Chả là! Tổ dân phố chúng tôi tuy ở trong vùng đô thị nhưng diện tích rất có chiều sâu, đất nhà nào cũng có chiều dài trên dưới năm mươi mét. Mà đa số là công nhân nhập cư trong thời kỳ mở cửa ( sau năm 1995) và cũng đại đa số là nhà cấp bốn lợp tôn dã là may mắn lắm rồi. Vậy nên đằng sau mấy chục căn nhà đó đều có vườn trồng rau, nuôi gà và những cây ăn trái.
Nơi đây yên tĩnh nên chim chóc thường kéo về làm tổ và nghỉ ngơi. Nào Cu đất, nào Chào mào, Rẻ quạt...nhưng nhiều nhất vẫn là chim Sẻ. Nơi đây như một công viên thu nhỏ của các loài chim để được vui chơi suốt ngày và tránh trú những khi trời mưa bão.
Thật ra thì trước đây có người đặt lưới bắt chúng, tuy nhiên về sau thấy nhiều người góp ý là " cá nước, chim trời" bắt chi tội nghiệp nên thôi. Cũng từ đó tuy không có bất kỳ một điều kiện nào nhưng những cư dân trong tổ âm thầm bảo vệ đàn chim, nên đàn chim ngày một đông hơn và mạnh dạn hơn với con người và vật nuôi. Những con chim Sẻ thường sà xuống cướp thóc với gà hay vào nhảy luống rau để tìm bắt những con sâu trong thật đáng yêu.
Cũng nhờ những người bạn nhỏ nên trong lúc toàn bộ Miền Đông chìm trong đại dịch Covid- 19 tinh thần tổ dân phố nơi chúng tôi lạc quan hơn nhiều. Khi mà những buổi sáng không còn nghe tiếng gáy của gà vì đã bổ sung vào thực đơn trong những ngày phong tỏa, thì tiếng những chú chim tíu tít mỗi buổi sáng mai nghe rất sảng khoái và mang lại cảm bình yên đến lạ.
Đàn chim đang đi đâu?
Sáng nay đang trên đường bất chợt gặp mấy lòng chim bán dạo có ghi " BÁN CHIM PHÓNG SINH", thì ra mùa Vu lan đã đến. Hèn chi rất nhiều con chim Sẻ được thu gom, phục vụ nhu cầu cho khách mua để phóng sinh cầu bình yên gia đạo.
Nhắc đến phóng sinh mùa báo hiếu mà lòng tôi chợt thấy không vui, khi mà rất nhiều người chạy theo trào lưu mà ít ai biết ý nghĩa của vấn đề. Mấy năm gần đây câu chuyện phóng sinh dở khóc, dở cười mà báo chí và giới truyền thông đã từng nhắc đến.
Đó là những câu chuyện mà chắc ai cũng một lần nghe tới như:
Những những con chim bị bấm đi lông đuôi, lông cánh để không thể bay cao hơn, xa hơn mà chỉ ở một cái vòng luẩn quẩn ( mua - thả - rơi - rồi trở lại với chính chiếc lồng) cho tới chết khi sức cùng lực kiệt.
Hay đến con cá, con tôm khi người mang ra phóng sinh chưa kịp buông tay thì đã có người ôm trọn lưới không cho thoát để đưa trở về với cái chậu thân quen.
Thậm chí có những người đi phóng sinh nhưng hất những con cá lên cao cốt sao được một tấm hình để mà khoe lên mạng.
Còn nữa! Có những người xem chừng quý phái, lắm bạc nhiều tiền mới cúng dường và phóng sinh vô số kể nhưng lên xe là ghé quán đặc sản gọi ngay chim, cá, thú rừng.
Đang mãi mê suy nghĩ thì tiếng chíp chíp kéo tôi về thực tại, trước mặt tôi là những chiếc lồng với vô số con chim đang chen chúc, dẫm đạp lên nhau đúng như câu " cá chậu, chim lòng" cất lên những tiếng kêu buồn bã như vẻ cầu xin được trả lại tự do. Tôi nghĩ biết đâu trong số chim này, co những con trong vười nhà tôi mỗi sáng.
Móc hết tiền trong ví cũng không đủ 400 ngàn nên tôi chỉ mua đươc mười mấy con, tôi như đang thì thầm với những con còn lại:
- Tao xin lỗi! Vì một mình tao không thể cứu hết được chúng mày.
Mang những chú chim nhỏ về thả ra vườn, chúng liền bay lên cây Mít gần đấy và tiếng tíu tít lại vang lên dù vẫn còn rất nhỏ. Lòng cảm thấy vui vui.
Chợt nhớ đến lời của một nhà sư khi tôi đang làm công trình cho Trường Phật học Đại Tùng Lâm
- "Phóng sinh tức là nhìn thấy chúng sinh bị bắt nhốt, giam giữ hay gặp nạn thì mở lòng từ bi tìm cách cứu giúp, giải thoát, cứu mạng sống của chúng sinh. Điều này xuất phát từ lòng nhân hậu, từ bi của mỗi con người. Nếu phóng sinh thực hiện không đúng cách thì chỉ là mê tín và mang tính chất hình thức".
Rồi tôi lại cứ băn khoăn việc làm vừa rồi có khi nào lại tiếp tay cho những người đi bẫy chim trời như lời nhiều nhà sư đã nói : " Với điều kiện như ở Việt Nam hiện nay thì tốt nhất không nên phóng sinh, vì sau khi phóng sinh xong sẽ có người bắt chúng lại. Phóng sinh hiện nay đang bị biến tướng và người phóng sinh còn mắc tội thúc đẩy sát sinh bởi hành động tìm mua con vật để phóng sinh gián tiếp thúc đẩy việc người ta đi bẫy chim, bắt cá... làm tổn hại tới những loài sinh vật mà họ chọn để phóng sinh".
Chuyện làng quê
Phạm Đình Kỳ
Link nội dung: //revcat.net/tieng-chim-keu-mua-bao-hieu-a14551.html