BÀI II
Gió thu đến từ nơi đâu (thơ Lưu Vũ Tích),
Làng xóm bỗng chốc mát lạnh (thơ Lục Du).
Khói thôn trang tỏa mờ (thơ Tạ Diếu),
Cây núi xanh ngút ngàn (thơ Tào Thực).
Móc đêm, nắng mới lên vẫn còn ướt (thơ Đỗ Phủ),
Suối cát, buổi chiều tà càng sáng (thơ Khấu Chuẩn).
Lên đường, tình cảm bịn rịn (thơ Đào Tiềm),
Ý xa xăm gửi khắp Tiêu Tương (thơ Tư Không Thự).
Dịch thơ
Gió thu trời gửi từ đâu,
Làng quê bỗng lạnh một bầu mát xanh.
Thôn trang mờ khói buông mành,
Ngút ngàn xanh, ngút ngàn xanh cây ngàn.
Nắng lên sương móc điểm trang,
Sáng choang suối cát chiều vàng lung linh.
Người đi vương vấn bao tình,
Tiêu Tương lưu bóng ôm hình xa xôi…
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Đây là bài thứ hai trong 8 bài thơ tập cổ, thể thơ ngũ ngôn bát cú luật Đường như bài 1, Quế Đường tiên sinh vịnh phong cảnh mùa thu ở Vĩnh Châu. Trên đường đi sứ xa xôi vạn dặm, biết bao khó nhọc, hiểm nguy. Nhưng cũng có đôi khi được thong thả thư nhàn, chủ yếu do hoàn cảnh khách quan tạo nên. Đây chính là lúc thi nhân sứ thần có dịp ngồi trên con thuyền chở sứ đoàn lên Yên Kinh, ngược dòng Tiêu Tương. Thi nhân nước Việt ung dung thu vào tầm mắt phong cảnh sơn thủy hữu tình, mơ màng thả hồn theo mây nước ở xứ người.
Bài này, tác giả mượn thơ của các các tác giả Lưu Vũ Tích, Lục Du, Tạ Diếu, Tào Thực, Đỗ Phủ, Đào Tiềm, Khấu Chuẩn và Tư Không Thự. Toàn là những bậc đại bút đời Đường, đời Tống và cả thời Kiến An trước đó nữa. Tào Thực, còn gọi là Tào Tử Kiến, con trai thứ của Tào Tháo, tác gia nổi tiếng bậc nhất ở thời Kiến An, Tam Quốc tranh hùng tranh bá.
Chủ đề, tất nhiên vẫn là phong cảnh mùa thu ở Vĩnh Châu. Nhưng cảnh thu, sắc thu, hồn thu lại được nhấn mạnh ở những nét thu trong khoảnh khắc không gian, thời gian tạo dáng, làm nền cho bức tranh thu có đường nét, âm giai đặc biệt, làm sáng lên tứ thơ và theo đó, là tâm trạng của thi nhân nước Việt trên đường đi sứ.
Như thấy một một hợp xướng giai điệu nhịp nhàng, đa phức điệu, cùng nhau tấu lên như không hề có sự hẹn hò, mà không hề lỗi nhịp trình thức... Mỗi câu thơ là một thi liệu, quấn quýt với nhau, tôn tạo, hòa quyện vào nhau, làm nên một tổng phổ trữ tình, ngân vang mãi dư ba man mác…
Người đi vương vấn bao tình,
Tiêu Tương in bóng lưu hình xa xôi…
Mượn thơ người, nhưng là để chuyển tải tâm hồn, trí tuệ của chính mình. Quả là một cách chơi thơ tuyệt kỹ !
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Link nội dung: //revcat.net/dau-thu-nhan-ngam-phong-canh-vinh-chau-tap-co-bai-2-a14501.html