định đúng đắn.
Sau lời phát biểu của Nguyễn Thái Học, không khí chìm hẳn xuống, sự lo lắng cho vận mệnh của Đảng bao trùm hội trường. Trong đầu đại biểu nào cũng có một câu hỏi với tình hình bất lợi như bây giờ thì tổng khởi nghĩa có thể thắng lợi được không hay đưa Đảng đến bờ diệt vong? Lê Hữu Cảnh đứng lên nói:
-Tôi phản đối tổng khởi nghĩa. Ngài Chủ tịch Đảng Nguyễn Thái Học vừa nói đến tình hình của Đảng khó khăn về mọi mặt, nhất là việc chuẩn bị lực lượng chưa hoàn tất. Không có thời cơ, không có thiên thời, không có địa lợi, không có nhân hòa thì tổng khởi nghĩa lúc này là thất bại, là Đảng bị tiêu diệt.
Tiếp theo Lê Hữu Cảnh thì Nguyễn Đôn Lâm đứng dậy:
-Tôi tán thành ý kiến của ngài Lê Hữu Cảnh, chúng ta chưa xây dựng được lực lượng, tổng khởi nghĩa là thất bại, hơn nữa sau đó sẽ tai hại vô cùng là Đảng bị tan rã và không tồn tại.
Tiếp theo sau ý kiến của Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Đôn Lâm thì còn khoảng 10 ý kiến nữa phản đối tổng khởi nghĩa. Ý kiến của Tổng Bộ và Ban chấp hành Trung ương phát biểu, đa số đều tán thành tổng khởi nghĩa. Cuộc tranh luận giữa hai luồng ý kiến kéo dài và gay gắt và hình như không có hồi kết. Nguyễn Thái Học nói:
-Thực ra nói rằng chúng ta chưa đủ lực lượng cũng không đúng, chúng ta có hàng trăm chi bộ dân sự, hàng chục chi bộ nhà binh, lẽ nào ngồi chờ bị Pháp dần dần tiêu diệt hết? Cho dù tổng khởi nghĩa “Không thành công thì cũng thành nhân".
Nguyễn Đôn Lâm hỏi:
-Xin ngài Chủ tịch giải thích “Không thành công cũng thành nhân” là như thế nào ạ?
Nguyễn Thái Học đáp:
-Trước hết khi thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, những đảng viên vào Đảng đều không không quản sự hy sinh của bản thân để làm con người yêu nước, trung với nước, vì dân và vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, như vậy dù sự nghiệp không thành công nhưng chúng ta đã làm được con người vì dân vì nước là bậc thang giá trị bậc nhất trong bảng giá trị của con người, sử sách sẽ ghi tên họ vạn đại thiên thu. Đó là nghĩa thứ nhất của “Không thành công cũng thành nhân”. Ý nghĩa thứ hai là sự kiện tổng khởi nghĩa của chúng ta sẽ làm chấn động nước Pháp, chấn động thế giới, chấn động Đông Dương, nói lên tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chúng ta hy sinh nhưng tấm gương của chúng ta sẽ cổ vũ thế hệ hiện tại và mai sau đứng lên đấu tranh không ngừng để giành độc lập dân tộc, tiêu diệt quân thù. Chúng ta là cầu nối để các thế hệ sau đi đến đài chiến thắng. Chưa nói đến những trang lịch sử của 1.000 năm đấu tranh chống phong kiến Trung Quốc để giải phóng đất nước, chỉ nói đến lịch sử gần đây, từ khi Pháp xâm lược cho đến nay, các ngài Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Nguyễn Thiện Thuật, gần đây nhất là Hoàng Hoa Thám và nhiều người nữa, tôi không có thời gian kể hết. Các ngài ấy đều biết lực lượng quá chênh lệch so với Pháp, nhưng các ngài đã chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là gì? Đó là vì tinh thần "Không thành công cũng thành nhân". Chúng ta đã lập Đảng cách mạng, chúng ta đã vào Đảng cách mạng là chúng ta đã sẵn sàng tinh thần "Không thành công cũng thành nhân”, sẵn sàng “Sát thân thành nhân”. Tại sao chúng ta còn chần chừ do dự trong giờ phút quyết định này?
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-33-a14574.html